Thursday, June 4, 2009

HRW : NHỮNG VẾT THƯƠNG CHƯA LÀNH CỦA THIÊN AN MÔN

Human Rights Watch
Trung Quốc: Những vết thương chưa lành của Thiên An Môn

Nguồn:
http://www.opednews.com/articles/1/China-Tiananmen-s-Unheale-by-Human-Rights-Watch-090515-46.html

Hoài Phi dịch
04/06/2009 10:11 sáng
http://www.talawas.org/?p=5472
Hai thập niên trôi qua, nhưng việc kiểm duyệt và đàn áp những người sống sót và những tiếng nói phê phán vẫn tiếp tục diễn ra.

Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 2009. (c) Stuart Franklin/MAGNUM
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/hp1.jpg

(New York) - Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền, hai mươi năm sau khi quân đội Trung Quốc giết hại một con số chưa được thống kê rõ những thường dân không có vũ khí ở Bắc Kinh và các thành phố khác vào các ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 6, 1989 (và sau đó), chính phủ Trung Quốc tiếp tục đàn áp những người sống sót, gia đình các nạn nhân, và những người có cách nhìn khác với quan điểm chính thống về sự kiện này.


Vào ngày 13 tháng 5, Tổ chức Quan sát Nhân quyền đã công bố “Di sản Thiên An Môn” (
The Tiananmen Legacy), đánh giá về ảnh hưởng tiếp tục của Thiên An Môn và bản tin đặc biệt đa truyền thông nhân dịp tưởng niệm hai mươi năm vụ đàn áp. Có thể truy cập bản tin này theo địa chỉ: http://www.hrw.org/en/node/83112.

Đảng Cộng sản Trung Quốc thoạt đầu biện minh cho hành động đàn áp đẫm máu của mình tại thời điểm đó là phản ứng cần thiết trước một “vụ phản động,” nhưng sau này đổi lại và gọi đó là một “biến động chính trị.”

Theo bà Sophie Richardson, giám đốc chuyên trách châu Á, thuộc Tổ chức Quan sát Nhân quyền, “Các nỗ lực tiếp diễn của chính phủ nhằm kiểm duyệt lịch sử, đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và sách nhiễu những người sống sót hoàn toàn ngược lại với những phát triển kinh tế và xã hội to lớn của Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Chính quyền Trung Quốc cần thừa nhận rằng hai mươi năm phủ nhận và đàn áp sẽ chỉ khiến cho các vết thương Thiên An Môn mưng mủ, chứ không hề hàn gắn.”

Chính phủ Trung Quốc luôn từ chối cung cấp một danh sách những người bị giết, “mất tích,” hoặc bị tống giam, và cũng không công bố một con số thương vong nào có thể xác minh được.

Những Người mẹ Thiên An Môn, một nhóm cha mẹ của các nạn nhân sinh viên và thường dân, đã lập ra một danh sách hơn 150 người bị giết sau khi quân đội nổ súng bắn vào thường dân. Chính phủ Trung Quốc cũng rất nhất quán trong việc dập tắt mọi thảo luận công khai về sự kiện tháng Sáu năm 1989, và khủng bố những người đã tham gia biểu tình hoặc những người công khai đặt vấn đề với cách nhìn của chính phủ về sự kiện này.

Ngày nay, việc giam giữ Lưu Hiểu Ba trở thành biểu tượng rõ rệt nhất thể hiện thái độ thù nghịch tiếp tục của chính phủ đối với những người có liên quan đến vụ biểu tình năm 1989 và với bất kỳ một hình thức đối lập có tổ chức nào.

Là một trong những trí thức phê phán nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, ông Lưu bị bỏ tù hai năm vì đã ủng hộ sinh viên Thiên An Môn. Ông cũng giúp ngăn chặn bớt sự đổ máu nhờ thành công trong việc điều đình với quân đội để nhóm sinh viên cuối cùng rút khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào sáng sớm ngày 4 tháng 6. Lưu Hiểu Ba thường xuyên trả lời phỏng vấn của các hãng truyền thông quốc tế và các học giả về sự kiện mùng 4 tháng 6. Ông bị đưa đi cải tạo lao động ba năm, từ 1996 đến 1999, vì đã đưa ra hàng loạt kêu gọi đặt vấn đề với hệ thống độc đảng, và sau đó ông gần như bị quản thúc tại gia. Vào ngày mùng 8 tháng 12 năm 2008, ông lại bị bắt vì bị tình nghi là một trong những nhà tổ chức kiến nghị công táo bạo yêu cầu dân chủ và luật pháp, có tên gọi là
Hiến Chương ‘08.

Văn bản của Hiến Chương ‘08 có đoạn đề cập trực tiếp tới sự kiện mùng 4 tháng 6, xem đó là một ví dụ về “con đường dài của thảm họa nhân quyền” do sự độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra. Bất chấp sự phản đối của quốc tế, Lưu Hiểu Ba vẫn tiếp tục bị giam giữ mà không có cáo buộc.

Theo Richardson, “Lưu Hiểu Ba là hình ảnh thu nhỏ cho thấy việc chính phủ Trung Quốc đã phản ứng với Thiên An Môn nói riêng và những chỉ trích ôn hòa nói chung như thế nào: bằng cách bóp nghẹt họ. Đồng thời, Lưu cũng là biểu tượng cho tính ngoan cường không mệt mỏi và lòng can đảm của một số công dân Trung Quốc trong việc đấu tranh cho sự thật, công lý và dân chủ, bất chấp những tai họa đã và đang xảy ra với họ.

Vào đầu tháng Tư năm 1989, công nhân, sinh viên và những người khác tụ họp tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và ở các thành phố khác. Phần lớn những người này biểu tình ôn hòa vì một hệ thống chính trị đa nguyên. Vào cuối tháng 5, khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra, chính phủ tuyên bố thiết quân luật và ủy quyền cho quân đội sử dụng vũ lực giết người để giải tán những người biểu tình. Trong quá trình thực thi mệnh lệnh này, quân đội đã bắn và giết một con số không rõ bao nhiêu thường dân không vũ trang, nhiều người trong số này không liên quan gì đến biểu tình. Tại Bắc Kinh, một số công dân đã tấn công các đoàn xe của quân đội và đốt một số xe khi quân đội kéo vào thành phố. Tiếp theo việc giết hại thường dân, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện đàn áp trên toàn quốc, bắt hàng ngàn người với các cáo buộc là “phản động,” và các tội hình sự bao gồm việc đốt phá (xe) và gây mất ổn định trật tự xã hội.

Chính phủ Trung Quốc bị lên án khắp nơi trên thế giới vì đã đàn áp những người biểu tình; một vài nước áp dụng một số hình phạt, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí hiện vẫn tiếp diễn của Liên minh châu Âu. Chính phủ Trung Quốc cự tuyệt mọi nỗ lực nhằm đưa đến việc xem xét lại sự kiện tháng 6 năm 1989.
Năm 1990, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã bác bỏ sự chỉ trích của quốc tế về vụ Thảm sát Thiên An Môn và tuyên bố là “có gì đâu mà ầm ĩ”. Vào tháng 1 năm 2001, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Dư Bằng Giao, đã bảo vệ việc sử dụng vũ lực giết người chống lại thường dân không vũ trang vào tháng 6 năm 1989 là “… những giải pháp kiên quyết và kịp thời… cấp thiết cho sự ổn định và phát triển đất nước.”
“Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo để người dân không thể biết gì về sự kiện lớn trong lịch sử mới đây của chính nước họ,” Richardson cho biết. “Và điều đó cần gây ra những quan ngại sâu sắc trên toàn cầu về khả năng của chính phủ Trung Quốc trong việc điều khiển thông tin và trốn tránh trách nhiệm.”

Di sản Thiên An Môn - Tiếp tục khủng bố và kiểm duyệt

Tiếp tục khủng bố những người theo đuổi việc xem xét lại

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục khủng bố những người yêu cầu có một cuộc xem xét lại công khai về vụ đàn áp đẫm máu đó. Những công dân Trung Quốc không thừa nhận tuyên bố chính thống về những gì đã xảy ra vào tháng 6 năm 1989 đều lập tức bị các lực lượng an ninh trả thù. Trong số họ bao gồm thân nhân của các nạn nhân đòi hỏi việc sửa sai, và các chứng nhân của cuộc thảm sát và hậu quả của nó, những người đã đưa ra tuyên bố mâu thuẫn với tường thuật chính thức về sự kiện này. Thậm chí cả những người chỉ cố gắng tôn vinh tưởng nhớ Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư quá cố của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1989, người đã bị cách chức và bị quản thúc tại gia vì đã phản đối việc sử dụng bạo lực đàn áp người biểu tình, cũng bị trả thù.

Một số trong những người vẫn đang là mục tiêu của sự đàn áp gồm có :
Đinh Tử Lâm và Những Người mẹ Thiên An Môn: Đinh Tử Lâm là giáo sư triết học, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, hiện đã nghỉ hưu. Con trai bà, Tưởng Tiệp Liên (Jiang Jielian) bị giết tại trung tâm Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6, 1989, khi anh mới 17 tuổi. Kể từ đó, bà Đinh trở thành phát ngôn viên và động lực thúc đẩy Những Người mẹ Thiên An Môn, một nhóm được tổ chức lỏng lẻo, gồm thành viên của khoảng 150 gia đình có người thân là nạn nhân trong vụ tháng 6 năm 1989. Vào những thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là ngày 4 tháng 6, lực lượng an ninh thường giam giữ, thẩm vấn và đe dọa, yêu cầu bà Đinh và các thành viên khác trong nhóm Những Người mẹ Thiên An Môn im lặng. Trong một kiến nghị của Những Người mẹ Thiên An Môn, do 127 người ký tên, được gửi đến Quốc hội Trung Quốc vào tháng Ba năm 2008, có đoạn viết: “Trung Quốc trở thành một gian phòng sắt ngột ngạt; mọi đòi hỏi của người dân về ngày 4 tháng 6, mọi đau đớn, ai oán và tiếng khóc của thân nhân các nạn nhân và của những người bị thương đều bị bịt kín.”

Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong): Ông là cựu bác sĩ quân y, 77 tuổi, người đã từng cứu chữa cho một số nạn nhân tại Quân y Viện 301 ở Bắc Kinh ngay sau cuộc tấn công của quân đội vào tháng 6 năm 1989. Tưởng Ngạn Vĩnh bắt đầu nổi tiếng vào năm 2003 vì đã vạch trần việc chính phủ che đậy sự bùng nổ bệnh dịch SARS. Tháng 3 năm 2004, ông viết thư gửi Quốc hội Nhân dân Trung Hoa, khẩn thiết yêu cầu xem xét lại lập trường của chính phủ về vụ Thảm sát Thiên An Môn. Lá thư vạch trần sự tàn bạo của cuộc thảm sát tháng 6 năm 1989, bao gồm việc Quân đội Nhân dân Giải phóng sử dụng cả “đạn mảnh, bị cấm trong công ước quốc tế.” Về sau, Tưởng Ngạn Vĩnh cho giới truyền thông nước ngoài biết, chính phủ đã trả lời lá thư của ông bằng cách phái các lực lượng an ninh nhà nước đến bắt cóc ông ở văn phòng, giam ông trong bảy tuần tại một nhà khách quân đội, và buộc ông phải “tham gia các khóa học tập.” Sau khi được thả về, Tưởng bị quản chế tại gia suốt mấy tháng và bị cấm ra nước ngoài. Tháng 3 năm 2009, Tưởng viết thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, yêu cầu một lời xin lỗi về thời gian ông bị giam vào năm 2004 và những tháng quản chế tại gia sau đó.

Trương Thế Quân (Zhang Shijun):
cựu quân nhân, 40 tuổi, từng tham gia trong vụ quân đội đàn áp ở Bắc Kinh vào ngày 3 và ngày 4 tháng 6. Tháng 3 năm 2009, Trương Thế Quân công bố thư ngỏ gửi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thúc giục việc xem xét lại chính thức về “thảm kịch ngày 4 tháng 6, một sự kiện trong lịch sử gần đây của Trung Quốc đã gây bao khóc than cay đắng và những giọt nước mắt nghẹn cầm.” Chẳng bao lâu sau khi lá thư của Trương được công bố, các lực lượng an ninh đã bắt và hiện vẫn giam giữ ông tại một địa điểm bí mật.

Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang): một giáo sư 75 tuổi, đã nghỉ hưu, ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Ông bị 5 gã côn đồ mặc thường phục tấn công vào ngày 4 tháng 4 năm 2009. Những gã này hẳn đã hành động theo chỉ thị. Ông Tôn đang trên đường tới Đài Liệt sĩ Tế Nam để tưởng niệm Triệu Tử Dương, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã cố gắng ngăn cản việc sử dụng vũ lực của quân đội vào tháng 6 năm 1989. Sau vụ đàn áp, Triệu Tử Dương bị cách chức và bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh trong suốt 15 năm sau đó. Vụ tấn công Tôn Văn Quảng xảy ra chỉ mấy phút sau khi ông lẩn tránh được khoảng 20 công an mặc sắc phục cố ngăn ông không rời khỏi khuôn viên đại học, nơi ông đang cư ngụ, và đã khiến ông bị gãy 3 xương sườn.

Những người sống sót sau vụ Thiên An Môn: bị lưu đày, bị cách ly, và bị sách nhiễu

Chính phủ Trung Quốc đặc biệt thù địch những cá nhân mà họ cho là thuộc nhóm lãnh đạo biểu tình của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989. Các lãnh đạo sinh viên bị bỏ tù hoặc trốn khỏi Trung Quốc sau vụ đàn áp đẫm máu vào tháng 6 năm 1989 đều bị buộc trở thành những kẻ lưu đày. Một vài người thuộc nhóm lãnh đạo biểu tình trước đây đã bị các quan chức di trú Trung Quốc cấm nhập cảnh ngay cả khi họ định về thăm thân nhân già yếu hoặc về dự đám tang thân nhân ở quê nhà. Những sinh viên tham gia tổ chức biểu tình còn ở lại Trung Quốc thì chịu sự giám sát chặt chẽ và sách nhiễu thường xuyên, mặc dù họ đã phải thực hiện án tù trong nhiều năm vì đã tham gia các cuộc biểu tình vào tháng 6 năm 1989. Có lẽ bi kịch nhất là việc những người sống sót bị thương hoặc tật nguyền do cuộc tấn công của quân đội vào tháng 6 năm 1989 ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác vẫn tiếp tục phải chịu áp lực từ các lực lượng an ninh nhà nước, phải nói dối hoặc im lặng về nguyên nhân gây ra những vết thương của họ.
Những người sống sót sau vụ Thiên An Môn vẫn tiếp tục bị đàn áp vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 gồm

Vương Đan (Wang Dan): cựu lãnh đạo sinh viên Đại học Bắc Kinh, đứng đầu danh sách truy nã của Bắc Kinh trong vụ Thiên An Môn cho đến khi anh bị bắt vào năm 1989. Vương nhận án 4 năm tù giam vào năm 1991, được thả năm 1993 khi Trung Quốc xin đăng cai tổ chức Olympic. Anh bị bắt lại vào năm 1995 vì tội “lật đổ” và năm 1996 bị xử 11 năm tù giam. Vương được sang Mỹ vào năm 1998 theo diện đi chữa bệnh và bị cấm quay về Trung Quốc; các quan chức di trú Trung Quốc từ chối cấp hộ chiếu Trung Quốc mới cho anh. Vào năm 2008, Vương Đan phát động một chiến dịch thúc giục chính quyền Trung Quốc cho phép anh và những người cầm đầu vụ biểu tình ở Thiên An Môn trước đây được về nước theo Điều 13 của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền, trong đó có ghi rõ rằng, “Mọi người đều có quyền rời bỏ bất kỳ đất nước nào, kể cả đất nước của chính mình, và có quyền trở về đất nước của mình.”

Hàn Đông Phương (Han Dongfang): Hàn bị bắt vào tháng 6 năm 1989 vì có tham gia các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn và vì đã tổ chức hiệp hội thương mại độc lập đầu tiên ở Trung Quốc kể từ năm 1949. Anh bị giam giữ 22 tháng trong tù mà không hề được xét xử. Năm 1992, chính phủ Trung Quốc cho phép Hàn Đông Phương sang Mỹ chữa bệnh, nhưng sau đó đã hủy bỏ hộ chiếu của anh và rất nhiều lần từ chối không cho anh trở về Trung Quốc mà không hề đưa ra một căn cứ pháp lý nào giải thích cho việc từ chối của họ. Hàn hiện ở Hồng Kông; anh nghiên cứu về các vụ lạm dụng quyền lao động và đăng các bài viết của mình trên Bản tin Lao động Trung Quốc (China Labor Bulletin).

Mã Thiếu Phương (Ma Shaofang): Tháng 6 năm 1989, Mã đứng thứ 10 trong danh sách các nhà bất đồng chính kiến bị chính phủ truy nã; anh bị xử tù giam ba năm vì tham gia tổ chức biểu tình sinh viên ở Thiên An Môn. Hai thập niên sau, Mã hiện là một doanh nhân ở Thâm Quyến, nhưng vẫn bị công an tiếp tục theo dõi các hoạt động và việc đi lại. Vào ngày 13 tháng 10 năm 2007, nhân viên Bộ An ninh Quốc gia cảnh cáo Mã không được tham dự hội nghị nhà văn tổ chức tại Bắc Kinh, diễn ra vào cùng thời gian với Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17. Mã kể lại trên blog của mình là các nhân viên An ninh Quốc gia cảnh cáo, “Nếu anh vướng vào rắc rối, chúng tôi sẽ có mặt ở đó, và điều đó sẽ không hay ho gì cho anh đâu.”

Phương Chính (Fang Zheng): 42 tuổi, là cựu sinh viên Viện Khoa học Vật lý Bắc Kinh. Vào ngày 4 tháng 6, Phương Chính bị xe tăng nghiến nát cả hai chân trong khi đang đẩy một nữ sinh viên tham gia biểu tình ra khỏi đường nghiến của xe tăng. Rồi anh bị đuổi học vì đã từ chối không phủ nhận nguyên nhân gây ra thương tật của mình trước công chúng. Sau đó, Phương Chính trở thành nhà vô địch môn ném đĩa và ném lao ngồi xe lăn của Trung Quốc vào năm 1992 và năm 1993. Tuy nhiên, do những liên hệ của Phương với Thiên An Môn, chính phủ Trung Quốc đã cấm anh không được tham gia tranh tài trong Giải Thể thao Viễn Đông dành cho người Tàn tật tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 1994, bất chấp việc anh hứa không thảo luận với các nhà báo nước ngoài về nguyên nhân gây ra thương tật của anh. Vào tháng 9 năm 2008, Phương cho một phóng viên tờ New Paper của Singapore biết, anh giữ im lặng trước công chúng và tránh không tới Bắc Kinh trong thời gian Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vì các lực lượng an ninh chính phủ đã hứa sẽ tìm việc làm cho anh nếu anh chịu im lặng và tránh xa Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Olympic. Anh nói, “Tôi sẽ đợi xem họ mang tới cho tôi điều gì, vì tôi chẳng còn gì nữa để mất cả.”

Kiểm duyệt lịch sử

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục xóa bỏ khỏi các văn bản công một cách có hệ thống bất kỳ đề cập nào đến sự kiện tháng 6 năm 1989 mà không tuân thủ cách đánh giá của chính phủ về cuộc đàn áp đẫm máu đó và coi đó là một vụ “biến động chính trị.”
Nhân viên kiểm duyệt mạng của Trung Quốc nhanh chóng loại bỏ bất kỳ đề cập nào đến vụ đàn áp 1989; các phương tiện tra cứu trên internet ở Trung Quốc được cài đặt cẩn thận để lọc hết mọi hình ảnh và chỉ dẫn liên quan đến cái chết của những thường dân không vũ trang mỗi khi có những yêu cầu tìm kiếm các chủ đề như “Quảng trường Thiên An Môn,” và “Ngày 4 tháng 6.” Việc tra cứu tìm trên mạng các thuật ngữ như vậy ở Trung Quốc thường nhận được thông điệp “không thể tìm thấy trang” (”page could not be found”), và nói chung không thông báo cho người sử dụng biết rằng việc tra cứu đã bị kiểm duyệt.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn, báo chí Trung Quốc bị cấm in những bài viết về sự kiện tháng Sáu năm 1989 không nhất quán với quan điểm của chính phủ. Năm 2003, Hillary Rodham Clinton, khi đó là Thượng nghị sĩ Mỹ, đã rút hồi ký của bà khỏi thị trường Trung Quốc sau khi phát hiện ra rằng nhà xuất bản Trung Quốc đã cắt bỏ đoạn bà đề cập đến cuộc biểu tình dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà không được sự chấp thuận của bà.
Tương tự như số phận của các cá nhân đã công khai lên tiếng về vụ Thiên An Môn, phương tiện truyền thông nào làm như vậy cũng bị trừng phạt. Theo tường trình, vào tháng 6 năm 2007, Tin tức Thành Đô Buổi chiều, nhật báo của tỉnh Tứ Xuyên, đã sa thải ba biên tập viên sau khi tờ này đăng một tin quảng cáo tưởng niệm gia đình các nạn nhân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn. Các số báo có đăng một dòng trong mục quảng cáo, “Kính chào những người mẹ mạnh mẽ của các nạn nhân 64 [ám chỉ ngày 4 tháng 6],” đã nhanh chóng bị thu hồi.
Vào ngày 31 tháng 3 năm 2009, nhân viên Sở Công an Bắc Kinh đã tạm giam Giang Kỳ Sinh trong một thời gian ngắn vì lo ngại là ông đang viết một bài tưởng niệm hai mươi năm vụ Thảm sát Thiên An Môn. Ông Giang năm nay 61 tuổi, là phó chủ tịch Trung tâm Văn bút Độc lập của Trung Quốc, và là một trong những sinh viên đã tham gia biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau này, ông cho tờ South China Morning Post biết, “Họ nói rằng sẽ không cho phép bất kỳ một bài báo nào viết về lễ tưởng niệm lần thứ 20 vào năm nay.”
Năm 1995, nhà hoạt động chính trị Lí Hải, từng là sinh viên tham gia biểu tình, bị xử chín năm tù giam với tội danh làm tiết lộ bí mật nhà nước, vì ông đã lập danh sách những người bị giết trong vụ tháng 6 năm 1989. Lí Hải bị biệt giam trong suốt phần lớn thời gian ông ngồi tù.
Hậu quả của việc nhà nước xiết cổ các thông tin về vụ tháng 6 năm 1989 là sự thiếu hiểu biết một cách trầm trọng của công chúng về một trong những sự kiện quan trọng nhất của Trung Quốc trong ký ức hiện tồn. Ít nhất, có ba tổ chức truyền thông ngoại quốc, trong đó có Frontline, một chương trình Phục vụ Truyền thanh Công cộng của Hoa Kỳ, đã tiến hành một cuộc khảo sát không chính thức trong mười năm vừa qua. Họ đề nghị các nhóm sinh viên đại học và người dân Bắc Kinh cho biết bối cảnh trong tấm ảnh về “người đàn ông (và chiếc) xe tăng,” một công dân Bắc Kinh không rõ tên tuổi, vào ngày 5 tháng 6 năm 1989, đã đứng chặn đoàn xe tăng gồm 17 chiếc, ở gần Quảng trường Thiên An Môn. Có rất ít người trong số được hỏi có khả năng - hoặc sẵn lòng - trả lời. Trong khi đó, ở bên ngoài Trung Quốc, tấm ảnh này đã trở thành một biểu tượng.

Đề nghị của Tổ chức Quan sát Nhân quyền

Với chính phủ Trung Quốc
- Chính phủ Trung Quốc cần ân xá ngay lập tức tất cả những người còn bị giam giữ vì những cáo buộc liên quan đến sự kiện tháng 6 năm 1989 và lập ủy ban xem xét lại một cách độc lập các trường hợp của họ, để xác định rõ những sai lầm pháp lý có thể xảy ra, liên quan đến các vi phạm về tiến trình tố tụng lẽ ra họ có quyền được hưởng. Chính phủ cũng cần tuyên án vô tội và bồi thường cho những người bị tù oan hoặc bị giam giữ bất hợp pháp.
- Chính phủ Trung Quốc cần lập tức cho phép các công dân Trung Quốc đang bị lưu đày vì có liên quan tới sự kiện tháng 6 năm 1989 được trở về mà không gặp sự ngăn cản nào.
Chính phủ Trung Quốc cần tôn trọng và thi hành các quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến của công dân, đồng thời chấm dứt việc giam giữ, sách nhiễu những cá nhân không thừa nhận cách lý giải chính thức về sự kiện tháng 6 năm 1989.
- Chính phủ Trung Quốc cần cho phép tiến hành điều tra độc lập về sự kiện tháng 6 năm 1989. Một cuộc điều tra như vậy nên được công bố trước công chúng, có sự tham gia của gia đình các nạn nhân, bao gồm nhóm Những Người mẹ Thiên An Môn. Nội dung, quá trình cũng như kết luận của cuộc điều tra cần được công bố toàn bộ và kịp thời. Một cuộc điều tra như vậy rõ ràng bất khả thi cho đến chừng nào mà chính phủ chưa chấm dứt việc sách nhiễu và khóa miệng các nạn nhân của sự kiện tháng 6 năm 1989, đồng thời tiến hành những bước quan trọng để bảo tồn các tài liệu lịch sử về những gì đã xảy ra vào khi đó. Sau khi đáp ứng được những điều kiện tiên quyết này, chính phủ Trung Quốc cần ban hành và duy trì những bảo đảm công rõ ràng rằng những người tham gia sẽ không bị chính phủ trừng phạt.
- Chính phủ Trung Quốc cần khởi xướng một cơ chế để nạn nhân của vụ bạo lực tháng 6 năm 1989 và/hoặc gia đình của họ có thể yêu cầu bồi thường chính thức cho những tổn thất của họ.
- Chính phủ Trung Quốc cần tiến hành việc tố tụng tội ác đối với bất kỳ quan chức chính phủ và quân đội nào đã ra lệnh và/hoặc tham gia sử dụng vũ khí giết người chống lại thường dân không vũ trang ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác vào tháng 6 năm 1989.
- Chính phủ Trung Quốc cần sửa đổi Kế hoạch Hành động Quốc gia Nhân quyền mới công bố gần đây, để đưa thêm vào đó những chỉ dẫn cụ thể, quy định việc tôn trọng quyền của các nạn nhân vụ tháng 6 năm 1989 và gia đình của họ.

Với cộng đồng quốc tế

- Liên Hiệp Châu Âu cần cưỡng lại những kêu gọi từ bỏ cấm vận vũ khí cho đến khi chính phủ Trung Quốc hoàn thành cuộc điều tra độc lập và công khai về vụ đàn áp và buộc những quan chức quân đội và chính quyền có vai trò trong vụ sử dụng vũ khí giết người chống lại thường dân không vũ trang phải chịu trách nhiệm. Thêm vào đó, Liên minh châu Âu cần nhấn mạnh yêu cầu ân xá chung cho tất cả những ai đang bị giam giữ vì tất cả các hình thức biểu tình ôn hòa ở Trung Quốc. Các vụ án đó cần được xem lại và lật ngược nếu thấy có những sự che chở thủ tục [sai luật - ND], hoặc thiếu bằng chứng về những hành động phạm tội nghiêm trọng.
- Các chính phủ, đặc biệt là những chính phủ đang có đối thoại song phương về nhân quyền với chính phủ Trung Quốc, cần đặt những quan ngại của họ về vụ đàn áp năm 1989 và di sản của nó làm tiêu chuẩn cho những cam kết với chính phủ Trung Quốc về nhân quyền, thiết lập chuẩn và mốc thời gian có thể đo được cho chính phủ Trung Quốc trong việc giải quyết các vụ lạm quyền trong quá khứ và hiện tại có liên quan đến sự kiện 1989.
- Các chính quyền ngoại quốc cần thúc giục Trung Quốc sửa đổi Kế hoạch Hành động Nhân quyền Quốc gia mới công bố gần đây, để đưa thêm vào các chỉ dẫn cụ thể quy định việc tôn trọng quyền của các nạn nhân vụ tháng 6 năm 1989 và gia đình của họ, đồng thời đưa ra những mục tiêu và thời hạn có thể kiện được để bảo đảm là các quyền đó được tôn trọng.
- Các chính phủ ngoại quốc cần công khai quan sát dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện tháng 6 năm 1989 bằng cách mở cửa đại sứ quán của họ tại Bắc Kinh cho công chúng vào các ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 6 năm 2009, nhằm tạo ra những khu vực an toàn, nơi công dân Trung Quốc có thể truy cập thông tin không bị kiểm duyệt về sự kiện tháng 6 năm 1989, đồng thời tham gia thảo luận về các sự kiện đó và di sản của chúng.
- Những nước có đối thoại song phương về nhân quyền với Trung Quốc cần đưa những đề nghị này làm thành phần then chốt trong cam kết về nhân quyền [trong đối thoại] của họ với Trung Quốc vào năm 2009.
- Các quốc gia thành viên thuộc nhóm Berne Process (Đối thoại) về cam kết nhân quyền với Trung Quốc cần nhóm họp lại vào và quanh những ngày 3-4 tháng 6 để thảo luận những biện pháp nhằm áp dụng và thực hiện những đề nghị này.

No comments: