Saturday, June 6, 2009

KHI XÃ HỘI DÂN SỰ LỚN DẦN (Bùi Tín)

Vấn đề khai thác Bauxít tại kỳ 5 quốc hội trong nước,
khi xã hội dân sự lớn dần trong những điều kiện mới

Bùi Tín
Paris 6-6-2009
http://www.doi-thoai.com/baimoi0609_058.html
Bài viết gửi cuộc họp HMDC (th'g 6- 2009) ở San Jose - Bắc Cali.

Thưa các bạn,
Dư luận người Việt trong và ngoài nước đang chú ý đến cuộc họp của quốc hội trong nước kỳ5 ( khoá XII ) khai mạc ở Hànội ngày 20 tháng 5; kỳ họp kéo dài đến ngày 20 tháng 6. Đến nay, 6 tháng 6, là vừa đúng một nửa thời gian.
Quốc hội Hànội - có 493 người, 450 đảng viên, 43 người ngoài đảng cũng là người trung thành với đảng - đều là do nhóm lãnh đạo CS lựa chọn kỹ qua Mặt trận Tổ quốc do đảng CS lập ra, xưa nay chỉ là những "nghị gật" luôn phục tùng đảng, nói theo những gì đảng muốn nghe, được ghi trong Hiến pháp là " cơ quan quyền lực cao nhất " chỉ là để tạo cái vỏ dân chủ giả tạo để lừa dân, dối thế giới. Cho nên người Hànội có câu : đảng chỉ tay, mặt trận vỗ tay, quốc hội giơ tay, còn dân trắng tay !

Tuy nhiên mấy năm nay, sau hơn 20 năm "đổi mới", hơn 10 năm "mở cửa", sau 3 năm hội nhập, vào Tổ chức Thương mại quốc tế WTO, sau khi chính quyền phải cam kết tôn trọng nhân quyền và luật quốc tế, vai trò quốc hội không còn hoàn toàn như trước.Trong những điều kiện mới ấy, một xã hội dân sự đã nảy nở, hình thành bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền độc đảng, còn tự khẳng định khá rõ trong đời sống chính trị của đất nước.

Trí thức, các nhà khoa học, một số văn nghệ sỹ, nhà báo, luật sư gắn bó với chân lý, sự thật, lẽ phải và quyền tự do sáng tạo đang dẫn đầu trong cuộc đấu tranh cho một xã hội dân sự, được lực lượng lao động hưởng ứng ngày càng rõ.
Sức ép ngoài xã hội ấy và từ thế giới đòi hỏi các đại biểu quốc hội (ĐBQH) phải là người đại diện của dân, bênh vực quyền lợi người dân, trung thành với cử tri, đóng vai trò "phản biện xã hội" để đề cao công tâm, tán thành điều hay, can ngăn điều hại, bác bỏ điều sai.

Từ tháng 2 đến nay vấn đề khai thác Bauxit ở Lâm Đồng và Đak Nông (Tây nguyên) với hiểm nguy lớn môi trường và an ninh trở nên chủ đề xã hội nóng bỏng, làm xôn xao công luận trong và ngoài nước. Giới trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nhà báo tỏ ra nhậy cảm đặc biệt với hiểm họa Bauxít. .
Tháng 4-2009, 3 trí thức Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng gửi Kiến nghị yêu cầu xem xét lại dự án bauxít, còn lần lượt gửi 3 thư cho quốc hội nhấn mạnh thảm hoạ môi sinh, an ninh và kinh tế nếu lao vào cuộc phiêu lưu này. Kiến nghị được hưởng ứng sôi nổi, 165 người, rồi 2800 người tham gia ký tên, nay đã vượt xa con số ấy.
Đây là một biểu hiện sinh động của một xã hội dân sự đang lớn dậy và tự khẳng định.

Xưa kia ý đảng bao giờ cũng đúng. Quốc hội luôn ca ngợi đảng sáng suốt(!),anh minh (!), chính phủ luôn đúng đắn tài tình (!). Kỳ họp này có nhiều điều khác. Theo chương trình ban đầu, không có mục quốc hội nghe báo cáo riêng của chính phủ về Bauxít, đảng định làm "chuyện đã rồi", tránh né công luận,"đi đêm"với phía Trung quốc. Nhưng không ổn.
Nhiều cử tri đòi chính phủ phải báo cáo riêng vấn đề này trước quốc hội và quốc hội phải thảo luận kỹ vấn đề này. Dù cho chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng không mấy sốt sắng, một số uỷ viên ban thường trực quốc hội, một số trưởng phó ban của quốc hội công khai yêu cầu chính phủ phải có báo cáo riêng về vấn đề khai thác Bauxít.
Thế là sau 2 ngày họp, chính phủ đành phải gửi báo cáo về Bauxít cho từng đại biểu (ĐB).
Giữa hội trường, một số ĐB nhận xét "chính phủ đối phó với dư luận", chính phủ chỉ phớt qua vài dòng về bauxít trong bản báo cáo chung"," thủ tướng nói đến khủng hoảng, bão táp về kinh tế, sao không nói đến bão ngoài biển Đông, không phản ánh độ nóng của tình hình thực tế ?" ...

Bản báo cáo của chính phủ bị phê phán, lên án và gần như bác bỏ cả trong quốc hội và ngoài công luận. Trong quốc hội, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nhận xét : đây là đại dự án, chi phí cực lớn nếu tính cả làm đường xe lửa và cảng, là công trình quốc gia trên địa bàn chiến lược, không đưa ra quốc hội là "lách luật"; sẽ lỗ rất lớn về kinh tế tài chính; về môi trường sẽ để lại khối bom bùn đỏ nặng 1,5 tỷ tấn. ĐB Nguyễn Lân Dũng yêu cầu quốc hội phải vào cuộc, dân chủ thảo luận, giám sát chặt chẽ từng bước của dự án, không thể yên lòng với những báo cáo và hứa hẹn. ĐB Dương Trung Quốc nói thẳng ra rằng báo cáo của chính phủ giao cho bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng thảo và ký, mà ông này đang mất uy tín, còn có dấu hiệu phạm pháp (do để mạng thông tin điện tử hợp tác với bộ thương mại TQ truyền đi những tin tức đi ngược với quan điểm của nước ta) do đó báo cáo "thiếu chính danh", chưa nói đến nội dung quanh co, không có sức thuyết phục.
ĐB Quốc còn phàn nàn về bức thư thứ 3 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các ĐB QH ngày 20-5 mà nay sau 4 ngày nhiều ĐB vẫn không hay biết !

Trên mạng BauxiteVietnam.info có ngay bài Xã luận "Giá trị của một bản báo cáo" phê phán thẳng thắn từng phần bản báo cáo của chính phủ, chứng minh rằng bản báo cáo với luận điệu quanh co, che dấu những hiểm nguy, tai hoạ : chi phí quá cao, sẽ lỗ nặng, môi trường bị hủy diệt, an ninh quốc phòng bị xâm phạm, đời sống các dân tộc không được cải thiện sẽ còn bi đát thêm. Mạng này được hàng ngàn người vào đọc mỗi ngày, còn phổ biến nhiều bài viết của các nhà khoa học Việt kiều, phân tích phê phán từng điểm báo cáo của chính phủ, nêu lên thảm hoạ môi trường Bauxít ở TQ, ở châu Phi, cái "chết" bi thảm của hồ Aral ở Đông Âu do mù quáng tưới nước trồng bông dẫn đến thảm hoạ môi trường cả khu vực. Chuyên gia trong nước Doãn Mạnh Dũng nêu lên bài học về sai lầm lớn xây dựng cụm công nghiệp lọc dầu ở Dung Quất - Quảng Ngãi, sai lầm không thể sửa chữa được mà cựu thủ tướng Võ văn Kiệt phải cay đắng thừa nhận trước khi nhắm mắt (chính phủ đã báo cáo sai trước quốc hội rằng vịnh Dung Quất có thể đón tàu 50.000 tấn, thực tế nay chỉ nhận được tàu 6.000 đến 7.000 tấn, tàu 10.000 tấn không sao vào nổi !), chưa nói đến chi phí vận chuyển từ nguồn dầu ngang Vũng Tàu ra tận miền Trung rồi chuyển lại dầu đã lọc vào lại phía Nam, lãng phí không biết bao nhiêu mà kể !

Chỉ trong vài ngày, chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng bị chỉ trích tới tấp, nào là coi thường quốc hội, có ý định lẩn tránh, "lách luật", cử người kém tư cách thay mặt chính phủ là "không chính danh", làm việc không theo trình tự theo luật định, vội vã hấp tấp, duyệt phương án khai thác trước khi có dự án tiền khả thi, làm "việc đã rồi" khi một "đại dự án"như thế chưa được quốc hội bàn bạc và cho ý kiến.

Một loạt bộ trưởng bị phê bình thẳng cánh : bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng về việc quản lý mạng thông tin (có thể bị truy tố hình sự), làm báo cáo sơ sài, chủ quan, không có sức thuyết phục; bộ trưởng kế hoạch-đầu tư Võ Hồng Phúc về không theo đúng trình tự đầu tư; bộ trưởng tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên về không sớm nghiên cứu môi trường bauxít ở Tây nguyên sau thảm hoạ Vedan(Đồng Nai); bộ trưởng lao động Nguyễn thị Kim Ngân về quản lý lao động nước ngoài quá lỏng lẻo ...
Ngay cả tổng bí thư Nông Đức Mạnh lần này cũng bị phê bình, chỉ trích, chất vấn gián tiếp hay trực tiếp, trong và ngoài quốc hội. Vì sao chính phủ đến năm 2007 mới có quyết định về đề án bauxit mà năm 2001 ông Mạnh đã ký tuyên bố chung với phía Trung quốc về chuyện này ? Ai cho phép ông làm chuyện ấy; phép nước ở đâu ? sao lại lộn xộn đến thế ?
thậm chí có bài viết trên blog cho rằng đây là tội nặng phản quốc phục vụ ngoại bang.

Dư luận xã hội bàn tán khá sôi nổi về đề tài khai thác bauxít cũng như chú ý theo dõi kỳ họp quốc hội hiện tại - không thờ ơ như trước, nhiều bloggers cũng tham gia bàn luận ... đều là những biểu hiện mới mẻ, sinh động của một xã hội dân chủ, một xã hội công dân dám nghĩ, dám nói, dám tự do luận bàn việc nước, việc chung một cách ngay thẳng, bình thản và xây dựng.

Còn 2 tuần lễ họp nữa, rồi vấn đề khai thác Bauxít sẽ ngả ngũ ra sao ? Thật ra tuy có những lời phê bình ngay thật, khá mạnh vừa qua, chưa từng xảy ra, được truyền hình và đăng tải rộng rãi, nhưng cũng chỉ có dăm ba ĐB mạnh mồm lên tiếng, còn hơn 400 ĐB vẫn ngồi nghe, chưa vào cuộc, vẫn còn sợ đủ thứ.
Lãnh đạo có thể vin cớ phải thảo luận hàng chục Luật mới và bổ xung Luật cũ (như Luật về tài chính trong giáo dục, Thuế, Sở hữu trí tuệ, Cơ yếu, Dân quân tự vệ, Di sản văn hoá, Bồi thường, Tư pháp, Khám bệnh chữa bệnh ...) để hạn chế việc thảo luận thêm và ngăn cản, né tránh một cuộc bỏ phiếu về Bauxít tại kỳ họp này.
Do quyền lực độc đoán còn nằm trong tay bộ chính trị 15 người vẫn dị ứng với quyền dân chủ của người dân, do quốc hội toàn trị chỉ mới tập sự những bước đầu dân chủ, nên khả năng ngừng hẳn - kể cả ngừng thí điểm, cuộc phiêu lưu bauxít đầy hiểm hoạ khôn lường , như tướng Giáp và 2800 người ký Kiến nghị yêu cầu một cách chính đáng, đầy tính thuyết phục, chỉ có rất ít hy vọng thành hiện thực.
Nhưng chế độ toàn trị không dám ngang ngược cứ mạnh tay làm như họ đã định, vì họ hiểu rõ rằng hơn 2800 người ký Kiến nghị trong đó có hàng trăm nhà khoa học có tâm huyết và kiến thức chuyên sâu, có niềm tin ở chân lý khoa học vững chãi, lại có một Đại tướng có uy danh cùng một số tướng lĩnh, sỹ quan, đông đảo cựu chiến binh hỗ trợ, lực lượng này sẽ không buông lỏng hay bỏ cuộc.

Đúng vào sáng nay (6-6-2009) tin từ Anh và Úc, công ty khai khoáng Úc-Anh Rio Tinto vừa huỷ bỏ một hợp đồng khổng lồ gần 20 tỷ đôla với Chinalco, công ty quốc doanh Trung quốc về nhôm (đang lao sâu vào Tây nguyên của ta), "vì dân Úc e ngại thái độ lũng đoạn tài nguyên quốc gia của các tổ chức tài phiệt cộng sản đang cầm quyền ở Bắc kinh". Thủ tướng Úc Kevin Ruth đang lao đao vì bị lên án là "người của Bắc kinh". Tin này rất cần thông báo gấp cho quốc hội và bộ chính trị Hànội để rộng đường suy ngẫm.
Nhóm lãnh đạo có thể buộc phải lùi một bước để phòng ngự rồi sẽ tìm cách xé rào, vượt rào, gắng gượng thực hiện cam kết với kẻ ngoại bang hống hách và trịch thượng, do trót cam chịu thân phận kẻ chư hầu đựơc thiên triều che chở và thí cho nhiều bổng lộc.

Trong tình hình tiến lui đều khó, bế tắc do "khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào" khúc xương Bauxít, có thể sẽ nảy ra sự phân hoá trong lãnh đạo ở chóp bu, ở một thời điểm nhạy cảm về nhân sự : khởi đầu chuẩn bị cho Đại hội khoá XIII (2011), trong chương trình nghị sự các cuộc họp Ban chấp hành TW cuối năm nay và trong năm 2010. Cuộc đấu đá nội bộ sẽ không dựa trên tiêu chuẩn gắn bó ít hay nhiều với nước lớn phương Bắc vì tất cả 15 người đều "kẻ tám lạng người nửa cân", đều theo phương châm " nhất biên đảo" - ngả hẳn về phía ông anh độc đảng, XHCN, chung một bản chất. Họ sẽ hạ nhau về những vụng về, sơ hở có tính chất cá nhân, như thủ tướng Dũng ăn nói dại dột, mới hứa "sẽ nghe theo lời đại tướng" hôm sau lại nói ngược hẳn lại, còn gì là tư cách; hay như ông tổng Mạnh lỡ mồm nói hớ :"không cho trò dân chủ lọt vào quốc hội", còn ép không nổi cho con vào trung ương lại cố nhét vào quốc hội, mà cậu cả Nông Quốc Tuấn không mở mồm nói được một câu suốt 5 kỳ họp! Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, cũng như ông Phạm Quang Nghị ở Hànội và ông Lê Thanh Hải ở Sàigòn bị giảm uy tín rõ vì hời hợt, vụng về, tham ô.

Mời các bạn theo dõi tiếp xem trong 2 tuần tới, vấn đề Bauxít sẽ chiếm vị trí ra sao, được chú trọng ở mức nào hay bị bóp ngẹt, nhất là trong các buổi chất vấn và trả lời ở hội trường giữa các ĐB QH và một số thành viên chính phủ, diễn ra vào ngày 11, 12 và 13 / 6 , cho đến khi bế mạc ngày 20 / 6.

Dù sao, vấn đề cực lớn này sẽ còn tăng âm - crescendo, vang thêm lên mãi, cùng với xã hội dân sự hợp lòng dân và hợp thời đại đang lừng lững lớn dần, không có sức bất nhân phi nghĩa nào cản phá nổi.

Bùi Tín

Paris 6-6-2009

No comments: