Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venezia 2009
Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan
2009-06-10
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2009-venezia-art-exhibition-in-poland%20-06102009121528.html
Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venezia 2009 khánh thành với sự tham gia của người Việt tại Ba Lan.
Triển lãm nghệ thuật danh tiếng tại Venezia vừa khai trương gây chú ý bởi có nhiều yếu tố mới lạ đi đôi với sự kiện nghệ thuật được coi là quan trọng nhất trong năm trên toàn cầu.
Người Việt sốt sắng tham gia chuẩn bị cho lều triển lãm của Ba Lan, vừa ra mắt tại Venezia, nói về các khía cạnh gian truân của cuộc sống di cư. Ảnh thực hiện sau khi kết thúc ngày làm việc với họa sĩ Krzysztof Wodiczko (người đội nón mặc áo đen). Photo Courtesy of TT Bến Việt
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2009-venezia-art-exhibition-in-poland%20-06102009121528.html/NguoiViet-Balan-305.jpg
Triển lãm Venezia 2009 mang tên "Tạo dựng Thế Giới"
Có cả tiếng nói của người Việt di cư trong mái lều của nghệ sĩ Ba Lan.
Liên Hoan nghệ thuật Venezia lần thứ 53 tụ hội nhiều con số kỷ lục, với 90 nghệ sĩ từ 77 quốc gia tham gia và hơn 4700 vé được bán đi chỉ trong ngày đầu tiên mở cửa cho công chúng hôm Chủ nhật vừa qua.
La Biennale di Venezia 2009 năm nay mang tên ‘Making World’ (Tạo dựng Thế Giới) là một trong hiếm hoi các liên hoan nghệ thuật trong năm với tầm cỡ quốc tế, tụ hội nhiều hình thái nghệ thuật khác nhau, từ hội họa, phim ảnh, âm thanh tới các kiểu cách cách điệu nghệ thuật khác như diễn thuật và sử dụng kĩ thuật ảo.
Giải Hổ Vàng của Liên Hoan Venezia 2009 được trao cho nghệ sĩ người Mỹ là Bruce Nauman trong lều nghệ thuật mang chủ đề Topological Gardens. Đại diện cho nước Đức, Tobias Rehgerber được Giải Hổ Vàng cho nghệ sĩ xuất sắc nhất của Liên Hoan. Trong các nghệ sĩ Châu Á, có Ming Wong từ Singapore được giải đặc biệt.
Mỗi quốc gia có ‘lều nghệ thuật’ chứa đựng tác phẩm sáng tác vốn rất phong phú của nghệ sĩ. Ngoài hình thức sáng tác, đề tài của Liên hoan cũng không bị hạn chế.
Giải thích cho ý tưởng của Liên Hoan, giám đốc cuộc triển lãm Venizia, ông Daniel Birnbaum nói Liên Hoan tuyên dương sức sáng tạo, vừa để các nghệ sĩ lấy cảm hứng sáng tác từ cuộc sống, vừa muốn các tác phẩm nghệ thuật đóng góp tiếng nói mạnh mẽ của nghệ thuật đa dạng cho thế giới đổi thay .
Và hiện tượng di dân và số phận của người di dân được đề cập tới trong lều nghệ thuật Ba Lan, do họa sĩ lừng danh Krzysztof Wodiczko làm tác giả. Là nghệ sĩ với thời gian sáng tác chủ yếu ở Mỹ, giám đốc Centre of Advanced Visual Studies, Krzysztof Wodiczko nổi tiếng với hầu hết các tác phẩm chứa đựng ý nghĩa xã hội, ví dụ như tác phẩm ‘Cỗ xe’ cho người vô gia cư của ông.
Hiện tượng người Việt được đề cập trong triển lãm
Tham gia chương trình nghệ thuật vốn phải trải qua vòng loại gay cấn tại Ba Lan, ông Wodiczko đặt trọng tâm các vấn đề nhức nhối liên quan tới số phận bấp bênh của người di cư, về cảm giác lạc lõng, bị lãng quên hoặc bị làm nạn nhân của các quy chế vô nhân bản, ví dụ như nhấn mạnh hiện tượng người Việt tại Ba Lan liên tục bị từ chối quy chế tị nạn là đề tài ông đề cập thẳng thắn trong tác phẩm của mình gửi đi Venezia.
Một trong những nhân vật chính của sự chia sẻ về kiếp sống tha hương là một số không nhỏ những người Việt đang sinh sống tại Ba Lan, vốn phải vật lộn với cuộc sống chật vật mà nguồn gốc của các vấn đề được chia sẻ qua các câu chuyện riêng của từng người, và của tập thể. Và bởi đây là dự án nghệ thuật, họa sĩ Wodiczko dùng các yếu tố âm thanh lẫn lộn, các chia sẻ tự sự của người di cư….
Ngoài những âm thanh có thể là mới lạ, người thưởng thức nghệ thuật còn được nghe một vài câu chuyện của người di cư: ‘anh làm việc rất vất vả từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối không có ngày nghỉ”, một người khác: ‘tôi vượt rừng từ Nga sang Ukraina, rồi từ Ukraina sang Ba Lan. Tới Ba Lan tôi không có giấy tờ hợp pháp và bị bắt”…
Krzysztof Wodiczko nói với các nhà báo chủ ý của ông trong dự án nghệ thuật này: Triển lãm không có mục đích giáo điều giảng dạy để phân định và trả lời các câu hỏi mà chỉ dẫn giải qua hình thức thưởng thức bằng trí tuệ và tâm lý để người xem được tới gần với những người mà chúng ta không biết rõ.
Lều nghệ thuật chỉ muốn khẳng định sự hiện diện của người di cư, làm cho họ gần chúng ta hơn và ngược lại nhưng cũng khẳng định rằng sẽ có nhiều điều không thể sáng tỏ tận cùng.
Ví dụ như trải nghiệm của người vừa chui lủi vượt rừng sang quốc gia mới là trải nghiệm mà họ có thể chia sẻ. Chúng ta chia sẻ nhưng sẽ không hiểu hết được họ. Ngoài ra, vì hoàn cảnh cá biệt của mình, họ bị nằm ngoài mọi hoạt động đại chúng dù sống trong xã hội dân chủ.
Thế nhưng, khi tham gia vào dự án nghệ thuật này, họ đã kết cấu bằng văn hóa để nói về mình. Có thể không để cải thiện cho riêng bản thân họ mà có thể chỉ để phục vụ tương lai con cháu của họ sau này. Tôi rất biết ơn tất cả những ai đã chia sẻ một phần cuộc sống của mình vào dự án nghệ thuật của tôi.
Trong cuộc họp báo diễn ra tại Ba Lan, Krzysztof Wodiczko nói đề tài ông thực hiện ở Ba Lan nhưng có ý nghĩa toàn cầu, ông cũng đặt câu hỏi Châu Âu sẽ chuyển đổi ra sao trong thế giới hiện đại, người di cư sẽ là một phần của Châu Âu nhưng lại là bộ phận không phải lúc nào cũng được chính giới Châu Âu chấp nhận.
Triển lãm quốc tế vừa khánh thành tại Venezia mở cửa tới 28 tháng 11 cho công chúng vào xem. Các quốc gia Châu Á có đóng góp cho Triển Lãm là Nhật, Thái Lan, Singapore và cả Trung Quốc. Chưa có lần nào Việt Nam gửi nghệ sĩ tham gia triển lãm quốc tế này.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment