Tài nguyên khoáng sản hay khoa học công nghệ?
Nguyễn Thành Sơn*
02:28-16/06/2009
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=100&News=2896&CategoryID=2
Ngay từ đầu, khi nhận định về vai trò của tài nguyên khoáng sản, Ph. Ăngghen đã đưa ra nhận định rằng “chẳng có ai trong chúng ta có mặt khi ông trời sinh ra Trái đất, vì vậy, chẳng có ai biết ông trời đã nhét những thứ gì vào trong lòng Trái đất”. Và lịch sử cho thấy điều kiện khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản cùng vai trò của tài nguyên khoáng sản trong phát triển xã hội loài người đang thường xuyên thay đổi. Nhưng vai trò của KHCN luôn là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của mọi quốc gia. Vì vậy, không thể tiếp tục tư duy về phát triển kinh tế theo định hướng dựa vào tài nguyên khoáng sản.
Cho đến nay, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, về khía cạnh chính trị-kinh tế học, ở tầm các học thuyết, nhiều người đã và đang muốn đưa ra các luận điểm khác nhau mang tính “bác học” và “kinh điển” cho cuộc khủng hoảng đang xảy ra. Điều đó cũng có thể có lý, vì vài chục năm nay chưa có một thực tế nào bị xáo trộn sâu và rộng đến như thế trong nền kinh tế toàn cầu, và đã từ lâu, lợi thế cạnh tranh quốc gia dựa trên nguồn tài nguyên khoáng sản cũng cần được định nghĩa lại.
Vai trò của khoáng sản và KHCN trong chiến tranh...
Trong quá khứ, nước Nga Xô Viết đã chiến thắng cả trong hai cuộc đại chiến thế giới không phải nhờ vào nguồn tài nguyên khoáng sản (vì phần lớn các tài nguyên khoáng sản chủ yếu của Liên Xô (cũ) sau này mới được phát hiện ra). Mặc dù Liên Xô (cũ) có nguồn tài nguyên khoáng sản cũng rất phong phú, nhưng vai trò quyết định trong cả hai cuộc chiến tranh lại thuộc về khoa học và công nghệ. Vào năm 1918, trong các thành phố và làng bản của nước Nga Xô Viết đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu của Lenin “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang lâm nguy”. Vòng vây của kẻ thù đang ngày càng thiết chặt xung quanh Nhà nước Xô Viết trẻ tuổi. Các nhà máy đóng cửa vì không có than. Baku (nơi duy nhất đang khai thác dầu mỏ khi đó) bị chia cắt, các vùng còn lại không có dầu mỏ. Các phi công dũng cảm của Hồng quân chiến đấu trên những phi cơ với tỷ lệ một phi cơ của nước Nga Xô Viết đã hết khấu hao chọi với mười phi cơ “made in England” mới tinh. Phi cơ của Hồng quân quá cũ, nhiên liệu thiếu, phải dùng không đúng chủng loại, khi xung trận đã để lại những vệt khói đen xì làm mồi cho hoả tiễn. Chỉ có lòng dũng cảm đã không đủ. Bộ chiến tranh đã phải cầu cứu và các nhà khoa học đã vào cuộc. Nhà Hoá học nổi tiếng của trường MGU là N.D. Zelinski đã điều chế được loại xăng cho máy bay từ những khoáng vật bỏ đi của dầu mỏ. Chiến tranh đã kết thúc với chiến thắng thuộc về phe của N.D. Zelinski.
Vì không có nguồn dầu mỏ, từ trước đại chiến thế giới lần thứ nhất, năm 1913, theo lệnh của Hitler các nhà khoa học của Đức đã nghiên cứu để chế tạo được nhiên liệu từ than đá. Nhờ vậy, mặc dù rất nghèo về dầu mỏ, nước Đức quốc xã và nước Nhật Bản phát xít sau đó đã quyết tâm gây hấn đại chiến thế giới lần thứ hai nhờ có trong tay công nghệ “Fiser-Trop” sản xuất được đủ nhiên liệu cho xe tăng và máy bay từ than thay thế cho xăng dầu vốn được điều chế từ dầu mỏ và khí đốt. Sản lượng nhiên liệu tổng hợp từ than đá hằng năm của Đức trong thời gian chiến tranh (năm 1944) đã lên tới 124.000 thùng/ngày, tương đương với 6,5 triệu tấn dầu. Thế mạnh trên chiến trường đã không thuộc về phe có nhiều tài nguyên khoáng sản!! (độc giả có thể tham khảo thêm các thông tin tại địa chỉ: http://www.fe.doe.gov/aboutus/history/syntheticfuels_history.html).
Trong tương lai của xã hội loài người: Khi nguồn năng lượng hoá thạch (than, dầu mỏ, khí đốt) được thay thế bằng hydro, dự kiến đến năm 2100, tổng số phương tiện vận tải của hành tinh chúng ta (theo quy đổi của EC) sẽ lên tới 2,5 tỷ đơn vị, dân số sẽ lên tới 10 tỷ người, và nhu cầu nhiên liệu sẽ đạt con số quy đổi 450 triệu tấn hydro/năm (hiện nay, chúng ta đang dùng chủ yếu là nhiên liệu từ cacbon có đơn vị tính là TOE “tấn dầu quy đổi”. Ý nghĩa và vai trò của tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu mỏ, khí đốt, uranium v.v. sẽ không còn nữa. Vấn đề quyết định là công nghệ điều chế hydro từ nước. Còn nước, và đặc biệt là nước biển, nước sông, hồ thì quốc gia nào cũng có thể khai thác gần như “vô tư”, chẳng hơi đâu phải lo về vấn đề “chủ quyền”, “tranh chấp”, hay “chồng lấn”.
... và trong phát triển kinh tế
Yếu tố bất định về tài nguyên khoáng sản có ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định chính sách. Những kỳ khủng hoảng giá khoáng sản giảm trong những năm 80, và vào năm 1998, hay những cú “sốc” tăng giá khoáng sản trong năm 2007, đầu năm 2008, và cú “sốc” giảm giá một cách thảm hại vào cuối 2008 đã đủ để cho phép chúng ta rút ra một nhận xét khiêm tốn nhất là không thể dựa vào khoáng sản để phát triển bền vững nền kinh tế.
Có rất nhiều ví dụ về sự phát triển kinh tế xã hội không dựa vào tài nguyên khoáng sản. Về mặt quốc gia, Nhật Bản có thể coi là một hình mẫu phát triển kinh tế không dựa trên nguồn tài nguyên khoáng sản. Bên cạnh Việt Nam, nếu xét về tiềm năng tài nguyên khoáng sản thì Thái Lan thua xa Việt Nam, trong khi Việt Nam đang tụt hậu so với Thái Lan hơn nửa thế kỷ về phát triển kinh tế. Về mặt công nghệ, có thể nói United Company (UC) Rusal - đại gia số 1 của hành tinh về sản xuất nhôm lại đã hình thành gần như từ “hai bàn tay trắng” về bauxite.
Để hoạch định phương hướng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, chúng ta phải dựa vào những cơ sở, yếu tố tương đối hiện thực và chắc chắn. Tài nguyên khoáng sản là một yếu tố rất “mập mờ”. Trữ lượng của tài nguyên khoáng sản thường được đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau. Số lượng và chất lượng khoáng sản cũng mang tính chất so sánh tương đối. Ngay cả hiệu quả kinh tế của từng loại tài nguyên khoáng sản cũng chỉ mang tính tương đối. Ví dụ: Hiện nay, với giá dầu khoảng 40USD/thùng việc khai thác dầu ở những mỏ có điều kiện khó khăn (ví dụ ngoài thềm lục địa) có thể không có lãi. Trong đất liền, bình quân 1 giếng dầu có thể chỉ phải chi khoảng 5 triệu USD, nhưng ở ngoài biển chi phí sẽ tăng 10 -12 lần. Như vậy, xét tính khả thi về mặt kinh tế của trữ lượng, dầu trên đất liền có giá trị cao hơn dầu ngoài biển. Theo số liệu hiện có được công bố, trên thế giới, khoảng 35% sản lượng dầu khai thác ngoài biển có giá thành khai thác cao hơn dầu khai thác trên đất liền của Nga; giá thành dầu của Nga cao hơn giá thành dầu của các nước OPEC v.v. Tuy nhiên có một thực tế mà chúng ta thấy rõ là mặc dù chi phí khai thác dầu ngày càng tăng (loài người phải đi ra biển, đến những vùng xa hơn, sâu hơn để chinh phục các mỏ dầu mới), theo quy luật, giá dầu sẽ phải tăng, nhưng hiện nay đang giảm. Vấn đề cũng lại nằm ở yếu tố rất “mập mờ” của dầu. Yếu tố “mập mờ” của dầu càng gia tăng khi hiện nay, nhiều nước coi các thông tin về dầu khí là “bí mật quốc gia”. Thực chất, ở Nga việc không minh bạch thông tin về dầu khí chỉ là “ngón bài” của các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp có liên quan đến Nhà nước (do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và/hoặc thực hiện các đơn hàng của Nhà nước). Chưa và sẽ không có doanh nghiệp dầu khí nào của Nga bị “chết” khi giá dầu ở mức chỉ có 10USD/thùng.
Nền kinh tế của thế giới và tài nguyên khoáng sản
Trên trang báo điện tử của Chính phủ Việt Nam chúng ta có thể thấy hai số liệu sau:1/ Thu chi ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm 2008 đến hết 15/9 ước đạt 292,3 nghìn tỷ đồng; trong đó thu nội địa đạt 160,5 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 71,6 nghìn tỷ đồng.
2/ Về tình hình xuất khẩu 8 tháng 2008: Giá xuất khẩu tăng vẫn là yếu tố quan trọng giúp giá trị xuất khẩu tăng trong khi lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2008 tăng 12,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2007 thì trong đó tăng do giá khoảng 8,5 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch tăng thêm.
Từ các số liệu trên cho thấy, ngân sách của Việt Nam còn rất phụ thuộc vào giá dầu. Trên thế giới, giá dầu đã giảm xuống mức kỷ lục. Từ trước đến nay, giá dầu phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố địa chính trị và chưa bao giờ chúng ta có thể hiểu rõ về giá dầu.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs & Merrill Lynch dự đoán trong năm 2009 giá dầu có thể đạt mức 25USD/thùng. Chính phủ Nga của ông Putin đã tính tới kịch bản của nền kinh tế Nga với giá dầu chỉ còn 10USD/thùng (hiện nay đang dao động ở mức 35-37USD). Nền kinh tế của Việt Nam chắc không thể hình dung được nếu mới nghĩ đến giá dầu mỏ chỉ còn 10USD/thùng.
Cũng giống như Nga, nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam đang sống dựa vào xuất khẩu dầu. Giá dầu giảm, khó khăn sẽ tăng. Với lượng xuất khẩu dầu thô như hiện nay, ngân sách của Việt Nam chỉ có thể “dễ thở” trong các cân đối với mức giá trên 100USD/thùng. Còn với mức giá đang giảm dần như dự báo trên của Goldman Sachs & Merrill Lynch, nếu nói nền kinh tế của Việt Nam sẽ “có ảnh hưởng” là rất khiêm tốn.
Giá dầu không những có ảnh hưởng lớn, mà còn có ảnh hưởng rất khó tiên lượng. Ngay trong các tháng 6 và 7 năm ngoái, khi giá dầu đạt mức 140USD/thùng, có nhiều nhà “tiên tri” đã dự tính đến cuối năm giá dầu sẽ lên tới 180USD - 200 USD/thùng. Nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy, mà hoàn toàn ngược lại.
Vấn đề là ở chỗ sự thay đổi lên xuống của giá dầu không theo một quy luật tin cậy nào để dự báo chính xác. Tất cả các nguyên lý, nguyên tắc cơ bản về giá cả thị trường trong các sách giáo khoa và trên thực tế chỉ đúng với các sản phẩm khác, chứ không đúng với dầu mỏ-“vàng đen”. Cuộc khủng hoảng hiện nay chúng ta đang phải đối mặt, được nhiều chuyên gia lý giải rằng, thế giới đã bước vào thời kỳ suy thoái, 3 nền kinh tế hàng đầu (Mỹ, Nhật, EC) đã đạt mức phát triển “kịch trần”, còn 4 nền kinh tế phát triển rầm rộ gần đây (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil) cũng đang đạt trần, cho nên nhu cầu về năng lượng đang giảm và vì vậy giá dầu giảm. Mới nghe thì có vẻ đúng sách vở. Nhưng thực tế không đúng: tháng 11 so với tháng 6 của năm 2008 giá dầu giảm 3,5 lần, nhưng nhu cầu về dầu của thế giới không giảm như vậy. Các nước như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nga vẫn có mức tăng trưởng dương!
Mặt khác, “ngón bài” quen thuộc của các nước OPEC (cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu) cũng tỏ ra không có hiệu lực trong tình hình khủng hoảng hiện nay. Trước đây, mỗi khi các nước OPEC nhóm họp là các nhà đầu tư phố Wall cứ phải chăm chú theo dõi để kịp đưa ra các lệnh mua/bán kiếm lời. Hôm nay, OPEC có họp xong rồi cũng chẳng ai thèm để ý. Hai lần cắt giảm sản lượng khai thác nhưng giá dầu cứ vẫn đi xuống đều đều. Dự tính, ngoài OPEC sẽ có sự tham gia cả của Nga về việc cắt giảm sản lượng, nhưng chẳng có ai dám hy vọng giá dầu sẽ chững lại.
Về mặt khách quan, giá dầu trên thế giới rất nhạy cảm và phụ thuộc vào tình hình chính trị nhiều hơn là phụ thuộc vào mối quan hệ cung -cầu. Trong thời gian tới, giá dầu sẽ rất phụ thuộc vào chính sách của chính quyền mới của Mỹ về Trung Đông.
Khoáng sản của VIỆT NAM trong khủng hoảng toàn cầu
Những khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải chịu đựng cơn bão rớt giá thảm hại. Ngay trong tháng 7, tháng 8 năm 2008, thị trường xuất khẩu than của Việt Nam được coi là của “người bán”, do người bán (TKV) quyết định. Nhiều đối tác nước ngoài tìm mua than của TKV đã phải “khứ hồi” ngay khi đến Hà Nội. Nhưng chỉ đến cuối năm 2008 và đầu năm 2009 thị trường than lại chuyển sang tay của “người mua”. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của hòn than Việt Nam là Trung Quốc - nước có sản lượng than lớn nhất thế giới (trên 2,5 tỷ tấn/năm). Các doanh nghiệp của Trung Quốc phải nhập khẩu than từ Quảng Ninh của Việt Nam về các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây chạy các nhà máy nhiệt điện, nhưng vẫn có thừa điện rẻ tiền để bán lại cho Việt Nam. Chúng ta đang bán than cho các nhà máy điện của Trung Quốc với giá cao hơn giá bán than cho các nhà máy điện của Việt Nam (khoảng 30-40%). Trong khi đó, lại phải nhập khẩu điện của Trung Quốc vì giá nhiệt điện của Trung Quốc rất cạnh tranh. Đây cũng là một ví dụ rất điển hình, có thể đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho sinh viên đại học về bài học với chủ đề “khoa học công nghệ chứ không phải tài nguyên khoáng sản đang quyết định sự phát triển của nền kinh tế”.
Đối với các khoáng sản thuộc loại “quý” và “hiếm” khác “made in Vietnam” trong thời gian cuối năm 2008 cũng tương tự. Giá kim loại đồng thỏi “ba con chín” của Việt Nam đã rớt một cách thảm hại từ trên 8.400USD/tấn xuống còn hơn 2.900USD/tấn, giá thiếc thỏi rớt từ 25.000USD/tấn xuống còn trên 11.000USD/tấn, giá kẽm thỏi rớt từ 4500USD/tấn xuống còn 1.100USD/tấn, giá gang đúc rớt từ 12,5 tr.đ/tấn xuống còn 7,5 tr.đ/tấn v.v. mà các đối tác nhập khẩu truyền thống từ Trung Quốc cứ “ngoảnh mặt làm ngơ”. Mới chỉ năm 2007 và nửa đầu năm 2008, cứ mỗi sáng thức dậy là Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản của tập đoàn TKV đã có thêm gần 2 tỷ VNĐ lãi “nhảy” vào tài khoản. Còn đến cuối năm 2008, và đầu năm 2009 chính ông Giám đốc của Tổng công ty Khoáng sản này trước khi ký Hợp đồng phối hợp kinh doanh với Tập đoàn, đã tình nguyện đề xuất đưa tất cả các sản phẩm khoáng sản (vàng, đồng, kẽm, thiếc, gang đúc, quặng sắt v.v.) của tổng công ty này vào “xếp hàng” để chờ trợ cấp của Tập đoàn có nguồn thu lãi duy nhất từ hòn than anthracite xuất khẩu của Quảng Ninh (cũng đang “sống dở chết dở”). Nhập khẩu những công nghệ luyện đồng, luyện kẽm lạc hậu khoảng 50 năm, sản xuất ra các sản phẩm chỉ có thể bán lại cho các đối tác Trung Quốc để làm nguyên liệu, đầu năm nay Tổng công ty Khoáng sản này của TKV đang tồn kho sản phẩm trị giá hơn 800 tỷ đồng (gần bằng 50% doanh thu).
Thay cho lời kết
Loài người đã bước sang thế kỷ 21 được gần chục năm. Thế giới đang ngày một phẳng và ngày một nhỏ lại. Cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra gần 300 năm nay sẽ lùi vào quá khứ để nhường chỗ cho cuộc cách mạng về khoa học công nghệ. Nền công nghiệp ống khói đang được thay thế bằng nền công nghiệp văn phòng. Việt Nam đã gia nhập một cách thành công vào WTO. Nền kinh tế của Việt Nam đã có hệ số mở lớn hơn 1, nhưng vẫn tụt hậu hàng trăm năm so với những nước mà chỉ cách đây vài chục năm còn thua kém Việt Nam. Có dân số và mật độ dân số thuộc loại lớn trên thế giới, nhưng Việt Nam chỉ có nguồn tài nguyên khoáng sản rất manh mún và một môi trường sống (đất, nước, và không khí) đang ngày càng bị hủy hoại nhanh chóng. Nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh, nhưng với một cấu trúc hết sức mỏng manh. Chúng ta có tham vọng rất lớn, có nhu cầu phát triển rất cao, nhưng có tầm nhìn và khả năng dự báo hết sức hạn chế v.v. Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra cho chúng ta một sự lựa chọn rất rõ ràng là phải phát triển một nền kinh tế bền vững, trong sạch và hiệu suất cao. Đó chính là nền kinh tế dựa vào tri thức. Tài sản vô tận của quốc gia là trí thức, còn khoáng sản chỉ là tài sản có hạn, không thể tiếp tục tư duy về phát triển kinh tế theo định hướng dựa vào tài nguyên khoáng sản.
-----------------
* Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng-TKV
No comments:
Post a Comment