Monday, June 1, 2009

TRUNG QUỐC CẤM ĐÁNH CÁ TRONG BIỂN ĐÔNG, TÀU CÁ VIỆT NAM NẰM BỜ

Miền Trung
Ngư trường phong toả, tàu cá nằm bờ
Ngày 01.06.2009 Giờ 14:48
http://www.sgtt.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=52244&fld=HTMG/2009/0531/52244
SGTT - Tháng 5, mùa đi biển của các ngư dân miền Trung nhưng nhiều tàu đánh cá tại Đà Nẵng vẫn nằm bờ. Hàng chục tàu đánh bắt cá xa bờ cắm neo nằm im ỉm dưới chân cầu Sông Hàn. Hầu hết các chủ tàu và ngư dân tránh ra khơi vì bị “cắt” đường ra biển và âu lo nhiều vấn đề khác đang rình rập họ giữa biển khơi

Thái Đình Long chủ tàu ĐNa – 90282 (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vừa hoàn tất chuyến đi biển xa bờ gần một tháng nay. Tổng doanh thu sau chuyến đi này anh lãi gần 70 triệu đồng, các thuyền viên mỗi người được vài chục triệu.

Sợ tàu vũ trang hơn sợ bão biển
Được mùa cá, nhưng Long vẫn canh cánh: “Đi biển lần này nhiều mối lo quá, ít cá thì sợ lỗ, hết sợ mưa bão nay sợ tàu lạ anh ạ. Thấy tàu lạ là chúng tôi cuốn lưới biến ngay, nếu không họ đến và lấy đi tất cả. Có tàu bị lấy hết cá, hút hết xăng…”.

Long cho biết, hôm có lệnh cấm một số vùng biển của Trung Quốc, tàu Long đang ở ngoài khơi. Nhưng nghe tin này qua thông báo điện đàm ICOM của gia đình, Long và hầu hết thuyền viên hết sức bức xúc vì đấy chính là vùng biển đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam bao đời nay. “Vùng biển này cá rất nhiều, đấy là vựa cá chính lâu nay ngư dân chúng tôi vẫn thường đánh bắt bằng lưới vây hoặc lưới cảng, câu mực...”, Long nói.

Thuyền trưởng tàu ĐNa 66073 Lê Bá Cường cho biết: Việc cấm đánh bắt cá của Trung Quốc rõ ràng làm ảnh hưởng lớn đến ngư dân miền Trung. Họ cấm ở toạ độ 12 độ vĩ bắc tới 113 độ kinh đông kéo dài gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang làm “bịt” đường ra biển của ngư dân. Trước đây, đánh bắt cá gần các đảo Hoàng Sa chừng 20 hải lý là tương đối an toàn, nay đánh bắt cách xa gần 200 hải lý nhưng vẫn bị cấm. “Sợ nhất là những chiếc thuyền có súng…”, Cường kể lại. Cường cho biết, sau chuyến đi biển này chưa biết khi nào anh sẽ ra khơi lại. Phải chờ cấp trên giải quyết vấn đề để mọi việc êm thấm, khi đó tàu anh mới ra khơi.

Trong khi đó, ông Tống Thanh Sơn, chủ tàu Qna-03007 Quảng Nam nói, thông tin việc phía Trung Quốc cấm một số khu vực đánh bắt thuỷ sản trên biển Đông là rất đang lo ngại. Bởi từ lâu nay, trên vùng đánh bắt chung ở biển Đông đều có hầu hết các tàu cá của ngư dân nhiều nước cùng đánh bắt, kể cả phía Trung Quốc.

Sẽ dạy luật biển cho ngư dân
Ông Lê Phương Tâm, phó chủ tịch hội nông dân quận Thanh Khê cho biết, quận Thanh Khê có gần 160 tàu đánh bắt cá có công suất từ 60 mã lực trở lên, có thể đánh bắt xa bờ. Trong đó, có 100 tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên hàng tháng trời trên biển. Ông Tâm nói: “Chúng tôi, đã báo cáo việc này cho cấp trên…”.
Ông Tâm cho biết, mong mỏi nhất là Nhà nước có cách tháo gỡ việc này để ngư dân tiếp tục làm ăn.
Trong khi Nhà nước tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngư dân bằng cách hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm thuyền viên, tài sản và tàu thuyền thì nay lại gặp phong toả từ Trung Quốc.
Ông Tâm còn cho hay, sắp đến hội nông dân quận sẽ phối hợp với bộ đội biên phòng dạy về luật biển cho ngư dân. Theo đó, sẽ cho ngư dân biết, vùng biển nào, toạ độ nào, ranh giới nào trên biển là của Việt Nam, vùng nào là của Trung Quốc, vùng nào là vùng đánh bắt cá chung và thế nào là thềm lục địa và vùng biển quốc tế.

Vai trò ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền

Trung tá Nguyễn Nhơn, chính trị viên đồn Biên phòng 248, là đơn vị quản lý hầu hết các phương tiện trên biển của ngư dân tại quận Thanh Khê, cho biết: Ngư dân có vai trò rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. Hiện nay, biên phòng cùng với chính quyền địa phương và ngư dân càng kết hợp chặt chẽ hơn về vấn đề thông tin trên biển. Đồn thường xuyên phổ biến cho ngư dân biết tình hình việc cấm biển của Trung Quốc cho ngư dân trước khi xuất bến. Ngoài ra, còn phối hợp với hội nông dân và chính quyền địa phương tập trung bà con ngư dân để nói về những diễn biến phức tạp trên biển Đông. Thông qua phương tiện truyền tin trên biển luôn luôn nắm bắt tình hình tàu lạ, tàu nước ngoài thâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam trên biển.
Trung tá Nhơn khẳng định: “Ngư dân mình đương nhiên đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cách tốt nhất là ứng xử thật mềm dẻo và khôn khéo để tránh các trường hợp va chạm và đụng độ không đáng có với tàu nước ngoài, để tránh thiệt hại về người và của.

Nhóm PV miền Trung


---------------------------------------------

TQ tuần tra nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ
Cập nhật: 04:21 GMT - chủ nhật, 31 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090531_china_fishery_patrol.shtml
Trung Quốc tuần trước vừa phái tám tàu tuần tra nghề cá khu vực vịnh Bắc Bộ trong thời gian ba tháng cho tới 01/08.
Tờ China Daily cho hay đây là cuộc tuần tra nghề cá hàng năm mà Trung Quốc thực hiện kể từ 2004.
Mục tiêu là để bảo vệ ngư dân Trung Quốc và ngăn chặn nạn đánh bắt cá trộm tại vịnh Bắc Bộ, mà Trung Quốc gọi là Beibu.
Vùng vịnh rộng 128.000 cây số vuông được chia giữa Trung Quốc và Việt Nam theo một hiệp định ký từ năm 2000.
Báo Trung Quốc cho hay tám tàu tuần tra này được cử từ ba tỉnh Trung Quốc giáp vịnh Bắc Bộ là Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Đông và Hải Nam.
China Daily viết: "Cuộc tuần tra còn có mục tiêu theo dõi và củng cố việc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trong ba tháng trên phạm vi toàn quốc".
Mỗi năm Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt thương mại trong ba tháng để bảo toàn trữ lượng cá biển. Năm nay, lệnh này áp dụng từ 16/05.
Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh này, mà Trung Quốc cũng áp dụng cho các vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ông Zheng Huiguang, chỉ huy khu vực vịnh Bắc Bộ của cảnh sát tuần duyên, được trích lời nói rằng từ năm 2004, các cơ quan tuần tra của Trung Quốc đã bắt và thả hơn 1.200 tàu thuyền nước ngoài 'vi phạm lãnh hải của Trung Quốc'.
"15 tàu thuyền bị giữ một thời gian vì vi phạm quy định đánh bắt cá."
Ông Zheng cũng cho hay tàu Trung Quốc đã giúp cứu vớt hơn 800 thuyền viên nước ngoài bị nạn trong những năm qua.

Hiệp định nghề cá
Người chỉ huy lực lượng tuần duyên cho hay tám tàu tuần tra của Trung Quốc sẽ thi hành nhiệm vụ gần ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cho tới ngày 01/08, khi thời hạn cấm đánh bắt kết thúc.
Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ từ ngày 25/12/2000, sau một thời gian dài thương lượng. Theo đó Việt Nam chính thức sở hữu 53,23% còn Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích vịnh.
Tuy nhiên cho đến ngày 20/06/2004, hai nước mới chính thức trao đổi thư phê chuẩn Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ để Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.
Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất hai tháng trước đó.
Theo hiệp định này, hai bên đồng ý thiết lập một vùng đánh cá chung nằm dưới vĩ tuyến 200N và có bề rộng khoảng 30 hải lý tính từ đường phân định ra hai bên.
Ngoài ra, hai bên cũng đồng ý có một vùng cho tàu thuyền đánh cá loại nhỏ ở cửa sông Bắc Luân với bề rộng 3 hải lý tính từ đường phân định ra mỗi bên và chiều dài 10 hải lý.
Hiệp định này có hiệu lực 12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn.
Tuy nhiên, chỉ tám tháng sau khi Hiệp định Nghề cá hoàn tất, Việt Nam đã phải lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm sau vụ tàu nước này bắn chết 8 ngư dân Thanh Hóa tại Vịnh Bắc Bộ ngày 08/01/2005.
Bắc Kinh nói tàu Việt Nam bị bắn vì "định cướp tàu thuyền Trung Quốc".
Trên thân một tàu của ngư dân Việt Nam chạy thoát người ta đếm được tới 430 vết đạn.


Tìm được xác 2 ngư dân mất tích
01/06/2009 0:16

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200923/20090601001647.aspx
Sau nhiều ngày tìm kiếm, chiều 30.5, gia đình của 2 nạn nhân bị mất tích trên biển đã vớt được xác người thân là Trương Minh Trí (45 tuổi), Nguyễn Văn Tâm (39 tuổi, cùng ngụ ấp 3, thị trấn Hộ Phòng, H.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).


Khoảng 19 giờ ngày 26.5, tàu đánh cá BL 3221TS do anh Võ Bá Lợi (36 tuổi, thị trấn Hộ Phòng) làm thuyền trưởng, đang đánh bắt ở khu vực biển tọa độ 8 độ 27 phút vĩ bắc - 105 độ 17 phút kinh đông thì bất ngờ bị một chiếc tàu nước ngoài (không rõ quốc tịch) đâm ngang khiến tàu cá gãy đôi và chìm. Rất may sau đó chiếc tàu đánh cá CM 8054 đã phát hiện, vớt được 12 người, một chiếc tàu khác vớt được 1 người, còn 2 người (là 2 nạn nhân nói trên) mất tích... Bộ chỉ huy Biên phòng Cà Mau đang chỉ đạo các đồn biên phòng tìm tung tích chiếc tàu nước ngoài đã gây tai nạn.
Lê Khoa



Tàu Trung Quốc đuổi tàu của “nước láng giềng” trên Biển Đông
Lê Minh Phiếu
1 Tháng Sáu, 2009
http://leminhphieu.com/?p=978

Bản tin điện tử của báo Tin chiều Chu Giang ra ngày 21/5/2009 đưa 1 tin có nội dung như sau:
“Tàu tuần tiễu Ngư Chính* của thành phố Chu Hải tuần tiễu Hoàng Sa, đuổi một tàu cá đánh bắt cá phi pháp
Ngày 19/5, tàu Ngư Chính số 44183 thuộc đội tàu cá Ngư Chính của Chu Hải lần đầu tiên tham gia tuần tiễu biển quần đảo Hoàng Sa đã phát hiện một tàu cá của nước láng giềng đang đánh bắt cá phi pháp tại vùng biển nước ta. Tàu Ngư Chính Trung Quốc 44183 và tàu Ngư Chính Trung Quốc 44061 lập tức bao vây, áp mạn và tức tốc tiến hành kiểm tra.
Dưới sự chỉ đạo của nhân viên chỉ huy tuần tiễu biển, các nhân viên có chức năng của ta đã cảnh cáo chiếc thuyền này, áp tải nó rời khu vực phạm vi biển nước ta.
Tin và ảnh: Lý Truyền Trung, phóng viên đặc phái khu vực quần đảo Hoàng Sa.”

*Tàu Ngư Chính: Tên gọi của những chiếc tàu thuộc một ngành tại TQ có nhiệm vụ quản lý ngư nghiệp. Những tàu của ngành này đều có tên Ngư Chính + số hiệu ở sau.

---------------------------------------------

(Nội dung bản tiếng Việt do chị Trang Hạ dịch).
Cũng theo chị Trang Hạ, bản tin trên có 72 lời bình luận của độc giả, phản ảnh khá rõ quan điểm của người dân Trung Quốc, tạm dịch:
- Sao Philippin bắt thuyền TQ còn phạt, mà mình chỉ đuổi tàu vi phạm thôi?
- Những tàu cá Việt Nam vi phạm thì nên bắn chìm!
- Bắt lấy đánh cho một trận rồi vứt xuống biển.
- Dân TQ thấy việc xử lý ôn hoà này rất khó chịu.
- Tại sao không nói rõ là tàu nước nào?
- Chắc chắn là bọn chó Việt Nam rồi.
- Đáng lẽ phải thu ngư cụ rồi phạt nặng mới phải.

-----------------------------------------

Nhìn rõ tấm hình trên, chúng ta thấy biển số của chiếc tàu đánh cá có biển số là QNG 94734. QNG là ký hiệu của tàu đăng ký tại Quảng Ngãi.

--------------------------------------------

Ngoài bài trên, còn có các bài khác liên quan:
http://big5.chinanews.com.cn:89/gn/news/2009/05-26/1708831.shtml “Đuổi 5 tàu cá nước ngoài đánh bắt phi pháp tại lãnh hải TQ”: “Hôm 19 (tin đã dịch) phát hiện tàu cá có 12 ngư dân xâm phạm cách cảng Tam Á 90 hải lý”. “Hôm 24 kiểm tra và đuổi 4 tàu”.

http://big5.chinanews.com.cn:89/gn/news/2009/05-25/1706346.shtml Xã luận: “Chuyến tuần tiễu của các tàu ngư chính là hợp pháp”.
------------------------------------------

Truyền thông Việt Nam không hề có tin tức gì về vụ này.



No comments: