Vụ Lê Công Định: Liên quan gì đến vụ Bauxite Tây Nguyên?
Talawas
18/06/2009 3:27 sáng
http://www.talawas.de/
Trấn áp, bắt giữ, tù đầy những người bất đồng chính kiến là điều chưa bao giờ không xảy ra tại Việt Nam dưới chính thể chuyên chính vô sản, mặc dù những tội danh khép cho họ được diễn đạt bằng tất cả những từ ngữ khác, trừ cụm từ “bất đồng chính kiến” (Xem tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng ngày 17/6/2009: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến của công dân“). Phần lớn các vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến và các phiên toà xử họ - nếu có - thường diễn ra âm thầm, dư luận rộng rãi hầu như không biết đến. Vì thế vụ bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Định, với màn trình diễn rầm rộ, đồng loạt trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, từ báo in, báo mạng, đến truyền thanh, truyền hình ở thời điểm này đặt ra câu hỏi: Vì sao? Chính quyền muốn gửi thông điệp đến địa chỉ nào?
Trong bài báo đăng trên Thông tấn xã Việt Nam dưới đây, chúng ta có thể tìm được một trong những địa chỉ ấy.
Luật sư Lê Công Định là người thứ 241 kí tên vào Bản Kiến nghị 12/4/2009 (Danh sách kí kiến nghị đợt 2) về Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên. Chữ ký này cấu thành bao nhiêu phần tội danh mà nhà cầm quyền quy cho ông? Trong bài dưới đây, số chữ dành cho Dự án Bauxite chiếm một phần không nhỏ.
talawas
_____________
Thông tấn xã Việt Nam
Lê Công Định - kẻ lội dòng nước ngược
Ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải về việc Lê Công Định bị bắt khẩn cấp do có hoạt động câu kết với các đối tượng trong và ngoài nước chống phá Nhà nước, phạm vào Điều 88 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Vậy Lê Công Định là ai?
Lê Công Định; bí danh: Nguyên Kha, Paul; sinh ngày 1/10/1968; quê TP Hồ Chí Minh; dân tộc Kinh; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú 163/8 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh; chỗ ở hiện nay B34 khu phố Mỹ Khang, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7 TP Hồ Chí Mịnh; thạc sĩ Luật; nghề nghiệp luật sư. Lê Công Định tốt nghiệp đại học Luật TP Hồ Chí Minh năm 1989; năm 1990-1991 là chuyên viên Phòng Công chứng số 1, TP HCM; năm 1991- 1993 là nhân viên Văn phòng Đoàn Luật sư TP HCM; năm 1993 - 1994 là chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; năm 1994- 1998 là luật sư tập sự Chi nhánh Công ty Luật Coudert Brothers TP HCM; năm 1998- 2000 học Thạc sỹ Luật tại Mỹ; tháng 6/2000 - 11/2000 làm luật sư Văn phòng luật sư Thắng và Acsociates; 12/2000 đến nay là Trưởng Chi nhánh Công ty Luật YKVN tại TP HCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM nhiệm kỳ 2005- 2008; 2005 làm Trưởng Văn phòng luật sư DC Lawyer (trụ sở tại 115 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM); 2008 thành lập Công ty luật hợp doanh DC Lawyer (trụ sở tại 11A Phan Kế Bính, quận 1, TP HCM); 2009 thành lập Công ty TNHH một thành viên Lê Công Định (trụ sở tại tầng 20, 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM).
Là người có học, lẽ ra phải đem những kiến thức tích luỹ được ở trong và ngoài nước để góp phần xây dựng đất nước nhưng Lê Công Định đã đi ngược lại. Lê Công Định đã trực tiếp biên soạn hàng chục đầu tài liệu đăng tải trên các đài, báo, trang web thù địch ở nước ngoài với nội dung công khai tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kêu gọi phải thay chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lợi dụng vấn đề bô- xít Tây Nguyên, Trường Sa- Hoàng Sa để kích động tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước; tham gia ý kiến với các đối tượng trong nhóm đưa tin, viết bài có nội dung bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…. Nhưng sự thật sáng rõ như ban ngày. Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, trong các buổi thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, những người có trách nhiệm đã trình bày làm rõ thêm những vấn đề liên quan về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng… của các dự án. Nước ta có tiềm năng bô-xít lớn, đứng trong số các nước có trữ lượng hàng đầu thế giới, khoảng 5,5 tỷ tấn và tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ hơn chục năm nay nhằm xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng cả trước mắt và lâu dài. Theo các quy định hiện hành, Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch. Trong quá trình triển khai hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) và khi có ý kiến của một số đồng chí lão thành Cách mạng và nhà khoa học, Chính phủ đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của tất cả mọi người, đã tổng hợp các ý kiến đó một cách nghiêm túc, trung thực báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Những việc làm đó là đúng pháp luật, đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, minh bạch, trong sáng, cầu thị và có trách nhiệm. Đồng thời với việc triển khai 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, Chính phủ sẽ từng bước rút kinh nghiệm, tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Theo vết xe đổ của những kẻ “giàu trí tưởng bở”, Lê Công Định đã câu kết với Nguyễn Sỹ Bình (đối tượng cầm đầu tổ chức phản động lưu vong “Đảng nhân dân hành động” tại Mỹ và “Đảng dân chủ Việt Nam”) để bàn thảo kế hoạch hoạt động và phối hợp phát triển tổ chức; thường xuyên liên lạc với Bình và nhiều lần sang Mỹ, Thái Lan trực tiếp gặp Nguyễn Sỹ Bình trao đổi, đánh giá tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam và đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho “thời cơ ngàn năm có một” mà Định cho là sẽ xảy ra vào cuối năm 2009 hoặc vào năm 2010 là thời điểm nước ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn và là năm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Không những vậy, Lê Công Định còn tích cực tham gia vào việc biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm mang tựa đề “Con đường Việt Nam” và là người trực tiếp soạn thảo “Tân Hiến pháp”, gồm 9 chương, 106 điều để chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay… “Mớ” kiến thức của Lê Công Định, nhất là về luật không có gì mới mà vẫn là giọng điệu phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, đòi “đa nguyên”, cổ suý cho cái gọi là “một nền dân chủ đích thực”, “Chính thể Cộng hoà có 3 hình thái: Chế độ Tổng thống, chế độ Nội các và chế độ nghị viện…”. Bài “ca cổ” này do các thầy ngoại và nhóm phản động lưu vong “dạy bảo” cho Lê Công Định thực chất là sao chép lại kịch bản của những nước từng diễn ra “cách mạng cam”, “cách mạng nhung”…. hòng tập hợp lực lượng gây rối loạn ở trong nước ở những thời điểm nhất định với hy vọng thay đổi chế độ xã hội để “đục nước béo cò”.
Hoạt động đó, chúng ta không thể xem nhẹ. Lê Công Định có thể lôi kéo một số người nhẹ dạ, cả tin, cơ hội chính trị nhưng không thể đánh lừa sự cảnh giác, giác ngộ chính trị của nhân dân ta. Đất nước ta có được như hôm nay không thể phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện. Ngay cả trong thời điểm hiện nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Nhà nước với sự nỗ lực của toàn dân, Việt Nam vẫn ổn định, GDP vẫn tăng trưởng dương trong 5 tháng đầu năm và đang phấn đấu tăng 5% trong năm nay. Nhân dân ta từng trải qua nhục mất nước, tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước, biết đoàn kết triệu người như một và biết tranh thủ sự ủng hộ rộng lớn của bạn bè và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới để chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, không thể để cho những kẻ mang danh luật sư lại có những hoạt động chống Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Rõ ràng Lê Công Định đang lội dòng nước ngược, sẽ không có tương lai sáng sủa, nhất định sẽ bị dòng thác cách mạng của nhân dân ta nhấn chìm./.
(TTXVN)
Nguồn: http://www.btv.org.vn/chuyen-de/phap-luat/le-cong-dinh–ke-loi-dong-nuoc-nguoc/
Nghe phát thanh bài này tại: http://avnews.vnanet.vn/popup.aspx?AudioID=4786
No comments:
Post a Comment