Tuesday, June 16, 2009

VỤ LÊ CÔNG ĐỊNH - TIÊU ĐIỂM : LUẬT GIA VIỆT NAM

Vụ Lê Công Định – Tiêu điểm: luật gia Việt Nam
Talawas
17/06/2009 4:27 sáng
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fjjj.gnynjnf.bet/=3fc=3d6030
Lê Thị Công Nhân (1979), Nguyễn Văn Đài (1969), Lê Công Định (1968)… Họ đều là những luật sư trẻ, được đào tạo chính quy, hành nghề tại Việt Nam, một nghề được xã hội trọng vọng và có thể đảm bảo cho họ và gia đình một cuộc sống khá giả. Nhưng họ đều trở thành tù nhân, vì bị coi là vi phạm luật pháp Việt Nam, trọng tội “tuyên truyền chống phá” hay thậm chí “chuẩn bị lật đổ” nhà nước XHCN Việt Nam. Muốn hay không, con đường mà họ đã chọn và sự trừng phạt của nhà nước XHCN Việt Nam đối với họ đang hướng tiêu điểm của dư luận xã hội vào giới luật gia Việt Nam.
Đã có những phỏng đoán rằng văn nghệ sĩ, thường được coi là giới đi đầu chịu nạn trong quá khứ, đã đóng xong vai trò phản biện xã hội truyền thống của mình và đang lùi lại trước sự xuất hiện của những nhân tố mới, trong đó nổi lên là giới luật gia.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một trong những bài viết cuối cùng của Ls Lê Công Định trước khi bị bắt, trong đó ông bày tỏ sự thất vọng trước kết quả bầu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Hội nghị Luật sư Toàn quốc lần thứ nhất ngày 12/5/2009 vừa qua, và hai thái độ khác nhau của hai luật sư trước cùng một vấn đề: Trong khi Luật sư Đoàn Thị Lan (Đoàn Luật sư TPHCM) đề nghị báo Công an TPHCM thận trọng khi sử dụng từ ngữ kết án Luật sư Lê Trần Luật trước khi các cơ quan hữu quan có kết luận về vụ việc mà ông bị cáo buộc thì trên báo Sài Gòn Giải phóng, Luật sư Phạm Vĩnh Thái (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM) đanh thép khẳng định những lời cáo buộc của Bộ Công an đối với Luật sư Lê Công Định, “cực lực lên án hành vi” của người đồng nghiệp của ông. Ở cương vị lãnh đạo của một trong những Hội Luật gia lớn nhất đất nước, dường như ông Luật sư Phạm Vĩnh Thái không cần thuộc
Điều 9, chương II (Những nguyên tắc cơ bản) của bộ Luật Tố tụng Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam (2003): “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.”
talawas
__________

Một hành động không thể chấp nhận được
(Luật sư Phạm Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM)
Qua thông tin trên báo chí, chúng tôi hết sức bất bình trước việc làm vi phạm pháp luật của luật sư Lê Công Định. Lê Công Định được nhiều người biết đến là một luật sư có tài, đã từng làm Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM. Nhưng không ngờ, trong quá trình hành nghề của mình, Lê Công Định đã thực hiện hành động móc nối với các thế lực phản động ở nước ngoài để lật đổ Nhà nước.
Việc làm của Lê Công Định đã gây một cú sốc lớn trong giới trí thức luật. Những người hiểu biết luật thì không thể hành động như vậy được. Lê Công Định là người được sinh ra và lớn lên, rồi được học tập, trưởng thành trong chế độ này thì không thể chấp nhận lại có hành động chống phá lại Nhà nước, chống lại nhân dân.
Nhà nước chúng ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân có gì đó chưa đồng thuận với chủ trương, chính sách của Nhà nước thì thông qua các tổ chức của mình, thông qua những diễn đàn hợp pháp để biểu đạt nguyện vọng của nhân dân để làm sao cho tốt hơn. Phát huy quyền dân chủ của nhân dân qua các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân mà chúng ta làm từ trước đến nay, đã tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia một cách đầy đủ vào các sinh hoạt chính trị của đất nước.
Lê Công Định có sự bất mãn với chế độ này rồi lại quay ra tìm cách chống đối. Ông ta không chỉ làm một mình, mà đã chủ động móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Đây là hành động mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và thẳng tay trừng trị.
Đối với giới luật gia, luật sư, chúng tôi cực lực lên án hành vi này của Lê Công Định và kiến nghị phải xử lý theo pháp luật một cách nghiêm minh nhất. Hội Luật gia TPHCM kêu gọi giới trí thức luật hãy bình tĩnh và sáng suốt nhận ra những việc làm không đúng của Lê Công Định; đồng thời mạnh dạn lên án những hành vi và việc làm đi ngược lại pháp luật Nhà nước Việt Nam của Lê Công Định và đồng bọn của ông ta.
Nguồn:
http://www.sggp.org.vn/phapluat/2009/6/193901/

________________

Xin hãy cân nhắc khi sử dụng từ
(Luật sư Đoàn Thị Lan, Đoàn Luật sư TPHCM)
Báo Công An TP.HCM số 1766 ra ngày 21/03/2009 có bài viết “Những cách thức làm ăn bê bối của VPLS Pháp Quyền” do luật sư Lê Trần Luật (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận) làm trưởng văn phòng, bài viết trên là một trong loạt bài mà nhóm phóng viên Báo Công An TP.HCM đăng về hoạt động của VPLS này.

Tôi là luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM, khi đặt bút viết về bài báo này, tôi xin được dùng tư cách là một công dân thành phố, một bạn đọc thường xuyên của Báo Công An TP.HCM để được nói lên vài ý kiến của cá nhân tôi về một số từ mà nhóm phóng viên của Báo Công An TP.HCM đã sử dụng trong bài viết trên.

1- Ông Lê Trần Luật là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mọi hành vi vi phạm của ông nếu đủ chứng cứ sẽ có pháp luật phân xử, nhưng bên cạnh đó với tư cách là một công dân, trước khi bị tòa án tuyên bố có tội hay không thì ông vẫn là một công dân được pháp luật bảo vệ.

2- Ông Lê Trần Luật đã và đang là một luật sư, được quản lý về mặt hành chính bởi Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, Sở Tư pháp Ninh Thuận, Giấy Chứng nhận hành nghề luật sư của ông do Bộ Tư pháp cấp. Trước khi các cơ quan này lên tiếng kết luận về vi phạm trong lĩnh vực hành nghề luật sư thì ông vẫn đang là một luật sư có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Do đó, xin hãy khoan vội dùng những từ ngữ như: GIAN DỐI - THỦ ĐOẠN LỪA BỊP - CHÂY L Ý LẤP LIẾM - NHẶT NHẠNH NHỮNG ĐỒNG TIỀN MÀ KHÁCH HÀNG BỐ THÍ ĐỂ NHÉT VÀO TÚI RIÊNG - BÊ BỐI - LEM NHEM - GIẬT GẤU VÁ VAI…
Theo cạn ý của tôi quan hệ giữa luật sư Lê Trần Luật và khách hàng là quan hệ dân sự, nếu có vi phạm thì khách hàng có quyền khởi kiện tại tòa án để đòi bồi thường thiệt hại (nếu có). Thậm chí nếu luật sư Lê Trần Luật có vi phạm nặng nề hơn thì các cơ quan chức năng có quyền khởi tố bắt giam ông như mọi công dân khác. Nên đứng về phía nghề nghiệp, luật sư Lê Trần Luật vẫn còn đang chờ kết luận của Hội đồng Kỷ luật Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận, sao lại vội sử dụng những từ ngữ như trên đối với một công dân nói chung và một luật sư nói riêng.

Tôi là bạn đọc rất thường xuyên của Báo Công An, do đặc điểm của ngành nên quí báo thường có rất nhiều tin độc đáo, hấp dẫn nên đã có lượng độc giả rất phong phú về số lượng và thành phần. Qua bài viết này tôi rất mong được dùng thành ý của mình đóng góp cho quí Báo ngày càng xứng tầm với niềm tin mà bạn đọc mong đợi. Vì tôi biết cho dù một công dân vi phạm pháp luật và bị đưa ra trước vành móng ngựa, Hội đồng xét xử vẫn rất cân nhắc sử dụng từ ngữ để thẩm vấn họ nhằm tôn trọng danh dự và nhân phẩm của một công dân trước khi bị tòa tuyên có tội hay không có tội, huống chi…
Nguồn:
http://hcmcbar.org/index.php?option=com_contentlist&task=detail&cat=4&type=2&id=193

__________

Ai cử, luật sư bầu?
(Luật sư Lê Công Định)
Hội nghị Luật sư toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội đã khép lại sau 3 ngày làm việc căng thẳng, từ 10/5/2009 đến 12/5/2009, mà báo chí đăng là “thành công tốt đẹp” như khi bế mạc bao Hội nghị long trọng khác từ hơn 60 năm qua.
Kết quả bầu cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn Luật sư Việt Nam không nằm ngoài dự đoán của đa số người quan tâm, và đặc biệt càng đúng với mong muốn của một số người “rất quan tâm”.
Tôi trở về sau những ngày hội nghị với tâm trạng không biết nên buồn hay vui. Vui vì cuối cùng giới luật sư cũng có được một Tổ chức toàn quốc đại diện cho nghề nghiệp của mình sau thời gian dài chờ đợi. Buồn vì mong ước có được một vị thủ lĩnh thực sự cho giới luật sư Việt Nam đã bị dập tắt nhanh chóng, dù trước khi đến Hội nghị tôi cũng không quá ảo tưởng về một sự đổi thay ngoạn mục.

Tại Hội nghị, phần bàn luận về bản Điều lệ Liên đoàn và thể thức bầu cử đã diễn ra chóng vánh và vụng về, giống y như các vụ án hình sự nhạy cảm mà tôi từng tham gia, bởi lẽ những người tổ chức chỉ muốn “xong cho rồi” để tránh rủi ro bất ngờ cho kịch bản soạn sẵn. Ngồi trong phòng họp tôi miên man nghĩ đến các kỳ bầu cử từ trước đến nay, rồi tự hỏi trong Hội nghị Luật sư toàn quốc này ai cử để luật sư bầu (!?).
Tất nhiên sẽ có người trả lời thay giới luật sư rằng chính các anh đề cử ứng viên của mình chứ còn ai khác (!?). Những ai lo lắng cho tương lai nghề luật sư nói riêng và gương mặt sáng sủa của hệ thống tư pháp ở đất nước này nói chung, chắc chắn không chọn các ứng viên ấy. Là những người thực sự mong muốn góp phần vào sự phát triển và tiến bộ của quốc gia, chúng tôi nghĩ rằng Chủ tịch Liên đoàn Luật sư dứt khoát phải là một vị thủ lĩnh đáng kính của giới luật sư.

Để trở thành thủ lĩnh, vị Chủ tịch phải lăn lộn với nghề luật sư bằng bề dày kinh nghiệm và thâm niên nghề nghiệp mà đồng nghiệp nào cũng phải kính trọng. Người ấy tất nhiên phải sống và nuôi gia đình bằng tiền kiếm được từ nghề này, chứ không phải bằng tiền trợ cấp của cơ quan nào đó trả cho vài ba ngày “làm luật sư” trên giấy.
Quan trọng hơn cả, người ấy phải thể hiện đẳng cấp và tầm vóc của nghề nghiệp, để giới luật sư có thể ngẩng cao đầu khi xã hội nhìn lên và bạn bè quốc tế trông vào.
Những tiêu chuẩn căn bản đó, tiếc thay, tôi không thấy hoặc tìm ra ở các ứng viên cho các chức danh lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần này.
Có lẽ đành phải chờ thêm 5 năm nữa đến Hội nghị Luật sư Toàn quốc lần thứ hai vậy. Hy vọng lúc ấy có thể “đãi cát tìm vàng”. Nếu may ra tìm được vàng thật, thì cũng không uổng phí công chờ đợi, giống như thể “đi tìm thời gian đã mất” vậy thôi (như tựa đề một tác phẩm danh tiếng của văn hào Pháp Marcel Proust: À la recherche du temps perdu)!

Chuyện vừa diễn ra, tuy nhiên, lại làm tôi băn khoăn nhiều về chuyện khác. Như một định mệnh của dân tộc, cứ mỗi khi cần phải đưa ra quyết định quan trọng nhằm tạo nên những chuyển đổi bước ngoặc cho các vấn đề thiết yếu của đất nước, thì người Việt chúng ta luôn quá thận trọng, nhìn tới nhìn lui để rồi cuối cùng… đánh mất cơ hội. Điều lẽ ra có thể làm được hôm nay thì luôn để lại nhiều năm sau mới dám mạnh dạn thực hiện. Trách sao vận nước cứ long đong, nói chi đến vận mệnh nghề nghiệp cỏn con của giới luật sư này.
Nguồn:
http://hcmcbar.org/index.php?option=com_contentlist&task=detail&cat=4&type=2&id=207

------------------------

Phản hồi

tracy nói:
17/06/2009 lúc 4:44 sáng
Thật lạ, tại sao gần đây chỉ toàn là luật sư lại bị bắt vì vi phạm hiến pháp, luật pháp của nước CHXHCNVN. Nhất là LS Lê Công Định, từng là LS của các bị cáo LS Công Nhân, LS Đài, bây giờ đến chính phiên ông bị bắt với các tội trạng cũng vu vơ như thế. Có ai còn dám tin tưởng vào nhà cầm quyền VN hiện nay? Nếu như, Thủ tướng VN ông Nguyễn Tấn Dũng vi phạm hiến pháp như lời cáo buộc của LS Cù Hà Huy Vũ, liệu ông ta có bị bắt vào tù không? Thắc mắc vậy thôi chứ có ngày ông Huy Vũ cũng vào tù thì chẳng có gì làm ngạc nhiên cả.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng, các LS Công Nhân, Đài, Lê Công Định nếu nhắm mắt làm ngơ, mặc kệ đừng nghĩ đến công bằng, công lý, dân chủ và quyền công dân của họ, chắc hẳn các vị này sẽ có một tương lai sáng rực tại VN. Cha mẹ họ đã từng là những người chiến đấu vì lý tưởng CS, họ là những trí thức được giáo dục trong môi trường XHCN chứ không phải là những kẻ thời cơ như bao nhiêu nhà tư bản đỏ thiếu học thức đầy dẫy tại VN.
Còn ai dám yêu nước nữa!


No comments: