Hai mươi năm nhìn lại: Kẽ nứt đầu tiên của Bức Tường Bá Linh
Walter Mayr
Đăng ngày 10/06/2009 lúc 14:52:47 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3840
1: Cắt vòng rào kẽm gai làm nên lịch sử
Mùa xuân 1989, Hungary bắt đầu mở cửa biên giới với Áo Quốc. Ít tháng sau đó, vết rạn nứt đầu tiên của Bức Màn Sắt hé lộ khi hàng trăm người dân Đông Đức tràn qua biên giới Áo-Hung. Ngày nay nhiều chi tiết mới về những anh hùng thầm lặng của biến cố lịch sử đó đang dần được đưa ra ánh sáng.
Khi Bức Màn Sắt bị xé toạc lần đầu tiên, vào ngày 27 Tháng Sáu năm 1989, một hình ảnh đã được truyền đi khắp thế giới. Bức hình chụp hai người đàn ông ăn mặc com lê, dùng kềm cắt bu-lông cắt đứt các lỗ của hàng rào kẽm gai.
Các ông này, Alois Mock khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Áo và đối tác người Hung Gia Lợi Gyula Horn, đã đến biên giới Áo-Hung ngày hôm đó để cùng gửi đi một thông điệp rằng sự chia rẽ của Âu Châu thời hậu chiến đã chấm dứt. Vai kề vai, cầm lấy kềm cắt bu-lông to kềnh cắt vào hàng rào kẽm, họ như muốn chuyển đạt cái tin vui rằng cuối cùng thì hàng rào cũng đã đổ.
Trong thực tế, như Thủ tướng Hung Gia Lợi khi đó là Miklós Németh tiết lộ ngày nay, ông nói trong một quán cà fê gần nhà ở mạn bắc hồ Balaton, lúc ấy việc gỡ bỏ hàng rào biên giới đã được tiến hành từ nhiều tuần lễ trước đó. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Horn đề nghị nghi lễ cắt bỏ hàng rào dọc theo biên giới, ông Németh trả lời: “Làm đi Guyla, nhưng phải nhanh lên – chẳng còn bao nhiêu kẽm gai nữa đâu”.
Trong nhiều năm trời đã có những dấu hiệu cho thấy Hung Gia Lợi lặng lẽ rút chân ra khỏi khối Liên Minh Warsaw rồi. Thế nhưng không đồng minh nào của Hung Gia Lợi cũng như không một quốc gia nào trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã đánh giá đứng mức tầm quan trọng của những dấu hiệu đó. Ngay cả vào mùa hè năm 1989, dường như hãy còn rất nhiều nhân tố cản trở một sự đổi thay trong trật tự thời hậu chiến. Bởi một điều, vẫn còn đội quân Nga Xô đóng tại Hung Gia Lợi. Phần còn lại của thế giới đã không thật sự tin vào những chuyển biến đó cho đến ngày 19 Tháng Tám năm 1989, khi hàng trăm người dân Đông Đức, ít nhiều không bị cản trở, đã trốn qua Tây Đức qua cánh cổng gỗ ọp ẹp gần Sopron. Đó là khởi đầu của việc kết liễu Đông Đức. Đến khoảng 3 tuần sau đó thì hơn 10 ngàn công dân Đông Đức đã chạy qua Tây Đức qua ngõ nước Áo – một cách hợp pháp.
Cắt vòng rào chuyển hoá lịch sử
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/Hungary1.jpg
Chính là tại Hung Gia Lợi mà “viên đá đầu tiên đã được đục bỏ khỏi bức tường Berlin”, Thủ tướng Đức lúc đó Helmut Kohl nhắc nhở các đồng bào Đức như thế khi ông nói chuyện tại Berlin vào ngày 4 Tháng Mười năm 1990, ngay sau ngày nước Đức thống nhất. Và ngày nay Hung Gia Lợi vẫn là nơi trú ngụ của những người điều hành bí mật và các anh hùng thầm lặng những người có thể đã khiến chế độ của lãnh tụ Đông Đức Erich Honecker đi đến cú húc quyết định mở cánh cổng qua Tây Đức cho hàng ngàn người tị nạn Đông Đức.
Chẳng bao lâu sau mọi người bắt đầu nhắc đến tên của những nhà cải tổ cộng sản và các nhà hoạt động cho dân quyền, các sĩ quan biên phòng và các mục sư, những người đã giúp viết nên lịch sử ngay tại cánh cổng gỗ rào kẽm gai trong khu vực biên giới gần hồ Neusiedl.
Mặt khác, những đã thúc đẩy họ hành động thì mãi đến bây giờ mới đang dần hiển lộ.
Báo động giả
Các vấn nạn của Hung Gia Lợi bắt đầu từ 2 cây số (1.2 dặm) cách biên giới Áo. Vào cuối thập niên 1980, những ai tìm cách đào thoát khỏi đất nước có thể thấy trước là sẽ giáp mặt với hàng rào kẽm gai và thiết bị tín hiệu SZ-100 của Xô Viết, hệ thống này sẽ báo động qua đường dây cáp điện 24 vôn. Sau hàng thập niên Chiến tranh lạnh, đường dây báo động đã bắt đầu hoen rỉ. Trong một kiến nghị gửi tới Bộ trưởng hữu trách, người đứng đầu đội biên phòng viết: “Chúng ta phải mua bằng tiền cứng loại dây thép không sét từ Tây phương để thay cho các dây đang dùng”. Đến lúc đó Liên Bang Xô Viết đã không còn cung cấp các vật liệu cần thiết.
Với những kiến nghị thuận tai như thế, các sĩ quan biên phòng Hung Gia Lợi chính là những người đã châm ngòi cho mọi việc khởi sự lúc bấy giờ, sử gia Andreas Oplatka đã viết như thế trong cuốn sách rất nhiều thông tin của ông, Dererste Riss in der Mauer (“Vết Rạn Đầu Tiên của Bức Tường”). Trong các báo cáo của họ, các sĩ quan này cho biết các chú thỏ, chim chóc và các tay say rượu đã là nguyên nhân của những báo động giả tại biên giới đến gần bốn ngàn lần một năm. Họ cũng báo cáo rằng hầu hết những người đào thoát họ bắt được là người nước ngoài.
Về phần mình, dân Hung Gia Lợi được phép đi bất cứ nơi nào họ muốn kể từ đầu năm 1988. Vì có được những quyền tự do mới này, nhiều người tại Budapest đã bực bội với việc chính phủ tiêu tiền để bảo quản những thiết bị xuống cấp tại biên giới. Mặc dù tiền bảo trì hàng năm gần 1 triệu đô la Mỹ (715 ngàn Euro) là tương đối thấp so với nợ nước ngoài của quốc gia này là 17 tỉ đô la Mỹ (12 tỉ Euro), điều đó đã đủ để gây nên những tranh cãi thuận lợi cho việc tháo bỏ các thiết bị tại biên giới.
Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Miklós Németh đã chật vật để giữ được chiếc ghế của mình vào cuối năm 1988 khi ông loại bỏ ngân sách tu trì hệ thống tín hiệu. Những hàng rào kẽm gai đầu tiên được tháo gỡ vào ngày 2 Tháng Năm năm 1989. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Horn đến nơi 8 tuần sau đó, với kềm cắt bu-lông trong tay để chụp hình, thì quân đội Hung Gia Lợi đã hái được tiền với việc bán đi phần hàng rào kẽm gai hoen rỉ.
“Thật tình, tôi không thấy có vấn đề gì với chuyện đó”. Theo các hồ sơ chính thức, đó là lời lãnh tụ Xô Viết Mikhail Gorbachev khi được hỏi ý về các kế hoạch của Hung Gia Lợi mở ra Bức Màn Sắt, trong chuyến viếng thăm Moscow của ông Németh vào Tháng Ba năm 1989. Phải chăng người cầm đầu điện Kremlin, như ông Németh nhận định ngày nay, đã đánh giá thấp hậu quả của bước đi này?
Vào thời điểm đó, Németh và một nhóm nhỏ những nhà cải tổ lên nắm quyền ở Hung Gia Lợi. Họ khác với những người cầm quyền của thế giới Xã hội chủ nghĩa như thể một đội quân xung kích khác với một đơn vị xe tăng chiến đấu. Lãnh tụ và linh hồn đấu tranh của tất cả các nhà tư tưởng tiên phong và những nhà đối lập Hung Gia Lợi là thành viên Bộ chính trị Imre Pozsgay.
Pozsgay luôn đi trước thời đại. Vào năm 1968, ông viết bài nghị luận nhan đề “Vài Câu hỏi về Sự tiến xa của Dân chủ Xã hội chủ nghĩa và của Hệ thống Chính trị của Chúng ta”. Vào năm 1981, là thành viên của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Hung Gia Lợi lúc bấy giờ, ông đã người đầu tiên khuyến cáo chống lại việc Hung Gia Lợi lao vào “con đường dẫn đến cái bẫy nợ nần”. Vào năm 1988, ông mô tả các thiết bị biên giới lỗi thời về “kỹ thuật, luân lý và lịch sử”, và ông đã tham gia vào việc loại bỏ cương vị Tổng bí thư của lãnh tụ lâu đời Hung Gia Lợi János Kadár. Tháng Năm năm 1989, Pozsgay đến Tây Berlin nơi ông xem bức tường Berlin mà người Đông Đức nhận là “thành lũy che chắn những phần tử chống phát xít”, như là một “sự nhục nhã” phải bị phá bỏ.
Nhờ những nỗ lực của Pozsgay một phần, Hung Gia Lợi đã tham dự vào Hội nghị Tị nạn Geneva vào ngày 12 Tháng Sáu. Điều này có nghĩa Hung Gia Lợi giờ đây đã có thể trưng dẫn các hiệp định ràng buộc mang tính quốc tế như là sự biện hộ cho việc từ chối trao trả “những kẻ vượt rào” về lại nguyên quán. Trong nhiều tuần sau đó, các địa điểm cắm trại dọc theo hồ Balaton, cũng như các công viên và các bãi đất của Đại sứ quán Tây Đức ở Budapest bắt đầu tràn ngập cả hàng chục ngàn dân Đông Đức.
Nhiều người trong số họ nghe phong phanh về một cơ hội mà không ai nói đến một cách chính thức vào lúc đó: cách cửa mở ra phía Tây đã tạo nên vết nứt tại Hung Gia Lợi.
2: Buổi dã ngoại lịch sử
Vào ngày 14 Tháng Tám, có một nhóm dân từ Đông Đức, đàn ông có đàn bà có, xuất thân là những công nhân và nông dân của lãnh tụ cộng hoà vô thần Honecker, đang chen chúc nhau trên nền nhà thờ công giáo La Mã Thánh Gia tại quận Zugliget ở Budapest. Trên bàn thờ có dòng chữ: “Mọi sự không có Chúa đều vô nghĩa”. Cha Imre Kozma chăm lo đến các nhu cầu của họ.
Vào ngày 13 Tháng Tám, ngày kỷ niệm việc dựng lên bức tường Berlin, viên lãnh sự Đức ở Budapest đã tiếp xúc với cha Kozma để đề nghị cho di chuyển sang nhà thờ số công dân Đông Đức đã chật cứng trong phần đất của toà đại sứ Tây Đức. Vị Linh mục đồng ý ngay.
Cha Kozma có các thiện nguyện viên dựng lều và cấp phát lương thực cho người tị nạn. Cha còn chịu để cho các nhân viên BND (Bundesnachrichtendienst), sở ngoại vụ Tây Đức, đứng gác ngay tại cổng ra vào khu đất của chính nhà thờ Cha. Cha cũng cho phép các viên chức từ Toà đại sứ Tây Đức, những người đã mau chóng bố trí “văn phòng Tổng lãnh sự” bên trong nhà thờ, trao giấy thông hành xanh của Tây Đức cho các công dân Đông Đức.
Khá đông dân Đông Đức tiến về biên giới
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/Hungary3.jpg
Đang khi đó, các nhân viên cảnh sát chìm Đông Đức, thuộc Bộ an ninh quốc gia, đứng nhìn vô vọng ngay trên nóc những toà nhà gần đó, theo dõi Cha Kozma, người mà từ Tháng Hai đã làm chủ tịch của một hội từ thiện mới thành lập Manta Hung Gia Lợi, huân chương phục vụ từ thiện Manta tại Hung Gia Lợi, nhận lãnh vai trò trung gian cần thiết trong cuộc đấu tranh giữa hai nước Đức về tương lai của hàng chục ngàn công dân Đông Đức. Thủ tướng Németh bị tình nghi có quan hệ mật thiết với Bonn, thủ phủ của Tây Đức lúc bấy giờ, hơn là Đông Đức. Thủ tướng Đức Kohl và viên cố vấn của ông là Horst Teltschik đánh giá rất cao ông Németh, một chuyên gia kinh tế 41 tuổi. Kohl đã tiếp xúc với Németh qua điện thoại, và Németh đã có trao đổi với Cha Kozma.
Lúc ấy, có hàng chục ngàn dân Đông Đức hết hạn giấy phép lưu trú tại Hung Gia Lợi đã từ chối về lại nguyên quán, họ cần vô cùng một giải pháp cho vấn nạn này. Vào ngày 17 Tháng Tám, có tin đồn rằng sẽ có thể có cơ hội đào thoát trong thời gian “Buổi dã ngoại liên Âu” được dự trù gần Sopron. Các đại biểu của toà đại sứ Tây Đức “biết chuyện, nhưng hành xử như là mọi việc không làm họ quan ngại”, Cha Kozma nói như thế khi hồi tưởng lại chuyện xưa.
Trong đêm giữa ngày 18 và 19 Tháng Tám, ngay trước khi các xe Trabant và Wartburg đầu tiên sản xuất tại Đông Đức bắt đầu tiến về Tây Đức, các việc chuẩn bị đã gia tăng tại nhà ở của linh mục ở nhà thờ Thánh Giá ở Budapest-Zugliget. Người ta lượm được một tờ rơi bằng tiếng Đức, nhưng không một ai – làm như là – biết nó đến từ đâu.
Tờ rơi có kèm một tấm hình bông hồng bằng kẽm gai, chỉ về hướng dã ngoại, lại có cả -như là một phần thưởng- một bản đồ chỉ vị trí của biên giới Áo, 2 cây số về phía bắc của địa điểm dã ngoại.
‘Tôi không muốn là kẻ giết người hàng loạt’
Qua khỏi Sopronköhida, nơi có nhà tù khét tiếng của Hung Gia Lợi từ thời Đế quốc Áo-Hung, là đường dẫn lên đồi về hướng biên giới. Ngay trước hàng rào, phía bên trái, dưới thung lũng là nông trường tập thể với nhà cửa và chuồng ngựa. Nơi đó, trong vùng dồng bằng gần tỉnh Sopron, là địa điểm cuộc dã ngoại Liên Âu.
Những người tổ chức là thành viên của các đảng phái đối lập khác nhau đã được cấp giấy phép tại Hung Gia Lợi, nguyên là quốc gia độc đảng, vào Tháng Hai năm 1989. Họ sắp sửa thử làm một điều không thể tưởng tượng vào lúc đó: mở cửa 3 giờ đồng hồ biên giới với Áo Quốc vốn đã đóng kín suốt 40 năm qua. Họ đã xin được các giấy phép cần thiết và các đại biểu của hai bên đã được mời đến cho nghi lễ cắt dây kẽm gai. Thức ăn được cấp phát và người ta không ngớt ca ngợi quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Những người đỡ đầu cho sự kiện này là nhà cải cách Hung Gia Lợi Pozsgay và Otto von Habsburg, con trai của nguyên hoàng đế Áo, nhưng cả hai ông này đều đã từ chối không tham dự ngay từ khi buổi dã ngoại còn chưa bắt đầu. Một điện tín phát đi lúc 10 giờ sáng từ tổng hành dinh của cơ quan tuần tra biên giới một hôm trước ngày dã ngoại cho biết là có “một khối khá đông công dân Đông Đức” sẽ tới đó.
Trung tá Arpád Bella, 43 tuổi và chịu trách nhiệm tuần tra biên giới gần Sopron, đã cẩn thận nghiên cứu bức điện tín, trong đó có đoạn ông được hướng dẫn chỉ xài súng ngắn loại sáu viên đạn, 9 milimet nếu ông hoặc bộ hạ của ông bị tấn công hay bị ép buộc “bằng cách cưỡng bức thân thể” rời bỏ chốt canh. Vào 2 giờ 55 phút trưa một ngày Thứ Bảy đẹp trời của Tháng Tám, trung tá Bella thấy một đám đông -gồm cả đàn ông, đàn bà và con nít– đi lên sườn đồi tiến về hướng ông.
Nella kể lại rằng, trong vòng vài giây, sự việc trở nên rõ ràng rằng đám đông kia không thể nào là đoàn đại biểu đã đăng ký đi qua biên giới. Và cũng chỉ trong vài giây Bella nhận ra ngay mọi việc có nguy cơ không còn kiểm soát được. Hôm đó là ngày kỷ niệm ngày cưới và là ngày trước ngày kỷ niệm 20 năm quân ngũ của ông, ông muốn về nhà đúng giờ. Nhưng giờ này thì họ đang đổ dồn về phía ông, 100 người hay hơn, xô lấn đi qua ông và phá mở cánh cổng gỗ cũ kỹ vào nước Áo.
Trung tá Bella là một sĩ quan chuyên nghiệp, ông đã hết lòng phục vụ Cộng hoà Nhân dân Hung Gia Lợi. Tuy vậy, trong chỗ riêng tư, ông nói ông “không tin rằng Chủ nghĩa xã hội có thể làm cho sông Yenisei chảy ngược dòng”. Tuy thế, để nuôi sống gia đình Bella đã không bao giờ là kẻ phiến loạn hoặc là người ủng hộ cho “hành động cảm tử”.
Nhưng ngay giờ này thì ông đang đứng tại biên giới, đang bị làn sóng đầu tiên của dân tị nạn Đông Đức tràn qua, và nhìn thấy đợt sóng thứ hai đang đến gần. Ông đã nghĩ đến các điều lệnh cơ bản buộc ông phải bắn súng lệnh trước để khuyến cáo, sau đó là thả chó canh phòng và rồi phải tiến hành các bước nghiêm trọng hơn. Theo lời Bella thổ lộ hôm nay, phải mất 10 giây ông đi đến quyết định: “Tôi không muốn là tên giết người hàng loạt”. Ông đã hạ lệnh sau đây cho 4 nhân viên canh phòng biên giới trong đội của ông: “Quay về phía nước Áo và kiểm tra giấy thông hành nếu có ai đến từ hướng đó. Chẳng có gì từ hướng phía sau chúng ta cả đâu”.
Bên phía Áo, Johann Göltl sớm bị bủa vây bởi những người Đông Đức khóc lóc, lặng câm. Đứng đầu phòng kiểm tra thuế quan, Göltl là đối thủ của Arpád Bella tại biên giới suốt hai thập niên. Họ biết nhau rất rõ, họ còn ăn uống tại cùng một câu lạc bộ. Nhưng bây giờ thì Göltl không còn kềm chế được. “Ông điên à?”, ông ta hét vào viên sĩ quan Hung Gia Lợi. “Mình đã bàn thảo về điều này rồi, giờ ông lại thẩy cho tôi 600 người ngoài ruộng ngô”. Trung tá Bella thề là ông không hề hay biết gì về chuyện đó.
Đến tối ngày 19 Tháng Tám, hơn 600 dân Đông Đức đã tràn qua biên giới Áo, trong một cuộc ra đi vĩ đại chưa từng thấy trong thời Chiến tranh lạnh Âu châu kể từ lúc dựng lên bức tường Berlin. Trung tá Bella tin rằng những người trong đám người ngày đó chắc phải biết ơn sự kiện là nhờ vào những người trong chính quyền Hung Gia Lợi mà không một viên đạn nào bắn ra và cũng không một ai bị giết hại vào ngáy đó. Ông ta thắc mắc: “Ngày hôm nay Thủ tướng Németh nói rằng lúc ấy có lệnh của chính phủ. Nhưng chuyện gì đã xảy ra cho mệnh lệnh đó?”
3: ‘Nhắm Mắt Cho Họ Qua’
Rõ ràng là đã có lấn cấn “trong chuỗi mệnh lệnh”, Németh nói, ám chỉ đến cuộc hành quân tối mật. Rồi ông cựu Thủ tướng giải thích kế hoạch thật sự cho buổi dã ngoại dạo đó ra sao.
Theo Németh, Bộ nội vụ đã chọn một vị tướng để trao các chỉ thị sau – riêng rẽ, nhưng không bao giời nhân danh chính phủ Hung Gia Lợi – cho chỉ huy cao cấp của đội biên phòng: “Nếu, trong suốt buổi dã ngoại, vài trăm người Đức cố công vượt qua biên giới, thì chúng ta đừng cản trở”. Đối với các sĩ quan thì điều này có nghĩa, theo ngôn ngữ của các chính khách: Nhắm mắt cho họ qua.
Theo Pozsgay, một cựu thành viên Bộ chính trị Hung Gia Lợi, một nhóm nhỏ sĩ quan cao cấp chính phủ đã đồng ý thực hiện phương án sau: Vạn nhất, thà là chính phủ Hung Gia Lợi chịu tiếng là bị “tổn thương hơn là mang tiếng là can dự” vào chuyện công dân Đông Đức thâm nhập qua biên giới suốt buổi dã ngoại. Các nhân viên chính phủ đã thông đồng với nhân viên hội từ thiện Manta Hung Gia Lợi và các đại diện giáo hội để chuyển tải thông điệp đó.
Nhưng tại Bộ nội vụ Hung Gia Lợi, điều lẽ ra là mệnh lệnh lại bị coi như là sự tiết lộ tin vịt – và bị phớt lờ. Cựu Thủ tướng Németh không tiết lộ danh tính người nào nhưng cho rằng điều đáng nói hơn cả trong chuyện này là những người chịu trách nhiệm cho việc lờ đi chỉ thị đó thuộc phe các thành viên cho rằng an ninh quốc gia. Cho đến hôm nay những nhân vật đó vẫn coi ông như là “kẻ phản bội tình hữu nghị giai cấp vô sản quốc tế”.
May thay, như Németh kể lại, trung tá Bella đã nhận biết “lịch sử đòi hỏi gì ở ông”. Còn Pozsgay thì nói: “Bella biết điều đó như chú thỏ biết về đối tượng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm”. “Kế hoạch hoa tiêu” được xem như là một thử nghiệm để xác định xem Liên Bang Xô Viết có bỏ qua cho việc vi phạm vào sườn tây của Hiệp ước Warsaw đã được thi hành với cái giá sinh mạng của năm lính biên phòng và khoảng 30 người không bị tình nghi tổ chức buổi dã ngoại.
Hai người hùng đã góp phần kết liễu chiến tranh lạnh: Thủ tướng Đức Helmut Kohl (trái) cùng Thủ tướng Hung Miklós Németh
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/Hung6.jpg
Vào ngày 25 Tháng Tám, Németh và Bộ trưởng Ngoại giao Horn bay tới Đức họp kín với Thủ tướng Kohl và Bộ trưởng Ngoại giao Đức lúc bấy giờ là Hans-Dietrich Genscher. Tại dinh Gymnich gần Cologne, nhà khách chính phủ Đức thời đó, bốn ông này đã thảo luận làm sao để đem được những công dân Đông Đức còn kẹt lại ở Hung Gia Lợi qua được Tây Đức. Mọi người nói năng khá thân thiện nhưng khí sắc thì lại khá căng thẳng. “Mọi chuyện ắt hẳn đã bị nghe lén tại Gymnich”, Németh nói. “Mặc dù chỉ có một thông dịch viên Hung Gia Lợi tại đó, sau này tôi đã phát hiện lời nói của tôi được sao lại y chang trong hồi ký của Thủ tướng Kohl”. Cuối cùng thì phiên họp đồng ý di tản bất cứ người dân Đông Đức nào muốn ra đi. Nhưng ngày giờ cho việc di tản thì chưa được xác định.
Hai tuần rưỡi sau đó, các xe buýt chở người tị nạn Đông Đức bắt đầu hành trình về phía Tây. Họ tiến qua biên giới vào nước Áo ngay sau nửa đêm ngày 11 Tháng Chín.
Đó là ngày vui sướng – cho người tị nạn và, đặc biệt, là cho Thủ tướng Kohl. Đó là đêm trước của hội nghị Liên Minh Dân Chủ Ki-tô giáo (CDU) tại Bremen, nơi mà Heiner Geissler và Rita Süssmuth dẫn đầu một nhóm người tổ chức đảo chánh chống lại người cầm đầu đảng là ông Kohl. Ấy thế mà ông đã tiến vào hội nghị với một thành tích có ý nghĩa lịch sử. Ông Kohl tiếp tục được tín nhiệm ở chức vụ Chủ tịch đảng và là Thủ tướng thêm chín năm nữa.
Những người hùng Hung Gia Lợi của mùa hè then chốt năm 1989 thì lại ít nhận được sự khen thưởng tại nước mình. Thủ tướng Németh bị từ chối sự đề bạt vào chức tổng thống của nước cộng hoà và phải sống chín năm tại Luân Đôn, nơi ông phục vụ với tư cách phó chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Âu Châu. Ông không ảo tưởng khi nhìn ngắm một nước Hung Gia Lợi mới hôm nay.
Ông thấy đất nước ông lại một lần nữa gần như phá sản. Ông nhận ra sân khấu chính trị một thời đã đoàn kết được các đảng phái đối lập nhưng nay thì nhau như mổ bò và đang bị chia rẽ trầm trọng. Và ông thấy bọn giàu có nắm quyền, một người trong số những người kiến thiết buổi dã ngoại vào năm 1989 nói: “Những kẻ nắm quyền hôm nay chính là những cựu lãnh đạo của tổ chức thanh niên Cộng sản, những người mà sau cùng rồi cũng sẽ giữ cùng chức vụ ngay cả khi Chủ nghĩa Cộng sản không sụp đổ”.
Nhà cải cách Pozsgay thường xuyên bất hoà với các đồng sự cũ về câu hỏi ai xứng đáng đưọc ghi công trạng cho những thay đổi rộng lớn vào năm 1989. Về mặt chính trị mà nói, sau khi đi loanh quanh, ông này sau cùng đã gia nhập nhóm dân kiểm cánh hữu Viktor Orbán. Nhà tư tưởng tiến bộ trước đây ngồi tại nhà mình trong khu nhà có sách báo kê kín các bức tường ở Budapest, nói về sự kiện năm 1989 người dân Hung Gia Lợi, ít nhiều không chủ tâm nhưng đã làm đảo lộn trật tự Âu Châu thời hậu chiến. “Ý chí mạnh mẽ đã tạo nên số phận của chính nó”.
Cha Kozma tiếp tục giúp đỡ người nghèo và yếu đuối tại ngoại ô Zigliget của Budapest. Nếu vị linh mục này buồn phiền về việc người Đức đã không bao giờ được trả giá cho ký ức cuộc di cư vĩ đại trong khu vườn nhà thờ ông, như họ đã hứa, ông cũng không biểu tỏ ra ngoài. Cha Kozma cũng không được vinh danh tại nghi lễ ban tặng phần thưởng cho dân Hung Gia Lợi nhân kỷ niệm lần thứ mười ngày sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản.
Còn Arpád Bella? Ông quay về làm rượu nho và chăm sóc người mẹ già bệnh hoạn, ít chú ý đến những đàm tiếu của những bạn đồng ngũ xưa kia cho đến giờ này vẫn còn gọi ông là kẻ bội phản. Thỉnh thoảng ông lái xe qua biên giới, nơi không còn dấu tích gì của Bức Màn Sắt, để thăm Johann Göltl ở tỉnh Apetlon, không xa bờ hồ Neusiedl lắm.
Đôi bạn: Johann Göltl (trái) và Arpád Bella (phải) là hai sĩ quanbiên phòng ở hai phía Bức Màn Sắt
http://i53.photobucket.com/albums/g69/hungquoc/Hungary4.jpg
Thế rồi hai ông này, những cựu lính biên phòng ở hai bên chiến tuyến của Bức Màn Sắt, ngồi nhâm nhi rượu trắng spritzer và chuyện trò về chuyện đời cũ mới. Họ rất mến nhau, vậy mà, Johann nói, ông vẫn không hoàn toàn tin tưởng Arpád. Sao thế? Bởi lẽ ông này nhất mực tin rằng vào thời đó công việc với dân tị nạn Đông Đức tại cổng gỗ gần Sapron là sự khuynh loát được tổ chức một cách thận trọng “bởi người cộng sản bên đó”.
“Chúng tôi có thể say sưa với nhau hàng ngàn lít rượu trắng spritzer”, trung tá hưu trí Bella ta thán, “thế mà anh chàng vẫn không tin tôi: Không thể hiểu được”.
Christopher Sultan dịch từ bản tiếng Đức
Nguồn: Der Spiegel, ngày 29/05/2009
Xuân Vỹ chuyển ngữ
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment