Thursday, November 12, 2009

NHỮNG TAY "ANH CHỊ" TRÊN BIỂN ĐÔNG

Những tay “anh chị” trên Biển Đông
Khánh An, phóng viên đài RFA
2009-11-11
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bully-of-the-china-sea-11112009084631.html
Cuối tháng 9 vừa qua, hạ viện Indonesia thông qua Luật Thủy Sản sửa đổi, cho phép tàu tuần tra được bắn và đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Nguyên nhân nào đã làm cho nước này phải sử dụng đến “luật chết” như thế đối với những người láng giềng trong khu vực?

Indonesia muốn cảnh cáo ai
Tiến sĩ Nguyễn Nhã trong một bài viết của mình đã gọi Luật Thủy Sản mới sửa đổi của Indonesia là một “Án tử hình lơ lửng” khi nước này cho phép tàu tuần tra được bắn và đánh chìm tàu cá nước ngòai đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Còn Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, tư lệnh Quân chủng hải quân, phát biểu với báo chí rằng ông đã trao đổi trực tiếp với tư lệnh hải quân Indonesia và đề nghị mức độ cảnh cáo đối với lần thứ nhất và lần thứ hai vi phạm, đến lần thứ ba có thể bắt giữ và xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, cũng chính Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho rằng nguyên nhân khiến Indonesia thông qua một đạo luật như trên là do vùng biển của họ đã bị xâm phạm quá nhiều trong thời gian gần đây. Không cần gọi đích danh thì ai cũng hiểu “kẻ xâm phạm” lớn nhất trong khu vực Biển Đông không ai khác hơn là Trung Quốc.
Với uy thế của một nước lớn, Trung Quốc gần đây đẩy mạnh các biện pháp mạnh nhằm áp đặt chủ quyền của mình trên Biển Đông, bất chấp phản đối từ các quốc gia láng giềng “thấp cổ bé họng” trong khu vực. Bắt đầu là những vụ bắt giam, phạt tiền ngư dân của các nước khi họ hoạt động đánh bắt trên các vùng biển chồng lấn, tranh chấp.
Ngư dân Việt Nam cũng là một trong số những nạn nhân này. Bà Lương Thị Hoa, vợ thuyền trưởng một tàu đánh cá ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng kể với phóng viên Trân Văn:
Nói chung làm ăn mà nghe Trung Quốc bắt thì phải lo. Thấy làm ăn khó khăn quá nên họ lần lượt bán (tàu) hết trơn.Chứ nghe thấy làm càng ngày càng khó! Chuyến vừa rồi ảnh kể là làm ngoài nớ thấy Trung Quốc chạy ngang nó lấy một chiếc đó. Chiếc ở miền trong. Nó bủa lên lấy hết năm sáu tấn cá luôn. Ảnh kêu chạy ngang sợ dễ sợ, chạy tránh chỗ khác. Bởi làm ăn mà thấy Trung Quốc sợ gớm lắm! Nhiều hồi ở trên tàu mà sợ nó qua lấy cá, lấy dầu, lấy đồ…

Hành động trên khiến người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh của những anh chàng “bully” chuyên bắt nạt kẻ khác trong trường học. “Bully” xác định vị thế và lãnh địa của mình bằng cách ra tay “cảnh cáo” bất cứ ai xâm nhập vào khu vực mà anh ta muốn chiếm cứ.
Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, Trung Quốc đã và đang tiếp tục “đặt cục gạch” xí chỗ ở hầu hết các vùng biển chồng lấn ở Biển Đông bằng cả con đường ngoại giao cấp cao lẫn những luật định, xử lý vi phạm ở cấp thấp. Còn nhớ, vào hồi tháng 3, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu tuần tra lớn nhất Ngư Chính 311 tới khu vực mà Trung Quốc xem là khu đặc quyền kinh tế của họ trên Biển Đông, với lý do là để “bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc”.
Một đại tá quân đội của Philippines phát biểu với AFP rằng “Không thể chấp nhận việc khi vẫn chưa có nguyên nhân báo động nào thì đã điều tàu tuần tra của các quốc gia khác nhau đến khu vực mà họ xác nhận là chủ quyền”. Trong khi đó, Bộ Ngọai Giao Việt Nam cho biết sẽ “quan tâm và theo dõi sát” họat động của tàu này.

Luật rừng trên biển
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục “dò ý chí” Việt Nam bằng cách ra lệnh cấm đánh bắt cá ngay trong khu vực thuộc lãnh hải Việt Nam từ ngày 16/5 đến 1/8 với lý do “bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Sau khi phía Việt Nam lên tiếng cho rằng việc áp dụng lệnh cấm của Trung Quốc là xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, người phát ngôn Tần Cương của Trung Quốc đã trả lời thẳng thắn rằng đây là vấn đề “không thể tranh cãi”!

Ông Dương Danh Dy, cựu viên chức ngoại giao cao cấp tại Sứ Quán Việt Nam ở Bắc Kinh, đã trả lời với phóng viên Mặc Lâm về hành động trên của Trung Quốc như sau:
Họ nói rõ là tàu Ngư Chính số bao nhiêu đấy (tôi không nhớ) là một quân hạm được biến thành tàu đánh cá. Đó là một tàu rất lớn. Và nhiệm vụ của đoàn tàu kiểm tra vùng đánh cá trên Biển Đông mà họ gọi là vùng của họ, thì có nhiệm vụ bắt giữ, xua đuổi tất cả những ngư dân nước ngoài đến đánh cá tại nơi họ gọi là "không hợp pháp". Đây là chủ trương của họ rồi chứ không phải là hành động đột xuất.

Vấn đề chủ quyền trên Biển Đông có liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực. Chỉ tính riêng quần đảo Trường Sa, đã có đến 5 quốc gia tuyên bố chủ quyền, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Hầu hết các quốc gia liên quan đều tìm mọi cách để chứng minh chủ quyền của mình qua các cứ liệu lịch sử, luật pháp quốc tế và con đường ngọai giao.
Riêng Trung Quốc, với vị thế là một quốc gia lớn nhất trong khu vực, đã nhiều lần sử dụng vũ lực lấn lướt các quốc gia láng giềng, đơn phương ban hành luật và áp dụng trên các vùng biển tranh chấp, đẩy mạnh họat động đánh bắt sâu vào lãnh hải các nước trong khu vực. Bởi vậy, sự kiện Indonesia bắt giữ 8 tàu đánh cá và 75 ngư phủ của tỉnh Quảng Tây hồi tháng 6 vừa qua cũng như Bộ Luật sửa đổi mới được ban hành của Indonesia được xem là một lời cảnh cáo của nước này đối với những hành động lộng quyền của Trung Quốc hơn là đối với các quốc gia láng giềng khác.
Nếu xét theo nguyên tắc “cây gậy và củ cà rốt” mà Hoa Kỳ áp dụng, thì đối với Trung Quốc, xem ra nước này chỉ sử dụng “cây gậy” để thăm dò phản ứng của các nước nhỏ, đồng thời tạo ra một sự phục tùng, cam chịu cần thiết đối với những hành động của kẻ xâm phạm.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: