Saturday, June 20, 2009

MỘT LỄ CẦU SIÊU CHO NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM

Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6/2009: Một lễ cầu siêu…
Võ Thị Hảo
20/06/2009 9:00 sáng
http://www.talawas.de/

Khi báo chí “xuôi tay”

Sau “trận bão” năm ngoái tràn qua làng báo Việt Nam: cuộc bắt giam hai nhà báo chống tham nhũng ở báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ, blogger Điếu Cày và nhiều người khác chính kiến bị bỏ tù vì cớ này hay cớ khác, dù những điều họ làm là quyền của công dân được ghi trong Hiến pháp; sau một số sự kiện đau lòng khác trong lĩnh văn hoá tư tưởng, truyền thông, tư pháp và hành pháp…
Rồi sự kiện “chuyển đổi công tác” - mà ai cũng biết rằng đó là sự trừng phạt, bắt buộc để làm “trong sạch đội ngũ” của các Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Đại đoàn kết…
Sau sự kiện Nhà Xuất bản Đà Nẵng và báo Du lịch bị tạm đình bản…
Thì diện mạo xã hội Việt Nam và làng báo Việt Nam, cho đến giữa năm 2009 này có “nhiều điều trông thấy mà đau đớn lòng…”
Đó là sự “nhắm mắt”, sự “xuôi tay” của báo chí trước rất nhiều sự thật.
Mà những sự thật đó mật thiết đến sự tồn tại và phát triển của đất nước và quyền tự do dân chủ của công dân.

Ở Việt Nam, ai ghét và ai muốn bất chấp tất cả, không ngần ngại dùng các biện pháp khủng bố để tước đoạt quyền tự do và dân chủ của công dân?
Đó là những người luôn tìm mọi cách để “làm bậy”, để chiếm đoạt quyền lợi của quốc gia và của các công dân khác cho lợi riêng của mình, của nhóm mình, của tập đoàn mình. Để dễ bề tung tác, những đối tượng này dùng mọi cách bóp nghẹt tự do ngôn luận và quyền dân chủ của công dân.
Những người có trách nhiệm với đất nước, với công dân, liêm chính và minh bạch không bao giờ sử dụng sự khủng bố để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Người của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hay dùng từ “phản động”, từ “Việt gian bán nước” để chỉ kẻ thù trong chiến tranh. Cho đến nay, cần phải nhận diện rõ những đối tượng này. Nội hàm của từ “phản động” là cản trở, ngăn chặn sự phát triển, sự đổi mới của đất nước. Còn “Việt gian”, là để chỉ những người Việt tham lam và dối trá. Như thế, cần nhìn ra những mối nguy hại của đất nứơc, làm hại nhân dân ngay trong đội ngũ những người xưa nay vẫn sát cánh và thường được gọi triệt để là “phe ta”.

An Dương Vương xưa, trong khi khốn đốn trên lưng ngựa, chạy trốn sự truy đuổi của quân Triệu, đã được thần Kim Quy cảnh báo “Giặc ngồi sau lưng mà nhà vua không biết”. Khi An Dương vương nhận diện được mối nguy hại, thì đã sơn cùng thuỷ tận, chỉ còn cách tự sát!

Phản động ở đâu xa? Mối nguy mất nước ở đâu xa? Nằm trong sự mục ruỗng. Ở ngay sau lưng, ngay trong lòng một số người quản lý đất nước đã bị mối lợi và quyền lực làm cho đồi bại.
Cứ theo dõi ngay những sự kiện được đưa lên chất vấn tại nghị trường Quốc hội hịên nay thì cũng đủ thấy sự thoái hoá của một số người trong hệ thống quyền lực Việt Nam đã gây nguy hại cho đất nước và nhân dân đến độ nào. Và nếu cứ tiếp tục như thế, sự cố gắng chèo lái của những người có tấm lòng với sự phát triển của đất nước sẽ bị chìm ngập trong vô vọng!

Vì báo chí - niềm hy vọng cuối cùng của công dân trong việc giám sát, sự minh bạch và công khai, đã ở vào tình thế nhiều khi buộc phải “nhắm mắt”, “xuôi tay”, nên lâu nay, mỗi ngày là một đại lễ hân hoan cho thế giới sâu mọt phá hoại nền kinh tế đất nước và phá hoại đạo đức xã hội.
Và như thế, nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân chưa bao giờ được thoải mái bưng bít thông tin về các hành vi của họ như thời kỳ này.

Dấu “mật” bị lạm dụng, đóng tràn lan trên các văn bản hành chính của họ, mặc dù ai cũng biết rằng làm như thế là trái với quy định đã được ghi trong Luật pháp và chính Thủ tướng đã yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này. Những dấu mật vô lối, những hành vi cấm đoán vô lối, không đếm xỉa gì đến Hiến pháp và luật pháp Việt Nam, chính là sự sỉ nhục, sự ám sát quyền tự do ngôn luận và sự minh bạch.
Để chống đỡ với báo chí, nhiều cơ quan, tổ chức công quyền cử “người phát ngôn”. Khi báo chí hay người dân hỏi đến, ai không phải là “người phát ngôn” mà dám trả lời, thì theo kinh nghiệm thực tế, trước khi trả lời, người đó nên viết sẵn một cái đơn “xin thôi việc” đệ trên bàn thủ trưởng. Và “người phát ngôn” thì cũng liệu bề mà nói. Trong nhiều trường hợp, sinh ra “người phát ngôn” là để nói rằng” không nghe không thấy không biết” dưới những hình thức tinh vi nhất!
Và như thế, thì hiện nay vịệc vi phạm pháp luật bằng cách lạm dụng của nhiều tổ chức cá nhân có quyền lực, đã trở thành điều đương nhiên, công khai!

Ngang trái quá! Nếu những công dân lương thiện và thẳng thắn thật thà càng dễ bị tổn thương bao nhiêu, càng mong manh bao nhiêu bởi sự thật thà lương thịên của họ, thì kẻ không có danh dự, trộm cắp, lường gạt, lạm dụng chức vụ quyền hạn, tham nhũng, vô trách nhịêm… lại càng được bảo vệ che chắn bền chắc bấy nhiêu bởi lớp lớp những kẻ đồng quyền lợi và những kẻ nhận hối lộ. Họ lại được bảo vệ thêm một lần nữa bằng sự thờ ơ và sự sợ hãi “đấu tranh tránh đâu” của cộng đồng.

Việc bắt bớ một số người có những ý kiến không thuận tai - mặc dù những ý kiến đó là đúng, là yêu nước, chưa kể, đó là quyền và trách nhiệm của công dân được khẳng định tại điều 8 và điều 53 của Hiến pháp, đã khiến cho người dân nung nấu trong đầu kinh nghịêm xương máu: nếu muốn “sống sót”, an lành thì tốt nhất là nên ngậm miệng và để cho những người lạm dụng quyền lực tha hồ tung tác.

Một sự thật đáng buồn là dù bằng cách này hay cách khác, càng ngày càng có nhiều sự kiện minh chứng cho việc nhiều người Việt Nam đã từ bỏ chính kiến, từ bỏ những lời nói thật và danh dự, khiến cho một số nước muốn tẩy chay, muốn xa lánh người Việt, thậm chí có những cụm dân cư còn coi người Việt như một bệnh dịch. điều này làm tổn thương nghiêm trọng đến những đồng bào người Việt có danh dự đang sống ở nước ngoài.
Vì một thực tại hiển nhiên là nói thật và cư xử có danh dự ở Việt Nam rất nhiều khi kèm theo đau thương!
Trước đây, ngay ở cái thời còn đỡ ngột ngạt hơn bây giờ về tự do ngôn luận, giai đoạn trước vụ hai nhà báo bị bắt giam, cái thời mà một đôi vụ tham nhũng lớn còn được thông tin và có phóng sự điều tra trên mặt báo, thì cũng đã nhiều người nhận xét rằng, dù Việt Nam có hơn bảy trăm tờ báo và tạp chí, chưa kể các nhà xuất bản và các công ty truyền thông, nhưng tất cả, chỉ có một “Tổng biên tập” mà thôi!
Khóc cười, đen trắng, được đăng hay phải ngừng đăng, kiểm điểm và giải trình… tất cả ở tay vị “Tổng biên tập” vô hình đó.
Sau những cơn bão kể trên, đến bây giờ thì vị “Tổng biên tập” vô hình ấy càng lớn quyền lực. Những “quan toà” trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá quyền bính đầy mình. Sự sợ hãi càng bao trùm. Cách thông tin của nhiều tờ báo hiện nay, đối với nhiều sự kiện quan trọng, được nhiều công dân hình dung thế này: Một tiếng búa gõ xuống, con gà được phép mổ một hạt thóc. Ngừng gõ, gà đừng mổ. Nếu cứ mổ, búa ấy thay vì gõ xuống bàn, sẽ gõ vào đầu “gà”. Đầu gà cứng bằng bao nhêu phần lưỡi búa?
Năm 2009 là năm báo chí Việt Nam, như nhiều người vẫn nói, là “đành ngậm ngùi nhắm mắt xuôi tay”. Những người không có lương tâm thì hả hê. Những người có lương tâm nghề nghiệp thì đành viết những bài “vô thưởng vô phạt”, làm công ăn lương, mơ một ngày báo chí “hồi sinh” nhuệ khí để đồng hành cùng sự thật và nỗi đau, khát vọng của đồng bào…

“Thế là khai tử”…

Thế là khai tử những phóng sự điều tra độc lập về tham nhũng và nhiều vấn đề “nhạy cảm” - những lĩnh vực liên quan tới những người có quyền lực và bất cứ lúc nào họ cũng có thể bằng cớ này hay cớ khác “cách cổ” Tổng biên tập và đưa phóng viên vào tù.
Một tiếng “búa” từ vị Tổng biên tập vô hình gõ xuống. Thế là hết tự do báo chí, hết hệ thống truyền thông độc lập đồng hành cùng sự thật.

Thực sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch và Thủ tướng nứơc này có muốn hành xử như thế không? Trong khi các vị ra sức đi công cán, mong muốn thắt chặt tình hữu nghị, cam kết về một nước Việt Nam hội nhập, văn minh, kêu gọi sự trợ giúp của các cường quốc trên thế giới, thì các vị có thực sự muốn trong nước đang xẩy ra những vụ mà nhiều quốc gia trên thế giới gọi đó là “vi phạm nhân quyền” và “khủng bố tự do ngôn luận” đang làm sụt giảm uy tín và vô hiệu hoá phần nào những cố gắng của các vị không?

Những chỉ thị mồm, những cú điện thoại từ những cấp dưới của họ. Những quyền lực vô hình. Báo chí và xuất bản luôn là những kẻ đứng trước “vành móng ngựa”.
Nhiệm vụ của anh ta là thây kệ sự thật, nếu anh ta muốn tồn tại và còn nồi cơm.
Sự thật hiện đang là thứ hết sức rẻ rúng tại Việt Nam này. Nhiệm vụ của anh ta là tuân lệnh. Không được thanh minh, không được cãi cọ. Bởi vì mỗi lần anh ta cất lời cãi là một lần “ghi sổ đen” và là chi tiết tăng nặng tội trạng, một hòn đá tảng đeo vào cái ghế vốn rất mong manh của anh ta.
Tiếng kêu của những nhà báo và các Tổng biên tập, nếu anh ta còn có lương tâm và còn chưa quá mệt mỏi để kêu, chỉ còn là những tiếng kêu cứu yếu đuối bị nuốt chửng trong những lớp thẩm thấu đặc quánh.
Và khi báo chí “nhắm mắt xuôi tay”, dù là do ý muốn hoặc do bắt buộc, hay do thói khôn ngoan và láu cá của người Việt Nam, nghĩa là đã khai tử những chức trách quan trọng nhất của báo chí: bảo vệ sự lành mạnh của xã hội và bảo vệ nền dân chủ.
Thế là khai tử vai trò báo chí trong chức năng giám sát những cán bộ công chức nắm quyền hành trong xã hội, buộc họ phải công khai minh bạch, thanh liêm và có trách nhịêm với nhân dân.
Rồi thế thì khai tử luôn việc soi sáng những vấn đề, sự kiện cần chú ý của công luận. Khai tử việc hướng dẫn công dân, bằng các thông tin minh bạch, đa chiều, để giúp họ đưa ra những lựa chọn đúng đắn về chính trị.

Tóm lại, khi báo chí ở tính thế phải “nhắm mắt xuôi tay”, thì đó đồng thời cũng là khi đa phần sự thật bị khai tử.
Bản chất của sự thật, chúng đã sinh ra là không thể chết. Sự thực còn đó. Đắng cay oan trái. Thấm đẫm máu và nước mắt của bao phận người.
Sự thật không thể chết. Việc làm sáng tỏ thật và nhìn nhận trung thực về nó là điều tối thiểu nhất và căn bản nhất mà con người phải làm, nếu chúng ta thực sự còn muốn duy trì và bảo vệ lợi ích của mọi cá nhân và của cộng đồng.
Khi khai tử sự thật và tự do báo chí, thì sức sáng tạo và sự phát triển của quốc gia sẽ bị kìm hãm.
Bất cứ một sự thiên vị nào của quyền lực cũng đều đe doạ sự cân bằng xã hội. Nếu chính phủ của quốc gia nào đó gây sức ép lớn nhằm đạt được sự đồng thuận, bất chấp ý kiến của người dân thì xã hội đó có nguy cơ đổ vỡ từ bên trên. Người dân sẽ không được hưởng nền dân chủ.
Nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà “quyền tự do ngôn lụân và trao đổi thông tin không chỉ là thứ đắt tiền mà còn là loại tiền tệ ngày càng đóng vai trò nền tảng cho thương mại, chính trị và văn hóa quốc tế..” ( nhận xét của David Hoffman, người sáng lập Internews, một tổ chức phi chính phủ quốc tế đã giúp kiến tạo một hệ thống phương tịên thông tin đại chúng độc lập ở hơn 50 quốc gia trên thế giới).

Một lễ cầu siêu…

Sự thật không chết. Nền dân chủ cũng không thể chết. Nó có sức sống mãnh liệt, bởi đó là nhu cầu tự thân và tối thiểu của mỗi con người. Chính tạo hoá, trong khi gieo rắc nguồn sống cho muôn loài, thì cũng đã đương nhiên nuôi nấng quyền nhân thân của muôn loài, trong đó có loài người.
Nhưng sự thật về nền tự do dân chủ, trong những thời điểm nhất định, có thể bị thiếu dưỡng khí, như đã chết, thậm chí chỉ sống “đời sống thực vật”, trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo tại nơi này hay nơi khác.
Nếu cứ tiếp tục đã này, thì đất nước sẽ đi về đâu?
Và sẽ còn xảy ra điều gì nữa? Sẽ còn bao nhiều người bị bức hại do đã dám nói lên sự thật? Lòng người ly tán. Nếu một quốc gia bị mục ruỗng từ bên trong, là mảnh đất màu mỡ nhất để thu hút ngoại xâm. Những kẻ lạm dụng không bao giờ chùn tay, nếu chúng không bị chặn lại. Nếu không bị chặn lại, chính những phần tử này sẽ xẻo từng mảnh đất của đất nước một để đổi lấy quyền lợi cá nhân và của tập đoàn mình.
Ngày Nhà báo Việt Nam năm nay, ta cần một lễ cầu siêu cho những oan trái, khi báo chí ở vào tình thế “nhắm mắt xuôi tay” trước nhiều sự thật.

Cầu siêu!

Để nói rằng: Đã quá đau thương rồi. Người Việt Nam!
Để nói rằng, những người có trách nhiệm, hãy vì quyền lợi của đất nước, vì sức mạnh của người Việt và để phòng thủ trước nạn ngoại xâm, hãy tự vấn cung cách hành xử của mình và từ bỏ những cử chỉ hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân Việt Nam.
Hãy khuyến khích và cảm ơn những công dân đã thẳng thắn góp ý với các nhà lãnh đạo hoặc phát biểu công khai những điều mà họ bất đồng với các vị lãnh đạo trong việc quản lý đất nước. Thế mới là những nhà lãnh đạo quảng đại và có sức mạnh.
Hãy trả tự do ngay cho những người bất đồng chính kiến. Đừng mượn cớ này hay cớ khác để khép họ vào vòng lao lý. Cách đó chính là cách tốt nhất để làm suy yếu đất nước!
Hãy để cho công dân Việt Nam được hưởng những quyền tối thiểu được quy định trong Hiến pháp, và ai vi phạm những quyền đó, ai bẻ cong những quyền đó, phải bị trừng trị trước pháp luật.
_____________

Nhà văn Võ Thị Hảo (1956) sống tại Việt Nam. Tác phẩm gần đây nhất của bà là tiểu thuyết Giàn thiêu (2003).

© 2009 Võ Thị Hảo
© 2009 talawas blog



TỰ DO BÁO CHÍ
truongduynhat
20 Jun, 2009, 14:31
http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/165137

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi (Phan Đăng Lưu viết trên Dân Tiến năm 1938- Sao không thấy một tờ báo nào đăng lại nhỉ?)

VỀ TỰ DO BÁO CHÍ
PHAN ĐĂNG LƯU
Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:
1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.
4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.

Báo DÂN TIẾN (số ra ngày 10-11-1938)
http://farm4.static.flickr.com/3354/3643459690_c88994ed0c.jpg


No comments: