Sự xuống cấp của đạo đức xã hội trong nền kinh tế thị trường và thủ phạm của nó
Lê Anh Hùng
18/11/2009 1:08 sáng 1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=13383
Trong một vài thập niên gần đây, cùng với đà khởi sắc của nền kinh tế sau khi nước nhà bước vào công cuộc đổi mới, báo chí và người dân đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh trong xã hội, từ những người sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ cho đến cả những doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm đàng hoàng: lợn nuôi bằng thức ăn tăng trọng; rau nhiễm thuốc trừ sâu hay sử dụng thuốc kinh thích tăng trưởng gây hại cho sức khoẻ; trứng gà Trung Quốc biến thành trứng gà ta; phân bón giả, kém chất lượng; thuốc chữa bệnh giả; sự lập lờ giữa sữa hoàn nguyên với sữa tươi của các doanh nghiệp chế biến sữa; thực phẩm quá hạn của Vinafood; nguyên liệu nước giải khát quá hạn của Tân Hiệp Phát; các cây xăng gian lận hàng loạt; ô nhiễm môi trường tràn lan… Điều đáng quan ngại hơn nữa là tình trạng suy đồi về đạo đức kinh doanh như thế đang diễn ra ngày càng phổ biến với mức độ ngày một nghiêm trọng và tinh vi hơn. Và cuối cùng, mọi hậu quả đều đổ lên đầu người dân và xã hội.
Chúng ta đều biết rằng quan hệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng là mối quan hệ cá – nước; chính nhờ sự ủng hộ của người tiêu dùng, của cộng đồng và xã hội, doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển. Do vậy, giới doanh nghiệp lẽ ra cần phải ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội của mình. Và một khi công luận đã phải lên tiếng báo động về sự suy đồi của đạo đức kinh doanh, điều này cũng có nghĩa là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp trầm trọng. Những hiện tượng mà báo chí đã nêu như tham nhũng tràn lan; đồng tiền chi phối nhiều mối quan hệ giữa người với người, kể cả quan hệ thầy trò hay quan hệ ruột thịt; thái độ vô cảm của bác sỹ, y tá trước nỗi đau đớn của người bệnh; nạn “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” dự án, “chạy” án, “chạy” bằng cấp, “chạy” học hàm…; thói quan liêu, nhũng nhiễu của những người nằm trong bộ máy công quyền; sự thờ ơ của những người có trách nhiệm; tình hình tội phạm gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là tội phạm bạo lực ở độ tuổi vị thành niên … chính là những bằng chứng thuyết phục cho nhận định đó. Điều đáng báo động là những chuyện nhức nhối như thế vẫn đang diễn ra ngày một nhiều và dường như xã hội không còn cách nào khác là phải “thích ứng” với nó như thể chấp nhận “sống chung với lũ” vậy.
Nhiều người gọi những hiện tượng trên đây là “mặt trái của kinh tế thị trường.” Nếu quả đúng như vậy, tại sao tình trạng này ở Việt Nam lại đến mức độ phải báo động, trong khi kinh tế thị trường là hình thái kinh tế không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phổ biến ở hầu hết mọi nền kinh tế trên thế giới, ngoại trừ Triều Tiên và Cuba? Đâu là nguyên nhân đích thực của nó?
Bài viết này mong muốn đi tìm lời kiến giải cho tình trạng trên một cách có hệ thống từ những hiểu biết khiêm tốn của tác giả.
1. Trật tự xã hội
Con người là sự tổng hoà của các mối quan hệ tự nhiên và xã hội. Các mối quan hệ xã hội hay sự tương tác xã hội giữa con người với nhau tuân theo những quy tắc khác nhau. Những quy tắc này (còn gọi là thiết chế) do con người thiết lập nên, ràng buộc cách ứng xử vốn dĩ mang tính tuỳ ý và cơ hội chủ nghĩa của họ. Tập hợp các quy tắc (thiết chế) điều chỉnh hành vi của con người chính là cơ sở hình thành nên trật tự xã hội.
Người ta phân biệt hai loại thiết chế:
(i) Thiết chế bên trong: là những thuần phong, mỹ tục, quy chuẩn đạo đức, những nguyên tắc luân lý làm cơ sở cho cách ứng xử của con người… Những thiết chế này xuất phát từ trong lòng cộng đồng, tiến hoá từ kinh nghiệm của con người và xuất phát từ bản chất tự nhiên và xã hội của con người. Sự vi phạm các thiết chế bên trong thường bị trừng phạt một cách phi chính thức, chẳng hạn như bị cộng đồng tẩy chay khi làm điều gì đó trái đạo lý;
(ii) Thiết chế bên ngoài: là những quy tắc được áp đặt từ trên xuống thông qua một quy trình chính trị do một nhóm người đại diện được uỷ quyền tiến hành. Thiết chế bên ngoài đi kèm với những hình phạt rõ ràng, được áp đặt chính thức (ví dụ, các phiên toà) và có thể chịu sự chế tài thông qua việc sử dụng quyền lực hợp pháp (chẳng hạn, cảnh sát).
Thiết chế bên trong và thiết chế bên ngoài có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Thiết chế bên ngoài giúp phát huy phẩm chất tích cực, tiến bộ và hạn chế những yếu tố lạc hậu, phản tiến bộ của thiết chế bên trong. Hiệu lực của các thiết chế bên ngoài phụ thuộc mạnh mẽ vào việc liệu chúng có bổ trợ cho các thiết chế bên trong hay không; chẳng hạn, liệu pháp luật có đề cao các giá trị đạo lý, thuần phong mỹ tục của xã hội hay không.
Pháp luật, loại thiết chế thượng tầng (bên ngoài) cơ bản và phổ biến nhất, ra đời cùng với sự xuất hiện của nhà nước.
2. Nền tảng trật tự xã hội của các nước phương Tây
Tự do và dân chủ là những giá trị cốt lõi của nền văn minh phương Tây. Văn minh phương Tây là một nền văn minh đặc biệt bởi lẽ không giống như các nền văn minh khác, nó không bị giới hạn về không gian và thời gian. Không chỉ những nước như Mỹ, Canada, Australia… vẫn được xem là các quốc gia phương Tây, mà ngay cả những nước như Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh phương Tây nếu nhìn vào hệ thống thiết chế thượng tầng của nó. Nhật Bản đã sớm phát hiện và hấp thụ những giá trị tự do – dân chủ của phương Tây, những giá trị đã đem đến sự phát triển thần kỳ cho nó, ngay từ giữa thế kỷ 19. Văn minh phương Tây đề cao pháp luật và tự do cá nhân.
Người nào đòi hỏi sự thống trị của pháp luật tức là đòi hỏi sự thống trị của Đức Chúa và Trí Khôn mà không phải của ai khác; trong khi người nào đòi hỏi sự thống trị của một con người thì chẳng khác nào đem đến một con mãnh thú hoang dại; vì cảm xúc của con người cũng giống như con mãnh thú hoang dại và những tình cảm mạnh mẽ sẽ dẫn dắt những gì tốt đẹp nhất của con người sa vào chốn lầm đường lạc lối.
Pháp luật là lý trí không bao hàm mong muốn.
(Aristotle, triết gia Hy Lạp; 384-322 TCN)
Chúng ta là những nô lệ của pháp luật để có thể được tự do.
Tự do là tài sản vô giá.
(Tullius Cicero, 106-43 TCN, luật sư và tác gia người La Mã)
Trong nhiều niềm hạnh phúc và quyền tự do khác, mà các thần dân của Bệ hạ … được hưởng … không gì mà họ coi là đáng yêu và đáng quý hơn điều này – được dẫn dắt và chịu sự chi phối của một hình thái pháp trị nào đó … và không phải bởi bất kỳ một chính thể độc đoán và bất trắc nào.
(Trích Thỉnh Nguyện Thư của Hạ viện [House of Commons] gửi Vua James Đệ Nhất, 7/7/1610)
Có một vòng tròn xung quanh mỗi con người cá nhân mà chính quyền không nên được phép bước qua; trong cuộc sống của mọi người, khi đến tuổi trưởng thành, có một phần mà ở đó bản thể cá nhân của người đó phải ngự trị chứ không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân nào khác cũng như của công chúng nói chung.”
(John Stuart Mills, 1806-1873, triết gia, lý thuyết gia chính trị, nhà kinh tế chính trị người Anh, Các nguyên lý kinh tế chính trị [Principles of Political Economy])
John Stuart Mills quan niệm rằng tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của nó trong tự do của người khác. “Tự do chân chính, không hề không nhất quán với pháp luật, mà trên thực tế phụ thuộc vào pháp luật. Pháp luật đích thực là hiện thân của tự do. Pháp luật là nhân tố cốt lõi của tự do. Nếu không có pháp luật thì không thể có tự do. Pháp luật đúng đắn (orthonomos) là tự do.” (Friedrich Hayek – Cuộc đời và sự nghiệp; Alan Ebenstein; NXB Tri Thức, 2007) Sự tiến hoá của các hình thái nhà nước trong lịch sử phương Tây có thể được xem như quá trình tiến hoá của hệ thống thiết chế thượng tầng (pháp luật) nhằm đem lại mức độ tự do cá nhân khả dĩ lớn nhất. Đỉnh cao của quá trình tiến hoá này chính là cuộc cách mạng tư sản, bắt đầu từ thế kỉ 16 và kéo dài tới thế kỉ 20. Cách mạng tư sản đã thiết lập nên nền dân chủ và tạo ra sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có của lực lượng sản xuất, là một bước tiến mang ý nghĩa lịch sử trọng đại của xã hội loài người.
Như vậy, thành tựu phát triển của các nước phương Tây có thể được nhìn nhận là chủ yếu bắt nguồn từ sự đề cao pháp luật và quyền tự do cá nhân. Các điều kiện về tự nhiên, chủng tộc, địa lý… đóng vai trò khiêm tốn hơn. Điều này còn được chứng minh qua sự phát triển vượt bậc của một số nước châu Á theo đuổi các giá trị tự do – dân chủ của phương Tây như Nhật Bản, Singapore[1], Hàn Quốc, Đài Loan…
3. Những yếu tố chi phối trật tự xã hội của Việt Nam từ sau năm 1945
Trở lại với lịch sử Việt Nam hiện đại. Sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hiến pháp 1946 có thể nói là một bản hiến pháp rất tiến bộ vào thời điểm đó. Đây là bản hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần phân chia quyền lực (tam quyền phân lập): lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) giống như Hiến pháp Hoa Kỳ và hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Hiến pháp được đặt cao hơn nhà nước: Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp; mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70). Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.” Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn một dòng. (Chẳng hạn, Điều 12 được viết: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm.”) Hiến pháp 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền”. Điểm đáng chú ý là Điều 10 bản Hiến pháp 1946 qui định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.” Đây là những quyền tự do bị hạn chế trong các bản hiến pháp sau này.
Đáng tiếc là sau đấy, do hoàn cảnh lịch sử nhưng quan trọng hơn là xuất phát từ bản chất độc tài của Đảng Cộng sản cũng như tầm nhìn thiển cận, hẹp hòi và sự đam mê quyền lực của một số nhà lãnh đạo Đảng thời kỳ ấy, bản Hiến pháp 1946 trên thực tế đã bị chết yểu trước khi có hiệu lực chính thức. Thay vào đó, hệ tư tưởng Marx-Lenin dần dần được áp đặt và chi phối toàn bộ đời sống kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước. (Do Đảng Cộng sản là lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội nên điều lệ, đường lối và chính sách của Đảng cũng có thể xem là một loại thiết chế bên ngoài; thậm chí chúng còn đứng trên cả pháp luật – như ta vẫn thường nghe điệp khúc: Tuân theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.) Việc áp đặt hệ thống thiết chế thượng tầng một cách duy ý chí, không phù hợp với nền tảng thiết chế bên trong của xã hội (đạo lý truyền thống của dân tộc, những chuẩn mực đạo đức của xã hội…) đã để lại những hậu quả ghê gớm kéo dài cho tới tận hôm nay. Thông qua lăng kính “đấu tranh giai cấp,” các nhà lãnh đạo Đảng lúc đó đã du nhập vào xã hội Việt Nam những giá trị xa lạ, phi nhân: đề cao tập thể và những giá trị gắn liền với tập thể; hạ thấp vai trò cá nhân và những giá trị cá nhân khác; chia xã hội ra thành những giai cấp đối kháng trong khi vẫn không ngớt kêu gọi toàn dân “đoàn kết”; đảo lộn trật tự truyền thống sỹ – nông – công – thương và thay vào đó là quan niệm theo kiểu “trí – phú – địa – hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”; đề cao chủ nghĩa lí lịch, tiêu chuẩn “vừa hồng vừa chuyên” với sự lên ngôi của tầng lớp bần nông ít học, khiến nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện từng phải lên tiếng ngao ngán trước cái mà ông gọi là nền “chuyên chính vô học.”
Hậu quả của tình trạng trên đến gần như ngay lập tức: hàng loạt công trình đền chùa, miếu mạo, nhà thờ… bị phá bỏ không thương tiếc; những di sản văn hoá truyền thống của dân tộc như ca trù, hát xẩm… bị lên án mạnh mẽ, không còn đất sống. Và đỉnh cao của nó chính là tấn thảm kịch đẫm máu có một không hai trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc: cuộc Cải cách Ruộng đất “long trời lở đất” (1953-1956), trong đó hàng trăm ngàn người đã bị giết hại một cách tàn bạo và đê hèn, với những nghịch cảnh trái luân thường đạo lý như con tố cha, vợ tố chồng… Cuộc cải cách này (cùng chiến dịch “sửa sai” sau đó) đã gây một bầu không khí kinh hoàng ở nông thôn miền Bắc lúc ấy, tác hại mạnh đến sự đoàn kết dân tộc và nhiều thế hệ người Việt Nam. Chiến dịch đàn áp trí thức qua vụ Nhân văn Giai phẩm (1956-1958) tiếp theo đó diễn ra như một hệ quả tất yếu.
Văn hoá phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vốn coi trọng danh dự cá nhân. Tấn trò “phê bình và tự phê bình” khiến một người vừa hạ thấp danh dự của người khác vừa hạ thấp danh dự của chính mình. Và khi không thể thực hiện được điều đó một cách nghiêm túc, người ta buộc phải “phê bình và tự phê bình” một cách hời hợt, giả tạo. Những khẩu hiệu kiểu như thế từ xưa đến nay và sự hù doạ của bộ máy tuyên truyền của Đảng về cái gọi là “diễn biến hoà bình” rồi “tự diễn biến” mới đây… đã tạo nên một bầu không khí nghi kỵ, ngột ngạt bao trùm xã hội Việt Nam (“Mình rình mọi người, mọi người rình mình.”) Các giá trị của chủ nghĩa xã hội ngày càng tự bộc lộ cho thấy là xa rời thực tế, thậm chí không tưởng, khiến cho dối trá trở thành căn bệnh cố hữu của chế độ. “Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.” (Nhà văn Nguyễn Khải, 1930-2008, Đi tìm cái Tôi đã mất, 2006)
Ông Lê Duẩn từng kể lại một câu chuyện liên quan đến thời kỳ hoạt động bí mật của mình tại Nha Trang. “Một chị là cơ sở cách mạng nuôi giấu ông trong buồng ngủ. Bất chợt, người chồng trở về và nổi cơn ghen khiến ông có nguy cơ bại lộ… Chị cơ sở báo động và xin chỉ thị có cần phải ‘khử’ người chồng hay không? Ông không đồng ý và đề nghị một phương án khác, thu xếp mọi việc êm thấm và thoát hiểm.” (“‘Một nửa thế giới‘ trong mắt cố TBT Lê Duẩn“, VietNamNet, 8/3/2007) Câu chuyện đọng lại trong chúng ta điều gì đằng sau sức mạnh “giác ngộ” và “cảm hoá” từ những tín điều của chủ nghĩa Marx-Lenin?
Rõ ràng, các thiết chế thượng tầng phi nhân đã làm băng hoại những chuẩn mực đạo đức của xã hội, thậm chí khiến nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn.
Sau năm 1986, cùng với quá trình “đổi mới” hay thực chất là “cởi trói” từng bước của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân được hưởng nhiều quyền tự do hơn. Kết quả gần như đến ngay tức thì. Đất nước dần bước ra khỏi khủng hoảng, từ chỗ thiếu đói trầm trọng đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, những bất cập của hệ thống thiết chế thượng tầng (đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước) thì vẫn còn nguyên đó, khiến những khuyết tật cố hữu của hệ thống càng có cơ hội bộc lộ như đã nêu trong phần đầu bài viết. Và nhiều người đã vội chụp cho nó cái mũ mang đầy vẻ hù doạ: “mặt trái của kinh tế thị trường.” Song những ai tỉnh táo đều hiểu rằng hiện tượng băng hoại đạo đức xã hội đã diễn ra từ rất lâu. Bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán năm 1957 là một trong những phản ứng của các bậc trí thức có khí phách thời ấy trước tình trạng giả dối đang ngự trị trong xã hội: Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêu. Nhiều người hẳn còn chưa quên bài thơ Mùa Xuân Nhớ Bác trên báo Tiền Phong đầu năm 1986 của tác giả Phạm Thị Xuân Khải. Bài thơ đã gây chấn động dư luận một thời và xem ra cho đến nay nó vẫn còn nguyên tính “thời sự”: Đồng chí không bằng đồng tiền/Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp; Có mắt giả mù, có tai giả điếc/Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung/Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ; Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?/Tham quyền cố vị/Sợ trẻ hơn già; Nay say sưa trong cảnh giàu sang/Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan? Rõ ràng, kinh tế thị trường chính là mảnh đất màu mỡ mà những mầm mống “đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa” đơm hoa kết trái.
Với thực tế mọi quyền lực Nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) đều nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam (chưa kể một quyền lực xã hội hết sức quan trọng khác là báo chí), pháp luật bị các nhóm lợi ích khác nhau nằm trong tập đoàn lợi ích khổng lồ mang tên Đảng Cộng sản tha hồ thao túng, tha hồ lũng đoạn. Ai cũng biết rằng luật pháp ở Trung ương nằm trong tay Bộ Chính trị, còn luật pháp ở địa phương thì nằm trong tay các thường vụ tỉnh uỷ, huyện uỷ. “Dao sắc không gọt được chuôi,” Đảng không thể dùng pháp luật để “xử” chính mình được. Sự bất lực của hệ thống pháp luật và tình trạng bị trói chân trói tay của báo chí là những nguyên nhân trực tiếp khiến cho tình trạng tham nhũng tràn lan, tiêu cực trong xã hội hoành hành, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng như hiện nay. Hãy cứ nhìn vào bộ mặt nham nhở của các đô thị hay cảnh tượng nhốn nháo trên các đường phố ở Việt Nam là đủ để hình dung ra tình trạng tuân thủ pháp luật và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan công quyền.[2] Những tấn trò hề như “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là bằng chứng cho thấy thất bại thảm hại của cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” và sự suy đồi của đạo đức công vụ. Mỉa mai thay, người ta lại còn có tham vọng thông qua cuộc vận động này để “xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội” (!?)
Bần cùng sinh đạo tặc; bất công sinh đạo tặc; pháp luật lỏng lẻo sinh đạo tặc. Đó chính là lý do giải thích cho những hiện tượng như Năm Cam (Sài Gòn), Khánh Trắng (Hà Nội), Dung Hà (Hải Phòng – Sài Gòn), Phúc Bồ (Hà Nội), Tin Pa-lét (Nha Trang), Minh Samara (Vũng Tàu)… Việc các băng nhóm này lần lượt bị xoá sổ không có nghĩa là thế giới ngầm bị thu hẹp, mà ngược lại, các băng nhóm tội phạm đang ngày càng lộng hành, một cách trắng trợn và tinh vi hơn.[3]
Thị trường là một cơ chế tiến hoá. Trên thị trường luôn diễn ra quá trình chọn lọc và đào thải. Điều đó có nghĩa là thị trường sẽ loại khỏi cuộc chơi những người tạo ra những giá trị mà xã hội không mong muốn (sản phẩm chất lượng thấp, mẫu mã kém… so với sản phẩm cạnh tranh). Khi nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đáng báo động hay ô nhiễm môi trường phổ biến, đó không phải là khiếm khuyết của thị trường mà chính là lỗi của hệ thống pháp luật, của các cơ quan công quyền, của hệ thống chính trị. Xã hội có cả người tốt lẫn kẻ xấu, bởi lẽ nó là một tổng thể đa dạng. Khi mà sự giả dối ngự trị trong xã hội, cũng như khi mà trong xã hội kẻ xấu lấn lướt người tốt, điều đó có nghĩa là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp trầm trọng. Và vấn đề của mọi xã hội luôn có gốc rễ từ hệ thống thiết chế thượng tầng (hay thiết chế bên ngoài) của nó. Quá trình chọn lọc và đào thải của thị trường nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của con người hay đòi hỏi của xã hội phản ánh bản BẢN CHẤT ĐẠO ĐỨC của nó. Sự cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường chính là cơ chế để thị trường tạo ra những giá trị mới mẻ và lành mạnh cho xã hội chứ hoàn toàn không có nghĩa là nó tàn bạo hay thiếu đạo đức. Và những ai vẫn cứ khăng khăng bảo lưu quan niệm về cái mà họ gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường” thực ra chẳng hiểu chút gì về thị trường cả.[4]
Như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận: Những lệch lạc của thị trường, nếu có, đều bắt nguồn từ hệ thống thiết chế thượng tầng (pháp luật và bộ máy công quyền) của xã hội. Tình trạng đáng báo động về đạo đức kinh doanh nói riêng và sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội nói chung ở Việt Nam hiện nay có gốc rễ từ hệ thống thiết chế thượng tầng (hệ thống chính trị cùng với những đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước), từ những tín điều không tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin.
4. Tương lai đất nước từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
Dân chủ không phải là cây đũa thần. Đây mới chỉ là điều kiện cần để mở đường cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của một quốc gia. Một số nước theo chế độ dân chủ sau khi trải qua một giai đoạn phát triển cao lại đến hồi chững lại như Philippines, Indonesia, Brazil… Điều này một phần là do những bất cập trong hệ thống pháp luật của họ, một phần là do sự thao túng của các tập đoàn lợi ích của các nước đó (sự cấu kết của giới tư bản thân hữu với giới chính trị gia), dẫn đến tình trạng pháp luật bị lũng đoạn, các chuẩn mực đạo đức xã hội bị xói mòn, khiến các quốc gia trên dần dần rơi vào tình trạng trì trệ. Nạn bạo lực tràn lan ở Brazil cho thấy sự bất lực của hệ thống pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đây. Tại Philippines, nhà độc tài Ferdinand Emmanuel Edralin Marcos (1917–1989, Tổng thống giai đoạn 1965–1986) cùng bà vợ yêu thích lối sống xa hoa Imelda Marcos, hay Tổng thống Joseph Ejercito Estrada (từ năm 1998 cho đến khi bị phế truất năm 2001 rồi phải vào tù vì các tội tham nhũng, rửa tiền, cản trở công lý) đều là những vết thương còn đang nhức nhối trong lòng xã hội Philippines. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Indonesia với Suharto (1921–2008), vị Tổng thống độc tài của Indonesia từ năm 1967 đến năm 1998, người mà sau những năm đầu cầm quyền thành công, đã dần dần chèo lái quốc gia đi theo con đường độc tài (hòng củng cố quyền lực của bản thân) khiến tình hình đất nước ngày càng rơi vào bất ổn và cuối cùng buộc phải từ chức vào tháng 5 năm 1998 sau các cuộc biểu tình hàng loạt. Nếu không vì lý do sức khoẻ ông ta đã phải ra toà với những cáo buộc tham nhũng thời gian sau đó. Dĩ nhiên, đằng sau các chính trị gia đầy tai tiếng này là những tập đoàn lợi ích tham lam, ích kỷ.
Hiện tượng trên xem ra lại đang là một thực tế ở nước Nga hiện tại. Sau khi dùng bàn tay sắt để ổn định lại một nước Nga rối ren dưới thời Boris Yelsin, Putin dường như đang muốn dẫn nước Nga đi vào vết xe đổ của một nhà nước độc tài, thông qua những biện pháp như trấn áp phe đối lập, khống chế và kiểm duyệt báo chí một cách chặt chẽ. Ngày 14/11 và 26/11/2008, lần lượt Hạ viện (Duma) và Thượng viện (Hội đồng Liên bang) Nga thông qua việc sửa đổi hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm, một động thái được hầu hết mọi người nhìn nhận là nhằm mở đường cho “triều đại” mới kéo dài 12 năm của ông Putin bắt đầu từ năm 2012, trong khi “triều đại” cũ vẫn còn gần 4 năm nữa mới kết thúc. Điều đáng quan ngại hơn nữa là việc ông Putin đã phớt lờ việc trưng cầu dân ý và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. (Xem ra, Hiến pháp 1946 của Việt Nam còn tiến bộ hơn nhiều – với quy định những sửa đổi về Hiến pháp phải được toàn dân phúc quyết trong Điều 70.) Trong bối cảnh đó, hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bị một nhóm lợi ích thân cận với Putin thao túng, còn báo chí lại không dám lên tiếng. “Từ năm 2000 đến nay chỉ có một vụ ám sát nhà báo tại Nga bị đưa ra xét xử, còn lại 16 vụ, trong đó có những vụ lớn như việc sát hại chủ bút Tạp chí Forbes phiên bản tiếng Nga Paul Klebnikov hồi năm 2004, và vụ ám sát nhà báo điều tra Anna Politkovskaya hồi năm ngoái.” “Theo Giám đốc Điều hành của CPJ, Joel Simon, trong thư mà hãng thông tấn AFP có được hôm qua, thì chính quyền Nga không có khả năng đưa những vụ việc ra ánh sáng. Theo ông Joel Simon, thì tình hình vừa nói dẫn đến biện pháp tự kiểm duyệt của báo chí Nga khiến cho nhiều vấn đề quan trọng không được tường trình, thậm chí bị giấu kín hoàn toàn.” (RFA – 18/8/2009) Kết quả là như những gì mà chúng ta đang được chứng kiến, tình hình an ninh ở nước Nga ngày càng trở nên bất ổn. Theo đánh giá của tạp chí Foreign Policy (Mỹ) tháng 9/2008 , Moscow nằm trong số 5 thành phố nguy hiểm nhất thế giới:
Đêm 13/9/2006, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga đã bị hai tay súng hạ thủ ngay giữa trung tâm Moscow bằng súng tự động, ông đã qua đời ngay tại bệnh viện trong sáng nay 14/9, đây là một cú sốc đối với giới kinh doanh và chính trị tại nước này.
Ngày 2/11/2009, một số sát thủ đi trên chiếc xe Lada đã xả hơn 20 phát đạn vào chiếc Mercedes của nhà tài phiệt Shabtai von Kalmanovich, ngay giữa trung tâm thủ đô Moscow, chỉ cách văn phòng của Thủ tướng Vladimir Putin vài trăm mét.
Mới đây, ngày 10/11/2009, chính phủ Nga đã phải thừa nhận một thực tế là một bộ phận của lực lượng cảnh sát đã tham gia vào hoạt động kinh doanh tội ác – (BBC World Service). Chỉ riêng lời “thú nhận” ấy thôi có lẽ cũng đủ giúp cho người ta hình dung ra được mức độ tội phạm và tham nhũng ở đất nước này rồi.
Việc các nước phương Tây thường xuyên cáo buộc tình trạng vi phạm nhân quyền ở Nga hoàn toàn không phải là vô cớ. Putin đã đưa nước Nga trở lại vị trí siêu cường nhưng e rằng, nếu vẫn cứ đà này, cũng chính ông ta sẽ đưa nước Nga thụt lùi một cách thảm hại. Trên thực tế, với một hệ thống thể chế thiếu tính chắc chắn, nền kinh tế nước Nga vẫn còn ngổn ngang, dễ đổ vỡ, và phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực khai thác tài nguyên.[5] (Thị trường Chứng khoán Nga: 9 lần ngừng giao dịch trong 3 tuần tính đến ngày 6/10/2008 [do giá cố phiếu lao dốc] )
Khi không thể trông cậy vào hệ thống pháp luật chính thức, người dân buộc phải quay sang dựa vào hệ thống “pháp luật” phi chính thức của thế giới ngầm. Đó chính là những gì đã xẩy ra ở Italia ngày xưa (mà cho đến nay nước này vẫn chưa thể giải quyết tận gốc các băng nhóm tội phạm mafia) và ở nước Nga, Brazil, Mexico… ngày nay. (Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra một cách thầm lặng ở Việt Nam. Đây chính là nguồn sữa nuôi dưỡng các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Nguy hiểm hơn, chúng đã bắt đầu len lỏi vào bộ máy chính quyền các cấp, hoặc tạo vỏ bọc hợp pháp trong các doanh nghiệp.)[6]
Những lãnh tụ như Putin không thiếu gì các chiêu bài mị dân. Một trong số đó là việc ông ta cho khôi phục lại những hình ảnh về một “dĩ vãng oai hùng” của Liên Xô ngày nào hòng vuốt ve, ru ngủ quần chúng, như cho tiến hành duyệt binh kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười, hay việc ngày 19/5/2009, Tổng thống Dmitry Medvedev ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban đặc biệt chống mưu toan xuyên tạc lịch sử, làm phương hại đến lợi ích nước Nga.[7] Những lãnh tụ mị dân có xu hướng độc tài kiểu như Putin thời nào cũng có, vấn đề là người dân ở các quốc gia đó cần phải tỉnh táo và các thiết chế dân chủ của nó phải đủ mạnh để giám sát và ràng buộc quyền lực. Không chỉ Putin, một Hugo Chavez của Venezuela cũng đang tìm mọi cách dùng dầu mỏ để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước này. “Cách mạng xã hội chủ nghĩa” chẳng qua chỉ là chiêu bài giúp ông ta thuyết phục dân chúng chấp nhận thay đổi Hiến pháp qua cuộc trưng cầu dân ý tháng 2/2009 vừa qua mà thôi (sau thất bại lần đầu vào tháng 12/2007) để cho ông ta tiếp tục ngồi dài dài trên chiếc ghế quyền lực nhất của quốc gia. Một biện pháp khác mà ông ta đã và đang sử dụng nhằm củng cố quyền lực của mình là tấn công vào các cơ quan truyền thông đối lập, với yêu cầu đóng cửa hoặc cho tiến hành điều tra với những cáo buộc thiếu căn cứ. Cho dù tầng lớp dân nghèo hiện nay có thể đang hồ hởi với các chính sách dân tuý của ông nhưng về lâu dài chính họ sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề, khi những động lực cho tăng trưởng và phát triển lần lượt bị các chính sách theo kiểu này làm cho thui chột. Rốt cuộc, các tầng lớp doanh nhân, trí thức và trung lưu mới là động lực chính cho gần như mọi cỗ máy kinh tế; hơn ai hết, họ cần được hít thở bầu không khí của tự do – dân chủ để phát huy khả năng sáng tạo của mình, tạo ra những giá trị mới mẻ và lành mạnh cho xã hội đồng thời dẫn dắt xã hội phát triển. Thế giới có lẽ chẳng cần phải đợi lâu trước khi được chứng kiến một Venezuela xã hội chủ nghĩa “mang màu sắc Hugo Chavez.” (Tạp chí Foreign Policy [Mỹ] tháng 9/2008 đánh giá thủ đô Caracas của Venezuela là thành phố nguy hiểm nhất thế giới với tỷ lệ 130 vụ giết người trên 100.000 dân. Tạp chí còn cho biết thêm: Trên thực tế, kể từ khi Chavez lên nắm quyền năm 1998, tỷ lệ số vụ giết người chính thức đã tăng lên 67% – chủ yếu là do tình trạng bạo lực ma tuý và băng nhóm gia tăng. Theo tạp chí The Guardian của Anh, tốc độ lạm phát của Venezuela năm 2008 lên đến 30%, mức cao nhất trong số các nước Mỹ Latin.)
Đằng sau sự phát triển thành công của Hàn Quốc chính là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa một bên là các vị tổng thống độc tài cùng phe nhóm lợi ích của mình với một bên là các lực lượng tiến bộ trong xã hội. Nỗi ám ảnh về các tổng thống độc tài đối với người dân Hàn Quốc còn để lại dấu vết trong bản Hiến pháp hiện hành, với quy định nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm và tổng thống không được phép tái ứng cử. Riêng Singapore là một trường hợp ngoại lệ. Mặc dù phe đối lập ở đây khá yếu và báo chí cũng không hoàn toàn tự do như ở các nước phát triển nhưng hệ thống pháp luật của nó lại hết sức nghiêm minh, có thể nói là hoàn hảo, đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển bền vững và lành mạnh của quốc gia này. Thành quả này chủ yếu là nhờ ông Lý Quang Diệu, vị Thủ tướng lập quốc có tầm nhìn xa trông rộng. Phải chăng ông đã tự định cho mình triết lý “thiên hạ là nhà” của một bậc tài trí và đạo đức hơn người?
Quyền lực là một thứ ma tuý khó cưỡng và dễ gây tác hại khôn lường. Nhà kinh tế học vĩ đại người Mỹ Milton Friedman (1912–2006) từng viết, “Ngay cả khi những kẻ nắm quyền lực có thiện ý từ đầu…, quyền lực cũng sẽ vừa cuốn hút vừa nhào nặn họ thành những con người mang bản chất khác” (Chủ nghĩa Tư bản và Tự do [Capitalism and Freedom]). Abraham Lincoln (1809–1865) thật sâu sắc khi nhận xét: “Hầu như tất cả mọi người đều có khả năng đứng vững trước nghịch cảnh, nhưng nếu muốn thử phẩm chất của một người, hãy trao quyền lực cho anh ta.” Cựu Tổng thống Mỹ Clinton mới đây được Reuters dẫn lời khi ông phát biểu tại Istanbul hôm 2/11/2009: “Thật hay là đất nước chúng tôi có giới hạn [về nhiệm kỳ tổng thống]. Nếu không, tôi đã ở lại Nhà Trắng cho tới khi được đưa ra khỏi đấy trong một cỗ quan tài. Hoặc bị đánh bại trong một cuộc bầu cử.” Không phải ngẫu nhiên mà giới chính trị gia nói riêng và người dân Đức nói chung đều hồ hởi sau khi Liên minh Dân chủ – Xã hội Cơ đốc giáo (CDU-CSU) của bà Angela Merkel đi đến thành lập chính phủ liên hiệp với Đảng Dân chủ Tự do (FDP, dành được 15% số phiếu ủng hộ) trong nhiệm kỳ chính phủ 2009-2013 thay vì Đảng Xã hội Dân chủ (SPD, dành được 23% phiếu bầu) như trong nhiệm kỳ 2005-2009: họ muốn có một phe đối lập mạnh để giám sát hoạt động của chính phủ. Napoleon Bonaparte (1769-1821) từng phát biểu: “Quần chúng chỉ là những con số không dài vô tận, giá trị chính là ở con số đầu!” Vấn đề, bởi vậy, nằm ở cơ chế cho phép tìm ra “con số đầu” giá trị nhất đồng thời phòng ngừa nguy cơ lạm dụng quyền lực của nó. Quyền lực luôn có xu hướng tự tha hoá, và một khi điều đó xẩy ra thì những hệ luỵ kiểu như “mặt trái của kinh tế thị trường” là thực tế không tránh khỏi. Nhà văn người Anh William Hazlitt (1778-1830) từng để lại cho hậu thế câu châm ngôn nổi tiếng khiến người đời nhiều khi phải tự soi mình: “Yêu tự do là tình yêu dành cho người khác, yêu quyền lực là yêu chính bản thân mình.”
Hệ thống thiết chế thượng tầng khác nhau cũng tạo ra những giá trị khác nhau, trong đó có tầng lớp hữu sản. Ở các nước công nghiệp phát triển với hệ thống pháp luật chắc chắn và minh bạch cùng một nền báo chí tự do, giới tư bản thường là những người có tinh thần doanh nghiệp, tài năng, giàu sức sáng tạo, giàu ý tưởng, giàu nghị lực. Và cuối cùng họ thường dùng tài sản của mình để phụng sự xã hội theo nhiều cách khác nhau, không chỉ đơn thuần là nhằm mục đích “quảng bá” hay “khuếch trương”: Hỗ trợ nhân đạo; hiến tặng cho các trường đại học, các viện nghiên cứu; tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ… Ngược lại, giới nhà giàu (chủ yếu là giới tư bản thân hữu và các quan chức tham nhũng) ở các nước mới nổi với hệ thống pháp luật thiếu minh bạch hoặc bị các nhóm lợi ích thao túng như Trung Quốc, Nga, Việt Nam… lại thường gây ra nhiều tai tiếng. (Chuyện một triệu phú ở phía Bắc Trung Quốc mới đây đã chi ra 600.000 USD để mua một con chó rồi cử 30 chiếc xe Mercedez đến sân bay Hàm Dương, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây để đón con chó này hoàn toàn không phải là cá biệt.) “Đằng sau mọi gia tài lớn đều ẩn chứa một tội ác” (Honoré de Balzac, Pháp, 1799-1850; Le pére Gorilot, 1834). Những gì mà chúng ta đang được chứng kiến ở Việt Nam ngày nay là một minh chứng sống động cho nhận định ấy. Xã hội chắc chắn không thu được lợi lộc gì đáng kể, thậm chí nhiều khi còn phải chịu ảnh hưởng tiêu cực, từ “tầng lớp hữu sản” như vậy. Lối xử thế khác nhau của hai tầng lớp hữu sản kể trên là bằng chứng cho chúng ta thấy sự khác biệt về chuẩn mực đạo đức giữa những nước có hệ thống thiết chế thượng tầng khác nhau.
Dù vậy, xin quý vị chớ vội bi quan. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Việc nêu lên những bài học đắt giá như trên là để tránh cho đất nước khỏi đi vào vết xe đổ mà thôi. Chúng ta có ít nhất hai lý do để lạc quan. Thứ nhất, các giá trị tự do – dân chủ đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, dễ nhận thấy nhất là các nước xã hội chủ nghĩa sau khi chuyển sang chế độ dân chủ đều phát triển, tuy ở mức độ khác nhau – đây là điều đương nhiên. Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ [9/11/1989] vừa qua chính là một dịp giúp chúng ta kiểm nghiệm lại chân lý đó. (Một sự kiện rung chuyển thế giới và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới như thế mà báo chí Việt Nam lại vẫn cứ im thin thít – đủ cho thấy thực chất của cái gọi là “tự do báo chí” ở Việt Nam hiện nay!?) Tình hình tương tự cũng diễn ra ngay tại các quốc gia độc tài nhưng vẫn theo đuổi các giá trị tự do – dân chủ trong quá khứ như Hàn Quốc, Chile, Argentina… (Việc Việt Nam chúng ta thoát ra khỏi khủng hoảng trầm trọng sau năm 1986 thông qua “đổi mới” cũng chính là nhờ thực tế người dân được “cởi trói” và có nhiều tự do hơn.) Thứ hai, các chế độ dân chủ đều có khả năng tự điều chỉnh theo chiều hướng tích cực mà không tạo ra những xáo trộn lớn trong xã hội. (Điều này phần nào giải thích cho lý do tại sao đến nay vẫn còn tồn tại khoảng cách nhất định giữa Đông Đức và Tây Đức.) Các nhà độc tài cùng những thế lực phản tiến bộ đứng đằng sau họ rốt cuộc đều bị khuất phục bởi những lực lượng tiến bộ trong xã hội (dù thường là với cái giá chẳng hề rẻ chút nào). Đáng tiếc là cả hai phẩm chất vừa nêu đều không tồn tại trong những nước theo chủ nghĩa xã hội như Việt Nam và Trung Quốc, bởi đây là những quốc gia độc tài theo kiểu toàn trị – khác với hình thức độc tài chuyên quyền như của các nước trên đây. Những cụm từ mỹ miều như “chủ nghĩa xã hội,” “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” hay “nhà nước của dân, do dân và vì dân” đều chỉ là mánh khoé loè bịp không hơn không kém của các chính trị gia độc tài, thiển cận, tham lam và ích kỷ.
5. Kết luận
Trước thời điểm 9/11/1989 chỉ một ngày thôi, không ai ở Châu Âu lại có thể hình dung ra nổi những gì sẽ diễn ra với Bức tường Berlin ngay trong ngày hôm sau cả. Cũng vậy, không ai có thể hình dung ra bộ mặt của thế giới trong 5 hay 10 năm tới sẽ như thế nào. Song nếu chúng ta luôn đi theo sự dẫn dắt của những giá trị tự do – dân chủ mà nhân loại tiến bộ đã lựa chọn từ bao thế kỷ qua, con đường của đất nước sẽ luôn là con đường sáng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải hiểu rằng cải cách thể chế triệt để là con đường tất yếu nếu không muốn đất nước sớm rơi vào hỗn loạn và trì trệ với một nền đạo đức xuống cấp trầm trọng; mọi biện pháp cải cách nửa vời theo kiểu “thí điểm” đều là mầm mống gây nên những bất ổn lâu dài cho xã hội. Ngoài ra, một Việt Nam hậu cải cách cần phải thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật” ngay từ đầu. Muốn vậy, Hiến pháp phải được xây dựng một cách khoa học, thực tế và có tầm nhìn dài hạn; vừa bảo đảm sự chế ước và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của quyền lực Nhà nước, vừa bảo đảm các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Hệ thống văn bản pháp luật trước hết phải thể hiện tính nghiêm minh, với quan niệm rằng nhân đạo với một người sẽ là vô nhân đạo với nhiều người khác; hạn chế tối đa việc trao quyền định đoạt tuỳ ý cho người thừa hành pháp luật; thưởng phạt phải công minh, thậm chí người phạm tội có địa vị càng cao càng không được phép nương tay, tuyệt đối tránh tạo ra những tiền lệ nguy hiểm. Cuối cùng, quan trọng không kém, các nhà lãnh đạo, các chính trị gia cần phải nghĩ đến tương lai của giống nòi, không ngừng trau dồi đạo đức và biết hy sinh quyền lợi cá nhân trên tinh thần “dĩ công vi thượng.” Nếu được như vậy, không có lý do gì khiến chúng ta không dám tin tưởng vào một tương lai sán lạn của dân tộc Việt Nam.
Quảng Trị – 16/11/2009
© 2009 Lê Anh Hùng
© 2009 talawas blog
[1] Dù Singapore vẫn có thiên hướng là một nhà nước chuyên quyền.
[2] Bản thân hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng đầy bất cập, tạo lỗ hổng cho tiêu cực trong xã hội. Chẳng hạn, Việt Nam hiện nay mới chỉ có Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Trong rất nhiều vụ tranh chấp, việc người tiêu dùng phải chứng minh lỗi do bên bị đơn (thương nhân) gây ra là rất khó khi họ không có khả năng giám định cũng như hiểu biết khác về quy trình, thủ tục… Kết quả là hàng loạt các vụ xâm phạm nặng nề đến quyền lợi người tiêu dùng như xăng dầu, điện nước, điện thoại, vệ sinh an toàn thực phẩm… đã xẩy ra nhưng chưa có trường hợp nào nhà sản xuất bồi thường và cũng chưa có trường hợp nào người tiêu dùng lên tiếng khiếu kiện tập thể được chấp nhận.
Một ví dụ khác là loại súng hoa cải đã gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho người dân ở nhiều địa phương khu vực phía Bắc từ năm 2006 đến nay nhưng theo các quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành, súng hoa cải không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Hành vi tàng trữ loại súng này không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính, tức là không thể khởi tố vụ án hình sự, không thể bắt tạm giam cũng như áp dụng hình phạt tù đối với những người tàng trữ loại vũ khí nguy hiểm này mà chỉ có thể áp dụng hình phạt tiền.
Một Chính phủ cồng kềnh, ôm đồm – ngay cả vụ việc tiêu cực ở Bệnh viện Phú Lương (Thái Nguyên) như báo chí nêu trong thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng [phải] can thiệp, và chắc chắn mọi chuyện đâu rồi sẽ lại vào đấy – nhưng chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới còn chưa kịp hình thành trên đảo Luzon của Philippines nhưng trên đất liền Việt Nam cơn “bão lạm phát” đã lên đến cấp độ ngoài tầm kiểm soát. Một Quốc hội xuân thu nhị kỳ mới gặp nhau và sau những màn tay bắt mặt mừng rồi ca tụng Chính phủ là thi nhau “bấm nút.” Dân chúng thì đang ngẩn ngơ không biết nên vui hay nên buồn với tin sốt dẻo: Tại kỳ đại hội Đảng các cấp sắp tới, Bộ Chính trị sẽ cho phép khoảng 15% số địa phương thực hiện “thí điểm” việc đại hội bầu cấp uỷ trực tiếp!
[3] Chính bản thân vợ chồng tôi (tác giả) cuối năm 2005 cũng đã từng phải bỏ nhà bỏ cửa ở Hà Nội rồi vào Quảng Trị nhằm trốn chạy khỏi sự truy sát của các băng nhóm xã hội đen.
[4] Thị trường cũng không hề có lỗi khi mà giá vàng trong nước ngày 11/11/2009 vừa rồi lên đến 29,3 triệu VNĐ/lượng – cao hơn giá vàng thế giới đến khoảng 5 triệu VNĐ/lượng – rồi nhanh chóng rớt xuống còn 24,9 triệu VNĐ/lượng trong ngày 13/11 sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tuyên bố vào chiều 11/11: “Sẽ có 5-6 doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng với khối lượng không hạn chế.”
Trước những cú đòn chính sách theo lối du kích “thoắt ẩn, thoắt hiện” (xuất phát từ tầm nhìn thiển cận và trong rất nhiều trường hợp có sự thao túng của các nhóm lợi ích đang ngày càng tác oai tác quái) như thế, thị trường không hoang mang rối trí thì mới là lạ. Từ đó nó sẽ còn đẻ ra những chuyện tiêu cực khác như buôn lậu chẳng hạn. (Chỉ riếng con số “5-6 doanh nghiệp” nói trên cũng đủ khiến nhiều người phải đặt câu hỏi rồi.)
Tham vọng “tái cấu trúc nền kinh tế” của các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay lại là thể hiện một tư duy ngây thơ, đầy “nhiệt tình cách mạng” khác nữa. Không phải vô cớ mà nhà kinh tế học kiêm triết gia vĩ đại người Áo Friedrich August Hayek (1899-1992) từng nhận định: Chúng ta chưa bao giờ thiết kế được hệ thống kinh tế của mình. Chúng ta không đủ thông minh để làm điều đó. (F. A. Hayek, Trật tự chính trị của một dân tộc tự do [The Political Order of a Free People], 1979) Hãy nhìn xem các chính sách của Chính phủ đã giúp ích được gì cho ngành công nghiệp ô tô trong suốt mười mấy năm qua thì đủ biết.
[5] Nếu không tính PetroVietnam, thử hỏi các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam còn đóng góp được bao nhiêu vào nền kinh tế quốc dân?
[6] Nhận định này còn xuất phát từ chính kinh nghiệm của bản thân tác giả.
[7] Ngày 13/10/2009 vừa qua, một toà án ở Moscow đã bác bỏ đơn kiện của ông Yevgeny Dzhugashvili, cháu trai của Joseph Stalin, đối với tờ báo Nga độc lập Novaya Gazeta. Theo Dzhugashvili, bài báo đã xúc phạm đến ông nội của ông khi gọi Stalin là “kẻ giết người khát máu.” (Hãng thông tấn PAP – 13/10/2009)
No comments:
Post a Comment