Friday, June 19, 2009

KINH NGHIỆM ĐẤU TRANH KHI PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI CÔNG AN CSVN

Kinh nghiệm đấu tranh khi phải đối diện với công an Cộng Sản
Hoàng Bách Việt – ĐDCND

Thứ sáu, 19 Tháng 6 2009 06:24
http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&view=article&id=675:kinh-nghim-u-tranh-khi-phi-i-din-vi-cong-an-cng-sn&catid=19:tai-lieu-dcnd&Itemid=26
Đối đầu với một bộ máy trấn áp dày dạn kinh nghiệm của CSVN từ công an, mật vụ cho đến hệ thống nhà tù. Các chiền sĩ dân chủ đi vào đường đấu tranh chỉ bằng trái tim thường không đủ sức đương cự lại thủ đoạn của an ninh. Khi tự nguyện tham gia đấu tranh chống chế độ toàn trị, phải chuẩn bị tâm lý cho mình một tình huống xấu nhất, đó là sẽ phải bước vào nhà tù và chấp nhận đối đầu với an ninh trong điều kiện tồi tệ. Nếu không đủ bản lỉnh, không đủ kinh nghiệm và chưa dám xả thân cho lý tưởng mình theo đuổi, hậu quả là dẫn đến sự kiện đầu hàng, từ bỏ lý tưởng, phản bội đồng đội và ngay cả tổ chức của mình, dẫn đến nhiều thiệt hại sâu xa.
Các chiến sĩ dân chủ cần tự trang bị cho mình nhiều kinh nghiệm và học hỏi các nghiệp vụ an ninh, trong đó có kinh nghiệm đấu tranh trực diện với kẻ thù khi phải rơi vào vòng tay của an ninh CS. Anh Hoàng Bách Việt là một an ninh cao cấp của CS, đảng viên đảng CSVN, từng nhiều năm công tác trong nghành công an. Hiện nay, anh đã tham gia cùng góp sức đấu tranh chống chế độ toàn trị. Chúng tôi phổ biến lại bài viết này để các chiến sĩ dân chủ và đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân tham khảo. (ĐDCND)


---------------------------------------------------------

Ngày 14/8/2006, chính quyền cộng sản Việt Nam ra tay khủng bố đồng loạt bắt giữ nhiều đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân ở cả trong và ngoài nước. Việc làm này chứng minh cho hành động vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn của chế độ cộng sản Việt Nam. Chứng minh cho sự thất bại, bất lực của cường quyền, bạo lực trước sự kiên cường, bất khuất, đoàn kết đấu tranh của các lực lượng đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước cùng sự nhiệt tình ủng hộ của các cá nhân và tổ chức Quốc tế. Thế nhưng, cho đến nay chính quyền cộng sản vẫn ngoan cố không trả tự do cho nhiều đảng viên khác của Đảng Dân chủ Nhân dân. Cùng với việc chính quyền cộng sản đã và đang đàn áp, bắt giam bao nhiêu chiến sĩ dân chủ khác, đây là một hành động cần phải kiên quyết lên án, đấu tranh. Đảng Dân chủ Nhân dân kịch liệt phản đối hành động vi phạm tự do nhân quyền của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Qua kinh nghiệm về sự việc những đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân bị bắt giữ vừa qua, chúng tôi xin đề nghị như sau: đối với những chiến sĩ dân chủ hoạt động bí mật, trong trường hợp bị bắt giữ bất ngờ nếu đồng đội không biết để kịp thời thông báo đến các cơ quan ngôn luận, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các tổ chức, đảng phái mà họ tham gia hoạt động, chúng tôi xin yêu cầu những người gần gũi nhất trong gia đình, bạn bè, người thân nên lập tức thông báo ngay thông tin cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền hoặc liên lạc với Đảng Dân chủ Nhân dân theo địa chỉ e-mail :
dangdanchunhandan@yahoo.com
Chúng tôi sẽ kiểm tra rà soát lại xem có phải đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân hay của một Tổ chức nào khác để thông báo với họ, kịp thời có biện pháp phối hợp đấu tranh, đối phó và giúp đỡ. Và cũng do đó, Đảng Dân chủ Nhân dân nhận thấy rằng cần thiết phải phổ biến một số phương pháp và kinh nghiệm đấu tranh trong trường hợp phải đối mặt với cơ quan công an cộng sản.

Những Biện Pháp Nghiệp Vụ của Công An

Cộng sản Việt Nam nắm trong tay toàn bộ bộ máy chính quyền để bảo vệ chế độ, cơ quan công an được đào tạo chuyên nghiệp và trang bị đầy đủ các vũ khí, khí tài, trang thiết bị hiện đại. Ngược lại những chiến sĩ dân chủ chỉ có đôi bàn tay không và chủ trương đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động. Do vậy sự đối ngược, chênh lệch là rất lớn và sự đàn áp, khủng bố, bắt bớ, giam cầm sẽ là tất nhiên.
Vì vậy, để đảm bảo công việc của mình và để hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn quần chúng nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ. Các chiến sĩ dân chủ cần tự trang bị cho mình rất nhiều kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm đấu tranh trực diện với kẻ thù khi phải rơi vào vòng tay của họ.Thật ra các biện pháp nghiệp vụ nghành công an của đa số các quốc gia trên Thế giới đều tương tự như nhau. Nhưng do đặc thù trong xã hội độc tài cộng sản, công an là công cụ bảo vệ chế độ, được chế độ nuôi dưỡng và dung túng, được quyền vi phạm, chà đạp lên tất cả Hiến pháp và Luật pháp, nên công an Việt Nam có rất nhiều thủ đoạn nghiệp vụ quái gở, tàn bạo và đê tiện.
Trong thời gian qua có một số biện pháp nghiệp vụ mà công an cộng sản rất thường xuyên sử dụng để khống chế, câu lưu các chiến sĩ dân chủ, nghiệp vụ ngành công an gọi biện pháp này là “chuyển nguồn chứng cứ”. Tức là tìm một chứng cứ khác, hoặc cố tạo ra một chứng cứ khác để lấy làm lý do kiểm tra, lục soát, bắt giữ đối tượng, từ đó mới phanh phui ra nội dung chính mà công an đang cần quan tâm.
Thí dụ như trường hợp bắt giữ Phương Nam Đỗ Nam Hải vào ngày 8/12/2005, công an vờ tạo ra tình huống gây va chạm phương tiện giao thông, sau đó tạm giữ phương tiện (là chứng cứ của vụ việc) và từ đó “vô tình” phát hiện ra những cuốn sách “Hãy trưng cầu dân ý”. Để đối phó trong những trường hợp này chúng tôi đã có bài viết “Đối phó với những thủ đoạn khủng bố, đàn áp đê hèn của chế độ cộng sản” trên Điện thư số 61 vừa qua.
Chúng tôi chỉ xin nhắc lại một lần nữa là trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, các chiến sĩ dân chủ cần phải luôn luôn nắm thế chủ động đối phó trước. Bởi vì, dù bạn đã từng bị đàn áp hay chỉ là sự việc xảy ra với bạn lần đầu tiên thì đây cũng chính là những cái bẫy mà công an cộng sản đang giăng ra để bắt giữ bạn, không phải là sự việc vô tình, ngẫu nhiên gặp phải. Như vậy, nếu bắt buộc bị câu lưu, xét hỏi cũng hết sức bình tĩnh để tìm biện pháp đối phó. Có nghĩa là phải chuẩn bị phương án đối phó với tình huống xấu nhất, chứ không phải là màn kịch mà họ vừa dựng ra (đụng xe, sử dụng tiền giả, sử dụng phương tiện ăn cắp, gây rối trật tự công cộng …).
Sau đó, công an cộng sản sẽ có rất nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau để đàn áp bạn. Ví dụ đối với một người mà họ nhận định là còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm hay bản lĩnh không vững vàng, có thể họ sẽ đưa luôn thẳng đến cơ quan an ninh điều tra hay bảo vệ an ninh chính trị (mà lẽ ra đối với sự việc xảy ra phải là đưa đến phòng cảnh sát giao thông, công an phường hay một trụ sở công an gần nhất). Việc làm này chính là đòn “đánh phủ đầu”, những người thiếu kinh nghiệm hoặc kém bản lĩnh sẽ lập tức bị trấn áp tinh thần ngay từ đầu và có thể sẽ khai báo ra tất cả những hành vi khác ngay sau đó. Khi bắt đầu làm việc, một việc làm vi phạm pháp luật khác là công an sẽ sử dụng ngay biên bản ghi lời khai của bị can để trấn áp bạn. Thông thường là họ sẽ dùng số đông để trấn áp bạn. Phụ thuộc vào đối tượng, nội dung và kế hoạch mà họ giăng ra, có thể có từ hai đến mười người bao vây quanh bạn.
Có thể chỉ có một hai người mặc cảnh phục đeo bảng tên, còn lại những người khác mặc thường phục. Chúng làm như vậy để dễ đàn áp bạn hơn, nếu có đe dọa hay lớn tiếng thóa mạ, bạn cũng không biết được tên tuổi của họ để phản đối. Việc sử dụng nhiều người một lúc là để bọn chúng trấn áp tinh thần bạn, trong lúc một người hỏi để ghi “lời khai” những kẻ khác sẽ cố tình soi mói từng hành vi, cử chỉ của bạn để xét đoán tinh thần, bản lĩnh của bạn, hoặc cố tình gây cho bạn cảm giác khó chịu để bạn bị phân tán tư tưởng, bị ức chế.
Đối với những đối tượng “hóc” hơn, bọn chúng sẽ thay phiên nhau tra vấn. Biện pháp này thứ nhất là nhằm đánh vào tinh thần bạn, thứ hai là trực tiếp đánh vào thể lực bạn, làm bạn suy yếu, mệt mỏi dẫn đến lúng túng và bị thua các đòn tấn công tiếp theo của chúng.
Thậm chí còn một số biện pháp nhỏ nhặt như: làm việc nhiều giờ đồng hồ nhưng không cho uống nước, hoặc tạm giữ cả ngày nhưng không cho ăn cơm, đối với những người nghiện thuốc lá thì chúng cũng ngăn cấm để gây ức chế, đối với người có bệnh tật thì tấn công vào bệnh tình của họ.
Trong một số trường hợp, nếu bọn chúng đánh giá đối tượng cao tay hơn, việc dùng nhiều người cùng tra vấn một lúc để phối hợp sử dụng các đòn nghiệp vụ khác nhau, khi đấm khi xoa. Tức là bọn chúng sẽ dùng hai điều tra viên cùng phối hợp tra vấn bạn. Một kẻ từ nhìn hình thức bề ngoài đến cử chỉ, lời nói đều rất có thiện cảm, tên này sẽ có nhiệm vụ dùng những đòn rất nhẹ nhàng, tình cảm để thuyết phục, để chiêu dụ, để gợi ý, để giăng bẫy. Một tên thứ hai lại rất ngang ngạnh, lỗ mãng nhiệm vụ của nó chính là gây cho bạn sự khó chịu, đe dọa, tấn công, khủng bố tinh thần bạn. Hai kẻ này sẽ thay phiên nhau vừa đấm vừa xoa để sao cho đạt được mục đích của chúng.
Để đối phó trong những trường hợp trên, một việc tối quan trọng là bạn phải giữ thái độ bình tĩnh, tự tin, thận trọng và chủ động. Không nao núng, không lúng túng, vội vàng; không nóng nảy, không bị ức chế khi bị khiêu khích, đe dọa; giữ một thái độ và vẻ mặt không thay đổi trong mọi tình huống; chậm rãi, thận trọng khi trả lời một câu hỏi; giữ thái độ im lặng khi thấy không cần hợp tác, không muốn trả lời; lắng nghe và ghi nhớ từng thông tin, từng cử chỉ của bọn chúng để sau này khi có thời gian sẽ tập hợp và phân tích xem bọn chúng đã biết những gì về mình, trong đó có những câu hỏi nào chỉ là đòn “chặn đầu”, đòn “gió”.
Cần tránh những cử chỉ được nghành công an gọi là biểu hiện tâm lý phạm tội như sau: luống cuống, run tay (chân), đổ mồ hôi, thái độ mệt mỏi, bồn chồn, hay ngáp dài, vẻ mặt lo lắng, thiếu ngủ, hay bẻ ngón tay, cắn móng tay, tư thế ngồi không yên, rung đùi, rung chân, mắt không dám nhìn thẳng, hay liếc nhanh, nhìn trộm.
Việc cần thiết thứ hai là phải tự trang bị cho mình những hiểu biết tối thiểu về qui định pháp luật trong khi làm việc với cơ quan công an, từ đó bạn sẽ có cơ sở để đối phó hoặc tấn công lại họ. Những hiểu biết đó sẽ giúp bạn tự tin và tấn công ngay khi họ sơ hở hoặc cố tình vi phạm pháp luật.
Ví dụ như khi bắt đầu làm việc bạn lập tức đề nghị họ phải mặc cảnh phục có gắn bảng tên đầy đủ như điều lệnh qui định, bạn sẽ từ chối và tấn công lại những kẻ mặc thường phục lại muốn tra vấn bạn. Hoặc nếu gặp trường hợp bọn chúng đập bàn, quát tháo hoặc đe dọa bạn, như vậy bạn cũng có thể từ chối không làm việc với họ, đề nghị thay đổi người khác, hoặc có quyền không trả lời câu hỏi của họ (theo qui định điều 6, 49, 50 của Bộ luật tố tụng hình sự). Thậm chí có thể ghi thẳng những ý kiến này vào biên bản. Hoặc tuyên bố sẽ gửi đơn thưa kiện họ đến các cấp có thẩm quyền về các hành động đe dọa, ép cung, bức cung, mớm cung.
Bạn đòi hỏi phải có luật sư của bạn cùng được làm việc theo qui định của pháp luật. Nếu không có, bạn có thể từ chối không kí hoặc ghi ý kiến trước khi kí là: biên bản này không đảm bảo tính pháp lí vì tôi không được luật sư của mình bảo vệ theo qui định của pháp luật (theo Bộ luật tố tụng hình sự điều 58 “quyền và nghĩa vụ của người bào chữa” thì luật sư có mặt ngay từ khi lấy lời khai của người bị tạm giữ hay khi hỏi cung bị can).
Do sống trong một chế độ độc tài, chính quyền sử dụng luật pháp làm công cụ để bảo vệ chế độ nhưng ngược lại họ lại chối bỏ trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân (chỉ mới có luật an toàn giao thông là bắt đầu được đưa vào các chương trình giáo dục phổ thông), do đó sự hiểu biết pháp luật của người dân còn rất hạn chế, không nắm rõ được các quyền lợi và nghĩa vụ của chính mình do pháp luật qui định. Vì vậy, có một chi tiết nhỏ rất quan trọng cần được nói rõ là: rất nhiều người vẫn còn bị các cơ quan công an vô cớ sách nhiễu mà không biết rằng: chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chỉ có cơ quan điều tra có quyền ra lệnh triệu tập, lúc đó những người bị triệu tập mới cần phải suy nghĩ xem có cần thiết phải đến làm việc với cơ quan công an hay không (có nghĩa là bạn vẫn được quyền từ chối nếu đưa ra lí do chính đáng, sau đó họ sẽ gửi giấy triệu tập ghi số lần: 1,2 ,3 hoặc ra lệnh dẫn giải), còn tất cả các loại thông báo hay giấy mời khác, chúng ta đều có quyền từ chối không làm việc.
Bởi vì bạn chấp nhận đến làm việc với những cơ quan kia là bạn đang tự gây khó khăn cho mình và tiếp tay cho họ làm sai pháp luật. Trong những trường hợp đó còn giúp bạn hiểu được rằng: cơ quan điều tra chưa có đủ cơ sở, chứng cứ để triệu tập bạn, sự việc của bạn vẫn chỉ đang nằm trong tầm của các cơ quan trinh sát, nghiệp vụ. Từ đó bạn phải nhận thấy đây là khoảng thời gian hiếm hoi cho bạn bí mật thủ tiêu tất cả những chứng cứ có hại đến bạn. Tất nhiên khi cơ quan công an đã muốn “hỏi thăm” đến bạn thì có nghĩa là họ đã nắm giữ những chứng cứ nhất định, những cơ sở nào đó, do vậy phải tập trung cảnh giác cao độ, tự kiểm tra lại các quá trình công việc có thể gây nguy hiểm cho bạn, chuẩn bị phương án đối phó.

Rung Chà Cho Cá Nhảy

Trong một trường hợp cụ thể, có thể ban đầu cơ quan nghiệp vụ trinh sát chỉ nắm bắt được một manh mối nào đó rất nhỏ (chẳng hạn qua nghe lén điện thoại hay nắm được thông tin qua liên lạc trên Internet), họ sẽ theo dõi và dùng biện pháp nghiệp vụ để truy vấn bạn. Nếu bạn tự tin và hiểu biết các qui định trên, bạn sẽ có cách từ chối không làm việc với họ, đồng thời xóa hết các dấu vết và tạm ngừng hoạt động một thời gian, như vậy họ sẽ khó khăn để tìm ra các chứng cớ khác để buộc tội bạn. Vậy việc hiểu rõ các qui định pháp luật trong những trường hợp này có thể cứu bạn thoát khỏi nguy hiểm.
Nhưng đồng thời phải đặc biệt lưu ý: thường khi cơ quan công an đã muốn “mời” bạn đến làm việc có nghĩa là lúc đó các hoạt động của bạn đã nằm trong tầm theo dõi của “trinh sát ngoại tuyến”, cho nên việc xóa dấu vết lúc này cũng phải được tiến hành tuyệt đối kín đáo. Nếu không chính bạn sẽ mắc phải một biện pháp nghiệp vụ gọi là “rung chà cho cá nhảy”, biện pháp này thường được sử dụng rất hiệu quả trong giai đoạn đầu của công tác trinh sát.
Như thế này nhé, khi cơ quan công an nắm trong tay một manh mối nào đó nhưng họ chưa có đủ chứng cứ buộc tội (hoặc chưa khẳng định được bản chất sự việc), họ sẽ có một tác động nhẹ để theo dõi phản ứng của đối tượng (gọi là “rung chà”), lúc ấy mọi hành vi của đối tượng đã nằm trong tầm theo dõi của trinh sát, nếu đối tượng để lộ ra các biểu hiện hoặc hành vi sau đây: tỏ ra hoảng sợ, hoang mang, thủ tiêu các chứng cứ, xóa dấu vết, liên hệ với những người khác nhằm đối phó với cơ quan công an…(tức là “cá nhảy”), tất cả những ghi nhận đó hoặc sẽ là chứng cứ buộc tội, hoặc sẽ là cơ sở để cơ quan công an quyết định tiến hành điều tra.
Như vậy, khi bạn bị rơi vào tình trạng đó, bạn phải giữ được trạng thái “động mà không động”, có nghĩa là một mặt phải tìm mọi biện pháp kín đáo âm thầm thủ tiêu hết những chứng cứ bất lợi cho bạn, nhưng bề ngoài lại phải giữ thái độ bình thường như không có gì xảy ra, tất cả công việc, sinh hoạt, quan hệ phải tiến hành bình thường, trạng thái tâm lí phải bình thản như không, tránh những cử chỉ hấp tấp, vội vã, lo lắng, đăm chiêu, cáu giận.

Thả Hổ Về Rừng


Cũng cần phải đề phòng biện pháp “thả hổ về rừng” của cơ quan công an. Trong một số trường hợp, khi nắm giữ được đối tượng cơ quan công an lại tha bổng ngay sau đó, coi như sự việc là một vi phạm nhỏ không cần thiết điều tra, nhưng thật ra là họ đã nắm rõ đối tượng và đang cần truy tìm ra những manh mối khác hoặc những nhân vật chủ chốt hơn đứng đằng sau. Việc tha bổng lúc đó đồng thời được tiến hành kèm theo là một mạng lưới trinh sát dày đặc được tung ra để bám sát mọi hành vi, quan hệ, liên lạc của đối tượng, kể cả liên lạc qua điện thoại, internet. Vì vậy, các chiến sĩ dân chủ cần phải rất cảnh giác với thủ đoạn này, nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân, các đồng đội, những người có quan hệ, giúp sức và đảm bảo an toàn cho cả tổ chức mà mình đang hoạt động.
Luôn ghi nhớ nguyên tắc cơ bản khi phải làm việc với công an là nói rất ít, trả lời rất ngắn gọn, thậm chí chỉ lặp đi lặp lại một câu trả lời là “không biết” và “không nhớ”. Ghi nhớ tất cả mọi chi tiết bạn đã trả lời họ và sẽ phải bảo vệ đến cùng những câu trả lời đó.
Cần nắm rõ những qui định pháp luật làm nguyên tắc rất cơ bản như qui định tại điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Có nghĩa là bạn không việc gì phải trả lời, phải tiếp tay cho họ đưa ra những bằng chứng bất lợi cho bạn, để kết tội bạn. Họ ăn lương của bộ máy công quyền thì họ phải có trách nhiệm tự đi điều tra, tìm hiểu; thật vô lí khi việc bạn trả lời họ lại chính là những cơ sở để cơ quan công an buộc tội chính bạn.

Biện Pháp “Mềm”


Trong trường hợp gặp các “đối tượng rắn mặt” như vậy họ lại hay sử dụng một số thủ đoạn khác. Hoặc là đánh vào tình cảm cá nhân. Hoặc là nói chuyện vu vơ để đưa bạn vào “mê cung” của họ, sau đó bỗng đột ngột quay ngoặt lại “chủ đề chính”. Hoặc là ngồi tán chuyện gẫu với bạn nhưng thỉnh thoảng lại làm như vô tình “đá” vào một vài câu hỏi có vẻ “không đâu vào đâu”, nhưng khi ghép dần các chi tiết lại với nhau sẽ cho họ biết được một số manh mối. Những thủ đoạn này tinh vi hơn, nên tóm lại khi đối diện với công an cộng sản bất kể ở đâu, trong trường hợp nào: ngồi làm việc, “tâm sự thân mật”, hay ngồi trò chuyện ở quán cà phê …, bạn cũng phải cảnh giác cao độ, mọi lời nói, mọi câu trả lời đều phải suy nghĩ hoặc né tránh, cười trừ, im lặng.
Phương pháp điều tra chính của họ là hỏi đi hỏi lại nhiều lần một vấn đề, họ sẽ phân tích từng chi tiết nhỏ từ những câu trả lời của bạn để tìm ra các mâu thuẫn, tiếp đó sẽ “xoáy” vào các mâu thuẫn đó để đấu tranh với bạn. Do vậy, bất kể những gì bạn đã trả lời họ một lần rồi thì phải giữ vững lập trường, dù hỏi đến 100 hay 1000 lần cũng vẫn chỉ nhất nhất là như vậy. Điều cấm kị nhất là “tiền hậu bất nhất”.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay có sẵn các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ như Camera, máy ghi âm …, trong các phòng hỏi cung của Bộ công an đều có gắn thiết bị này. Họ sử dụng nó trên hình thức tuyên truyền cải cách tư pháp, nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan. Nhưng thực chất mục đích chính vẫn là để đàn áp các đối tượng bị thẩm vấn. Về mặt tâm lí, ai cũng có cảm giác khó chịu khi đang làm việc mà lại bị ống kính camera chĩa vào, dòm ngó. Nhất là không biết sau cái ống kính đó có bao nhiêu kẻ khác đang cố tình theo dõi từng hành vi, cử chỉ của mình? Vì thế, đây cũng chính là một thủ đoạn trấn áp tinh thần được cơ quan công an áp dụng. Đối phó với nó cần phải có thái độ bình tĩnh, tự tin tuyệt đối, tránh các hành vi thể hiện tâm lí tội phạm như đã nói bên trên.

Biện Pháp “Cứng”

Cùng với các thủ đoạn nghiệp vụ xảo quyệt cộng sản còn sử dụng biện pháp giam giữ trong những điều kiện khốc liệt nhất để đàn áp các chiến sĩ dân chủ. Điển hình như trại giam B34 tại Sài Gòn là một nhà giam được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có kiến trúc rất đặc biệt, ở đây có những phòng biệt giam vô cùng man rợ, dùng để trấn áp những con người quả cảm, những phạm nhân gan dạ nhất. Những phòng giam này không hề có ánh sáng lọt vào, đặc biệt là thiết kế để mọi thứ âm thanh nhỏ ở bên ngoài lọt vào thì ở bên trong đã nghe rất vang dội, từ một tiếng kẹt cửa hay tiếng giày đinh đi trong hành lang là đã làm những người bị giam giữ trong đó bị choáng váng đầu óc.
Trải qua cả hai thời kỳ Pháp, Mĩ đến nay nhà giam này vẫn còn được cộng sản sử dụng làm phương tiện đàn áp dân chủ. Song song với những biện pháp nghiệp vụ trong quá trình điều tra, xét hỏi là rất nhiều những thủ đoạn nghiệp vụ khác như: xây dựng đặc tình ngay trong trại giam.
Gần đây công an cộng sản đã sử dụng biện pháp này nhiều hơn để trấn áp phong trào đấu tranh dân chủ, do vậy cần phải nói rõ hơn một chút về biện pháp nghiệp vụ này.

Xây Dựng Đặc Tình


Để xây dựng một chuyên án, sau khi có hiềm nghi ban đầu các biện pháp nghiệp vụ được tiến hành theo các bước thứ tự như sau: đặc tình, trinh sát, điều tra. Do vậy công tác xây dựng đặc tình là một công tác được tiến hành từ rất sớm mà đối tượng không hề biết. Thật ra mạng lưới đặc tình là một mạng lưới sẵn có, cơ quan công an sử dụng “mật quĩ” rất lớn để xây dựng mạng lưới vô hình này.
Một công tác xây dựng đặc tình (được gọi là ĐT) gồm hai cách: một là trong móc ra, hai là ngoài đánh vào. Tốt nhất là móc được từ bên trong ra, tức là tìm một đối tượng đang tham gia trong cơ sở (hay có quan hệ với cơ sở) để mua chuộc, khống chế, buộc phải phục vụ cho bọn chúng. Thường là bọn chúng sẽ tìm những “mắt xích” nào yếu nhất để tấn công vào, chẳng hạn như đối tượng trước đây đã có một cái “phốt” nào đó để bọn chúng khống chế, hay là đối tượng là người có lập trường tư tưởng dao động, không vững vàng, đối tượng bị cài bẫy, bị mua chuộc bằng vật chất hoặc tình cảm. Nếu không thể dùng cách thứ nhất bọn chúng sẽ sử dụng cách thứ hai, tức là đánh một cơ sở của công an vào trong nội bộ những tổ chức đấu tranh dân chủ.
Để đánh được một cơ sở vào điều quan trọng nhất là bọn chúng phải lựa chọn được đối tượng có một “vỏ bọc” rất sạch đẹp, sau đó sẽ phải tạo ra những tình huống rất ngẫu nhiên nhằm đưa đối tượng này tiếp cận với những tổ chức đấu tranh dân chủ, tình huống càng “hấp dẫn” càng gây được uy tín cho đặc tình, càng tránh được các mối nghi ngờ của những người có kinh nghiệm. Trách nhiệm của đặc tình là sẽ phá hoại tổ chức, gây mất uy tín, gây chia rẽ mất đoàn kết, ăn cắp các thông tin, kế hoạch hoạt động, nhằm bắt bớ, triệt phá hoàn toàn tổ chức hoặc cả phong trào.
Việc xây dựng đặc tình trong trại giam lại khác với việc xây dựng đặc tình tung vào phá hoại các tổ chức. Chỉ đơn giản thế này, nếu bạn là một người có kinh nghiệm và thật sự “gai góc”, bọn chúng sẽ bố trí cho bạn một “bạn tù” trong phòng giam. Kẻ này mới ban đầu vào có thể còn “hăng hái” hơn bạn rất nhiều, chống chế độ dữ dội hơn bạn rất nhiều, chửi bới rất thậm tệ, để làm cho bạn yên tâm, tin tưởng, để làm quen. Sau đó dần dần trò chuyện, tâm sự và “moi” dần các thông tin mà bọn chúng đang cần biết. Hoặc có kẻ lại dựng ra những câu chuyện, hoàn cảnh rất bi thương, những chi tiết rất chính xác để bạn có muốn kiểm chứng cũng không phát hiện ra, đánh vào tâm lí, vào lòng thương hại của bạn để lấy lòng tin, gây cảm tình, sau đó mới khai thác. Nên lưu ý: để cho bạn tin tưởng, kẻ này có thể đã được đưa vào phòng giam trước bạn. Nói chung việc xây dựng đặc tình là rất nguy hiểm, các chiến sĩ dân chủ phải luôn cảnh giác cao độ để không bị vướng vào những cái bẫy này.

Rung Cây Nhát Khỉ

Một biện pháp nghiệp vụ nữa mang tính chất trấn áp và ép cung là việc dẫn giải những người có liên quan đi qua trước buồng giam hoặc nơi xét hỏi, cố tình cho bạn nhìn thấy để uy hiếp tinh thần bạn. Việc làm ấy mang một tính chất đe dọa như: “thấy chưa, tao đã bắt được hết những kẻ đồng đảng với mày rồi, khai hết ra đi”, “khai hết ra đi, những thằng kia cũng đã khai cả ra rồi, mày muốn chối cũng không được đâu”.
Trong những trường hợp ấy vẫn phải luôn luôn vững vàng, không để những trò nghiệp vụ ấy làm lung lạc tinh thần, dứt khoát bảo vệ quan điểm riêng của mình đến cùng. Thậm chí những người nhanh trí, quả cảm khi nhìn thấy đồng đội lập tức phải tìm cách “thông cung” ngay, như: hát một câu “không, không, tôi không còn yêu anh nữa…”, hoặc ngâm câu vọng cổ “tôi với anh đôi người xa lạ…”, … hoặc có thể nói vu vơ gì đó, tùy theo tình huống cần nhắn gửi đến đồng đội của mình.

Ném Đá Giấu Tay

Một biện pháp nghiệp vụ rất đê hèn mà công an cộng sản thường sử dụng trong giai đoạn đầu điều tra là giam chung những người đấu tranh dân chủ, những người tù chính trị với các loại tù thường phạm bị bệnh Sida, nghiện ma túy hoặc “đầu gấu”. Biện pháp này dùng để uy hiếp các chiến sĩ dân chủ, làm cho những người yếu đuối hoặc lo sợ cho tính mạng của mình sẽ phải cung khai, hợp tác với công an.
Ngoài ra cũng còn mục đích khác là dùng bàn tay của bọn “đầu gấu” tấn công các chiến sĩ dân chủ thay cho các biện pháp dùng vũ lực của công an, đấy chính là trò “ném đá giấu tay”. Gặp hoàn cảnh này các chiến sĩ dân chủ cần phải ôn hòa giải thích, cảm hóa các đối tượng, đồng thời vạch rõ âm mưu của công an cộng sản cho họ biết, để không mắc mưu và tiếp tay cho những thủ đoạn đê hèn đó.

Chứng Cứ Giả Mạo


Tiếp theo những biện pháp ấy là những trò tạo chứng cứ giả, giả mạo chữ viết … để ép cung, mớm cung. Những trò này tưởng rằng đã nhiều người biết đến, thế nhưng không ít người vẫn còn nhẹ dạ bị mắc lừa. Trong tài liệu “Những chiến sĩ dân chủ chuyên nghiệp” chúng tôi đã phổ biến trước đây, đã nhắc đến việc này. Nay chỉ xin nhắc lại rằng, tất cả các chứng cứ trinh sát như ghi âm, chụp ảnh, bảng chi tiết các cuộc gọi điện thoại, hàng đống các nội dung tin nhắn được ghi lại … chỉ là những chứng cứ gián tiếp, chứng cứ trinh sát, có nghĩa là những chứng cứ để cơ quan điều tra có cơ sở trong quá trình điều tra chứ không phải là những chứng cứ pháp lí để buộc tội trước tòa, cho nên dù rằng cơ quan công an có đưa ra bất cứ bằng chứng nào, bất kể cả là thật hay giả chúng ta cũng không cần phải công nhận.
Những chứng cứ rút ra trong máy tính hay lấy trên mạng Internet lại càng không có cơ sở nào để khẳng định ai là tác giả. Bởi vì máy tính thì nhiều người dùng chứ không phải một người, có thể là bạn mua máy tính cũ và những số liệu trong đó là của người chủ cũ, có thể là bạn bè hay người lạ ở đâu đó đến mượn sử dụng, cũng có thể là chính công an lén đột nhập vào nhà bỏ các tài liệu có hại vào máy tính.
Như vậy làm sao có cơ sở để kết luận ai là tác giả? Mà việc chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng chứ đâu phải là trách nhiệm của người dân (điều 10, bộ luật TTHS đã ghi rõ rồi còn gì). Vậy thì công an cứ tự đi tìm bằng chứng, còn chúng ta không bao giờ thừa nhận bất cứ điều gì gây hại cho mình. Nói tóm lại, kiên quyết không công nhận bất cứ điều gì có hại cho mình, kiên quyết không chịu khuất phục, kiên quyết bảo vệ ý kiến, lập trường, quan điểm đến cùng.

Li Gián - Hỏa Mù


Trong quá trình điều tra, một biện pháp thường xuyên được công an sử dụng là: li gián, tung hỏa mù. Bọn chúng tung hỏa mù nhằm rất nhiều mục đích: nhằm bắt nọn, chặn đầu, nhằm chia rẽ, khiêu khích, nhằm gây hoang mang, gây áp lực. Phải rất tỉnh táo trước các đòn nghiệp vụ này, phải giữ vững lập trường, tránh các âm mưu chia rẽ mất đoàn kết trong tổ chức, với những người có quan hệ. Kết hợp với việc tung hỏa mù đồng thời bọn chúng có thể đưa ra những bằng chứng rất cụ thể, vật chứng rõ ràng, nhưng thật ra đây cũng chỉ là những chứng cứ giả như đã nói ở trên. Vì vậy phải tuyệt đối cảnh giác, không mắc mưu công an, kiên định lập trường để tấn công lại bọn chúng.
Cũng cần nhớ rõ, cơ quan công an không chỉ áp dụng biện pháp li gián với riêng bạn mà còn áp dụng đối với gia đình, người thân của bạn, nhằm tìm ra các chứng cứ chống lại bạn. Không ít các trường hợp bị bạn bè hay vợ chồng cung cấp các thông tin cho cơ quan công an vì trúng kế li gián của họ. Kể cả trong những trường hợp đó cũng phải giữ vững lập trường, quan điểm, như vậy sẽ tự hóa giải được áp lực mà bọn chúng định tạo ra cho bạn.

Gia Đình Trị

Đối với những người đấu tranh chính trị, một biện pháp nghiệp vụ hay được công an sử dụng là: dùng người thân để gây áp lực về tinh thần. Khi nắm được đối tượng có một số yếu điểm như: có cha mẹ già, vợ yếu, con nhỏ, cơ thể có bệnh tật … công an không ngần ngại dùng biện pháp này để gây áp lực với bạn.
Đây là một biện pháp rất đê hèn và gây tổn thương tình cảm, tinh thần cho nhiều người, mà đa số trong đó là những người yếu đuối. Nếu hoàn cảnh gia đình bạn có những điểm yếu như trên, bạn phải sớm xác định rằng họ sẽ áp dụng biện pháp này đối với bạn để chuẩn bị các phương án đối phó.
Trong trường hợp này bạn cần hết sức trấn tĩnh bởi vì chính bạn là chỗ dựa vững chắc nhất cho những người thân, và họ sẽ chỉ thật sự yên lòng khi bạn không nao núng, giữ vững khí tiết. Ngược lại lúc đó bạn cũng có thể phỏng đoán ra rằng cơ quan công an đã tung ra hết các đòn nhưng không khuất phục được bạn và họ đang phải sử dụng những biện pháp cuối cùng.

Kết Luận


Tất nhiên, một bộ máy đã có kinh nghiệm hơn 60 năm đàn áp cùng với một đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo và công tác nhiều chục năm chỉ chuyên để điều tra, trấn áp thì họ có sức mạnh hơn một cá nhân là một sự dễ hiểu. Nhưng thật ra điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với những chiến sĩ quả cảm, bản lĩnh, mưu trí. Để khẳng định điều đó, chúng tôi xin đanh thép tuyên bố rằng: từ trước đến nay những gì mà cơ quan công an Việt Nam vẫn tự hào là thành tích và chiến công xuất sắc của họ thật ra cũng chỉ là những minh chứng và thành quả của việc: trắng trợn chà đạp lên pháp luật; vi phạm thô bạo nhân quyền và các quyền tự do cá nhân; áp dụng những thủ đoạn tàn bạo, hèn hạ, vô nhân tính; chuyên nghiệp trong các hành vi ép cung, bức cung, mớm cung. Đấy là những việc làm mà ở các quốc gia văn minh, dân chủ không bao giờ cho phép và dung túng.
Những chiến sĩ dân chủ khi chấp nhận dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh vinh quang nhưng đầy gian lao, thử thách này có nghĩa là sẽ chấp nhận tất cả, kể cả điều xấu nhất để cho đồng bào mình được thoát khỏi ách độc tài cộng sản, được thực sự tự do, dân chủ, đất nước Việt Nam được phát triển vượt bậc, dân tộc Việt Nam được kiêu hãnh, ngẩng cao đầu với các dân tộc khác trên Thế giới.
Vì thế các chiến sĩ dân chủ sẽ vượt qua tất cả mọi thử thách, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của công an cộng sản để đưa dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Việt Nam
Tháng 2, năm 2007


No comments: