Monday, June 15, 2009

LÊ CÔNG ĐỊNH - ANH LÀ AI ?

Luật sư Lê Công Định
Everywhereland
Monday, June 15, 2009
http://everywhereland.blogspot.com/2009/06/luat-su-le-cong-inh.html
Mấy hôm nay đọc tin quanh vụ Lê Công Định mà cứ thấy buồn buồn. Thực sự lúc nghe tin anh Định bị bắt, tôi khá shocked vì không nghĩ người ta sẽ bắt anh, một người đấu tranh ôn hòa và có tên tuổi trong giới trí thức. Việc bắt anh Định là một tín hiệu rất xấu, dập tắt hy vọng về một khuôn khổ cho phép tự do ngôn luận ở một mức độ nhất định trong xã hội. Nó cũng là biện pháp cảnh cáo tới không ít người. Bởi lẽ anh Định từng viết bài "phản biện xã hội" trên BBC, cũng như việc bào chữa của anh với các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và nhà báo công dân Điếu Cày đều được dư luận và Chính quyền biết đến từ lâu. Nhưng tới thời điểm này, khi người ta bắt anh thì tất cả những điều đó: những bài báo anh Định viết trên BBC cũng như nội dung bào chữa của anh với các bị cáo nói trên lại được coi như bằng chứng để chống lại anh. Nói cách khác, đó là sự cảnh cáo với những ai dám lên tiếng với mong muốn xây dựng một Nhà nước tự do và dân chủ hơn: các anh chỉ là cá nằm trong chậu thôi, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể vớt các anh ra thớt và chọc con dao "điều 88" vào các anh.
Nhưng một mặt khác, việc bắt luật sư Định lại có thể có những tác dụng khác, ngoài mong muốn của Chính quyền. Từ trước tới nay, những nhân vật bất đồng chính kiến bị xử lý thường được chính quyền mô tả hoặc như những lão hủ nho, gàn dỡ, bất đắc chí, hám danh và hay cãi nhau vặt, hoặc như những tay ngựa non, háu đá, hám danh, dễ bị nước ngoài điều khiển... Nhưng lần này là một luật sư hàng đầu, người rất thành công trong sự nghiệp, từng được báo Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu trong một bài viết chân dung như một hình tượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ. Sẽ có những người đặt câu hỏi: tại sao giàu có là thế, thành đạt là thế, vợ đẹp là thế mà Lê Công Định vẫn không chịu yên phận làm ăn lại còn kêu gọi dân chủ, rồi muốn "lật đổ" Chính quyền? Ngay lập tức, báo chí quốc doanh đã nghĩ ra câu trả lời: Vì Lê Công Định muốn trở thành "ứng cử viên Tổng thống". Tóm lại, vì anh ta hám danh, hám quyền lực. Câu trả lời đó hẳn sẽ thuyết phục được không ít người (ví dụ có thể đọc các trao đổi ở
đây)- nhất là trong thời buổi này, khi đạo đức và niềm tin là những thứ xa lạ hơn bao giờ hết, nhiều lúc chỉ là cái cớ cho những lời giễu cợt và những câu pha trò. Và đối với nhiều người, việc một luật sư thành đạt như thế dám dấn thân đấu tranh cho dân chủ nếu không vì tiền, không vì gái đẹp thì chỉ có vì quyền lực và danh vọng.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Ngay cả trong một cuộc khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng đạo đức đang âm ĩ đục ruỗng xã hội Việt Nam 20 năm qua, thì nhiều người vẫn tin rằng vẫn có những người có thể dấn thân vì niềm tin, chứ không phải vì tiền, vì quyền hay vì bất mãn, chán ghét.
Tôi không quen biết luật sư Định cũng không biết trong những "tội trạng" mà anh bị gán cho, cái nào anh thực sự phạm phải, cái nào không. Tôi cũng không nghĩ anh là một người thánh thiện không tì vết với các phẩm chất của "minh chủ" (như người ta vẫn gán cho một số "minh chủ" nào đó trong quá khứ). Nhưng đọc các bài viết của anh Định trên Tia Sáng hay BBC, bên cạnh sự sắc sảo, thông tuệ dễ thấy, tôi có cảm nhận anh là một người điềm đạm, trung thực, có niềm tin vào một xã hội dân chủ, tốt đẹp hơn và sẵn sàng dấn bước cho niềm tin đó. Hơn nữa, tôi cũng không tin là anh Lê Công Định có ý định "lật đổ" Nhà nước như người ta gán cho anh. Lật đổ thế nào đây? Tuyệt thực như Gandhi chắc?
Còn về thái độ của báo chí trong vụ việc này. Chỉ có một từ "đáng xấu hổ". Dẫu rằng tôi biết tất cả các bài báo đều phải đưa tin theo cùng giọng điệu và không thể có tiếng nói khác. Thậm chí các báo có lẽ còn không có cả lựa chọn có đăng hay không và việc không đăng tin như chỉ thị cũng là không được phép, là một tội lớn. Nhưng sự trơ trẽn, tâng công hay câu khách của một số tờ thì thật đáng xấu hổ.
Để kết, xin trích lại comment của bạn
Lê Nguyễn Duy Hậu trong post trước của tôi:
"Nếu bị bắt, hãy chấp nhận ở tù" - đó là lời của Mahatma Gandhi nói với các đồng chí của ông. Cái lối đấu tranh này để cho mọi người hiểu rằng tôi dám làm dám chịu, vì niềm tin của tôi, rằng cái pháp luật đang trừng phạt tôi là vô lý, với tư cách là một con người, tôi từ chối làm theo. Nhưng với tư cách là một công dân, tôi sẽ chịu trừng phạt. Tôi nghĩ anh Lê Công Định là một người như thế
...

Trong một vụ án xét xử một đảng viên cộng sản của Hoa Kỳ, thẩm phán Louis Brandeis đã nói rằng:
"Những người đã giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta tin tưởng rằng, mục đích sau cùng của Nhà nước là giúp cho con người tự do phát triển những tố chất của bản thân. Và rằng trong chính phủ, sự thiện chí đối thoại phải chiến thắng bạo lực hung tàn. Họ trân trọng tự do như là một mục tiêu, và cũng là phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Họ tin rằng tự do chính là bí mật của hạnh phúc, và lòng dũng cảm là bí mật của tự do. Họ tin tưởng rằng: được quyền suy nghĩ như mình muốn và được nói lên những gì mình suy nghĩ là quyền bất khả phân, và là chìa khóa để tìm ra chân lý chính trị. Rằng nếu không có tự do ngôn luận, những cuộc hội họp chỉ là vô bổ. Rằng thông qua tranh luận, những ý tưởng học thuyết điên rồ sẽ bị đánh bại. Rằng kẻ thù lớn nhất của tự do chính là những con người bất động, vô tâm. Rằng tự do ngôn luận là nghĩa vụ chính trị và giá trị căn bản của chính quyền Mỹ..."
Tôi cho đây là một tuyên ngôn có tính toàn cầu."

Lê Công Định bị bắt
Everywhereland
Saturday, June 13, 2009
http://everywhereland.blogspot.com/2009/06/le-cong-inh-bi-bat.html
Anh từng là luật sư bảo vệ Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải)...ở những phiên tòa mà chưa xử, người ta đã biết trước kết quả. Giờ thì đến lượt anh trở thành "tội phạm" và sẽ trở thành "bị cáo" trong một phiên tòa tương lai.
Luật sư Lê Công Định bị bắt theo Điều 88 – Bộ Luật hình sự, cụ thể theo báo CAND, "vì đã có những hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam."

Sau Lê Công Định sẽ còn là những ai? Đây là link một
bài viết về Lê Công Định trên Tuổi Trẻ. Từng du học ở Đại học Paris 2 (Pháp) và Đại học Tulane (Mỹ), Lê Công Định trở về Việt Nam với mong ước "gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền" và " mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển". Thành công trong sự nghiệp- là trưởng một văn phòng luật có tên tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh và cả hôn nhân- cưới một trong những hoa hậu đẹp nhất Việt Nam (hoa hậu Ngọc Khánh) nhưng người ta biết tới Lê Công Định nhiều hơn như một luật sư bảo vệ nhân quyền và một cây bút sắc sảo trên các tờ báo trong và ngoài nước (như Tia Sáng, BBC...), với những ý kiến sâu sắc về cách thức xây dựng một nhà nước dân chủ, pháp quyền, một xã hội lành mạnh và tôn trọng quyền con người.

Và Lê Công Định trở thành tù nhân của chế độ, như những người anh từng bảo vệ trước tòa án trước đây.
Như ai đó đã nói, mỗi công dân sống trên mảnh đất này đều là một người tù dự khuyết.

Trong vài ngày tới có lẽ trên CAND, SGGP hay một số báo khác, chắc sẽ có những bài "tố cáo" Lê Công Định, tô vẽ hình ảnh anh như một kẻ hám danh, trục lợi, hay tệ hại hơn, như một tên gián điệp làm việc cho "các thế lực thù địch chống đối Nhà nước XHCN".
Nhưng có lẽ anh đã lường hết những điều này trước đây.
Chúc anh vững bước.

PS: Cùng thời gian với việc luật sư Lê Công Định bị bắt thì một luật sư khác là Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn tới Tòa án Nhân dân TP Hà Nội kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa vì đã ra quyết định khai thác bauxite trái luật.
PS2: Tin thêm về vụ bắt luật sư Định trên
VNN có nhiều chi tiết hơn báo CAND.
PS3: Đọc trên nhiều blast trên Yahoo 360 thấy có nhiều cảm thông với cựu hoa hậu Ngọc Khánh. Tôi lại nghĩ Ngọc Khánh nên tự hào khi có một người chồng như Lê Công Định. Chồng hoa hậu Phan Thu Ngân vào tù vì tham nhũng, ăn hối lộ, chồng sắp cưới của hoa hậu Hà Kiều Anh vào tù vì buôn lậu. Còn chồng hoa hậu Ngọc Khánh bị bắt vì đấu tranh cho một xã hội dân chủ, công bằng và tôn trọng pháp quyền hơn.

--------------------------------------------------------------

NHỮNG PHÁT BIỂU CÒ MỒI

Vụ luật sư Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước: Kiến nghị xử lý nghiêm theo pháp luật
Hoài Nam - Đường Loan thực hiện
Thứ hai, 15/06/2009, 01:07 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/phapluat/2009/6/193901/
Sau khi các báo đồng loạt đăng tải vụ luật sư Lê Công Định có những hoạt động chống Nhà nước, đại diện các giới đồng bào, tầng lớp nhân dân tại TPHCM đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc làm vi phạm pháp luật này. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến, đại diện cho tiếng nói của người dân TP, kiến nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo pháp luật những việc làm sai trái của Lê Công Định.

Một hành động không thể chấp nhận được
(Luật sư Phạm Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM)
Qua thông tin trên báo chí, chúng tôi hết sức bất bình trước việc làm vi phạm pháp luật của luật sư Lê Công Định. Lê Công Định được nhiều người biết đến là một luật sư có tài, đã từng làm Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM. Nhưng không ngờ, trong quá trình hành nghề của mình, Lê Công Định đã thực hiện hành động móc nối với các thế lực phản động ở nước ngoài để lật đổ Nhà nước.
Việc làm của Lê Công Định đã gây một cú sốc lớn trong giới trí thức luật. Những người hiểu biết luật thì không thể hành động như vậy được. Lê Công Định là người được sinh ra và lớn lên, rồi được học tập, trưởng thành trong chế độ này thì không thể chấp nhận lại có hành động chống phá lại Nhà nước, chống lại nhân dân.
Nhà nước chúng ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân có gì đó chưa đồng thuận với chủ trương, chính sách của Nhà nước thì thông qua các tổ chức của mình, thông qua những diễn đàn hợp pháp để biểu đạt nguyện vọng của nhân dân để làm sao cho tốt hơn. Phát huy quyền dân chủ của nhân dân qua các tổ chức chính trị – xã hội của nhân dân mà chúng ta làm từ trước đến nay, đã tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia một cách đầy đủ vào các sinh hoạt chính trị của đất nước.
Lê Công Định có sự bất mãn với chế độ này rồi lại quay ra tìm cách chống đối. Ông ta không chỉ làm một mình, mà đã chủ động móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Đây là hành động mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và thẳng tay trừng trị.
Đối với giới luật gia, luật sư, chúng tôi cực lực lên án hành vi này của Lê Công Định và kiến nghị phải xử lý theo pháp luật một cách nghiêm minh nhất. Hội Luật gia TPHCM kêu gọi giới trí thức luật hãy bình tĩnh và sáng suốt nhận ra những việc làm không đúng của Lê Công Định; đồng thời mạnh dạn lên án những hành vi và việc làm đi ngược lại pháp luật Nhà nước Việt Nam của Lê Công Định và đồng bọn của ông ta.

Đi ngược lại lợi ích của dân tộc là có tội lớn
(Hòa thượng Thích Như Niệm, Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM)
Lê Công Định là một luật sư từng làm Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, người rất am hiểu về luật pháp và luôn được sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng nay, ông ta lại quay ra chống lại Đảng, Nhà nước, chống lại nhân dân thì không thể chấp nhận được. Đã là một luật sư, dù muốn dù không ông là người nắm luật và hướng dẫn mọi người phải chấp hành luật pháp của một đất nước. Trái lại, ông lại còn đi tiếp tay với những kẻ phản động, phá hoại đất nước ở nước ngoài để thực hiện hành động lật đổ chế độ mà ông đã được tin tưởng, tin dùng.
Nhà nước chúng ta luôn tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân qua các diễn đàn, qua các sinh hoạt chính trị thường ngày để nhân dân được nói lên những ý nguyện của mình. Lê Công Định cũng có quyền đó sao không thực hiện, mà lại đi cộng tác với bọn thù địch ở nước ngoài, rồi in tài liệu, sao chép, tán phát nói xấu chế độ, kêu gọi lật đổ chính quyền đã được cả dân tộc này đứng lên giành lấy từ tay bọn thực dân, đế quốc hàng mấy chục năm qua. Đất nước nào cũng có luật pháp và cũng sẽ nghiêm trị những kẻ chống lại luật pháp. Một công dân Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Nếu ai đi ngược lại điều đó là có tội với dân tộc và phải bị cộng đồng lên án và pháp luật trừng trị.

Dân chủ nhưng phải có kỷ cương, phép nước
(Ông Nguyễn Như Khuê, Việt kiều Đức)
Những năm qua, tôi thấy đất nước ta có nhiều đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền dân chủ của người dân được mở rộng hơn, nhất là việc tham gia vào các diễn đàn đóng góp ý kiến phản biện xã hội, hiến kế cho Nhà nước về các chính sách pháp luật, đời sống dân sinh. Mọi người dân đều có quyền và có nơi thể hiện cái quyền của mình để tham gia xây dựng đất nước. Chính vì vậy, những ai đứng ngoài cuộc, có hành vi và việc làm không theo khuôn khổ pháp luật đều bị coi là hành động chống đối Nhà nước.
Đất nước ta đã phải trải qua bao nhiêu năm chiến tranh với những mất mát đau thương, nay mọi người dân đều mong muốn yên ổn làm ăn, muốn được đất nước phát triển phồn vinh. Nhà nước ta luôn tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của người dân, cũng như tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội. Dân chủ nhưng phải có kỷ cương, phép nước. Đây là sự thể hiện của xã hội dân chủ văn minh mà mọi quốc gia đang hướng đến.

Cần tiếp tục làm rõ các vi phạm của Lê Công Định

(Ông Nguyễn Đăng Hiệp, ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TPHCM)
Tôi rất khó chịu khi biết được những hành động chống lại Nhà nước của Lê Công Định. Các thế hệ cha anh đã đổ bao nhiêu xương máu mới đánh được các đế quốc sừng sỏ âm mưu thôn tính nước ta, giành được độc lập cho dân tộc. Bản thân Lê Công Định sinh vào năm 1968, như vậy, trong suốt quá trình lớn lên, ông Định đã được chứng kiến sự đổi thay của đất nước, để hôm nay, đại đa số người dân có cuộc sống ấm no, được học hành đầy đủ.
Ông Định được học hành tới nơi tới chốn cũng là nhờ các chính sách quan tâm của Nhà nước. Đáng tiếc, ông Định không những không thấy được điều đó lại còn đi ngược lại lợi ích dân tộc. Thời gian qua, một số đối tượng có hoạt động tương tự đã bị xử lý theo pháp luật, nhưng ông Định vẫn không dừng lại mà càng đi vào con đường sai trái. Việc làm ra các tài liệu chống đối lại chủ trương, chính sách Nhà nước của ông Định là có quá trình, trong suốt nhiều năm liền. Không những thế, ông Định không chỉ làm một mình mà còn câu kết với lực lượng phản động ở nước ngoài và đối tượng cơ hội chính trị ở trong nước để chống lại chính quyền nhân dân.
Trong các hoạt động đó, Lê Công Định là đối tượng nòng cốt và không những chống đối Nhà nước, ông còn có dấu hiệu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nên cần phải được tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật. Chúng tôi hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm.

Lợi ích dân tộc hay phục vụ cho mưu đồ cá nhân?
(Anh Đặng Văn Tràng, sinh viên, ngụ đường Ni Sư Quỳnh Liên, quận Tân Bình)
Nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh thì những hành vi của ông Lê Công Định là sai trái. Với một người dân bình thường điều đó đã khó chấp nhận; với một luật sư, thì càng không thể chấp nhận được. Trong suốt thời gian dài, ông đã núp dưới cái mác luật sư để “làm loạn”, liên tiếp có những hoạt động đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại đường lối chính sách, kích động chia rẽ hận thù, gây mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân… Chúng ta tự hào với sự đổi thay của đất nước. VN được đánh giá là một môi trường hòa bình, thân thiện… Những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, đầu tư nước ngoài gia tăng, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều đã chứng tỏ điều đó. Rất tiếc, ông Định lại cố tình khoét sâu, gây chia rẽ dân tộc với mong muốn làm rối loạn đất nước. Chẳng lẽ hành động làm rối loạn đất nước hòa bình, thịnh vượng là… yêu nước hay sao?!
Cơ quan an ninh điều tra đã chỉ rõ âm mưu của Lê Công Định. Những việc làm trong thời gian qua của Lê Công Định được gọi một cách mỹ miều là “vì lợi ích dân tộc” nhưng thực chất là nhằm phục vụ cho mưu đồ vĩ cuồng của bản thân!


No comments: