Wednesday, June 17, 2009

VỤ LS LÊ CÔNG ĐỊNH và DƯ LUẬN TẠI HOA KỲ

Vụ LS Định và dư luận Mỹ
Trần Đông Đức
Ký giả tự do, gửi cho BBCVietnamese.com
Cập nhật: 12:53 GMT - thứ tư, 17 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/06/090616_vietkieu_usa_lecongdinh.shtml
Sự kiện luật sư Lê Công Định bị bắt ở Việt Nam đang làm chấn động dư luận người Việt tại Hoa Kỳ và cả những người trong chính giới Mỹ quan tâm đến đề tài dân chủ tại Việt Nam như Nữ dân biểu Loretta Sanchez từ California.

Nhận xét về vụ bắt ông Định hôm cuối tuần qua, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một nhà vận động nhân quyền ở Washington DC nói rằng:
"Sự ra tay của nhà cầm quyền Việt Nam đối với ông Lê Công Định bị coi là hành động trấn áp thô bạo.... Việc bắt luật sư biện hộ cho những nhà bất đồng chính kiến như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Văn Hải để cấu thành hành vi phạm tội là sự vụng về và tự mâu thuẫn của nhà cầm quyền Việt Nam."

Một người bị nhà cầm quyền Việt Nam nêu tên là giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã bác bỏ tin này và cho rằng sự gom chung các tổ chức, tên tuổi, đảng phái ở hải ngoại là một chiêu bài đánh lạc hướng dư luận đang thiếu thông tin.
Ông Đoàn Viết Hoạt chưa bao giờ gặp mặt hay nói chuyện với luật sư Lê Công Định: "Sự gom chung này không thực chất về mặt tổ chức của các phong trào đấu tranh tại hải ngoại..."
Giáo sư Hoạt nói thêm: "Có lẽ, hình ảnh trẻ trung tươi sáng của Lê Công Định đã làm thể chế già nua lạc hậu cảm thấy bất an nên mới vu cáo để bắt người như thế."

Giới theo dõi nhân quyền tại Hoa Kỳ như Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở tại New York đã lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam thả ngay lập tức ông Lê Công Định.
Chính giới Hoa Kỳ lần lượt phát biểu, ban đầu bằng ý kiến hôm 14/06 của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak.
Đến thăm cộng đồng Việt ở California hôm 14/06, ông bày tỏ quan ngại và nói "khó có thể tin được là ông Định câu kết với các thế lực thù địch".
Sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ian Kelly, viết trong thông cáo ra tại Washington hôm 15/06: "Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc nhà chức trách Việt Nam bắt LS Lê Công Định hôm 13/06".
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng ra thông cáo có nội dung tương tự.

Thư gửi thủ tướng
Còn văn phòng Dân biểu Loretta Sanchez đại diện cho một khối cử tri tại Little Saigon, tiểu bang California cũng ra thông cáo kêu gọi Việt Nam thả người tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Thông cáo có đoạn: "Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế không thể nhắm mắt trước sự trấn áp lên những người như ông Định, đã dũng cảm và đấu tranh bất bạo động cho tự do và dân chủ."
Dân biểu Sanchez cũng cho biết bà đã viết thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc này.
Trường hợp bắt luật sư Lê Công Định đối với bà là sự việc ''ngoài sức tưởng tượng''.
Bà cũng đã liên lạc với Ngoại trưởng Hillary Clinton và coi đây là một cơ hội để khuyến cáo cho tổng thống Obama về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
"Tổng thống Obama thật ra chưa biết nhiều về Việt Nam nhưng vụ bắt luật sư biện hộ này là điều quá tồi tệ và người như tổng thống Obama sẽ rất quan tâm."

Ông Lê Quyền, một nhà đấu tranh ở Washington DC thì tin rằng trong khi dư luận đang sục sôi về vấn đề Trung Quốc với quặng bauxite Tây Nguyên và chủ quyền Biển Đông, nhà chức trách ở Việt nam bắt luật sư Lê Công Định để "chuyển dư luận sang một hướng khác".
Ông Lê Quyền hy vọng người dân sẽ nhìn các sự kiện này một cách tổng thể và có những biện pháp đấu tranh để trả tự do cho ''người có lòng với đất nước''.

Ông Trần Phú một kỹ sư trong hải quân thì cho rằng việc báo chí nhà nước tại Việt Nam đưa tin về các vụ bắt bớ liên quan đến ông Lê Công Định cho thấy nhiều mâu thuẫn.
Ông nói, theo tin tức thì ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) thân chủ của luật sư Lê Công Định đã bị kết tội trốn thuế nhưng ngay khi luật sư Lê Công Định bị bắt thì báo chí nhà nước lại nói trắng ra vì những hoạt động đấu tranh của ông Nguyễn Văn Hải.



Seapa quan ngại về LS Định

Cập nhật: 09:17 GMT - thứ tư, 17 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090617_seapa_lecongdinh.shtml
Seapa, tổ chức bất vụ lợi đại diện cho giới ký giả và người dùng truyền thông vùng Đông Nam Á kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện LS Lê Công Định.
Seapa gọi ông Định là một luật sư có tiếng, là ký giả, và là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.
"Ông Định là một luật sư bào chữa cho các nhà văn và cá nhân hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam," một tuyên bố của Seapa ra ngày 16/6 có đoạn viết.

Lên tiếng với đài BBC ngày 17/6 từ Bangkok, ông Roby Alampay, giám đốc điều hành của Seapa cho rằng, vụ bắt luật sư Định là đòn đánh trực tiếp vào quá trình dân chủ hóa và tôn trọng nhân quyền, hai lĩnh vực, theo ông, "tối quan trọng đối với cải cách dân chủ tại Việt Nam."
"Vụ bắt LS Lê Công Định đánh đi một thông điệp lạnh lùng và nguy hiểm đối với một số nhà văn và công dân trong nước, những người dùng biện pháp hòa bình để mang lại thay đổi tại Việt Nam."

Roby Alampay, giám đốc của Seapa, một ký giả trẻ người Philippines nói: "Nó cũng sẽ tác động đến giới luật sư, thành tố không thể thiếu được trong quá trình bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân tại Việt Nam."
Ông Alampay nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam cam kết và đảm bảo sự minh bạch, tính công bằng trong quá trình luận tội ông Định, đặc biệt cho ông có quyền chỉ định luật sư, và cho phép truyền thông độc lập tới đưa tin quá trình xét xử."

Quyền cơ bản công dân
Liên minh Báo chí Đông Nam Á, Seapa, là tổ chức độc lập, bất vụ lợi, thành lập năm 1998 gồm đại diện giới ký giả tại ba nước, Thái Lan, Phlippines và Indonesia.
Mục đích của Seapa là bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận trong vùng Đông Nam Á.
Seapa cũng có đối tác tại Malaysia, Campuchia, Đông Timor, và một số ký giả lưu vong Miến Điện.
Seapa hoạt động độc lập với khối Asean.
Ông Alampay cho hay tổ chức của ông theo dõi quyền tự do báo chí tại Asean. Ông hiểu sang năm Việt Nam sẽ nhận chức chủ tịch luân phiên khối Asean thay Thái Lan. Ông muốn thấy Việt Nam có cử chỉ tôn trọng quyền cơ bản của công dân trước tòa.
"Điều chúng tôi quan ngại đó là nếu Việt Nam không tôn trọng quyền của ông Lê Công Định trước tòa, ví dụ như quyền có một phiên xử công bằng, và công khai, chúng tôi sẽ lo lắng về tinh thần và hành động mà Việt Nam, nước giữ vai chủ tịch, sẽ mang đến cho Asean,"
"Trong lúc cộng đồng Asean đang tìm cách xây dựng uy tín và lực đẩy cho việc hình thành một Ủy hội Nhân quyền Asean, và nếu như chủ tịch khối Asean khi ấy không tôn trọng quyền công dân của họ trước tòa, đâu sẽ là cơ hội cho Ủy hội nhân quyền Asean bảo vệ quyền con người trong khối?"

No comments: