Khổng Tử và học phí
BÌNH NHẤT CHỈ
07-06-2009 01:39:47 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/xa-hoi/view.aspx?news_id=256781
Khổng Tử yết kiến vua nước Vệ. Vệ Vương hỏi: “Làm sao để nước nghèo trở nên phú cường bền vững?”.
Khổng Tử đáp: “Nên phổ cập giáo dục cho đại chúng. Nó là nền tảng của trị an cũng như phát triển kinh tế quốc gia”.
Vệ Vương bảo: “Ta biết vậy và đã dành tỷ lệ không nhỏ ngân sách quốc gia cho nó nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu nên dân tình luôn ta thán về chất lượng giáo dục. Có người khuyên phải tăng học phí để tạo điều kiện tăng chất lượng giáo dục. Nên chăng?”.
Khổng Tử lắc đầu quầy quậy: “Không nên. Chính sách phổ cập giáo dục đại chúng là phải ngày càng giảm học phí để dần dà miễn hẳn chứ ai lại tăng học phí! Kẻ nào xúi nhà vua tăng học phí chính là muốn uy tín nhà vua bị tổn hại đấy!”.
Vệ Vương tỏ vẻ bần thần: “Không tăng học phí thì lấy tiền ở đâu để phát triển giáo dục?”.
Khổng Tử đáp: “Trước hết cần xét kỹ số tiền đầu tư cho giáo dục đã sử dụng ra sao. Tôi được biết nhiều trang thiết bị cấp cho các trường phải đắp chiếu để đấy vì không có phòng ốc để đặt, không có người để sử dụng, gây lãng phí rất lớn vậy mà vẫn tiếp tục xin kinh phí mua sắm. Thiếu kinh phí nhưng lại chi rất nhiều tiền cho các đề án giáo dục mà hiệu quả các đề án này rất thấp... Tôi e rằng ngành giáo dục hiện không phải thiếu tiền mà thiếu trình độ và một lương tâm trong sáng trong việc quản lý, sử dụng tiền mà thôi. Ngoài việc quản lý tốt kinh phí, nên làm giáo dục theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Ngân sách đáp ứng được cho bao nhiêu trường công thì mở bấy nhiêu trường công. Đã là trường công thì điều kiện vật chất cho việc dạy và học, kể cả lương giáo viên phải đảm bảo tốt nhất. Đã là trường công thì học sinh, dù giàu hay nghèo, đều không phải đóng bất cứ khoản phí nào cả. Song song đó nên lập hệ thống trường bán công và dần dần công lập hóa theo đà tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mặt khác, phải tạo điều kiện để mở rộng hệ thống trường tư thục dành cho đối tượng không đạt tiêu chuẩn học lực vào các trường công và bán công. Những giáo viên xuất sắc ở các trường công ắt sẽ được các trường bán công, tư thục mời dạy thêm và tự khắc sẽ tăng thu nhập. Đó là cách động viên thiết thực nhất để giáo viên nỗ lực dạy giỏi. Đừng vì hư danh mà biến toàn bộ hệ thống trường học thành công lập nhưng thực tế trường nào cũng thu tiền, không nhiều thì ít, bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Kinh tế có thể thị trường hóa nhưng đừng bao giờ để giáo dục trở thành thị trường!”.
Vệ Vương nói: “Tiên sinh dạy chí phải. Ngài quả là bậc “vạn thế sư biểu”!”.
No comments:
Post a Comment