Monday, June 8, 2009

CÓ NHỮNG CHUYẾN TÀU CHƯA THỂ RA KHƠI

Có những chuyến tàu chưa thể ra khơi
11:53 PM, 08/06/2009
http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=17234
Cho dù những năm gần đây nhà nước luôn có những chính sách giúp đỡ ngư dân để có điều kiện ra khơi như dự án “đánh bắt xa bờ”, “hỗ trợ tiền dầu” cho ngư dân thời “bão giá” hoặc giúp đỡ gia đình các ngư dân gặp nạn... Thế nhưng khi hành nghề biển, ngư dân luôn đối diện với muôn vàn khó khăn, từ bão tố phong ba cho đến “bão giá”... Đại Đoàn Kết đã từng có nhiều bài viết phản ánh về những nỗi gian khó của bà con. Thế nhưng gần đây lại có thêm những “vùng cấm” vô hình trên biển khiến cho thuyền bè của ngư dân không thể ra khơi.

Tàu cá lại gác bến nằm bờ!
Từ khi có thông báo: từ 12g ngày 16-5 đến 12g ngày 1-8-2009, Trung Quốc cấm tất cả các nghề (trừ nghề lưới rê đơn và câu) vào đánh cá trong vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giới hạn vùng biển giao nhau giữa Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc) và vùng biển phía đông đường phân định trong vịnh Bắc bộ. Đây là những vùng đánh bắt chung hoặc vùng dàn xếp “quá độ”, lâu nay ngư dân Việt Nam nếu có giấy phép của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (CKT&BVNLTS) thuộc Bộ NN&PTNT thì vẫn được phép đến đánh bắt bình thường. Theo ông Chu Tiến Vĩnh - Cục trưởng CKT&BVNLTS, ngay sau khi có tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với đặc khu kinh tế xung quanh đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và coi việc áp đặt lệnh cấm này là “xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”. Về phần mình, CKT&BVNLTS cũng đồng tình với khẳng định trên và cho rằng việc cấm đánh bắt cá trên không có tác dụng đối với ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nhưng trước những thông tin trên, CKT&BVNLTS cũng đã có công văn số 358/KTBVNL-HTQT, gửi lãnh đạo các sở NN&PTNT đề nghị nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân của mình thực hiện đúng những quy định của luật pháp Việt Nam về đánh bắt thủy sản trên biển.

Thật ra khi chưa có thông báo trên thì ngư dân trên biển đã từng lâm vào thế khó. Cụ thể như ở Quảng Ngãi theo một báo cáo của Sở Ngoại vụ tỉnh này, trong những năm qua tình hình tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi hành nghề đánh bắt hải sản xa bờ ở các vùng thuộc Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng tiếp giáp lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ diễn biến rất phức tạp. Số vụ tàu thuyền và ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ ngày càng nhiều, với mức độ thiệt hại lớn. Từ năm 2005 đến nay Quảng Ngãi có 74 tàu cá với 714 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.
Từ khi phía bạn có thông báo trên, khiến tình hình càng thêm khó khăn, ngư dân không khỏi lo lắng. Tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho dù đang vào vụ cá nam nhưng nhiều thuyền lớn, nhỏ phải thả neo nằm bờ...

Hiểm hoạ từ biển khơi!
Ông Nguyễn Tư - Chủ tịch Hội nghề cá ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Xã tôi có 120 chiếc tàu đi đánh bắt xa bờ, là một trong những xã có tàu đánh cá thuộc loại nhiều nhất miền Trung, trước khi có công văn của CKT&BVNLTS, ngư dân ở đây cũng đã “nằm lòng” những “vùng cấm”. “Ngư dân phải biết, phải thuộc để tránh nếu không muốn tan gia bại sản, hoặc chết” – ông Tư nói. Ông Tiêu Viết Là, 48 tuổi, ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu huyện Bình Sơn -Quảng Ngãi kể lại: “Năm 2006 do núp gió Tây Nam tàu ông Là chạy vào khu vực đảo Phú Lâm bị tàu nước ngoài tịch thu sạch toàn bộ máy móc, ngư cụ và như yếu phẩm kể cả tất cả các hải sản đánh bắt được, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng, thuyền viên trên tàu phải nhịn đói chạy về. Năm sau tàu ông cũng lại núp gió vào đó, tàu nước ngoài xông ra, sợ bị tịch thu như năm ngoái ông Là nổ máy bỏ chạy. Thế nhưng họ đuổi theo xả súng vào be tàu khiến 6 ngư dân bị thương, trong đó anh Huỳnh Văn Hưng bị bắn gãy xương tàn phế một cánh tay đến tận bây giờ. Lúc đó họ kê biên lai phạt nhưng sau đó thu tàu khiến ông mất thêm trên 300 triệu. “Xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp khiến gia đình tui lâm vào nợ nần điêu đứng” – ông Là nói. Còn ông Phạm Tĩnh, 58 tuổi, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, chủ phương tiện và cũng là thuyền trưởng tàu QNg - 94734 TS chuyên hành nghề lưới rút cũng cho biết, đã 1 tháng trôi qua ông vẫn chưa hoàn hồn sau vụ tàu bị tấn công trên biển. Chưa hết, bà Bùi Thị Mái, 52 tuổi, ở xã Bình Châu nói trên, có 3 đứa con trai, làm nghề đánh bắt xa khơi cả 3 bị người PhiLippines bắt giam 3 tháng nay chưa biết bao giờ mới được thả.

Do nhiều hiểm hoạ từ biển khơi, khiến ngư dân không an tâm đánh bắt xa bờ, thế là nhiều người phải chuyển nghề. Từ đi khơi qua đi lộng, đánh bắt gần bờ. Cuộc mưu sinh càng khó khăn vì kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ, chủ tàu chỉ còn cách cho tàu gác bến nằm bờ.
Thanh Huyền

---------------------------------------------

Đề nghị Trung Quốc không cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Ngày 7-6, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao ta đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết:Ngày 4-6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển đông và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này. Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc đã hứa sẽ báo cáo về nước đề nghị nêu trên của phía Vïệt Nam.

No comments: