Hội luật sư thế giới phê bình VN gay gắt qua chuyện bắt giữ ông Định
DCVOnline – Tin ngắn (AFP)
20-06-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6434 Hà Nội - Hội luật sư thế giới nói rằng chuyện bắt giam mang tính “độc đoán” một luật sư ủng hộ nhân quyền là vi phạm tiêu chuẩn luật định quốc tế và trái với ngay cả chính hiến pháp của Việt Nam.
Viện Nhân quyền của Hội Luật sư Quốc tế (International Bar Association - IBA) đã nói như trên trong một lá thư đề ngày thứ Tư 17 tháng Sáu gởi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và AFP đã có được một bản vào tối hôm qua thứ Năm.
Lá thư bày tỏ sự quan tâm của Hội Luật sư Quốc tế qua chuyện bắt giam ông Lê Công Định, 40 tuổi, “là trực tiếp liên quan đến công việc của ông ta như một luật sư, người đã bào chữa cho những người hoạt động ủng hộ dân chủ” và cũng là người vừa mới đây liên quan đến một chuyện than phiền dự án khai thác bô-xít gây nhiều tranh luận ở Việt Nam.
“Hơn nữa, chúng tôi lấy làm quan tâm khi chuyện bắt giam này liên quan đến việc ông Lê Công Định đã từng bày tỏ quan điểm phê phán nhà nước Việt Nam,” theo lá thư được ký bởi hai ông đồng chủ tịch của Viện Nhân quyền, ông chánh án Richard Goldstone người Nam Phi và ông Martin Solc người nước Cộng hòa Czech.
Viện Nhân quyền (Human Rights Institute) là một phân ban của Hội Luật sư Quốc tế có trụ sở nằm ở Luân Đôn (London) đại diện cho 30.000 luật sư trên toàn thế giới.
Lá thư của Hội Luật sư Quốc tế lưu ý hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, như Công ước Quốc tế công nhận Quyền Chính trị và Dân quyền của con người. Việt Nam là một thành viên của Công Ước này; qua đó, Việt Nam cung cấp sự bảo vệ chống lại chuyện bắt giam độc đoán, theo IBA.
“Vì vậy, chúng tôi quan ngại rằng chuyện bắt bớ này đi ngược lại Hiến pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như những tiêu chuẩn luật định quốc tế,” lá thư nói.
Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam thì nói rằng ông Định đã bị bắt giam theo Điều 88 của luật hình sự, vốn cấm “tuyên truyền” chống nhà nước.
Nhà nước Việt Nam viện cớ rằng hơn bốn năm qua ông Định “đã viết hằng chục tài liệu phổ biến trên đài truyền thanh, báo chí và trên các mạng ở nước ngoài” với nội dung thù địch và kêu gọi sự thay đổi chế độ cộng sản.
Đáp ứng lại sự chỉ trích qua chuyện bắt giam ông Định, Việt Nam nói nhà nước bảo đảm quyền tự do ngôn luận và quyền phát biểu ý kiến.
Những tổ chức theo dõi nhân quyền, tổ chức bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, và chính phủ Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng bày tỏ nỗi quan tâm về chuyện nhà nước cộng sản Việt Nam bắt giam ông luật sư Lê Công Định này.
© DCVOnline
Nguồn: (1) Global lawyers group slams Vietnam on arrests. AFP, 19 Jun 2009
PHẢN HỒI :
Re: Hội luật sư thế giới phê bình VN gay gắt qua chuyện bắt giữ ông Định
2009-06-19 21:59:44
Hoang Huu
Hình ảnh trong video clip quay lại cảnh Ls LCĐ đọc bản tường trình theo hướng nhận tội và van xin công lý từ những kẻ chà đạp công lý - mặc dù Ls Định hoàn toàn bị cách ly với gia đình và không có sự cố vấn pháp lý kể từ lúc bị bắt - là một sự sỉ nhục không riêng với Ls Định mà là sự xúc phạm nghiêm trọng đối với quyền con người và kể cả giới luật sư quốc tế. Tất nhiên những người VN chân chính đều cảm thấy bị sỉ nhục bởi bộ máy an ninh khủng bố của CSVN. Sự tồn tại của đảng CSVN là một sự sỉ nhục đối với dân tộc Việt.
Cho dù Ls Định lên tiếng đòi thay đổi chế độ CSVN một cách ôn hòa, điều đó cũng hoàn toàn hợp hiến chiếu theo hiến pháp nước CHXHCN VN. Trên nguyên tắc quốc gia thuộc về sở hữu toàn dân, bất kỳ một công dân VN nào cũng có quyền lên tiếng đòi hỏi thay đổi lãnh đạo của chính họ và chế độ đang lãnh đạo đất nước. Đảng CSVN chỉ có thể đòi hỏi quyền lãnh đạo tuyệt đối và vô thời hạn nếu đất nước VN thuộc quyền sở hữu của RIÊNG đảng CSVN.
Đảng CSVN không thể và không bao giờ là chủ thể tuyệt đối của đất nước Việt, vì thế việc CSVN đòi quyền lãnh đạo tuyệt đối tương đương với việc "ăn cắp đất nước làm của riêng" một cách có tổ chức và có hệ thống. Một chế độ mà sự tồn tại của nó dựa trên sự ăn cướp ăn cắp thì không thể tồn tại lâu dài. Nó đã tồn tại quá lâu và gây quá nhiều tội ác, và đã đến lúc cần phải ném nó vào thùng rác lịch sử.
Re: Hội luật sư thế giới phê bình VN gay gắt qua chuyện bắt giữ ông Định 2
009-06-19 22:00:01
Minh Duc
Trích: Nhà nước Việt Nam viện cớ rằng hơn bốn năm qua ông Định “đã viết hằng chục tài liệu phổ biến trên đài truyền thanh, báo chí và trên các mạng ở nước ngoài” với nội dung thù địch và kêu gọi sự thay đổi chế độ cộng sản.
Nội dung những bài viết của Lê Công Định có khi còn kém hơn những lời tuyên bố của các dân biểu đối lập thời VNCH, và chắc chắn là thua xa các bài viết trên các báo chí miền Nam trước đây về mức độ chỉ trích chính quyền. Mà tại các nước dân chủ khác thì dân biểu và báo chí họ cũng chỉ trích chính quyền chẳng kém gì VNCH lúc đó. Những chuyện đó ở các nước dân chủ thì cho là sinh hoạt chính trị còn nhà nước CSVN thì xem đó là phản động, thù địch với chế độ.
Đó là do hai quan niệm phát triển đất nước khác nhau. Miền Nam chịu ảnh hưởng các nước Tây phương xem dân trí là đầu mối của sự phát triển còn các chế độ CS xem đảng CS là đầu mối của sự phát triển. Vì xem dân trí là đầu mối của tiến bộ và phát triển nên mới để cho có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do bàn cãi, chỉ trích nhau. Kiến thức của người dân qua các hoạt động tự do đó mà được nhân lên, người kém học hành nhờ đọc các cuộc tranh luận mà cũng học được ít nhiều. Còn chế độ CS thì xem đảng là tập trung tinh hoa của giai cấp công nhân, là tập hợp những người tiến bộ nhất nên đảng CS là đầu tầu kéo toàn thể dân tộc. Vì đảng được xem là sáng suốt nhất nên cấm dân chỉ trích đường lối chính sách của đảng. Điều 88 phản ảnh lối suy nghĩ đó của người CS. Còn tại các nước Tây phương thì đảng chỉ là ngọn, dân trí là gốc. Dân trí cao thì đương nhiên sẽ có người tài giỏi gia nhập các đảng. Mà suy nghĩ này thực tế cho thấy là đúng vì các chế độ CS bưng bít, xuyên tạc lịch sử, văn hóa, để cho dân trí thấp thì rồi những người từ tập thể dân trí thấp đó lại chui vào đảng. Đảng viên nào có phải là từ trên trời rơi xuống mà họ từ dân ra. Dân trí ở mức độ nào thì sẽ có loại viên chức chính quyền ở mức độ đó.
No comments:
Post a Comment