Thursday, June 4, 2009

ĐÈO NGANG

Đèo Ngang
Người Buôn Gió
Thursday June 4, 2009 - 06:20pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-t0IS290hb67U6oYE5faRfPd8
Thị xã Hà Tĩnh từ xưa đã không có ga tàu, khách đi tàu đến Hà Tĩnh phải xuống nhờ ở ga Vinh rồi đi xe đò qua cầu Bến Thủy sang trung tâm Hà Tĩnh mất đến mấy chục cây số.Sở dĩ Hà Tĩnh không có ga tàu là tại đèo Ngang, nếu hồi trước người ta lập đường sắt mà có con đường hầm thì ắt đã có ga tàu tại thị xã Hà Tĩnh. Dải núi Hoành Sơn ngang ngược như tên gọi của nó từ phía trong, đột ngột rẽ ngang lao ra biển. Sự đột ngột này khiến dải đất bằng phẳng nằm dọc hai bên quốc lộ 1 suốt từ Thanh Hóa vào đến đây bị chặn đứng bởi bức tường đá hùng vĩ chắn ngang. Bao thăng trầm của lịch sử ghi dấu ở đây bởi lá chắn này, đèo Ngang tựa như một dải phân cách giữa đàng Ngoài , đàng Trong suốt thời gian dài dằng dặc .Đến khi người anh hùng Nguyễn Huệ thống nhất sơn hà xóa đi ngăn cách đó.
Đường bộ lượn quanh co theo sườn núi Hoành Sơn được, chứ đường sắt thì không. Bởi vậy từ ga Vinh đường tàu chạy chếch dần sâu bên trong để tránh leo đèo.
Từ xa xưa khi chưa có con đường bộ qua đèo Ngang vắt vẻo quanh co như dải lụa. Đỉnh đèo là nơi ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Binh và Hà Tĩnh, cũng là điểm nghỉ chân cho những đoàn lái buôn, quan lại, khách bộ hành qua lại. Chuyện kể rằng ở nơi vắng vẻ ấy, người tiên nữ Liễu Hạnh đã mở quán ở đây, để lại bao nhiêu câu chuyện ly kỳ đồn đại trong dân gian đến tận bây giờ , đậm chất Liêu Trai. Trên đình đèo có có một di tích lịch sử Hoành Sơn Quan còn khá nguyên vẹn được xây từ thời Minh Mạng, từ trên cửa ải này nhìn thông suốt con đường quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh đi lại, bao quát hết vùng biển, vùng đồng bằng trước mặt. Mấy năm trước khi chưa có hầm đường bộ đi xuyên qua chân núi Hoành Sơn, xe đi lại chạy trên đèo Ngang. Cũng như hàng trăm năm trước họ thường dừng lại đỉnh đèo để nghỉ chân, những quán hàng nước giải khát cho khách mọc san sát. Đến mùa sim, trẻ em xung quanh hái những trái sim tím mọng làm quà đặc sản vùng quê bán cho khách qua đường. Giờ đây xe chạy qua hầm đường bộ như chạy trên đường nhựa không dừng lại nữa. Đám trẻ bán sim không còn khách dừng chân nghỉ trên đèo mua giờ không còn bóng dáng lâu nhâu của chúng mỗi khi thấy xe dừng, hàng quán cũng dọn sạch. Đỉnh đèo ngang vắng lặng, hiếm hoi lắm mới có một chiếc xe chở khách du ngoạn đi qua đèo.

Trước kia nhiều khách cũng dừng lại nghỉ đêm trên đèo, khách đa phần là đàn ông dừng lại để tìm khoái lạc thể xác. Gái làng chơi cắp chiếu đưa khách lên đâu đó vệ đèo đón tiếp. Giờ khi trẻ bán sim không còn, quán hàng cũng không còn, đến cả cây xăng dưới chân đèo giờ cũng đóng cửa làm chỗ cho người ta chứa những thứ đồ đồng nát thu mua.Nhiều dịch vụ ăn theo đèo Ngang biến mất hẳn, nhưng dịch vụ mại dâm thì không mất hẳn mà chỉ dạt ra xa hơn để đón khách từ hầm đường bộ. Bên ngoài rìa thị xã Kỳ Anh là điểm lý tưởng để các ngôi nhà ven đường đón khách làng chơi. Những cô gái trang điểm kỹ càng, ăn mặc mát mẻ đứng tràn ra mép đường nhựa giơ tay vẫy khách, ban đêm họ cầm đèn pin khươ loang loáng làm hiệu. Gái làng chơi ở Kỳ Anh- Đèo Ngang có độ tuổi rất trẻ trên dưới 20. Giá đi khách cũng mềm 100 nghìn cho một lần, khách tùy ý chọn. Chủ mỗi tháng trả lương mỗi cô 1,5 triệu nuôi ăn ở. Có cô ngày tiếp hai chục khách,đặc biệt nhiều cô ở vùng miền núi Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình còn nói chưa sõi tiếng Kinh. Bởi các nhà chứa mại dâm gần nhau san sát cho nên mức độ cạnh tranh cũng rất quyết liệt, chủ chứa liên tục cho người đi săn ‘’ hàng’’ mới trẻ, đẹp ở các vùng sâu xa. Trung bình hai tháng nhà chủ lại thay ‘’ hàng’’ một lần. Số hàng cũ họ chuyển sang cho chủ khác ngoài thành phố hay nơi khác. Giá tiền vừa bằng chi phí họ đã bỏ ra khi đi săn ‘’hàng’’.

Nói chuyện với tôi, một người đàn bà đứng tuổi bán mui và giải khát đơn thuần buồn bã nói.
- Cái đứa nào vì gia cảnh này nọ, tình yêu lỡ dở chán chường tự nguyện đi làm thì không nói làm gì.Nhưng con cái người ta mới 14,15 ở tận trên núi sau mà chúng nó đến dụ dỗ bảo là đưa về bán hàng, giúp việc. Nói ngon ngọt rồi về nhốt lại bắt tiếp khách thì thất đức quá anh à. ?
Tôi hỏi.
- Sao người ta ngang nhiên thế này mà chính quyền không ý kiến hả chị ?
Người đàn bà ngao ngán lắc đầu.
- Mấy ông ở đây chúng nó mua hết, có ông còn đảo qua liên tục xem có ‘’hàng mới’’ để thử. Có ông thì chọn em nào đẹp nhất, thỉnh thoảng đi đâu chơi gọi em đó đi cùng. Vừa được tiền, vừa có gái chơi ông nào chả thích. Nói thật tuy anh là đàn ông tôi cũng nói, sao đàn ông các anh tệ thế. Có ông cũng bệ vệ, áo quần ra dáng cán bộ đi xe ô tô con, cũng đứng tuổi thế mà còn ghé xe vào đây hỏi tôi nhà có ‘’hàng’’ không. Bảo không có, nói gắt thế mà không ngượng lại còn hỏi. Nhà nào có chỉ cho một cái. Trắng trợn thế là cùng.
Có hai thanh niên ghé vào quán chị, người đàn bà đưa mắt về phía họ nháy tôi nói
- Đấy vừa chơi ra đấy, uống nước đây cho rẻ, uống trong đấy chai nước đây 5 nghìn bọn trong đó tính 10 nghìn.
Hai thanh niên ngồi gọi bia uống.Họ kể về cô gái họ vừa gặp thân thểt da dẻ thế nào. Một cậu thắc mắc là sao mày chơi lâu thế, cậu kia nói.
- Ôi lúc tao ra ngoài, thấy con áo xanh ngon ngon. Con chủ nhà bảo hôm nay đầu tháng ê khách, chơi nữa nó khuyến mại lấy 70 nghìn. Thế là tao làm thêm cái nữa.

Trời đã về chiều, mặt trời khuất sau dãy núi. Gió ngoài biển đưa vào lành lạnh. Không còn nắng chiếu, trên đường quốc lộ 1 A thảng có xe qua, cả dải đất ven biển này trở nên yên tĩnh, thanh bình. Trong vài căn nhà chúng tôi đi qua thấy các cô đang ngồi ăn cơm.Có cô thấy bóng xe bỏ bát đũa chạy vội ra ngoài giơ tay vẫy. Trời tối rất nhanh.

Nghề mại dâm này ở bất kỳ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc cũng đều tồn tại đủ mọi cách. Đến thời này có cấm cũng chả ăn thua thậm chí còn nhiều hơn, cấm thế này thiệt thòi cho các cô gái và cả khách làng chơi.Béo mỗi các ông có quyền là vừa chơi miễn phí, vừa có tiền chung chi của chủ nhà. Nhà nào chậm chung tiền là bắt lấy thành tích báo công. Xem ra còn hiểm ác hơn cả những thời kỳ của chế độ trước.

Không còn lũ trẻ bán sim lâu nhâu mời khác, không còn cảnh hàng quán tấp nập đón du khách qua đèo nghỉ chân. Trời chiều hiu hắt trên đỉnh đèo Ngang, trong cơn gió rì rào từ ngoài biển đi lại. Thấy chập chùng bóng Chiêm Thuyền ngoài khơi, tưởng như đèo vẫn còn đâu đó đoàn quân mở nước gươm dáo lô nhô…

Đèo Ngang giờ hiu quạnh.


No comments: