Tuesday, June 23, 2009

LẦN THEO DẤU VẾT của ĐỒNG CHÍ ANH HAI

Lần theo dấu vết của đồng chí Anh Hai
Mr. Do's Blog
Thứ hai, ngày 22 tháng sáu năm 2009
http://blogmrdo.blogspot.com/2009/06/lan-theo-dau-vet-cua-ong-chi-anh-hai.html

Việt Nam không chấp nhận lao động phổ thông là người nước ngoài”, “Bộ Lao động không cấp phép cho lao động nước ngoài”… là các tuyên bố chắc nụi và đanh thép của giới lãnh đạo Việt Nam. Những tuyên bố này khiến nhân dân thêm vững tin.
Bộ Chính trị cũng
từng chỉ đạo: phải sử dụng lao động trong nước, chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết và phải quản lý tốt lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế thì lao động phổ thông nước ngoài, ở đây là Trung Quốc, vẫn xuất hiện rất nhiều tại Việt Nam. Không chỉ tại các công trường bauxite ở Tây Nguyên, hậu duệ của Tần Thủy Hoàng còn có mặt tại nhiều nơi khác, hầu như khắp mọi miền trên dải đất hình chữ S này, từ Quảng Ninh cho tới Quảng Nam, thậm chí còn tới tận Nam Bộ nữa.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị từng phải chào "nỉ hảo" với những "
người Quảng Tây ở Quảng Nam" và ồ lên kinh ngạc khi thấy "đứa con trắng bóc của người Cơ Tu". Hàng loạt tờ báo khác tại Việt Nam, bằng cách này hay cách nọ, cũng đã lên tiếng về thực trạng: trong khi nhiều công nhân Việt Nam mất việc do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thì làn sóng lao động nhập cư không có tay nghề từ Trung Quốc vẫn không ngừng xô tới nước ta, trước sự ngỡ ngàng của người dân và sự bối rối của các quan chức.
"Lao động phổ thông Trung Quốc" đã trở thành một đề tài "hot" tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhưng băn khoăn của người dân vẫn chưa được giải tỏa bằng những cam kết và phương án hành động mạnh mẽ, quyết liệt, rõ ràng, mà chỉ bằng những tuyên bố chung chung cùng những phát biểu cho thấy sự lúng túng và bế tắc của cơ quan quản lý.
Trong khi nhà chức trách Việt Nam đang lúng túng thì làn sóng lao động nhập cư Trung Quốc vẫn tiếp tục xô vào.

Đất nước khổng lồ với khoảng 1,4 tỉ dân ở phía bắc Việt Nam đang chịu áp lực ghê gớm về giải quyết việc làm cho người dân. Mới đây, khi kinh tế thế giới khủng hoảng, ngành kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Trung Quốc đã phải thải ra hơn 20 triệu nhân công di cư từ nông thôn lên thành thị. Họ bị thải ra khi các nhà máy gia công hàng xuất khẩu không nhận được đơn đặt hàng. Để giải quyết việc làm cho số người này, không gì hay hơn là đưa họ sang các công trường do công ty Trung Quốc đảm trách ở nước khác, mà Việt Nam là một trong những đích đến thuận lợi nhất, thuận lợi vì các yếu tố địa lý, văn hóa, chính trị…Chính sách này cũng nhất quán với một chủ trương dài hạn của Trung Quốc. Từ lâu, việc đưa người sang các nước kém phát triển để "khẩn hoang" đã là một chủ trương lớn của Bắc Kinh. Chủ trương này vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho người dân, vừa phục vụ cho sự nghiệp "Hán hóa địa cầu" của họ. Ở Angola, Lethoso, Burkina Faso, Ethiophia, người ta dễ dàng thấy những khu phố Tàu, cảnh múa lân múa rồng vào dịp rằm trung thu hay tết âm lịch, những công trường toàn "nỉ hảo" với lại "ngộ ái ni". Ở Trung Quốc, các công ty được khuyến khích đưa người dân xuất ngoại, tới những vùng đất trù phú nhưng chưa được khai thác trên khắp hành tinh. Các ngân hàng thường cung cấp khoản vay ưu đãi, thậm chí trợ cấp cho những người dân tham gia chương trình “Kinh tế mới toàn cầu” này.

Tôi nhớ, vào năm 2005,
tôi từng gặp rất nhiều công nhân và chuyên gia Trung Quốc làm việc trong ngành chè, đá quý và xây dựng tại các vùng Kandy, Galle, Trincomalee, Batticaloa… ở miền trung, đông và nam Sri Lanka. Ở các thành phố này có nhiều nhà hàng của người Hoa, rất nhiều trong số đó mới được mở ra để phục vụ cho số lượng lớn công nhân Trung Quốc mới đến. Gặp một tên sinh viên thực tập Trung Quốc mặt búng ra sữa tại một nhà hàng bên ngoài thành phố Batticaloa, thời đó rất gần thánh địa của Hổ Tamil, tôi đã hỏi cắc cớ rằng: "Sao mày không tới Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Trùng Khánh mà xây dựng tương lai, tới học tiếng Sinhalese để chôn vùi đời trai làm quái gì ở xứ bom rơi đạn lạc này?" Nó nhếch mép cười rất chi là ngạo mạn: "Chính phủ hỗ trợ cho tao rất nhiều để tới đây. Hỗ trợ cả tiền bạc lẫn điều kiện học tập, làm việc và các đảm bảo về tương lai".

Năm 2007, khi tới
thủ đô mới Nay Pyi Taw của Myanmar, tôi cũng đã gặp những nhà thầu và công nhân Trung Quốc. Myanmar bỏ thủ đô Yangon và vào sâu trong nội địa để xây dựng nên một thủ đô mới, đặt tên là Nay Pyi Taw. Khi tôi đến, cả thành phố là một công trường khổng lồ và người Trung Quốc tham gia rất nhiều vào các công trình xây dựng ở đây. Tôi nghi rằng một mai khi Nay Pyi Taw được xây xong, sẽ có một khu gọi là Phố Tàu, như Yangon đang có hiện nay. Người Trung Quốc là nguồn tiêu thụ các sản phẩm khai khoáng và gỗ teak của Myanmar đồng thời là nguồn cung cấp các mặt hàng giá rẻ cho dân Myanmar cũng như bán vũ khí cho chính quyền quân sự của Thống tướng Than Shwe. Chính sách cấm vận của phương Tây đối với chính quyền của thống tướng Than Shwe vô hình trung đã làm lợi cho Trung Quốc rất nhiều. Điều này giải thích vì sao trong khi phương Tây muốn Myanmar mở cửa hơn, thông thoáng về chính trị hơn, thì Trung Quốc lại muốn duy trì tình trạng bế quan tỏa cảng, một bầu không khí chính trị tối tăm ở nước này *.
Sudan, CHDCND Triều Tiên… là những ví dụ khác **.

"Rồng Trung Hoa" tại Johannesburg, Nam Phi
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhXs11ue8cnMptNbJhvzzVLM8xM1s6fAkQaFC_lV0pKahvmn1v_Qb4TotjiNF6gTPltdAsKn_-BFc9n_Ii3JNScTIxaf-YUZl4Fkl38ujF18Xu5_RHsEMWyW5KoMftPK_Htczgm06Adyrbw/s320/19a.jpg

Chủ trương “Hán hóa địa cầu” của Trung Quốc đã dẫn đến một thực tế là con cháu Tần Thủy Hoàng có mặt ở khắp nơi trên thế giới, với liều lượng ngày một đậm đặc. Theo truyền hình Current TV (Mỹ), dân số Trung Quốc tại Angola đã tăng từ 200 – 300 người vào năm 1997 lên trên 40.000 người vào năm 2009. Còn theo BBC, người Trung Quốc đang gia tăng tốc độ định cư trên khắp lục địa đen, từ nông thôn đến khu vực thành thị, tham gia chủ yếu vào các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và thương mại. Theo Tân Hoa xã, vào năm 2007, ước tính đã có hơn 750.000 người từ quốc gia Đông Á đến châu Phi, phần đông hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ và các địa phương Trung Quốc. Con số này đã vượt hơn 1 triệu người vào năm 2009.

Trong một bài phát biểu tại Trùng Khánh, Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Lý Nhược Cốc hồi năm 2007 đã thúc giục nông dân Trung Quốc hãy đến tìm cơ hội ở châu Phi, nơi có nhiều đất đai chưa được khai thác. Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý cho hay ngân hàng sẽ hỗ trợ hoàn hoàn cho chuyện di dân, từ vốn đầu tư ban đầu đến tiêu thụ nông sản. Theo ông Lưu Kiên Quân thuộc Hội đồng Thương mại Trung – Phi, nông dân Trung Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi trên. Bản thân ông Lưu đã gửi hàng ngàn người dân thành phố Bảo Định thuộc tỉnh Hà Bắc đến lục địa đen trong vài năm qua, thành lập nên các “ngôi làng Bảo Định” tại Kenya, Uganda, Ghana và Senegal.

Nói dông dài như vậy để thấy rằng “xuất khẩu lao động” là một chủ trương trường kỳ của nhà nước Trung Quốc. “Xuất khẩu lao động” của họ không còn dừng lại đơn thuần là một hoạt động kinh tế. Đó là một chiến lược chính trị - văn hóa – kinh tế - xã hội chứa chấp nhiều tham vọng.

Để đối phó với chiến lược đó của Trung Quốc, quan chức tại một nước láng giềng cận kề như Việt Nam không thể và không được phép có những phản ứng thụ động, những phản ứng thể hiện qua các phát ngôn như: “Đa phần lao động phổ thông Trung Quốc là đi theo đường du lịch rồi ở lại trái phép”, “… Số lao động này chưa đăng ký”, “…Chúng tôi sẽ rà soát lại…”, “Sẽ trục xuất…”… Cần phải biết rằng, những lao động phổ thông trái phép của Trung Quốc tại Việt Nam không đơn thuần là kết quả của các hoạt động tự phát của doanh nghiệp và người lao động mà nó nằm trong một chủ trương lớn của Bắc Kinh: chủ trương khuyến khích đưa người sang các vùng đất mới, theo cách thức hợp pháp hoặc phi pháp.Hợp pháp thì khỏi phải bàn.

Còn đối với những trường hợp phi pháp, khi các nước sở tại phát hiện thì… chuyện đã rồi. Trục xuất mấy chục ngàn công nhân Trung Quốc không đơn giản: chi phí trục xuất, các tác động xã hội, ngoại giao… Đặc biệt, bởi hầu hết các đích đến của lao động bất hợp pháp Trung Quốc đều là những nước nghèo và có vị thế thấp hơn Trung Quốc nên trong việc giải quyết số lao động bất hợp này chắc chắn sẽ phải có nhượng bộ. Còn nếu không giải quyết, để lâu thì cứt trâu sẽ hóa bùn.

Vừa qua,
Vietnamnet có tường thuật vụ mấy trăm công nhân Trung Quốc quậy phá ở Thanh Hóa. Thông tin này hẳn khiến nhiều người giật mình. Lao động nhập cư bất hợp pháp là đối tượng dễ có hành động lưu manh. Đó không phải là một nhận xét võ đoán mà hoàn toàn biện chứng. Bởi vì, xuất phát điểm của anh là bất hợp pháp thì khó có thể nói anh là người đàng hoàng được. Mà một người không đàng hoàng luôn chứa nhiều yếu tố gây rủi ro cho an ninh xã hội.
Đây là điều cực kỳ hệ trọng.

Giải quyết một đám đông gây rối không đơn giản, đám đông đó lại là người nước ngoài thì càng phức tạp, trong trường hợp là người Trung Quốc hẳn nhiên tính phức tạp sẽ khôn lường.

Đây là thời bình, khi những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa dâng lên tới mức có thể nổ ra chiến tranh. Đến một lúc nào đó, khi cần kiếm cớ để gây hấn, nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể sẵn sàng giết chết vài công dân của họ trên đất Việt rồi đổ vấy cho chính quyền Việt Nam “thảm sát Hoa kiều”, “bài Hoa”…, từ đó có thể kéo được dư luận quốc tế về phía họ. Việc thực hiện mưu đồ gây hấn của họ lúc đó sẽ càng dễ thực hiện hơn.

Cho nên, đối với vấn đề này, chính sách cần quán triệt là NGĂN CHẶN. NGĂN CHẶN chứ không phải " sẽ RÀ SOÁT lại" rồi sau đó "sẽ TRỤC XUẤT"... Càng không phải là những phản ứng kiểu thoái thác trách nhiệm hay là che giấu dư luận.

----------------------------------------

*Về chuyện quan hệ Myanmar và Trung Quốc, tôi sẽ bàn vào một dịp khác. Rất chi là thú vị.
** Các cụ nhà ta xưa nói “đục nước béo cò” chính là ám chỉ chủ trương này của anh Trung Quốc (cò là chim, mà chim với China rất gần nhau về mặt ký tự. Ngày xưa, cũng như bây giờ, đụng đến Trung Quốc là đụng tới một vấn đề nhạy cảm, cấm kỵ, có thể nói là húy, nên các cụ nhà ta phải chơi chữ công phu thế đấy).


No comments: