Thursday, November 12, 2009

AI CŨNG HIỂU CHỈ MỘT NGƯỜI KHÔNG HIỂU

Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Tuan’s blog
Wednesday, November 11, 2009
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/11/ai-cung-hieu-chi-mot-nguoi-khong-hieu.html
Bài sau đây là của một anh bạn tôi nhờ đăng dùm cho anh ấy. Anh là PPL, là kĩ sư tư vấn ở Mĩ, người rất quan tâm đến vấn đề Sông Cửu Long và môi trường. Anh là thành viên trong nhóm Viet Ecology.
Nhân đọc bài trả lời phỏng vấn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về vụ xả nước và lũ lụt vừa qua, anh có vài hàng nhận xét dưới đây. Tựa đề bài viết là “Lũ lớn không liên quan đến thủy điện thật không?” nhưng tôi sửa lại (xin lỗi anh PPL) là “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” mượn thơ của anh bạn Đỗ Trung Quân. Xin giới thiệu cùng các bạn.
NVT
---------------------------------------------------

Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
(Năm nhận xét về phát biểu của PTT Hoàng Trung Hải trên Tuổi Trẻ)
[
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=347044&ChannelID=3]

Nhận xét 1: Quá nhiều phủ định. Trong khi dân đang lo lắng muốn được nghe sự thật về nguyên nhân lụt hại mà câu trả lời trên mang nặng tính phủ định, có đến năm chữ “không”. Chỉ nói ra thủ tục cho các dự án thủy điện mà không nói gì về việc độ an toàn của chúng được bảo đảm ra sao! Theo đúng thủ tục không đồng nghĩa là có an toàn. Chính phủ không thể dựa vào thủ tục để kiểm tra khi tai họa xảy ra, cả thủ tục và bộ phận duyệt xét thủ tục có thể sai và đều cần đem ra soát lại từng bước một.

Nhận xét 2: Lạc đề. Không biết Tuổi Trẻ có tường trình câu hỏi này chính xác không. Ông HTH có lẽ không hiểu câu hỏi trên vì ông trả lời hoàn toàn … lạc đề. Dân đang khao khát muốn biết đã có quá nhiều thủy điện hay chưa, muốn ông đánh giá quy hoạch hiện nay ra sao. Thay vì trả lời câu hỏi và nhất là trấn an cho dân biết trung ương làm việc thế nào để bảo đảm an toàn cho dân, ông lại tập trung vào việc quy trách nhiệm cho địa phương phải góp ý kiến như ngầm đổ lỗi dằn mặt họ. Sau cùng, ông lại lách qua chuyện mùa khô và thượng lưu ở nước ngoài, hai đề tài này quan trọng nhưng hoàn toàn không nằm trong mạch chính của câu hỏi.

Nhận xét 3: Bao che. Câu trả lời hoàn toàn bao che cho công ty A Vương, nói có kiểm tra, nhưng không người dân nào được đọc báo cáo kiểm tra ấy, không ai biết kiểm tra đã làm theo phương pháp nào, dùng những dữ kiện từ đâu, có độ tin cậy chính xác ra sao và có được kiểm soát lại độc lập hay không. Quy hoạch và quy trình đầy bí ẩn cộng thêm cách trả lời lèo lách làm dân thêm mối nghi ngờ. Đem sự việc sông Ba Hạ không làm chết ai để che đậy cho tai họa A Vương chẳng khác gì nói bà không có râu thì ông không thể có râu được!

Nhận xét 4: Vấn đề an toàn. Ông HTH công nhận thông tin khí tượng là cốt yếu cho nhà máy nhưng tiết lộ rõ ràng là các nhà máy thủy điện đã được cho phép hoạt động tùy tiện, nghe đài hay nghe tỉnh lấy thông tin khí tượng. Đáng lý ra, nếu thông tin khí tượng không bảo đảm và không tin cậy thì nhà máy không được hoạt động. Các trạm quan trắc là mạng lưới an toàn cho dân và cho đập, ông cho biết trạm xây theo các trận lũ lịch sử nhưng không nói kỷ lục nào, 10 năm hay 100 năm? Trạm phải chống được lũ 1000 đến 10000 năm mới có ích. Thiết kế trạm quan trắc tồi đến nỗi dễ bị cuốn đi như thế thì chính quyền đã phí phạm công quỹ và còn mang tội với nạn nhân.

Nhận xét 5: Chuyện hiển nhiên: Chẳng cần lượng mưa tăng cũng chết người. Trước đây, thảm thực vật còn, rừng còn, chế độ thủy vận an định và dân chúng biết chỗ lụt, chỗ không để định cư hay tản cư. Bây giờ, chém hết cây, lấy hết gỗ để đất trơ trọi, dốc nhiều, không còn khả năng cản và lũ dồn dập chảy ập xuống hạ du. Việc này dân ai cũng biết cả, nhưng ông HTH lèo lách đổ hết tội cho trời mưa nhiều, không nhìn nhận nguyên nhân mà dân ai cũng biết.

Ai cũng biết, chỉ một người không biết!

PPL
Posted by Nguyễn Văn Tuấn at
2:58 PM



No comments: