Thursday, November 12, 2009

ĐẤU TRANH cho DÂN CHỦ từ BA LAN

Đấu tranh cho Dân chủ từ Ba Lan
Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan
2009-11-11
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Life-of-a-vietnamese-dissident-in-poland-11112009155121.html
Trong thời gian qua, cộng đồng người Việt nhiều nơi trên thế giới gửi về nhiều câu hỏi liên quan tới cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan, tỏ ra quan tâm tới cộng đồng mới hình thành này, nhất là sau bài phóng sự về cộng đồng người Việt trên kênh truyền hình Đức quốc hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Thông tín viên RFA tại Ba Lan nói chuyện với một nhà hoạt động dân chủ người Việt tại Ba Lan, nghe anh tâm sự về cuộc sống của người Việt đang chờ quy chế tị nạn, về hoạt động của an ninh cộng sản Việt Nam tại Ba Lan và nguyện vọng của người hiện chưa được sống hợp pháp tại Ba Lan.

An ninh Việt Nam họat động ở Balan?
Anh Nguyễn Lâm là người viết thơ, làm văn và là một trong những số hiếm người Việt dám hoạt động lộ liễu trong đội ngũ dân chủ Việt Nam tại Ba Lan, dù cuộc sống chưa ổn định, nhất là chưa được hợp pháp cư trú. Anh Nguyễn Lâm cũng là người từng phải giáp mặt với an ninh Việt Nam tại Ba Lan, từng bị đe dọa và đánh đập bởi không khuất phục an ninh cộng sản. Chúng tôi nghe anh kể về những vụ việc đặc biệt đó và muốn hiểu thêm về cuộc sống bấp bênh của anh.

Vân Anh: Xin anh cho biết anh bắt đầu xin quy chế tị nạn ở Ba Lan từ bao giờ và kết quả ra sao?
Nguyễn Lâm: Tôi xin quy chế tị nạn từ năm 2003, theo công ước quốc tế, tôi sang Ba Lan và xin tị nạn chính trị ở Ba Lan. Các cơ quan công chức của Ba Lan làm việc rất tắc trách nên cho tới giờ tôi vẫn chưa được hưởng quy chế tị nạn.
Vân Anh: Cuộc sống của anh tới giờ ra sao khi chưa được công nhận quyền tị nạn?
Nguyễn Lâm: Trong thời gian đó tôi có gặp một số rắc rối. Có người Việt Nam mời tôi vào nhà hàng, nói thẳng với tôi rằng người ta là nhân viên của công an Việt Nam và thuyết phục tôi không nên đấu tranh cho dân chủ cho Việt Nam làm gì, vừa mất công sức vừa không được việc gì. Người ta nói thẳng là công an của Việt Nam, thứ nhất khuyên tôi, thứ hai là đe dọa nếu không nghe thì sẽ có biện pháp mạnh. Tôi trả lời rằng tôi là con người trân chính nên tôi chẳng sợ gì cả. Sau đó, tôi bị một số bọn đầu gấu đi theo tôi, đánh và cướp giật tài sản của tôi.

Người Việt ở mọi nơi đều mong ước VN có dân chủ
Vân Anh: Khi người ta đe dọa anh như vậy, rồi sau đó bị tấn công thì anh có suy nghĩ gì khác không ạ?
Nguyễn Lâm: Tôi nghĩ tôi là một người con của gia đình và là một công dân Việt Nam thực sự, là người chân chính, tôi không mưu cầu lợi ích cá nhân vậy nên dù tôi có bị phiền hà, có bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng tôi cũng chỉ lấy tâm huyết của mình góp phần nhỏ bé cho đất nước tiến kịp trào lưu mới của xã hội chứ không đi thụt lùi lại, thật quá lỗi thời rồi. Tôi muốn bằng tâm huyết của tôi, dù tôi có bị nguy hiểm tới cá nhân thì tôi cũng không nề hà vì tôi cũng muốn cùng với những người cùng chí hướng đồng đội của tôi ở Ba Lan đấu tranh cho Việt Nam thì tôi cũng chấp nhận thiệt thòi. Nhiều người Việt Nam sống bất hợp pháp bên Ba Lan này nên người ta (Ba Lan) lo ngại sẽ có nhiều người Việt ở đây sẽ làm gánh nặng cho Ba Lan thế nên người ta rất khắt khe trong quy chế tị nạn. Tôi cũng đành chấp nhận điều đó.
Vân Anh: Nhưng anh có thấy anh có thể là gánh nặng cho Ba Lan hay không? Khi đã được hợp pháp hóa cư trú thì những đóng góp của anh cho Ba Lan sẽ là gì?
Nguyễn Lâm: Tôi cũng có nhiều dự định muốn triển khai ở trên đất nước thứ hai này thế nhưng trong sự chờ đợi này nó gần như là mòn mỏi thế nên tôi cũng chưa biết thế nào để nói cụ thể phương hướng sẽ ra sao trong khi tôi chưa được chính thức công nhận là người tị nạn.
Vân Anh: Cảm ơn anh và chúc anh sớm ổn định tại Ba Lan
Nguyễn Lâm: Cảm ơn đài Á Châu Tự Do.

Vừa rồi là cuộc nói chuyện của chúng tôi với anh Nguyễn Lâm, một nhà hoạt động dân chủ Việt Nam tại Ba Lan.
Trong bài tới, chúng tôi sẽ chuyển tới quý thính giả cuộc trao đổi về cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan với một nhà hoạt động nhân quyền Ba Lan từ nhiều năm qua bảo vệ quyền lợi người Việt. Mời quý bạn đón nghe.

Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: