Trung Quốc là một đất nước không giống ai
Dư Hoa
Nguyễn Phú Thịnh dịch và tổng hợp
09/06/2009 12:10 sáng
http://www.talawas.org/?p=5660
Cuộc thảm sát vào ngày 04.06.1989 tại Bắc Kinh bị cấm đề cập. Những dấu vết trên quảng trường đã được xóa sạch nhanh chóng. © China Photos/Getty Images
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/npt1-400x269.jpg
Nhà văn Trung Quốc Dư Hoa tin rằng văn học có thể thay đổi con người. Ông lên án thế hệ của ông đã không lên tiếng về cuộc thảm sát 20 năm trước.
Thưa ông Dư Hoa, vào ngày mồng 4 tháng Sáu này cuộc đàn áp phong trào nổi dậy của sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra được 20 năm. Ông ở đâu trong ngày này hồi ấy?
Tôi ở Bắc Kinh trước cũng như sau vụ đàn áp. Hầu hết những người thuộc thế hệ tôi hồi ấy ở Bắc Kinh đều tham gia nổi dậy. Nhưng vào đúng ngày đó thì tôi lại không có mặt tại quảng trường.
Cái ngày này đã làm thay đổi nền chính trị của Trung Quốc đến mức độ nào?
Từ 20 năm nay truyền thông Trung Quốc hoàn toàn không nói về ngày 04.06.1989. Áp lực đối với con người trong xã hội hiện đại sẽ ngày một lớn. Những người già không còn thời gian và cả cảm hứng để truyền đạt cho những người trẻ rằng ở đó đã từng xảy ra cái gì. Và họ tự nhủ thầm: Chẳng có mảy may ý nghĩa gì nếu gây áp lực với bọn trẻ bằng những cái ấy. Tất cả những cái đó đã làm cho thế hệ trẻ hoàn toàn không có chút hiểu biết nào về sự kiện đã xảy ra.
Và thế hệ trẻ cũng không tìm hiểu?
Mong muốn trước hết của họ là tìm được một chỗ làm tử tế để kiếm tiền. Chúng tôi sống trong một xã hội mà quyền lợi của cá nhân mỗi người được đặt lên đầu tiên. Tất cả đều cố kiếm tiền. Chúng tôi sẵng sàng hy sinh tất cả vì điều đó, kể cả trả giá bằng các giá trị tinh thần và đạo đức. Nhưng không phải là lỗi của lớp trẻ, nếu họ không tìm hiểu. Đó là lỗi của chúng tôi, thế hệ già hơn.
Ông lớn lên trong thời Cách mạng Văn hoá, ông đã trải qua những xáo trộn về kinh tế và xã hội trên đất nước ông như thế nào?
Trung Quốc trong thời Cách mạng Văn hoá là một đất nước đóng kín, một đất nước như sống dưới một cái nắp đậy. Và khi cái nắp ấy đột nhiên rơi ra thì nhiều thứ lâm vào tình trạng mất kiểm soát. Nếu người ta nhìn Trung Quốc như một con người thì đó là một người tương đối vô học và cuồng nhiệt. Người này luôn nhảy từ cực đoan nọ sang cực đoan kia. Đại khái là, cái này ngày hôm qua còn là tuyệt vời nhưng đến ngày hôm sau lại đáng bị giẫm đạp lên.
Người ta có thể so sánh thời Cách mạng Văn hoá với thời Trung cổ tại châu Âu. Còn thời hiện tại thì ngược lại, có phần nào đó thậm chí còn vượt qua cả thước đo của châu Âu. Một người Âu có lẽ phải sống đến 400 năm mới có thể trải nghiệm những thay đổi lớn lao mà một người Trung Quốc đã trải qua trong 40 năm.
Một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Trung Quốc đương đại: Dư Hoa © Ding Xundong
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/npt2-400x195.jpg
Con người chịu đựng sự biến đổi cực đoan này thế nào?
Cú nhảy lịch sử này đương nhiên là tác động đến tâm lý con người. Chúng tôi sống trong một thời đại đầy những mâu thuẫn lớn. Năm ngoái đã có một đại hội của những nhà tâm thần học và tâm lý học với chủ đề: “Những tác động tâm lý do những thay đổi trong 40 năm qua tại Trung Quốc” - đó cũng chính là chủ đề trong cuốn Huynh đệ của tôi. Hai nhân vật chính, Tống Cương và Lý Trọc, là tuyên ngôn cho Trung Quốc “cũ” và “mới”.
Bìa cuốn tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/npt6-292x400.jpg
Các mâu thuẫn này cũng ghi dấu ấn lên chính cuộc đời của ông. Ông sinh trưởng trong một gia đình tương đối nghèo, sau đó đã từng là bác sĩ nha khoa và bây giờ trở thành một trong những tác gia đương đại thành công nhất của nước Trung Hoa hiện đại.
Xã hội trong thời Cách mạng Văn hoá còn lâu mới phức tạp như bây giờ. Hồi đó người dân được chia ra thành cách mạng và phản cách mạng. Đó là khoảng thời gian chỉ có trắng và đen, không có mầu xám. Tất cả mọi người đều nghèo, không ai có tiền, tất cả đều sở hữu bằng nhau. Mặc dù vậy hằng ngày chúng tôi vẫn hô hào đấu tranh giai cấp. Nhưng làm gì có các giai cấp để mà có thể đấu tranh với nhau! Hồi đó tôi đã thấy rất khó hiểu rồi. Ngày nay ở Trung Quốc có cả một đống giai cấp. Nhưng lại chẳng thấy ai nói gì về đấu tranh giai cấp nữa.
Thế người ta nói về cái gì?
Ngày nay người ta chỉ nói về nhưng thứ mà người ta chưa có, trong khi nhưng thứ đã có rồi thì hoàn toàn không còn nói nữa. Đúng là tôi đang sống trong một đất nước không giống ai. Chính vì vậy nên tôi cũng viết những cuốn tiểu thuyết không giống ai.
Bức tường Berlin đã sụp đổ được 20 năm và nhiều người Đức bây giờ lại mong muốn chủ nghĩa xã hội quay trở lại. Còn ở nước ông thì như thế nào?
Ở Trung Quốc thời đó, thực ra người dân chẳng có gì, nhưng cuộc sống của họ được đảm bảo. Ngày nay về cơ bản chúng tôi tự do và cởi mở hơn. Nhưng nhiều người lại có cảm giác rằng họ không thể tiếp tục sống trong xã hội này. Trong 20 năm qua chúng tôi đã tạo ra nhiều người giàu tại Trung Quốc. Nhưng mà người nghèo còn nhiều hơn. Chính vì vậy đương nhiên không thể không có một số người nhớ nhung về thời Mao Trạch Đông. Có một hiện tượng luôn luôn xảy ra mà chúng tôi quan sát được tại các nước phương Tây: Cứ khi nào kinh tế phát triển tốt thì phái Hữu chiếm ưu thế, còn trong thời gian khủng hoảng thì phái Tả có tiếng nói quyết định hơn. Tại nước tôi cũng vậy.
Ông viết về quá khứ cũng như hiện tại trong cuốn tiểu thuyết của ông với giọng điệu tương đối coi thường. Ông đã bị phía nào phê phán gay gắt nhất?
Tất cả các phía! Phê phán từ phía gọi là cánh Tả tập trung trước hết vào phần 1, phần nói về thời Cách mạng Văn hoá. Họ cho rằng tôi đã diễn tả các sự kiện một cách phóng đại. Và chính vì vậy phần 2 làm cho họ hài lòng hơn, là phần nói về kinh tế thị trường tự do. Phê phán của phía Hữu thì đương nhiên là ngược lại hoàn toàn: Họ tập trung chống lại phần 2, trong khi phần 1 thì được tha.
Là một nghệ sĩ, ông có được sự tự do nào trong Trung Quốc ngày nay?
Tôi đã có kinh nghiệm tại Trung Quốc cũng như tại các nước phương Tây, đó là các nhà xuất bản luôn muốn cắt ngắn những cuốn sách của tôi. Động cơ của họ thì đương nhiên là khác nhau rồi. Tại Trung Quốc trước hết là vì các thứ liên quan đến chính trị, ở phương Tây thì là độ dày của cuốn sách. Cả hai phía này đều muốn huỷ hoại cuốn sách của tôi: một phía là vì lý do chính trị, còn phía kia là từ lý do thương mại. Đối với cả hai ,tôi đã nói rõ rằng tôi sẽ không thay đổi bất cứ từ nào hết. Và thế là cuốn sách của tôi được chấp nhận.
Là một tiểu thuyết gia, ông nhìn nhận trách nhiệm xã hội của mình như thế nào?
Trước khi xuất bản cuốn Huynh đệ (2005/2006) tôi đã nghĩ rằng nhà văn không thể thay đổi được xã hội. Nhưng sau đó tôi đã nghiệm ra rằng, một cuốn sách thông qua cái nhìn của độc giả có thể ảnh hưởng đến xã hội. Tôi đã nhận được thư của nhiều độc giả, đầu tiên họ nghĩ rằng, nhiều thứ trong sách của tôi là sự phóng đại mang tính trào phúng mà trong thực tế hoàn toàn không có. Nhưng sau đó khoảng nửa năm họ lại khẳng định rằng, xung quanh họ xảy ra những thứ đúng y như vậy.
20 năm sau ngày phong trào sinh viên bị đàn áp ông có nhận thấy bước tiến nào trong việc sòng phẳng với quá khứ?
Không hề có chuyện sòng phẳng với quá khứ. Từ 20 năm nay không được phép ngay cả chỉ nhắc đến sự kiện này. Chính vì vậy có một số người Trung Quốc ngày nay hoàn toàn không tin rằng đã từng có cái ngày như thế.
Khi nào thì có cuốn tiểu thuyết đầu tiên về ngày 04.06.1989?
Chắc chắn sẽ có cuốn tiểu thuyết nói về ngày đó. Rất có thể nhiều người đang viết rồi. Nhưng họ không thể xuất bản tại Trung Quốc.
--------------------------------------------------------------------------------
Cuộc phỏng vấn do Carolin Ströbele thực hiện.
Nguyên văn tiếng Đức: http://www.zeit.de/online/2009/23/interview-yu
Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Phú Thịnh
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
-----------------------------------------------------------------------------------
Tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa
Tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa, phần 1, Vũ Công Hoan dịch, 432 tr., NXB Công an Nhân dân, 2006, 49.500 VNĐ
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/npt4.jpg
Nội dung [Phần 1]:
[...] Dư Hoa được biết đến trước hết bởi anh là tác giả của Sống - cuốn tiểu thuyết được Trương Nghệ Mưu dựng thành phim cùng tên gây tiếng vang khắp thế giới. Sau gần 10 năm im lặng, Dư Hoa trở lại cùng cuốn tiểu thuyết mới mang tên Huynh đệ.
[...] Huynh đệ xoay quanh cuộc đời Lý Trọc, cậu bé mất cha khi chưa chào đời và tuổi thơ ấu khốn khổ trong Cách mạng Văn hoá. Lý Trọc bất hạnh từ bé, không bao giờ biết mặt cha, lên 5 thì mẹ cậu - công nhân nhà máy tơ tên Lý Lan - đi bước nữa với thầy giáo Tống Phàm Bình. Hạnh phúc ngắn ngủi của hai người nhanh chóng tan như bọt xà phòng bởi Cách mạng Văn hoá. Cũng vì thế Lý Trọc và Tống Cương (con riêng của Tống Phàm Bình) vướng họa từ thuở lên 8. Bố bị bắt đi đấu tố vì lý lịch con nhà địa chủ, mẹ đi Thượng Hải chữa bệnh không biết họa nhà. Tống Phàm Bình yêu vợ thương con, trong nhà giam chịu đòn roi vẫn đều đặn viết thư động viên vợ yên tâm chữa bệnh. Hai đứa trẻ thần tượng bố, nhưng cuối cùng chính chúng phải chứng kiến cái chết thảm khốc của bố dưới gót giày Hồng Vệ binh.
Cũng trong những nỗi đau cùng kiệt của kiếp người, một tình yêu lớn lao và đẹp cổ điển của họ đã ở lại cùng bạn đọc: Tống Phàm Bình hứa với Lý Lan, khi nào vợ khỏi bệnh chính anh sẽ đến Thượng Hải đón vợ. Trốn khỏi nhà giam của hồng vệ binh, Phàm Bình ra bến xe khách mua vé, anh bị chặn đánh nhưng vẫn cố nhoài người mua được vé và chỉ tắt thở khi chuyến xe cuối cùng đi Thượng Hải chạy khuất. Hai đứa trẻ tám tuổi phải bám chân van lạy những người qua đường chở xác cha về nhà. Còn Lý Lan chờ chồng cả ngày trước cửa bệnh viện mà không thấy, chị không dám ngủ, không dám ăn vì sợ chồng qua mà không thấy. Hôm sau, chị đi xe về một mình, chị không tin chồng đã chết, chị không khóc, chị tắm rửa cho chồng, nằm gối đầu lên ngực chồng ngủ qua đêm, gói những hạt bùn đen dính máu chồng vào tấm vải lụa, hôm sau mới đi mua quan tài khâm liệm tiễn chồng. Chị để tang chồng bằng mái đầu 7 năm không gội, để rồi đến khi gội xong thì mái tóc hoá bạc trắng và chị vui mừng khi thấy sức mình sắp kiệt, vì sắp được đến bên chồng.
Hai anh em Lý Trọc và Tống Cương lớn lên trong tất cả những bạo lực, nhiễu nhương và chứng kiến những người thân lần lượt ra đi trong bi phẫn. Mỗi đứa mỗi tính, Tống Cương hiền lành, giống bố vì đạo nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho em. Còn Lý Trọc thông minh, tinh quái, 14 tuổi đã nổi tiếng thị trấn vì tội rình xem mông đàn bà. Nhưng cũng vì thế, Lý Trọc là người được ăn nhiều nhất món mì Dương Xuân thượng hạng tại thị trấn, vì cậu biết tận dụng cái bí mật mông Lâm Hồng để bán cho những gã đàn ông háo sắc và biến thái.
Chúng đã lớn lên trong sự bi đát nhất của con người, từng nhìn thấy quá nhiều sự hắt hủi của con người với đồng loại như mất hết nhân tính. Nhưng chúng vẫn trọng đạo nghĩa làm người và bắt đầu một cuộc sống khác. Phần đầu của Huynh đệ khép lại ở tuổi 15 của hai đứa trẻ, nhưng mở đầu là một Lý Trọc tỷ phú, một Tống Cương đã thành tro xương mà Lý Trọc nghĩ một cây bé tí tẹo đốt thành tro cũng còn nhiều hơn tro xương của Tống Cương… Nhưng cũng đến lúc ấy, Lý Trọc chợt nhận ra mình chẳng còn ai ruột thịt trên cõi đời này. [...]
Toàn văn: http://www.vinabook.com/huynh-de-tap-1-m11i17419.html
--------------------------------------------------------------------------------
Tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa, phần 2, Vũ Công Hoan dịch, 695 tr., NXB Công an Nhân dân, 2006, 79.000 VNĐ
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/npt5.jpg
Nội dung [Phần 2]: [...] Huynh đệ là câu chuyện đang diễn ra hiện nay, đó là một thời đại luân lý điên đảo, nôn nóng, buông thả, sống gấp và chúng sinh bày ra muôn hình muôn vẻ, còn hơn cả châu Âu thời nay. Và có thể sẽ xuất bản trong năm 2006 này. Nhà văn Dư Hoa viết xong tập 2 của Huynh Đệ vào 2/2006. Sách dày 475 trang, 335.000 chữ, xuất bản lần đầu vào tháng 3/2006, số lượng 100.000 bản. [...]
Toàn văn: http://www.saharavn.com/sach-Huynh%20%C4%91e%20(Tap%202)/page=1&sub=105&script=index&page_num=1&product=11474
No comments:
Post a Comment