Saturday, June 13, 2009

KHAI DÂN TRÍ (LÊ CÔNG ĐỊNH)

Khai dân trí
Lê Công Định
14/06/2009 5:12 sáng
http://www.talawas.de/

Tin
Luật sư Lê Công Định vừa bị bắt khẩn cấp trưa ngày 13/6/2009 khiến những người yêu mến các bài viết sắc sảo, thẳng thắn nhưng luôn ôn hoà của ông về những vấn đề chính trị, xã hội và pháp luật Việt Nam, cũng như cảm phục thái độ dũng cảm của ông với tư cách luật sư biện hộ trước toà cho những nhà báo, nhà hoạt động dân chủ bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố và kết án trong những năm qua như blogger Điếu Cày, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài, bàng hoàng.
Để độc giả có một hình dung về ông, người vừa bị các cơ quan truyền thông trong nước đồng loạt đăng tin đã bị bắt vì “có các hành vi cấu kết với bọn cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và là “kẻ phản dân, hại nước“, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết quan trọng của ông và đăng lại toàn văn một bài vốn đã đăng trên tạp chí Tia Sáng, nay không còn tồn tại ở địa chỉ gốc.
talawas
______________

Một số bài viết của Luật sư Lê Công Định (xếp theo thời gian công bố)

Vai trò xây dựng án lệ của toà án (Bản tin Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Số 8, ngày 26/7/2003)
Trích: “Hệ thống tòa án Việt Nam hiện tại được tổ chức và vận hành thuần túy như một thành phần của bộ máy công quyền hơn là cơ quan tư pháp với vai trò duy trì công lý trong một cộng đồng có nhiều quyền lợi đa dạng. Tuy hành xử quyền tài phán, một trong ba quyền nền tảng của hệ thống quyền lực quốc gia, tòa án lại hoạt động như một cơ quan hành pháp, và các thẩm phán cũng chỉ đơn thuần là những công chức mẫn cán của bộ máy công quyền đó.”

Tính minh bạch trong hoạt động của toà án (Đặc san Nghề Luật, Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp, Số 7 năm 2004)

Vào cuộc cạnh tranh toàn cầu... (Báo Tuổi Trẻ, 25/2/2006)
Trích: “Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: ‘Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó’. Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.

Trả lại hào khí Diên Hồng (Báo Pháp Luật TP. HCM ngày 5/3/2006, BBC ngày 11/3/2006)
Trích: “Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.
Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.
Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.
Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.
Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?”

Tại sao không nên sợ ‘đa nguyên’ (BBC, 13/4/2006)
Trích: “Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?
Làm được điều đó là vượt qua cái bóng của chính mình và sẽ để lại tiếng thơm muôn đời. Bản lĩnh và trí tuệ của một đảng cầm quyền là nhận thức được bước ngoặc lịch sử này để quyết đoán đề ra và thực thi một sách lược thích hợp.
Ngược lại, nếu cứ cố thủ trong những thành trì lý luận lung lay sẽ càng chuốc thêm thất bại tất yếu của lịch sử, mà có khi phải trả giá bằng máu của biết bao nhiêu người.”

Bàn về ‘Chính danh’ trong thể chế pháp trị (BBC, 04/7/2006)
Trích: “Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”.

Tầm vóc thuyền trưởng, tầm vóc dân tộc (Báo Tuổi Trẻ, 15/12/2006)
Trích: “Thách thức lớn nhất của thời-đại-WTO là Chính phủ có đủ dũng khí thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm tự nâng mình và nâng cả dân tộc lên một tầm cao mới hay không. Hơn bao giờ hết, chúng ta thật sự cần những nhà kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Không có họ, khó có thể có được một chính quyền chuyên nghiệp, quản trị quốc gia một cách khoa học. Trở ngại ở đây là lề lối lựa chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo các cơ quan công quyền.”

Thế giới ảo và hiệu quả của chính phủ (BBC, 05/2/2007)

Bài học Miến Điện (BBC, 01/10/2007)
Trích: “Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa và thương lượng sóng gió, nhưng cuối cùng tư tuởng dân chủ của thời đại vẫn chiến thắng. Các chế độ quân chủ độc đoán nhờ vậy đã chuyển mình nhẹ nhàng sang thể chế dân chủ pháp trị, ít khốc liệt và ít trả giá hơn nếu so với nước Nga và thậm chí một số nước Tây Âu đương thời.”

B
ài biện hộ của Luật sư Lê Công Ðịnh trong phiên tòa phúc thẩm xử hai Luật sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân ngày 27/11/2007

Một thế hệ dấn thân - Tặng các bạn thanh niên tham gia hai cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 và 16/12/2007 tại Hà Nội và Sài Gòn và Gửi ông Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (22/12/2007)

Tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa của Đoàn Luật sư TP HCM (Ls Lê Công Định là người chấp bút) 05/1/2008

LS Lê Công Định: Việc khởi tố 2 nhà báo viết bài về vụ PMU18 là vi phạm pháp luật (RFA, 27/5/2008)

Luật sư Lê Công Định chính thức gửi đơn đến tòa án tối cao CSVN yêu cầu giám đốc thẩm các bản án trong vụ xử Ls Nguyễn Văn Đài và Ls. Lê Thị Công Nhân (04/6/2008)

Thủ lĩnh phe cộng sản cấp tiến (BBC 16/6/2008)
Trích: “Ông (Võ Văn Kiệt) ý thức được bộ mặt lem luốc của đất nước ra sao trước cộng đồng quốc tế khi các cơ quan tư pháp vẫn còn là công cụ do Đảng và bộ máy công quyền chi phối, đó là chưa nói đến tham nhũng đã khiến công lý trở thành điều xa xỉ đối với người dân thấp cổ bé họng. Ông hiểu rõ và muốn thoát khỏi lối mòn tiếp cận vấn đề vừa đơn giản, lạc hậu, vừa bế tắc của các bộ ngành và viện nghiên cứu do nhà nước kiểm soát.

Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định trước phiên xử “vụ Điếu Cày” (RFA, 10/9/2008)

Đất đai dưới áp lực của tiền và quyền tại Việt Nam (RFA, 27/2/2009)

Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng (BBC 09/3/2009)
Trích: “Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.”

Đọc sử để nhìn nhận hôm nay (BBC, 02/5/2009)
Trích: “Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay, không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật “thân bại danh liệt” như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết 30 năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Bất giác tôi cầu mong điều đó đừng xảy ra…”
_____________

Khai dân trí
Đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine đã có buổi nói chuyện ngắn, nhưng lý thú, vào chiều ngày 20/9/2006 tại Sài Gòn về quan hệ Việt-Mỹ. Ông đã có một số nhận xét đáng chú ý về nạn tham nhũng nghiêm trọng và sự thiếu minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Sau bài phát biểu là phần hỏi đáp theo thông lệ. Thính giả hôm ấy, ngoài báo giới, phần đông là giới trí thức ở những lĩnh vực khác nhau, một số có tên tuổi trong xã hội.


Người thông thái không đến từ câu trả lời mà từ câu hỏi. Nghe nội dung và cách hỏi người ta có thể nhận biết được người hỏi ở thang bậc nào của chỉ số trí tuệ, và thậm chí, văn hóa. Tất cả những câu hỏi hôm ấy, đáng buồn thay, không thể hiện được tầm vóc của “trí tuệ Việt” mà thiên hạ đang cổ súy. Dù vậy, nhận định vui hay buồn về “trí tuệ Việt” không phải là chủ đề của bài viết này.


Buổi nói chuyện ngắn về đề tài ngoại giao của ông Đại sứ Mỹ chiều hôm ấy khiến người ta ưu tư về một đề tài khác không kém phần quan trọng, đó là giáo dục. Trong số những người đặt câu hỏi hôm ấy, đáng chú ý có một vị xưng danh là “chuyên gia kinh tế”. Vị này hỏi rằng Việt Nam nên theo đuổi chính sách phát triển kinh tế nào khi mà nền kinh tế tự do luôn mang đến nhiều bất ổn xã hội và rối loạn chính trị, với bằng chứng là ở Thái Lan ngày 19/9/2006 đã xảy ra đảo chính quân sự!

Thính giả hôm ấy quả thật kinh ngạc trước lối tư duy như vậy. Ai cũng biết cuộc chính biến vừa qua ở Thái Lan không những không mang đến bất ổn xã hội mà còn giúp giải quyết tình trạng rối loạn chính trị đang đi đến cực điểm do nạn tham nhũng bất trị của Chính phủ Thaksin Shinawatra gây ra, chứ không phải xuất phát từ chính sách kinh tế tự do của ông cựu Thủ tướng này. Mặt khác, trên thực tế, hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nhân quả nào giữa chính sách kinh tế tự do với đảo chính quân sự, bất ổn xã hội và rối loạn chính trị. Có thể kể ra nhiều bằng chứng hiển nhiên ngược lại với nhận định nông cạn ấy.

Rõ ràng những suy nghĩ kiểu như trên là điều thường thấy trong một nền giáo dục ít quan tâm đến việc trang bị cho cá nhân những kiến thức khả dụng và kỹ năng phân tích độc lập. Niềm tin của vị “chuyên gia” đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những “định đề”, đặc biệt trong lĩnh vực sử học, đã gắn chặt vào đầu óc các thế hệ sinh viên Việt Nam sau khi họ được nhào nắn khéo léo trong khuôn khổ nền giáo dục hiện tại. Ai cũng tưởng lời thuyết giảng trên giảng đường là chân lý bất biến, không cần chứng minh, kể cả những người hay hoài nghi và tin rằng mình khá tự chủ.

Nhìn vào hệ thống giáo dục từ trước đến nay có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc đề cao suy nghĩ cá nhân và phương pháp nghiên cứu độc lập hoàn toàn thiếu vắng tại các trường trung học và giảng đường đại học. Mục tiêu giáo dục chỉ nhằm nhồi nhét kiến thức đủ để đối tượng của nền giáo dục trở thành những chiếc đinh ốc chỉ biết nhảy múa theo nhịp điệu vận hành của cỗ máy nhà nước và xã hội đã được hoạch định sẵn chương trình hoạt động theo “cơ chế”.

Học sinh và sinh viên thì lười biếng tìm hiểu nguồn gốc và cơ sở của các kiến thức và thông tin được “mớm” cho mình, vì bậc cha chú và thầy cô không khuyến khích thói quen tranh luận, đối thoại, và thậm chí từ chối thừa nhận dấu ấn cá nhân trong nhân sinh quan. Giới nghiên cứu học thuật thì lờ đi hoặc ít quan tâm đến việc chú giải chi tiết nguồn gốc thông tin mà mình viện dẫn trong các công trình và luận án khoa học, vì có vẻ khắp nơi người ta mặc nhiên ăn cắp ý tưởng của người khác mà không cảm thấy ngần ngại hay xấu hổ.

Mặt khác, chưa bao giờ ở xã hội Việt Nam lại có nhiều tiến sĩ như vậy. Một thời dân chúng nhạo báng quan chức không được học hành tử tế, nhưng giờ đây, như để tránh ánh mắt miệt thị của dân chúng, vị quan to nào cũng rủng rỉnh một mảnh bằng tiến sĩ hoặc chí ít là thạc sĩ. Nạn mua bán bằng cấp do tâm lý chuộng nhãn hiệu trí tuệ bề ngoài hơn thực học báo hiệu thực trạng suy đồi không tránh khỏi của nền giáo dục cùng hệ lụy của nó là suy đồi đạo đức.

Cải cách giáo dục tại Việt Nam xem ra là một vấn đề nan giải, không chỉ đơn thuần được giải quyết bằng cách trả lương cao cho giới giáo chức hoặc tăng cường kiểm soát quy trình soạn thảo nội dung sách giáo khoa. Thật ra, tương lai hệ thống đào tạo nhân tài cho quốc gia tùy thuộc vào việc khi nào nhà nước chấm dứt sự can thiệp nghiệt ngã vào nội dung giảng dạy ở bậc trung học và đào tạo ở bậc đại học. Giáo dục là một lĩnh vực chuyên môn cần được dành quyền tự trị một cách tối đa. Chỉ người tiêu dùng, tức phụ huynh trả tiền cho con em đi học và chính người đi học, có quyền thẩm định chất lượng sản phẩm giáo dục của các cơ sở đào tạo. Không cần quá lo ngại tình trạng lừa đảo thường thấy trong hoạt động đào tạo vì luật pháp và xã hội đã có đủ những công cụ cần thiết để xử lý.

Dân trí chỉ có thể được “khai hóa” khi người dân được cung cấp kiến thức và thông tin đa chiều để tự mình thẩm định và tiếp nhận nội dung của kiến thức và thông tin ấy. Trường lớp, một công cụ của giáo dục, chỉ thủ giữ vai trò hướng dẫn và cung cấp phương pháp tư duy và phân tích cho đối tượng của nền giáo dục. Người dân, khi tranh luận, thậm chí thách thức, những kiến thức và thông tin sai lệch sẽ không gặp rắc rối về phương diện pháp lý với nhà cầm quyền, hay tối thiểu cũng nhận được sự bảo đảm và bảo vệ của luật pháp. Chỉ như vậy thì nền giáo dục mới hoàn thành được trọng trách “khai dân trí” của mình.
Nguồn: Địa chỉ gốc trên tạp chí Tia Sáng (nay không còn hoạt động):
http://www.tiasang.com.vn/news?id=1039

----------------------------------------------------------

Những bài phát biểu của LS Lê Công Định trên BBC
http://www.google.com/cse?cx=partner-pub-2900000696317191%3Appio6s-yxfo&ie=UTF-8&q=%22bbc.co.uk%2Fvietnamese%2F%22++-++L%C3%AA+C%C3%B4ng+%C4%90%E1%BB%8Bnh+&sa=Search

và RFA
http://www.google.com/cse?cx=partner-pub-2900000696317191%3Appio6s-yxfo&ie=UTF-8&q=+%22rfa.org%2Fvietnamese%22+-++L%C3%AA+C%C3%B4ng+%C4%90%E1%BB%8Bnh+&sa=Search

No comments: