Monday, June 15, 2009

Ý KIẾN GIỚI LUẬT SƯ VIỆT NAM về VỤ BẮT GIỮ LS LÊ CÔNG ĐỊNH

Các luật sư nói gì?
Cập nhật: 10:01 GMT - thứ hai, 15 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090615_lawyers_lecongdinh.shtml
Vụ bắt luật sư Lê Công Định hôm 13/06 đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận.
Vậy các luật sư VN, những đồng nghiệp của ông Định, nói gì về việc này?
BBC đã hỏi luật sư Phạm Vĩnh Thái, phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh và luật sư Cù Huy Hà Vũ từ Hà Nội.

LS Phạm Vĩnh Thái: Khi nghe tin tôi cũng hơi bị sốc. Thứ nhất là vì ông Định cùng trong giới luật sư , những người biết luật mà giờ đây lại chống lại pháp luật.
Thứ hai là, ông Định thuộc thế hệ sau chiến tranh, sinh năm 1968, khi giải phóng miền Nam thì ông ấy còn nhỏ. Được đào tạo, giáo dục, lớn lên trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà bây giờ lại cấu kết với những người khác để lật đổ chế độ hiện nay thì chúng tôi thấy sốc.
Bản thân tôi hơi sốc và nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng thấy hết sức ngỡ ngàng trước việc này.
Còn đương nhiên nếu ông ấy chống lại pháp luật nhà nước Việt Nam thì sẽ bị pháp luật trừng trị thôi.

BBC: Dạ thưa, trong quá trình hành nghề cùng một thành phố, ông có tiếp xúc với LS Định nhiều hay không ạ?
LS Phạm Vĩnh Thái: Tôi làm việc bên Hội Luật gia, ông Định thì sinh hoạt bên Đoàn luật sư, nên tôi cũng không có tiếp xúc gì nhiều với ông ấy.
Tuy nhiên chúng tôi cũng có biết nhau, tôi biết ông Định là luật sư trẻ, có năng lực, từng làm Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố.

BBC: Như ông nói ông Định và ông là hai thế hệ khác nhau. Vậy thưa ông, liệu sự chênh lệch giữa hai thế hệ có dẫn tới các nhận thức khác nhau về nhiều vấn đề hay không?
LS Phạm Vĩnh Thái: Không, tôi cho rằng dù thuộc thế hệ nào đi chăng nữa, đã sống trong chế độ này thì hiểu biết không thể nào khác nhau nhiều lắm.
Tôi từng tham gia chiến đấu giành độc lập, giải phóng dân tộc rồi bảo vệ chính quyền này. Từ 17 tuổi tôi đã tham gia quân đội chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, rồi sau đó tham gia kiến thiết xây dựng đất nước Việt Nam.
Tôi nghĩ là dù thế hệ trước hay sau, đến thời điểm này thì nhận thức hiểu biết của mọi người về xã hội này đều không thể khác nhau nhiều lắm.

BBC: Thưa, thông tin về việc ông Lê Công Định bị bắt ông đọc được ở đâu ạ?
LS Phạm Vĩnh Thái: Tôi đọc trên internet, rồi trên các báo của Việt Nam xuất bản hôm Chủ Nhật.

BBC: Một số báo đã giật tít như là cho rằng ông Định đã phạm tội, không hiểu ông có nhận thấy chi tiết đó không ạ?
LS Phạm Vĩnh Thái: Tôi xin không bình luận về điều này vì báo chí họ có quyền đưa ra thế này thế khác. Tuy nhiên theo luật pháp Việt Nam, phải qua điều tra, rồi qua công tố, xét xử và chỉ khi bản án có hiệu lực thì mới chính thức xác định có tội hay không.

"CHỜ CHỨNG CỚ"
Về phần mình, tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội nói ông đang trông chờ cơ quan chức năng làm tiếp các thủ tục tố tụng.
LS Cù Huy Hà Vũ: Việc cơ quan an ninh Việt Nam tiến hành bắt khẩn cấp các nhân vật mà họ cho là có tội thì cũng là hoạt động bình thường.
Chỉ có điều sắp tới đây, chúng ta sẽ phải theo dõi xem các chứng cứ mà cơ quan an ninh đưa ra để buộc tội ông Lê Công Định có xác thực hay không, và có đúng pháp luật Việt Nam hay không.

BBC: Khi đọc thông tin trên báo chí VN, ông thấy họ viết về chủ đề này như thế nào?
LS Cù Huy Hà Vũ: Báo chí VN thì tôi thấy gần như chỉ phản ánh lại nội dung mà Tổng cục An ninh cung cấp cho các cơ quan báo chí thôi, tôi không thấy họ bình luận thêm gì.

BBC: Trong số các chi tiết mà các báo đăng tải là ông Lê Công Định đã tham gia viên soạn tài liệu phê phán đích danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bản thân ông mấy hôm trước thì đã khởi kiện ông thủ tướng. Ông có liên hệ gì giữa hai việc này hay không và có quan ngại gì hay không?
LS Cù Huy Hà Vũ: Chuyện cơ quan an ninh nói ông Định phê phán ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi đọc báo chưa thấy có chứng cứ gì.
Thứ hai, nếu quả thực có việc phê phán về các hành vi không đúng pháp luật hay không có lợi cho dân cho nước thì đó cũng là chuyện bình thường.
Còn tôi khởi kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra tòa là theo một quy trình tố tụng đúng pháp luật Việt Nam, minh bạch, rõ ràng. Đơn kiện của tôi đàng hoàng, chính thức, nhận định Thủ tướng đã có hành vi trái pháp luật, mà ở đây là ban hành trái pháp luật một quyết định phê duyệt việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Việc khai thác này có hại cho đất nước cả về trước mắt lẫn lâu dài, bị công luận phản đối mạnh mẽ.

BBC: Ông Lê Công Định còn bị cáo buộc đã sử dụng một số phiên tòa bào chữa để tuyên truyền chống chế độ. Liệu việc này có làm cho các luật sư ngại ngần hơn khi bào chữa cho các bị cáo tạm gọi là "có vấn đề" hay không?
LS Cù Huy Hà Vũ: Bản thân tôi thì không ngại ngần gì cả.
Là luật sư hành nghề, nếu được mời bào chữa và thấy đủ điều kiện có thể bảo vệ được, thì sẽ bảo vệ. Khi bảo vệ, thì phải làm hết mình, dùng hết căn cứ luật pháp, cho dù thân chủ của mình nằm trong vụ án chính trị hay vụ án loại khác.

---------------------------------------------

Phát biểu của LÂM VĨNH THÁI trên tờ Sài Gòn Giải Phóng
Thứ hai, 15/06/2009, 01:07 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phapluat/2009/6/193901/

Một hành động không thể chấp nhận được
(Luật sư Phạm Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM)
Qua thông tin trên báo chí, chúng tôi hết sức bất bình trước việc làm vi phạm pháp luật của luật sư Lê Công Định. Lê Công Định được nhiều người biết đến là một luật sư có tài, đã từng làm Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM. Nhưng không ngờ, trong quá trình hành nghề của mình, Lê Công Định đã thực hiện hành động móc nối với các thế lực phản động ở nước ngoài để lật đổ Nhà nước.
Việc làm của Lê Công Định đã gây một cú sốc lớn trong giới trí thức luật. Những người hiểu biết luật thì không thể hành động như vậy được. Lê Công Định là người được sinh ra và lớn lên, rồi được học tập, trưởng thành trong chế độ này thì không thể chấp nhận lại có hành động chống phá lại Nhà nước, chống lại nhân dân.
Nhà nước chúng ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân có gì đó chưa đồng thuận với chủ trương, chính sách của Nhà nước thì thông qua các tổ chức của mình, thông qua những diễn đàn hợp pháp để biểu đạt nguyện vọng của nhân dân để làm sao cho tốt hơn. Phát huy quyền dân chủ của nhân dân qua các tổ chức chính trị – xã hội của nhân dân mà chúng ta làm từ trước đến nay, đã tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia một cách đầy đủ vào các sinh hoạt chính trị của đất nước.
Lê Công Định có sự bất mãn với chế độ này rồi lại quay ra tìm cách chống đối. Ông ta không chỉ làm một mình, mà đã chủ động móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Đây là hành động mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và thẳng tay trừng trị.
Đối với giới luật gia, luật sư, chúng tôi cực lực lên án hành vi này của Lê Công Định và kiến nghị phải xử lý theo pháp luật một cách nghiêm minh nhất. Hội Luật gia TPHCM kêu gọi giới trí thức luật hãy bình tĩnh và sáng suốt nhận ra những việc làm không đúng của Lê Công Định; đồng thời mạnh dạn lên án những hành vi và việc làm đi ngược lại pháp luật Nhà nước Việt Nam của Lê Công Định và đồng bọn của ông ta.

------------------------------------
Bắt người khéo hơn
Nguyễn Hùng
BBCVietnamese.com
Cập nhật: 16:26 GMT - chủ nhật, 14 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090614_lawyer_arrest.shtml
Vụ bắt luật sư Lê Công Định hôm thứ Bẩy cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách bắt những người cổ súy cho bất kỳ chế độ nào có hơn một đảng.
Nhưng cách chính quyền bắt ông Định dường như cho thấy có sự đổi khác.

Xem những bức hình mà chính quyền cung cấp ra bên ngoài trong vụ bắt ông Định người ta không thấy bất kỳ ai mặc sắc phục công an.
Bốn người xuất hiện trong tấm hình chụp lúc khám nhà ông Định đều mặc thường phục và còn khá trẻ.
Họ trông giống các sinh viên hơn là những sĩ quan cảnh sát.
Người ta cũng nhận thấy trang tin VietnamNet đăng ảnh Phó Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều mặc đồ dân sự trong tin về cuộc gặp của ông Triều với báo chí.
Theo VietnamNet ông Triều nói ''đã thu được rất nhiều tài liệu, chứng cứ cho thấy luật sư Định hoạt động chống Nhà nước từ nhiều năm nay.
Có vẻ như vụ bức hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng khi đứng giữa các bộ sắc phục công an đã dẫn tới sự thay đổi trong cách hành xử của chính quyền.
Nếu xu hướng này tiếp tục, người ta sẽ hạn chế để các bộ sắc phục xuất hiện trong các vụ bắt bớ mà có nguy cơ bị coi là có màu sắc chính trị hay tôn giáo.
Thay vào đó màu áo công an có thể sẽ được dùng trong những vụ liên quan tới tham nhũng, ma túy hay gây mất trật tự xã hội khác mà người dân bức xúc nhiều hơn và dễ phân biệt trắng đen hơn.

Vẫn thế
Nhưng cách báo chí đưa tin về vụ này không có nhiều thay đổi.
Họ tránh gọi tên tục như trong nhiều trường hợp bị bắt khác mà vẫn gọi 'luật sư Định' hay 'Lê Công Định', nhưng nghiễm nhiên coi những gì chính quyền nói là 'sự thật'.
Không có những từ mà người ta hay dùng để tránh cho bị cáo gặp bất lợi khi ra tòa như 'cáo buộc', 'tố cáo', 'cho rằng', 'dường như' hay 'có vẻ như'.
Nếu trong trường hợp chứng cứ của cơ quan an ninh điều tra không đúng và tòa xử ông Định trắng án, ông hoàn toàn có thể kiện báo chí vì đã làm ảnh hưởng tới thanh danh của ông.
Hoặc ông có thể kiện họ vì đã đưa tin theo cách mà có thể ảnh hưởng tới kết luận của tòa.
Không phải vô cớ mà có những nơi trên thế giới người ta cấm các thành viên trong bồi thẩm đoàn đọc báo trước khi bỏ phiếu 'có tội' hay 'vô tội'.
Ngoài ra ngay báo của ngành công an cũng bị cho là đưa tin sai.

Riêng tư

Một luật sư ở Hà Nội nói với BBC ông Định đã rời hãng luật DC Lawyer nhưng bài trên trang mạng của báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an vẫn nói ''Lê Công Định hiện làm việc tại Văn phòng Luật sư Lawyer.''
Ngoài ra các báo cũng theo lời Bộ Công an đưa tin ông Định ''móc nối với Nguyễn Sỹ Bình, đối tượng cầm đầu tổ chức 'Đảng nhân dân hành động' tại Mỹ''.
Trên thực tế trang web của Đảng Nhân Dân Hành Động nói ông Bình hiện đã không còn trong đảng này.
Ngay trang nhà của Đảng Nhân Dân Hành Động đã có đoạn: ''Ông Nguyễn Sĩ Bình và bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi tuy đã rời khỏi, không còn với Đảng Nhân Dân Hành Động, nhưng chúng tôi luôn trân trọng vì sự dấn thân, hy sinh và cống hiến vô hạn của họ cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.''
Một số báo cũng nêu rõ các chi tiết riêng tư của ông Định trong đó có địa chỉ nhà riêng của ông.
Trong khi đó không có báo nào giải thích chuyện vì sao phải ''bắt khẩn cấp'' ông Định.
Hiện chưa thể khẳng định 100% bất kỳ điều gì khi mà tòa án còn chưa có phán quyết nhưng người ta có cảm giác ông Định đã bị kết tội khi đọc tin truyền thông trong nước.
Và trong 24 tiếng đồng hồ đầu tiên người ta có thể khẳng định tỷ số Bộ Công an 1 - 0 luật sư Lê Công Định, một phần nhờ công của truyền thông Việt Nam.

No comments: