Thursday, June 18, 2009

PHIM KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG NGẬP TRÀN YẾU TỐ TRUNG QUỐC

VIỆT NAM CHỌN NGÀY KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG TRÙNG NGÀY QUỐC KHÁNH TRUNG QUỐC thì làm phim đề cao 1000 năm Thăng Long bằng hình ảnh Trung Quốc là đúng quá rôi!

Trần Thủ Độ:
Phim 1.000 năm Thăng Long bị "Trung Quốc hóa"?
12/06/2009 8:52
http://www.phunuonline.com.vn/giaitri/2009/Pages/Phim-1000-nam-Thang-Long-bi-Trung-Quoc-hoa.aspx
Phim Trần Thủ Độ được bấm máy vào ngày 12/6. 30 tập phim truyền hình về vị thái sư lập nên nhà Trần đã được duyệt kinh phí đầu tư 51 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm về dự án phim Lý Công Uẩn tốn đến 200 tỷ đồng đã bị dừng vì dư luận đào xới, đến trước ngày bấm máy Trần Thủ Độ, nhà sản xuất là Hãng phim truyện I và đạo diễn Đào Duy Phúc vẫn tỏ ra cực kỳ thận trọng với báo chí.

Nước đến chân mới nhảy
Bốn đầu phim trong hạng mục phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (gồm một phim nhựa, một phim truyền hình, một phim tài liệu và một phim hoạt hình) mất hơn 5 năm "khởi động", tới giờ, cũng mới có Trần Thủ Độ chuẩn bị bấm máy. Khi dự án chính là phim nhựa Lý Công Uẩn bị dừng, trọng trách phim chính của 1.000 năm Thăng Long được chuyển giao cho bộ phim truyền hình này. Nhưng theo dõi tiến độ sản xuất phim Trần Thủ Độ, có lúc không dám tin rằng, đến ngày thủ đô 1.000 tuổi sẽ có được phim.
Chuẩn bị và hoàn tất kịch bản Trần Thủ Độ và người tình từ năm 2004 (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn), tới năm 2006, dự án này chính thức giao cho Hãng phim truyện I và đạo diễn Phi Tiến Sơn. Kịch bản phân cảnh 15 tập đầu tiên đã được Phi Tiến Sơn hoàn thành. Các đoàn công tác của Hãng phim truyện I mất nhiều lần (và tốn khá tiền) sang Trung Quốc, Hàn Quốc để học kinh nghiệm làm phim lịch sử. Hãng đã có kế hoạch xây dựng phim trường ở Đồng Mô với diện tích 3 ha để "phục dựng" lại Thăng Long thế kỷ XIII. Để bộ phim được làm cẩn thận, thời hạn bấm máy dự tính là tháng 1/2008.
Bỗng bất ngờ Hãng phim truyện I tuyên bố thay đạo diễn, Phi Tiến Sơn nhường phim lại cho đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc – mọi công việc chuẩn bị (vốn đã lề mề) phải khởi động lại gần như từ đầu. Để trấn an dư luận về tiến độ thực hiện phim, Hãng phim truyện I đưa ra phương án sản xuất Trần Thủ Độ (bản phim của Đào Duy Phúc mang tên này) theo kiểu cuốn chiếu, "vừa đun nước vừa nhặt rau", vừa quay vừa làm hậu kỳ, cái gì không có sẽ đi thuê của Trung Quốc...

Ngập tràn yếu tố Trung Quốc
Chính vì áp lực thời gian nên các cụm bối cảnh có thể sử dụng ở Việt Nam không kịp xây cất và sửa sang như dự tính. Số bối cảnh thuê ở trường quay Hoàng Điếm, Trung Quốc sẽ xuất hiện trong phim với mật độ nhiều hơn. Không chỉ vậy, ngựa và mã phu, đạo cụ, chủ yếu cũng được đưa về từ Trung Quốc. Có thể lý giải rằng, bối cảnh cổ trang thuê sẵn của Trung Quốc sẽ rẻ hơn, chuyên nghiệp hơn, đẹp hơn. Nhưng các nhà sử học vẫn lo ngại rằng, diện mạo của kinh thành Thăng Long thế kỷ XIII rất khác với cung đình Trung Hoa, nhỡ đâu xem Trần Thủ Độ lại cứ nhang nhác phim truyền hình Trung Quốc!
Có lẽ rút kinh nghiệm sâu sắc từ dự án phim nhựa Lý Công Uẩn bị đổ bể, nên nhà sản xuất và đạo diễn của Trần Thủ Độ kiên quyết giữ thái độ im lặng lịch thiệp với báo chí. Trước ngày khởi quay, chỉ có tên diễn viên chính cho bộ ba tình ái - chính trị được tiết lộ (á hậu Thiên Lý vào vai nguyên phi Trần Thị Dung - người tình của Trần Thủ Độ, Thiên Bảo vào vai Trần Thủ Độ, ca sĩ Hứa Vĩ Văn vào vai vua Lý Huệ Tông), còn danh sách các thành phần làm phim khác vẫn được giữ kín. Nhưng "nội tình" giới điện ảnh đang có những xì xào khi gần như các khâu từ trợ lý đạo diễn, họa sĩ thiết kế, họa sĩ hóa trang, đạo diễn võ thuật, trợ lý sản xuất, diễn viên quần chúng... đều sử dụng chuyên gia Trung Quốc. Trong khi đó, rất nhiều họa sĩ và chuyên gia có tay nghề cao của Việt Nam phải ngồi chơi vì... dôi dư.
Vẻ đẹp khỏe mạnh và đằm thắm của á hậu Thiên Lý được kỳ vọng phù hợp với vai Nguyên phi Trần Thị Dung. Là gương mặt chưa bị nhàm chám như các ngôi sao phim truyền hình khác, hy vọng Thiên Lý sẽ đem tới cho nhân vật một sức sống tươi mới. Trần Thủ Độ - nhân vật quan trọng nhất của bộ phim được trao cho Thiên Bảo. Dù diễn viên này đã có dấu ấn tốt trong các phim Cầu Ông Tượng, Ngã rẽ cuộc đời, Hổ Ly Sơn thất thế - nhưng dường như yếu tố "nam tính" chưa đủ đáp ứng với hình tượng nhân vật.
Chuyện "nước đến chân mới nhảy" lâu nay dường như đã là "thói quen" của Ban chỉ đạo các đợt kỷ niệm và lễ hội lớn. Trong điện ảnh, đã có quá nhiều các bộ phim kỷ niệm "đầu voi đuôi chuột", đủng đỉnh chuẩn bị và cuống cuồng khi thực hiện để ép tiến độ thời gian. Đương nhiên, cuối cùng, sẽ vẫn có phim để trả nợ Nhà nước, nhưng chất lượng thế nào thì không ai dám khẳng định trước.
Quỳnh Hương

No comments: