Wednesday, June 17, 2009

LÀN SÓNG DÂN CHỦ MỚI

Làn sóng Dân Chủ mới
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, June 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96580&z=7
Cảnh tượng trên đường phố ở Teheran trong mấy ngày qua có thể giúp những người dân chủ ở Việt Nam thêm phấn khởi: Một làn sóng mới của dân chủ tự do đang bắt đầu trên thế giới, khởi động từ thủ đô nước Iran. Hàng trăm ngàn người xuống đường trong ngày Thứ Hai, trên một đại lộ dài gần 10 cây số đòi chính quyền chấm dứt trò gian lận bầu cử; cảnh tượng đó cho thấy người dân nước nào cũng thiết tha với quyền công dân của họ. Cả thế giới chứng kiến cảnh đó, và những cơn sóng dân chủ khác sẽ nối theo nhau dâng lên.

Cuối thế kỷ trước, cơn sóng dân chủ đã trào lên từ những cuộc biểu tình của dân chúng thủ đô Manilla, Phi Luật Tân vào năm 1986. Dân Manilla đã gửi một tín hiệu đi khắp nơi, tới những người dân nước khác cũng muốn đòi quyền lên tiếng và quyền tham dự vào việc quản trị đất nước họ.
Sau đó, cơn sóng tự do dân chủ đã trào sang những nước Á Ðông như Nam Hàn, Ðài Loan (1987), Thái Lan (1990), Bagladesh, Mông Cổ (1990) có lúc lan vào cả lục địa Trung Hoa với những cuộc biểu tình chống tham nhũng ở Thiên An Môn rồi bị đàn áp (1989).
Các nước ở Châu Mỹ La tinh cũng rúng động, Chile lật đổ chế độ độc tài quân phiệt (1988), và sau cùng bức tường Berlin sụp đổ (1989) kéo theo các chính quyền Cộng Sản Ðông Âu. Ngay cả việc chấm dứt chế độ kỳ thị “apartheid” ở Nam Phi (1990 - 1992) cũng diễn ra trong cơn sóng trào dân chủ hóa này. Cao trào dân chủ lại bùng lên một lần nữa vào cuối thập niên 1990, khi các nước Thái Lan, Indonesia, Nam Hàn, Ðài Loan, thay thế những chính quyền đã bất lực và tham nhũng bằng những khuôn mặt lãnh đạo mới.

Quá trình Dân Chủ hóa không phải là một vở kịch có bài bản viết sẵn và được đạo diễn nhịp nhàng. Mỗi đợt sóng dân chủ dâng lên đều có thể bị các thế lực thủ cựu chống cự, ngăn cản; có lúc cơn sóng dân chủ bị đẩy lui và cũng nhiều khi thoái trào. Nhưng chúng ta biết chắc là dù làn sóng dân chủ có bị đẩy lùi một bước thì sau đó sẽ dâng lên trở lại, vượt qua các chướng ngại, tiến thêm nhiều bước mới. Ðộng lực chính thúc đẩy cao trào dân chủ là sự chuyển động trong lòng người, cả khối dân chúng có ý thức; chứ không phải là do những người lãnh đạo, những tổ chức, hay sức phù trợ từ bên ngoài gây nên. Khi người dân ý thức nhu cầu lên tiếng và nhu cầu tham dự vào việc quản trị đất nước họ, thì họ sẽ xuống đường đòi tự do.

Ở Iran chúng ta đang chứng kiến hiện tượng đó. Chúng ta không đoán trước được kết quả sau cùng sẽ ra sao, không biết liệu chính quyền cũ có bị lật đổ không, chính quyền mới nếu được lên có thực sự phục vụ quyền lợi của đa số người dân hay không. Nhưng điều quan trọng trong cao trào tự do dân chủ không chỉ nằm trong việc thay đổi chính quyền, mà biểu hiện qua sự tham dự của người dân vào công việc chung, việc nước. Khi người dân thấy họ phải có quyền lên tiếng nói, phải giành lấy quyền tham dự, thì ý thức đó sẽ được nuôi dưỡng trong lòng người không thể nào xóa bỏ được. Ðã nhiều cuộc cách mạng bị phản bội trong suốt lịch sử loài người. Nhưng cuối cùng, những người dân bình thường sẽ sẽ thắng. Quan nhất thời, dân vạn đại; chính quyền nào cũng là tạm thời, chỉ có nhân dân tồn tại mãi mãi. Nếu nay mai Tổng Thống Ahmadi-Nejad vẫn ngồi lì đó và các cuộc biểu tình bị dẹp yên, thì ý thức tự do dân chủ của hàng triệu người dân Iran vẫn còn và có thể được nuôi dưỡng lâu dài chờ ngày thể hiện bằng hành động. Ngược lại, nếu ông Hossein Moussavi được lên làm tổng thống rồi phụ lòng dân chúng, thì đối với những người dân Iran đã nếm mùi dân chủ khi tham dự vào những cuộc biểu tình trong mấy ngày nay, mối khát vọng dân chủ vẫn còn là ngọn lửa nung nấu trong tâm can họ mãi mãi. Hiện tượng quan trọng nhất trong những cuộc biểu tình này là ước vọng được sống dân chủ đã thể hiện trong hành động xuống đường của người dân Iran.

Khái niệm Dân Chủ được thấy qua những hình ảnh mà báo chí tường thuật. Một khẩu hiệu được hô lên nhiều lần trong các cuộc biểu tình vừa qua là “Tiêu diệt kẻ độc tài!” Không cần nêu tên kẻ độc tài đó là ai. Một người biểu tình đã nói với phóng viên, “Chúng tôi không phải là đàn cừu! Họ không thể dối trá với chúng tôi mà nghĩ là chúng tôi sẽ im lặng mãi được!” Ðó là lời của một phụ nữ 30 tuổi, chủ tiệm sách ở trung tâm Teheran. Nói rõ hơn, một ông 64 tuổi phát biểu, “Họ đã sỉ nhục chúng tôi và sỉ nhục óc phán đoán của chúng tôi!”

Người dân Iran đòi dân chủ vì họ không chấp nhận bị sỉ nhục mãi. Họ thấy mình bị chính quyền nhục mạ khi bắt họ nghe những lời dối trá trâng tráo. Những người cầm quyền ở Iran tưởng rằng dân chúng không ai dám nghĩ tới ý tưởng phản kháng, khi thấy dân đã chịu đựng quen từ 30 năm nay. Nhưng bây giờ người dân không cam chịu im lặng trước sự sỉ nhục bằng dối trá. Họ ý thức rằng chỉ khi nào được tự do thì người dân mới biết sự thật.

Ðó là những khái niệm đơn giản đã thúc đẩy người dân đòi tự do dân chủ, ở Iran hay ở bất cứ nơi nào khác. Trong thời gian hàng trăm ngàn người xuống đường ở Teheran thì có những sinh viên đã tự động phát hành những bản tin để phản bác các tin tức dối trá do báo, đài của chính quyền đưa ra. Dân Chủ tức là phải có những tiếng nói đối nghịch cho mọi người biết và tự do phê phán.

Dân Iran là dòng dõi của những đế quốc Ba Tư đã bành trướng từ thế kỷ thứ Tám đến thế kỷ thứ Sáu trước kỷ nguyên Tây lịch. Các đại đế Darius và Xerxes đã mở đầu một đế quốc rộng lớn cả vùng Trung Ðông trong hai thế kỷ (550 - 330 trước Tây Lịch). Ðại đế Syrius đã làm rúng động Âu Châu. Sau khi họ cải đạo theo Hồi Giáo, người Ba Tư lại đóng vai trò các chuyên viên tổ chức hành chánh rồi chiếm quyền thống lĩnh đế quốc mới đó trong nhiều đời, từ thế kỷ thứ Chín đến hết thế kỷ thứ Mười. Một dân tộc như vậy không thể chịu nhục mãi mãi.

Khi nhìn vào cuộc đương đầu của ông tổng thống Iran và ứng cử viên đối lập, những nhà quan sát quốc tế có thể thấy đây là một màn kịch mà bên trong hậu trường còn đầy các diễn biến khác. Ðằng sau ông Tổng Thống Ahmadi-Nejad là “Lãnh tụ Tối cao” Ali Khamenei. Ðằng sau ông Hosein (hay Hussein) Moussavi là cựu Tổng Thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani. Ông Rafsanjani vẫn muốn giành chức vụ tối cao của ông Khamenei, từ hơn mười năm trước đây. Một cựu tổng thống khác, ông Mohamad Khatami đã ứng cử rồi rút lui để ủng hộ ông Moussavi cũng vì được Rafsanjani thúc đẩy. Rafsanjani hiện vẫn giữ chức chủ tịch hai cơ quan khác trong các định chế chính trị ở Iran, trong đó có Hội Ðồng Các Chuyên Gia Về Luật Hồi Giáo, hội đồng này nắm quyền bổ nhiệm và có quyền cách chức lãnh tụ Tối Cao của ông Khamenei.

Theo ông M. K. Bhadrakumar, một nhà ngoại giao Ấn Ðộ theo dõi tình hình Iran nhiều thập niên qua, thì hai nhân vật nổi bật trong cuộc tranh chấp hiện nay, Ahmadi-Nejad và Moussavi chỉ đóng trò trên sân khấu, được hai ông Khamenei và Rafsanjani giật dây. Hiện nay ông Khamenei đã chịu nhường một bước, yêu cầu Hội Ðồng Lãnh Ðạo duyệt xét lại kết quả cuộc bầu cử. Có thể coi là ông đã yếu đi và bị mất thể diện, vì ông đã tuyên bố khen ngợi sự đắc thắng của ông Ahmadi-Nejad ngay sau khi kết quả được công bố, trong đó đương kim tổng thống được 63% số phiếu và đối thủ Moussavi được 34%.

Việc công bố kết quả trên biến thành một hành động “sỉ nhục” đối với nhiều người dân Iran, vì có những điều bất thường không hiểu nổi. Trước khi các kết quả được công bố thì các đài truyền hình của nhà nước đã báo tin ông tổng thống thắng phiếu rồi và bắt đầu ca ngợi sự đắc thắng của ông ta! Tại ngay quê hương của ông Moussavi, ông Ahmadi-Nejad cũng thắng phiếu. Ông Moussavi thuộc sắc tộc nói tiếng Azeri, khác với tiếng Farsi của đa số người Iran; nhưng theo kết quả công bố thì ông Ahmadi-Nejad cũng thắng thế ở trong cả những vùng người nói tiếng Azeri sinh sống.

Bây giờ Lãnh Tụ Tối Cao Khamenei có thể mua thời giờ trong mấy tuần lễ chờ Hội Ðồng Lãnh Ðạo duyệt xét kết quả bầu cử ở một số địa phương. Sau đó họ có thể tuyên bố ông Ahmadi-Nejad vẫn được trên 50% số phiếu, không cần bầu vòng thứ nhì. Nhưng ông Khamenei đã bị yếu thế sau một nhượng bộ lần này, trong khi đó ông Fafsanjani ở thế công mạnh hơn khi ông huy động được nhiều giáo sĩ trong giới lãnh đạo tỏ ý nghi ngờ kết quả cuộc bỏ phiếu. Nếu số giáo sĩ theo ông đông đảo hơn ông Rafsanjani có thể lật đổ ông Khamenei, đưa ông Khatami lên thay, qua Hội Ðồng Các Chuyên Gia.

Tất cả những tấn tuồng và vận động hậu trường đó không có ý nghĩa gì đối với việc xây dựng một thể chế Dân Chủ. Iran có bản Hiến Pháp rất phức tạp và dành rất nhiều quyền cho giới giáo sĩ, mà trong Hồi Giáo đó là những học giả chuyên về “thánh luật” chứ không phải là những người đại diện cho đấng Tối Cao. Các vị giáo sĩ đang tranh giành quyền lực trong khuôn khổ bản Hiến Pháp đó. Nhưng chính khi họ giành nhau quyền thế và địa vị, họ đã làm cho cả “cơ chế thần quyền” bị lung lay. Ba mươi năm sau khi lật đổ vị Sa Hoàng bị coi là tay sai của nước Mỹ, cuộc cách mạng Hồi Giáo được dân Iran ủng hộ từ đầu, nay đã cho thấy có vết rạn nứt. Ðây là một cơ hội cho những người dân trung lưu có học, nhất là giới thanh niên, đứng lên đòi tự do dân chủ thật sự. Họ sẽ làm một cuộc cách mạng mới, giành lại quyền quyết định việc quốc gia cho đa số người dân, chứ không để độc quyền cho các học giả được đào tạo trong các đại học tôn giáo thao túng nữa. Quá trình này có thể kéo dài trong hàng chục năm.

Trong mấy ngày sắp tới sẽ còn những cuộc biểu tình do phe chính quyền và phe đối lập tổ chức, trong khi các đối thủ chính ở cấp cao nhất là Ayatollah Khameni và Ayatollah Rafsanjani vận động hậu trường. Nhưng đối với tương lai dân tộc Iran thì những màn tranh giành quyền lực đó không quan trọng. Ðiều quan trọng nhất là người dân đã đứng dậy đòi quyền được phát biểu tự do, quyền tham dự vào việc quốc gia, và quyền biết sự thật.

Các chính phủ Tây phương, từ Mỹ sang Âu châu đã khôn ngoan không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp này. Vì chế độ độc tài ở Iran trong những năm qua đã lợi dụng tình cảm dân tộc của người dân, lấy chiêu bài chống Tây phương và khôi phục địa vị quốc gia để giữ chế độ độc tài, bắt dân phải cúi đầu vâng lời các lĩnh tụ. Các nước Tây phương không thể rơi vào cái bẫy “can thiệp” cho nên giữ thái độ bàng quan là phương cách tốt nhất.

Làn sóng Dân Chủ đang dâng lên ở Iran sẽ gây tiếng vang khắp thế giới, không phải trong lúc này mà còn trong hàng chục năm tới. Những quốc gia còn đang sống trong những chế độ Dân Chủ nửa vời sẽ ý thức rõ hơn họ phải tranh đấu đòi cho được tự do dân chủ đầy đủ. Các nước còn sống dưới ách độc tài sẽ thấy họ phải thức dậy và đứng lên. Ðó là lý do những người Dân Chủ ở Việt Nam theo dõi những diễn biến từ Iran sẽ thấy những điềm hy vọng. Một làn sóng dân chủ tự do mới có thể đang trào lên trên thế giới.


No comments: