Tuesday, November 10, 2009

BAO GIỜ CHO HẾT THÁNG MƯỜI !


Bao giờ cho hết tháng Mười (Âm Lịch)!
GS TS toán học Nguyễn Thu
Bài này được đăng lúc 00:05 ngày Thứ Ba, 10/11/2009
http://bauxitevn.net/c/17268.html
Câu hát quan họ quen thuộc nói lên lòng háo hức của nam thanh nữ tú vùng Kinh Bắc mong chờ “bao gìờ cho đến” mùa lễ hội hàng năm! Chúng tôi biến dạng hai từ “cho đến” thành “cho hết” đặt tên cho bài tiểu luận này để nói lên ước vọng sống còn của người dân Trung Bộ từ Nghệ – Tĩnh đến Ninh Thuận, khi hàng năm phải sống trong kinh hoàng qua mùa mưa bão lũ kéo dài từ Tết Đoan ngọ đến cuối tháng Mười Âm lịch!
Trong bài góp ý ngắn gọn này chúng tôi đặt trọng tâm vào vấn đề phân tích tại sao có hiện tượng “lũ quét sau cơn bão” ngày càng trầm trọng làm ngập lụt cả một quận lỵ hay thành phố như từng xẩy ra vào năm 2005 tại Huế, Đà Nẵng, Hội An, mới đây sau cơn bão số 9 tại Quảng Trị, Hội An, Dung Quất và nhãn tiền sau cơn bão số 11 tại Phú Yên, Bình Định, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận…

Ngoài những thiệt hại vật chất to lớn, về nhân mạng đã có trên 100 người chết, người sống thì đang đối mặt với nước lũ, đói và khát. Nặng nề nhất là Phú Yên. Đến tối 4-11, toàn bộ TP Tuy Hòa vẫn tê liệt do ngập sâu trong nước, ông Võ Văn Tri TGĐ Cty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, nguyên văn như sau :
“… Sáng 3-11, lũ đổ về quá nhanh, chúng tôi xả lũ 8.000m3/giây, đến trưa đã xả 10.000m3/giây. 18g ngày 3-11, lũ đổ về lòng hồ quá lớn và nhà máy quyết định xả 14.450m3/giây, kéo dài suốt tám giờ. Đến chiều 4-11, vẫn đang xả 9.000m3/giây. Việc xả lũ trong tình hình những ngày vừa qua là giải pháp buộc lựa chọn, bởi đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn, nếu không làm thế chắc chắn thảm họa sẽ khủng khiếp hơn nhiều đối với hàng vạn người dân ở hạ lưu. Nhìn hàng ngàn bà con bị ngập lụt tôi cũng xót xa lắm chứ, nhưng không còn cách nào khác. Trong khả năng của mình, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kịp thời thông báo về diễn biến xả lũ để chính quyền di dời dân trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ như những ngày qua là bất khả kháng…“.
Phải chăng dân Trung Bộ đang rơi vào một định mệnh tập thể khủng khiếp “không lối thoát và bất khả kháng” do thiên tai gây nên hàng năm như ông Võ Văn Tri mô tả.

Chúng tôi không nghĩ như vậy!

1)
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Chính phủ đã chọn mô hình thủy lợi kiểu Trung Quốc áp dụng cho toàn quốc : “Đào hồ hay ngăn thung dưới chân núi để biến thành hồ trữ nước tưới tiêu thủy lợi. Nếu triền núi dốc và hồ chứa lớn thì quy hoạch làm thủy điện”.

a) Lấy hồ Dầu Tiếng làm thí dụ, đây là hồ đào nhân tạo kéo dài từ chân núi Ba Đen đến địa phận quận Củ Chi, với một dung lượng chứa khổng lồ để tưới tiêu. Vì triền núi thoải nên không làm “thủy điện”, tuy nhiên nếu đập thủy lợi Dầu Tiếng vỡ thì cả vùng Sài Gòn – Gia Định được dự báo sẽ ngập dưới 2 mét nước! May mắn nhờ thảm thực vật rừng nguyên sinh kéo dài từ núi Bà Đen qua chiến khu Dương Minh Châu sang đến Cam Bốt còn khá nguyên vẹn nên không có hiện tượng đất đá từ triền núi bị xói mòn đổ xuống lòng hồ, làm cho thể tích hồ teo lại theo thời gian! Do đó lưu lượng nước mưa được thảm thực vật thiên nhiên điều hòa ổn định nên hồ Dầu Tiếng không gây lũ lụt hàng năm. Vì sao thảm thực vật ở đây không bị phá hoại như nhiều nơi khác? Đây vốn là vùng sinh sống của người theo đạo Cao Đài, và có phải tôn giáo này làm cho họ không đang tay tàn phá phá rừng tàn tệ như dân không tôn giáo? Hoặc có phải do quân đội Mỹ đã không rải thuốc khai quang xuống đây cũng bởi đây là địa bàn của giáo dân Cao Đài và dân nước Cam Bốt trung lập trong thời chiến tranh?

b) Thí dụ thứ 2 là hồ thủy điện Hòa Bình. Hồ dài hàng trăm cây số chạy theo thung của hai triền núi dốc ở trong tình trạng hoang hóa thành núi trọc từ thời Pháp thuộc, do người miền xuôi lên khai thác gỗ rừng nguyên sinh vô tội vạ từ nhiều chục năm nay. Sau khi xây xong đập thủy điện Hòa Bình, quy hoạch trồng lại rừng nguyên sinh dọc theo triền núi đã không thực hiện được, nên hàng năm mưa lũ kéo “cát, đất , sỏi, đá” từ các núi trọc xuống lòng hồ làm dung lượng chứa hồ Hòa Bình ngày càng teo theo năm tháng! Vì đáy hồ bị đất đá xói lở trôi xuống nên mực nước hồ thủy điện Hòa Bình vài năm lại lên cao một mét, trong khi đập Hòa Bình xả lũ xuống trong mùa mưa làm các dòng chảy của sông Đà thay đổi phá hủy nhiều làng mạc trong địa phận Hà – Sơn – Bình cũ. Do đó đã có kế hoạch di dân vùng này vào Bảo Lộc! Nếu không trồng lại được rừng nguyên sinh trên triền núi để tạo thảm thực vật giữ nước trong mùa mưa thì chỉ còn cách duy nhất là đào một hồ thủy điện trên thượng lưu sông Đà chứa nước “đỡ” cho hồ Hòa Bình – một giải pháp tình thế chỉ có khả năng giải quyết vấn đề xả lũ trong vài chục năm!
Đó là giải pháp vay tiền TQ xây đập Sơn La!
Nay vay thêm tiền khởi công xây thêm ba đập thủy điện nữa!
Và đơn giản rằng nói sẽ quy hoạch phủ núi đối trọc bằng cây “cao su rễ nông”, để các đồng bào thiểu số di dân sẽ sống nhờ vào cây công nghiệp này. Chưa nói gì đến chuyện các đồn điền cây cao su (cũng như đồn điền cà-phê trên Tây Nguyên) không có tác dụng gì như một thảm thực vật giữ nước mùa mưa, mặt khác một trận bão lớn có khả năng sẽ làm cả ngàn cây cao su gẫy gục (như trường hợp hàng trăm hec-ta rừng cây Tai tượng trồng dưới chân núi Bạch Mã đã bị gẫy gục vào năm 2005).

2)
Trường hợp các hồ trữ nước tưới tiêu và hồ thủy điện đào nhân tạo dưới chân các triền núi của dãy Trường Sơn nhằm trữ nước ở đầu nguồn các con sông đổ vào các thành phố ven biển thuộc miền Nam Trung Bộ, về mặt thực trạng sau hơn vài chục năm sử dụng thì cũng giống như trường hợp hồ thủy điện Hoà Bình nói ở trên.
Sau hơn ba chục năm (2009-1975) đáy hồ bị nâng lên khi đất, cát, đá sỏi trên núi xói lở nên làm cho thể tích hồ co lại, nước lũ từ núi đổ về không có chỗ chứa sẽ đổ ập về hạ lưu gây nên tình trạng “lũ quét” làm sập các công trình và nhà cửa người dân những chỗ nó đi qua. Nếu là hồ chứa nước của công trình thủy điện như ở Phú Yên, do sợ thành đập không chịu nổi áp lực vỡ (như ở Siberie tháng trước!) thì ông Võ Văn Tri còn cách gì hơn là phải xả lũ, nhất là lại trong tình thế lúng túng, không có kế hoạch điều tiết nước trước khi cơn bão xẩy ra! Mặt khác địa thế của các hồ thủy điện và tưới tiêu tại các tỉnh Trung Bộ còn tạo ra một tình trạng khó khăn hơn hồ Hòa Bình rất nhiều! Triền núi Trường Sơn dốc như vậy, nước từ núi đổ vào hồ trong trong thế “rót nước vào lọ” (thí dụ đập thủy điện Đa Nhim) nên người ta không thể đào thêm hồ trên phía thượng nguồn như trường hợp sông Đà. Rõ ràng người dân miền Trung không thể tìm cách “sống chung với lũ” như người dân sống dọc theo con sông Mêkông hiền hòa tại miền Nam. Xem ra chỉ còn giải pháp trồng lại rừng nguyên sinh cho Tây Nguyên, Tây Bắc và Trường Sơn như chuyên gia các nước phương Tây khuyên nhủ.

Kết luận

1. Việc xây đập Sơn La có thể coi như là tình trạng “bất khả kháng”? Phải chăng cần vay tiền TQ để thực hiện kế hoạch này vì WB va ADB không cho vay do khủng khoảng tài chính toàn cầu, do công cuộc bảo vệ môi trường sống của đồng bào thiểu số sau khi tái định cư không được bảo đảm (dẫn chứng bằng việc họ theo dõi tái định cư tại Hòa Bình).

2. Nay vay thêm tiền xây thêm ba đập thủy lợi nữa tại Tây Bắc, thử hỏi lợi bất cấp hại ra sao?
a) Điện và mủ cao su sản xuất ra sau này bán cho TQ có đủ tiền trả cả vốn lẫn lời cho họ không? Chưa kể các hồ thủy lợi sẽ tạo thay đổi môi trường, sinh ra các loại ốc và thủy sản mang mầm “bệnh lạ” trôi về hạ lưu như tại đập Asam Ai Cập (vào năm 1950) hay bên Thái Lan hiện nay.
b) Cho rằng dân thiểu số trên vùng Tây Bắc được tạo công ăn việc làm trước mắt vì các nhà thầu xây đập sẽ tuyển mộ họ như công nhân cửu vạn xây đập thủy điện Sơn La và ba đập thủy điện khác. Nhưng ai là người sẽ bảo đảm môi trường sống từng thích nghi cả nghìn năm nay với thiên nhiên của người thiểu số sẽ không bị phá hủy sau này (xem hệ quả phá hoại thiên nhiên của các đập Liên Xô xây dựng trên sông Volga trong thời gian Stalin trị vì thì rõ)!
3. TQ cũng đang xây đập trên đầu nguồn sông Đà và sông Hồng trên đất của họ, sau này muốn làm áp lực kinh tế hay chính trị, họ chỉ việc siết nước lại tại thượng nguồn thì chúng ta chỉ còn cách van lạy!
4. Từ đời vua Hùng đến giờ những công trình trị thủy sống còn của giống nòi Lạc Việt như công cuộc “đắp đê ngăn lụt các sông vùng đồng bằng Bắc bộ” luôn luôn là một thể hiện ý chí quốc gia của cả dân tộc. Một chính phủ bạc nhược và tham nhũng thì không thể nào huy động được ý chí dân tộc thực hiện “trồng lại rừng nguyên sinh” cho cả hai vùng Tây bắc và Tây Nguyên, cho dầu họ có được Tây phương viện trợ hàng tỷ đô-la để làm chuyện này.
Mọi người đều biết thế mà!

NT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập




No comments: