Nguyên Trưởng ban Biên giới: Trung Quốc không thể bành trướng 80% diện tích Biển Đông!
talawas blog
16/06/2009 5:06 sáng
http://www.talawas.de/
Trên Tuần Việt Nam, nguyên Trưởng ban Biên giới Trần Công Trục phân tích hiệu lực của hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trong việc xác định phạm vi các vùng biển của chúng theo quy định của Công ước Luật biển 1982 và kết luận: “Chúng ta cần cảnh giác với chiến thuật ‘giành sự công nhận trên thực tế’ tham vọng biến Biển Đông thành ‘ao nhà’ của mình! Đồng thời chúng ta mong rằng Trung Quốc sẽ có được những ứng xử thích hợp với tầm vóc của mình trong thế giới văn minh này!”
Phản hồi
Hoàng Trường Sa nói:
18/06/2009 lúc 2:53 sáng
Cám ơn bác Hòa Nguyễn rất nhiều. Tôi cũng nghĩ TQ đang làm áp lực để VN chấp nhận giải pháp 2 (hoặc 3) mà bác Hòa nêu ra. Điều này có nghĩa là trên THỰC TẾ phía VN đã TỪ BỎ chủ quyền trên quần đảo HS và HS hiện nay được ĐCSVN xem như thuộc TQ, dù trên tuyên truyền (như người phát ngôn Lê Dũng vẫn lặp đi lặp lại đến phát ngấy) họ vẫn ra rả nói HSTS là của VN, thậm chí còn cử ra một viên chức để cai trị Huyện đảo HS, mặc dù cư dân hiện nay trên HS là dân Tàu.
Theo tôi, chủ trương của ĐCSVN là giới hạn tối đa những thiệt hại do Công hàm PVĐ gây ra bằng cách THÍ LUÔN CHO TQ Hoàng Sa và RÁNG giữ phần thềm lục địa của VN được càng nhiều càng tốt. Bởi vì dù sao thì Công hàm PVĐ cũng đã được ký kết và TQ luôn luôn bấu chặt vào Công hàm này để chiếm cho bằng được HSTS và BĐ. Để cứu phần thềm lục địa trước việc xâm lấn và khủng bố hung hăng của TQ (như đánh chìm tàu thuyền, bắn giết ngư dân VN và cấm không cho ngư dân VN đánh cá trên vùng biển của VN) phía VN cần kiếm đồng minh để cùng nhau hợp sức chống lại TQ, do đó mà có chuyện đề nghị BỎ QUA HSTS trong việc phân chia Biển Đông như đã được THỰC HIỆN trong hai hồ sơ của VN đệ trình LHQ về Thềm Lục Địa Nới Rộng để làm vui lòng Mã Lai Á và Phi Lật Tân.
Nên nhớ là đề nghị bỏ qua HSTS chỉ làm THIỆT cho VN nhiều nhất, bởi vì Mã và Phi chỉ tranh chấp ở TS và đã được VN THỎA THUẬN cho họ đưa các đảo ở TS vào trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, trong khi VN phải chịu BỎ ra khỏi TLĐNR của mình. Trái lại VN còn tranh chấp cả HS với TQ, nhưng cũng phải BỎ luôn HS ra khỏi hồ sơ (dù vẫn tuyên bố lù mù chủ quyền trên HSTS để tránh phản ứng bất lợi của dư luận VN). Tại sao lại phải chịu thiệt đến thế?
Hoà Nguyễn nói:
17/06/2009 lúc 10:31 chiều
Ông Hoàng Trường Sa viết:
“Nhưng tôi nghĩ có lẽ TQ không chịu giải pháp bỏ qua HS mà chia theo trung tuyến mà trái lại đòi phía VN phải chính thức thừa nhận HS thuộc TQ. Do đó mới có vụ cấm đánh cá”.
Chuyện TQ cấm đánh cá ở Biển Đông xảy ra hàng năm, để TQ chính thức xác nhận chủ quyền của họ ở vùng biển bên trong đường chữ U. Nhưng điều lạ là năm nay không thấy phản ứng của Phi về lệnh cấm này, làm như TQ không cấm ngư dân Phi, mằ chỉ cầm (riêng) ngư dân VN (không được đánh cá từ vĩ độ 12 trở lên), lại dường như cấm sớm hơn mọi năm một tuần. Vì vậy, suy đoán được là có thể TQ tạo áp lực cho đàm phán vòng 6 về vùng biển từ cửa vịnh Bắc Bộ đến HS. Nhưng áp lực có thể là thế nào ?
VN đã chấp nhận chia theo trung tuyến giữa đảo Hải Nam và bờ biển miền Trung, thấy như trong Đệ Trình riêng về Thềm Lục Địa Mở Rộng gửi LHQ. Nhưng hai bên sẽ quy định thế nào về lãnh hải của một số đảo ở HS (như Tri Tôn) nay coi như thuộc TQ (hay TQ chiếm giữ trong thực tế). Nên nhớ các đảo này nằm bên trong đường cơ sở chung cho quần đảo HS đã được TQ vẽ năm 1996 lúc ký UNCLOS. Lãnh hải các đảo HS sẽ :
1/ rộng 12 hải lý (có thể VN đòi vậy),
2/ hay rộng tới 85 hải lý để chỉ cách đảo Lý Sơn của VN chừng 40 hải lý theo đường vẽ chữ U của TQ ,
3/ hoặc VN và TQ sẽ chia theo trung tuyến vùng biển giữa hai đảo Tri Tôn (TQ) và Lý Sơn (VN) cách nhau 125 hải lý.
Nếu lệnh cám ngư dân đánh cá bên trong đường chữ U được hai bên tuân thủ, thì có khả năng TQ muốn chọn giải pháp 2, và ép VN chấp nhận.
Hoàng Trường Sa nói:
17/06/2009 lúc 7:54 sáng
“Việc tăng cường khủng bố có thể là một áp lực để VN chấp nhận một số thiệt thòi nào đó, eg, “Nếu các anh không chấp nhận thì những việc này [ie khủng bố] sẽ tiếp diễn”.” (Ý kiến bác DDHuy)
Tôi mới có ý kiến trong về tuyên bố của Đại tướng Lê Văn Dũng xong thì đọc được ý kiến này của bác. Như vậy là bác và tôi không hẹn mà cùng đồng ý với nhau về quan điểm cho rằng TQ cấm ngư dân đánh cá từ vĩ tuyến 12 tới phía Đông VBB là với mục đích ÁP LỰC phía VN nhượng bộ trong việc phân định vùng NGOÀI CỬA VBB.
Tuy nhiên, theo tôi, khi VN đồng ý thương thuyết với TQ trong khi TQ đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo HS là phía VN đã TRÊN THỰC TẾ từ bỏ chủ quyền ở HS.
Tại sao vậy? Xin thưa rằng, trên LÝ THUYẾT, việc phân định vùng ngoài cửa VBB chỉ có thể được giải quyết khi biết rõ ai là chủ nhân của HS. Nhưng thực tế là hiện nay TQ đang trấn đóng và xây dựng nhiều công trình quân sự cũng như dân sự trên HS. Thế mà VN lại chịu thương thuyết (và hơn nữa, theo lời ông Vũ Dũng, đang cố tìm cách thu hẹp khoảng cách để đi tới thỏa hiệp) trong hoàn cảnh này, thì chỉ có hai cách. Hoặc là thừa nhận HS thuộc TQ, hoặc là BỎ QUA một bên chủ quyền trên HS và phân định vùng ngoài cửa VBB dựa theo đường cơ sở lãnh hải của VN và đảo Hải Nam TQ. Đề nghị của bác Huy (một sự trùng hợp ngẫu nhiên ?) nên phân chia Biển Đông xem như không có HSTS, khi áp dụng vào vùng biển này thì rất phù hợp với các thương thuyết đang được giữ bí mật này về vùng ngoài cửa VBB. Nói cách khác, hiện nay phía VN (như qua báo cáo Bắc gửi LHQ về Thềm Lục Địa Nới Rộng) đã trong thực tế đã từ bỏ chủ quyền trên HS. Nhưng tôi nghĩ có lẽ TQ không chịu giải pháp bỏ qua HS mà chia theo trung tuyến mà trái lại đòi phía VN phải chính thức thừa nhận HS thuộc TQ. Do đó mới có vụ cấm đánh cá.
Dương Danh Huy nói:
16/06/2009 lúc 5:09 chiều
Việc TQ tăng cường khủng bố ngư dân VN là tất nhiên để thực hiện tham vọng chiếm 75%-80% Biển Đông.
Năm nay TQ cấm đánh cá 2 tháng, trong tương lai sẽ cấm các nước khác, bao gồm cả VN đánh cá vĩnh viễn.
Nhưng năm nay có thể có 1 yếu tố đặc biệt.
Năm nay VN và TQ đàm phán vòng 6 để phân định vùng biển từ VBB tới HS.
Chắc chắn là trong đàm phán TQ sẽ đòi 1 ranh giới bất công cho VN.
Việc tăng cường khủng bố có thể là một áp lực để VN chấp nhận một số thiệt thòi nào đó, eg, “Nếu các anh không chấp nhận thì những việc này [ie khủng bố] sẽ tiếp diễn”.
-----------------------------------------------
"Không thể bành trướng 80% diện tích Biển Đông"
15/06/2009 05:04 (GMT + 7)
http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7220/index.aspx
Trung Quốc đã thực hiện tham vọng của mình trong Biển Đông theo đường biên giới biển hình lưỡi bò là hoàn toàn thiếu căn cứ pháp lý, vì vậy họ không thể sử dụng căn cứ võ đoán, chủ quan này để bắt buộc mọi người phải tuân thủ, để tự do hành động bất chấp luật pháp quốc tế về biển mà họ đã tự nguyện tham gia ký kết, phê chuẩn.
Mời đọc bài liên quan:
Philippines bác lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc
Bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải Tổ quốc
Khi hải quân Trung Quốc vươn ra đại dương
Việc Trung Quốc tuyên bố ra lệnh cấm đánh bắt hải sản trong khu vực Vịnh Bắc Bộ đã khiến dư luận các quốc gia trong khu vực bất bình. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, và để đảm bảo tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc vừa tuyên bố rằng lệnh cấm đánh bắt hải sản trong Biển Đông là công việc hành chính diễn ra bình thường nhằm bảo vệ tài nguyên hải sản trong phạm vi biển của mình. Dưới góc độ luật pháp về biển quốc tế và tình hình thực tế tại khu vực biển có liên quan, chúng ta hãy phân tích một cách khách quan xem liệu tuyên bố đó đúng hay sai?
Trước hết chúng ta hãy phân tích căn cứ mà Trung Quốc dùng để biện minh cho hành động của mình. Trung Quốc khẳng định rằng họ có chủ quyền "không tranh cãi" đối với Tây Sa, Nam Sa nên họ có quyền mở rộng lãnh hải ra hầu hết Biển Đông.
Về luận điểm này, chúng tôi thấy có hai nội dung pháp lý khác nhau. Đó là vấn đề quyền thủ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa, Trường Sa ở giữa Biển Đông và phạm vi các vùng biển và thềm lục địa trong Biển Đông.
Về chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa Trường Sa: mọi người ai cũng biết đây là lãnh thổ đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam (đối với Hoàng Sa); giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, (đối với Trường Sa); các bên tranh chấp đều đã đưa ra các quan điểm pháp lý để khẳng định quốc gia mình hoàn toàn có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ quyền lãnh thổ
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đi sâu phân tích các quan điểm pháp lý về quyền thủ đắc lãnh thổ của các bên tranh chấp mà chủ yếu phân tích liệu hiệu lực của 2 quần đảo này trong việc xác định phạm vi các vùng biển của chúng như thế nào theo đúng quy định của Công ước luật biển 1982.
Theo quy định của Công ước luật biển 1982 thì chỉ có "Quốc gia quần đảo” mới được phép áp dụng các quy định tại điều 4, 48, 50, phần IV, Công ước LB82 để vạch đường cơ sở đúng để tính chiều rộng các vùng biển và TLD của cả quần đảo cấu thành "quốc gia quần đảo". Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải là quốc gia quần đảo mà là các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, vì thế không được áp dụng các quy định đối với quốc gia quần đảo nói trên.
Tảng lờ luật pháp quốc tế
Hơn nữa các đảo trong hai quần đảo này có diện tích rất nhỏ, điều kiện môi sinh môi trường cực kỳ khắc nghiệt, không thích hợp cho đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng; vì vậy chúng cũng chỉ có thể được phép có vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh mỗi đảo nổi tính từ đường cơ sở của chúng. Rõ ràng không thể dựa vào sự tồn tại của 2 quần đảo này, mặc dù đây không phải là lãnh thổ hợp pháp của mình để mở rộng phạm vi lãnh hải của quốc gia ven biển đến 80% diện tích Biển Đông.
Trung Quốc đã thực hiện tham vọng của mình trong Biển Đông theo đường biên giới biển hình lưỡi bò là hoàn toàn thiếu căn cứ pháp lý, vì vậy họ không thể sử dụng căn cứ võ đoán, chủ quan này để bắt buộc mọi người phải tuân thủ, để tự do hành động bất chấp luật pháp quốc tế về biển mà họ đã tự nguyện tham gia ký kết, phê chuẩn.
Hơn nữa, còn có điều đáng nói ở đây nữa là theo chúng tôi được biết qua nguồn tin chính thức của Trung Quốc và Việt Nam thì 2 bên đang đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển, trong đó có vấn đề phân định ranh giới biển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và đã thoả thuận là trong khi đang đàm phán các bên không đơn phương có hoạt động gì làm ảnh hưởng đến nhau.
Vậy liệu đơn phương tuyên bố ngăn cấm nói trên Trung Quốc có tỏ rõ thiện chí không? Chúng ta cần cảnh giác với chiến thuật "giành sự công nhận trên thực tế" tham vọng biến Biển Đông thành "ao nhà" của mình! Đồng thời chúng ta mong rằng Trung Quốc sẽ có được những ứng xử thích hợp với tầm vóc của mình trong thế giới văn minh này!
Trần Công Trục (nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ)
No comments:
Post a Comment