04/06/1989? Xin đừng lên lớp tôi!
Diane Wei Liang
Đăng ngày 03/06/2009 lúc 20:37:57 EDT
http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3821
Vào ngày 4 tháng sáu năm 1989, nhiều bạn học của tôi tại đại học Bắc Kinh đã rời trường để gia nhập cùng hàng ngàn người phản kháng ôn hoà đã tề tụ nhiều tuần lễ ở quảng trường Thiên An Môn. Các bạn giao liên bằng phương tiện xe đạp và các sinh viên với loa phóng thanh đã đưa tin đến cho những ai trong chúng tôi còn ở lại trường biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi hãy còn trẻ, ngây thơ, và đang tranh đấu cho dân chủ và cho một Trung Hoa tốt đẹp hơn. Chúng tôi thật sự bị chấn động khi nghe tin xe tăng tiến vào đại lộ Tràng An, đập tan phong trào tự do chỉ mới bảy tuần tuổi. Khi quân lính khai hoả, giết chết hàng trăm sinh viên, lo lắng chính của chúng tôi là tìm kiếm các bạn đã tham gia biểu tình.
Bắc Kinh là một nơi nguy hiểm trong nhiều tuần sau đó. Tình trạng thiết quân luật đã được ban hành và các ngả biên giới cũng bị đóng kín. Sợ bị bắt, tôi trốn về quê. May thay, tôi đã được học bổng đi học nước ngoài và cũng đã được phép đi. Vào ngày 2 tháng tám tôi rời quê đi Hoa Kỳ để xây dựng một cuộc đời mới bên ngoài Trung Hoa.
Thiên An Môn xảy ra trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế và thế giới đã dứt khoát không muốn quên như Trung Hoa đã quyết tâm không muốn nhớ về nó. Nếu có chăng, ý nghĩa chính trị của Thiên An Môn bên ngoài Trung Hoa đã lớn dần theo năm tháng, và hầu như ai cũng cho rằng Trung Hoa sẽ không bao giờ là một quốc gia tiến bộ trọn vẹn cho đến khi nào nó dám đối mặt với sự thật về các biến cố này. Chính tôi đã tin vào điều đó suốt nhiều năm ròng.
Tôi trở về Bắc Kinh bảy năm sau. Lúc đó tôi đã là giáo sư tại Hoa Kỳ và tôi được mời dạy các sinh viên Thạc sĩ quản trị hành chánh đầu tiên của Trung Hoa. Khi về đến Bắc Kinh, cảnh vật thay đổi đến không còn nhận ra được nữa. Các con đường thuở ấu thơ bao bọc bởi ruộng đồng và hàng dãy những cửa hiệu nhỏ đã mất đi, thay vào đó là những xa lộ, các siêu thị và nhà cao tầng.
Nữ Thần Dân Chủ, biểu tượng của sự kiện Thiên An Môn
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/TAM4.jpg
Sinh viên cản đường xe tăng
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/TAM3.jpg
Các sinh viên của tôi đã trưởng thành hơn sau biến cố Thiên An Môn, nhưng cũng chỉ được biết đến văn bản chính thức của sự kiện: những kẻ biểu tình là những kẻ vô chính phủ muốn lật đổ chính quyền, và việc đè bẹp chúng là cần thiết. Sự tiến bộ kinh tế đã quá lớn ngay cả vào những năm cuối của thập niên 1990, các sinh viên của tôi không muốn nói về dân chủ mà chỉ khoái nói về chuyện thành đạt và giàu có. Nhật ký của một Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại Học Harvard, do một sinh viên hậu đại học người Hoa viết về một học trình nổi tiếng, đã là sách bán chạy nhất. Đối với họ biến cố Thiên An Môn là không thích đáng.
Từ đó mỗi năm tôi lại về thăm Trung Hoa. Mức sống người dân càng được nâng cao thì ký ức về Thiên An Môn càng trở nên xa xăm. Thế hệ sinh ra kể từ ngày biểu tình đó không chỉ không biết đến chuyện gì đã thật sự xảy ra vào năm 1989, mà họ cũng chẳng quan tâm. Họ sống trong một nước Trung Hoa mới. Họ được tự do nói lên suy nghĩ của mình, nếu không trên mặt giấy thì cũng trong chốn riêng tư. Họ có thể đi bất cứ đâu và kiếm việc làm mà không cần phải đợi chờ những chỉ tiêu của chính phủ. Họ không còn phải sống với những hồ sơ mật, hoặc hộ khẩu, một thứ chế độ giấy phép cư trú nghiêm ngặt giúp giới thẩm quyền kiểm soát mọi hoạt động dân chúng dễ dàng hơn.
Trung Hoa của họ trên nhiều phương diện là một Trung Hoa mà chúng tôi nhắm tới qua sự kiện Thiên An Môn: người dân sống đời sống hạnh phúc và tự do hơn. Từ khi bị người phương tây đánh bại trong cuộc chiến tranh nha phiến vào giữa thế kỷ 19, Trung Hoa đã cố gắng phục hồi sự tự tin bằng cách du nhập những tư tưởng tây phương. Chủ Nghĩa Cộng Sản là một trong những tư tưởng đó, nhưng đã thất bại hoàn toàn, hứa hẹn phẩm giá con người nhưng lại sản sinh sự nghèo khốn tập thể. Vào những năm 1980 Chủ Nghĩa Cộng Sản đã trên giường hấp hối, bị thương trầm trọng do kẻ kế thừa họ Mao là Đặng Tiểu Bình – người đã hạ lệnh đàn áp các sinh viên tại Thiên An Môn. Bằng cách từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản, Trung Hoa đã cố gắng gỡ bỏ hạn chế lớn nhất cho quyền tự do của người dân: thiếu tiền.
Xác sinh viên ngổn ngang quảng trường sau đêm 4/6/1989
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/TAM1.jpg
Xe tăng nghiền nát sinh viên
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/TAM2.jpg
Phong trào Thiên An Môn là sự truy tìm của thế hệ tôi cho một giải pháp với vấn nạn Trung Hoa: một thứ quyền lực cổ đã mất đi phẩm cách. Đất nước đã đi đến thị trường tự do nhưng lại không có tự do chính trị. Chúng tôi muốn thay đổi điều này cho tốt hơn và cho dân chủ, thu thập thông tin từ những sách dịch, là giải pháp của chúng tôi.
Trung Hoa đã đạt được những tiến bộ vượt bực kể từ năm 1989, cả về kinh tế lẫn tự do cho người dân, thật khó cho nhiều người trẻ Trung Hoa hôm nay nhận ra hay hiểu được cái thế giới mà chúng tôi đã chống lại 20 năm trước. Ngày hôm nay Trung Hoa vẫn tiếp tục tìm kiếm bản thể quốc gia nhưng phương thức đã không còn là những giá trị lý tưởng tây phương. Giáo dục truyền thống Trung Hoa, như Đạo Khổng, đang được khôi phục để mưu tìm một câu trả lời thoả đáng hơn.
Đừng nên bao giờ quên biến cố Thiên An Môn. Chúng ta phải tưởng niệm nó vì những người đã chết và cho một thế hệ đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời mình để mưu cầu một Trung Hoa tốt đẹp hơn. Và chúng ta nên nhớ đến nó như là cột mốc của khát khao cho giải phóng và tự do của nhân dân Trung Hoa.
Nhưng chúng ta cũng nên nhận ra rằng mong đợi Trung Hoa chuộc lại lỗi lầm cho các tội ác ở quảng trường Thiên An Môn vừa không thực tế, không có lợi, mà cũng không cần thiết. Trên tất cả, chúng ta ở phương tây không nên sử dụng Thiên An Môn như một chiếc gậy để đập Trung Hoa. Thay vào đó chúng ta nên giúp đỡ cho đất nước này tiến lên, cải thiện nhân quyền, bảo vệ môi sinh, đẩy lui thêm sự nghèo khó và kiến tạo sự giàu có cho người dân, và với thời gian, cho thế giới. Đó mới là điều sẽ thật sự vinh danh lý tưởng của những người phản kháng trẻ cách đây 20 năm.
Diane Wei Liang
Nguồn: tập san Prospect, Tháng 06/2009
Xuân Vỹ dịch
Diane Wei Liang hiện làm nghề viết văn. Tập hồi kí về Thiên An Môn của cô có nhan đề Hồ không tên sẽ do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành vào dịp Tháng Sáu năm nay.
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment