Monday, June 15, 2009

CHIẾC ÁO NGHỊ TRƯỜNG (Xã Luận của BAUXITE VIỆT NAM)

Xã luận số 3 của Bauxite Việt Nam:
Chiếc áo nghị trường

GS Nguyễn Huệ Chi - Nhà văn Phạm Toàn - GSTS Nguyễn Thế Hùng
Ngày 15-6-2009
http://bauxitevietnam.info/thongbao/090615_chiecaonghitruong.htm

Hội trường kỳ họp mới nhất Quốc hội khóa 12 tạm lắng sau ba ngày “điều trần” trong đó “nóng” hơn cả là chuyện làm bauxite ở Tây Nguyên, thế rồi như một ông giáo làng, những lời lẽ dẽ dàng khề khà thân mật của vị Chủ tịch lên tiếng nhận xét từng đại biểu đăng đàn trả lời chất vấn (trừ với đại biểu nào xét ra không thể cư xử kiểu học trò), một không khí đã được nhiều tờ báo mô tả bằng một từ “chấm điểm” với cả “khen chê” “động viên”, và sau đó nhanh chóng đi tới kết luận rằng vấn đề bauxite đang đi tới đồng thuận, khiến cho dư luận đang theo dõi chuyện bauxite có cảm giác mình đang đứng trước một cuộc đùa vui có giá hàng chục hàng trăm ngàn tỷ đồng và một nền độc lập ngàn cân treo sợi tóc.

Bauxite Việt Nam muốn được bổ sung nhận xét của thầy giáo Trọng, xin tình nguyện làm lại công việc nhận xét và chấm điểm cho riêng một vụ việc liên quan đến chủ đề của mình bằng vài ý kiến như sau liên quan đến một số nội dung và cách trả lời chất vấn của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.

Nếu chỉ lướt qua các câu hỏi và câu trả lời, mọi người rất dễ tin tưởng rằng mọi việc đã êm xuôi, đã “đi vào đồng thuận”. Sự thật không phải vậy. Và ta sẽ phân tích xem nếu sự thật không phải vậy, thì đó là cái gì.

“Phát biểu trước phần chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho hay, theo các quy định hiện hành, Quốc hội không yêu cầu Chính phủ báo cáo về các quy hoạch. Theo ông, từ 22/5, hai ngày sau khai mạc kỳ họp QH, Chính phủ đã gửi báo cáo tới QH về các dự án bô-xít. Tại QH, các bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường, Công thương cũng đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng... của các dự án” (Vietnamnet 13-6-09).
Và chỉ với vài ba điều sơ sài đó, Phó Thủ tướng khẳng định: “VN có tiềm năng bô-xít lớn, có thể khai thác trong khoảng 100 năm. Còn nếu chỉ để đáp ứng các nhu cầu trong nước, không xuất khẩu thì có thể khai thác vài trăm năm” (dẫn như trên).

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, và chỉ qua “biên bản” quá ư sơ lược trên, quả tình ông Nguyễn Sinh Hùng trả lời khá lưu loát, trôi chảy. Nói đến Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về vấn đề bauxite ở Tây Nguyên, thì ông Hùng nói “Chính phủ đã có báo cáo”. Ừ thì đúng là đã có báo cáo. Nhưng nếu thật sự nghiêm túc, lẽ ra ông Nguyễn Sinh Hùng nên phân tích xem cái báo cáo đó ra sao sau khi đã nhận được phản hồi từ công luận, chứ không thể chỉ nói gọn “đã có báo cáo”. Bởi vậy, trả lời như ông chỉ mới là một kiểu trả lời theo định đề La Palice ("Mười lăm phút trước khi chết anh ấy còn sống").

Vậy thì, thử xem cái bản báo cáo của Chính phủ đã nhận được những phản hồi gì sau khi nó được công bố? Trên Bauxitevietnam.info, bạn đọc có thể thấy gần đủ hồ sơ phản biện báo cáo đó, mà đây là những nét chính:

1) Người đứng ra báo cáo không đúng tư cách, ít ra là vì đó là ông Bộ trưởng đã để cho phía Trung Quốc trong ba năm liền thao túng trang mạng có tên miền
gov.vn, thậm chí phổ biên trên trang mạng đó “chủ quyền” của họ trên các đảo Việt Nam (thử tưởng tượng một trang mạng công dân nào cho phép làm việc đó thì ông chủ trang mạng có đi tù mọt gông hay không?), sau nữa là vì đó là ông Bộ trưởng đã dung túng cho một viên Thứ trưởng nói những lời xúc phạm hàng trăm chữ ký vào bản Kiến nghị 12-4-2009. Lý ra ngay cả hai chuyện đó cũng nên được giải đáp, dù là giải đáp gián tiếp hoặc vòng vo! Bởi đó là cách hành xử lịch sự tối thiểu trước sự phẫn nộ kìm nén lại của nhân dân. Một Nhà nước của dân do dân vì dân mà tảng lờ chuyện người dân đang lo lắng và phải gửi kiến nghị sẽ là sai lầm lớn!

2) Các luận chứng trong bản báo cáo của Chính phủ không đứng vững trước vô số câu hỏi của các chuyên gia khoa học kỹ thuật mà ngay từ điều đầu tiên, chuyện trữ lượng bauxite Tây Nguyên, đã có cả loạt câu hỏi: căn cứ vào đâu để công bố trữ lượng bauxite Việt Nam? đã có bao nhiêu mũi khoan? những kết quả khoan thăm dò đánh giá hiện lưu giữ ở đâu?… Cho tới những câu hỏi khác về đánh giá môi trường, về kỹ thuật tuyển khoáng, về xử lý bùn đỏ, về nguồn nước, về môi trường văn hóa-sinh thái Tây Nguyên… Lý ra, ông Nguyễn Sinh Hùng nên có câu trả lời mang tính chiến lược gia vào những chi tiết chiến lược đó thì sẽ thuyết phục hơn. Tiếc rằng ông đã hùng hồn không đúng chỗ. Mọi băn khoăn lo lắng như lò lửa nóng vẫn còn nguyên đấy nếu không nói là còn nóng hơn trước.

3) Một việc rất có tầm quan trọng là phương diện pháp chế của quy hoạch Bauxite Tây Nguyên. Trên các trang báo in phải theo “lề bên phải” thì chẳng nói làm gì, nhưng trên các trang báo mạng thực sự tự do ngôn luận, đã có biết bao câu hỏi liên quan tới việc ký kết với Trung Quốc (tại sao lại ký với Trung Quốc và Giang Trạch Dân kia chứ?) và lại ký ngay từ 2001 tức là từ nhiều năm trước khi có “đường lối chủ trương đúng đắn” vào năm 2006, và thậm chí cũng nên giải đáp cả việc Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì đây không phải chuyện hai cá nhân, mà là chuyện trình tự pháp luật làm việc và tất nhiên cũng là uy tín của một Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu.

4) Những câu hỏi về việc xé nhỏ quy hoạch Bauxite Tây Nguyên mà có đại biểu đã dũng cảm gọi đích danh bằng từ "lách luật" lẽ ra cũng nên có lời giải đáp thích đáng. Xin không nhắc lại nữa những lời hỏi dồn dập của đại biểu Dương Trung Quốc. Ở đây chỉ muốn nói cho rõ rằng ông Nguyễn Sinh Hùng lý ra không nên giải đáp quấy quá “Tôi không nghĩ là đã tách ra mà là phải làm từng dự án thì mới tốt được(?!) Chúng ta chỉ có thể lập quy hoạch chung, trên cơ sở đó, làm từng dự án thì mới đúng quy trình và bảo đảm được chất lượng, bảo đảm tất cả vấn đề liên quan đến môi trường, quốc phòng an ninh” (?!). Đây cũng là tư duy của Chính phủ: quy hoạch nào chưa hoàn chỉnh thì hoàn chỉnh, dự án nào chưa thật chu đáo thì phải làm cho chu đáo - “Chính phủ nhận thấy trách nhiệm phải làm tốt hơn, vì nước, vì dân”, ông Hùng nói. Nhưng tách ra từng dự án để làm cho tốt đâu có liên quan gì tới việc phải trình Quốc hội cả một tổng thể dự án vốn liên quan khăng khít với nhau như móc xích về nhiều mặt, không có cái này thì cái khác làm sao có được? Trừ phi thiếu một sự học về lôgic thì không nói, chứ ai mà không thấy ông Nguyễn Sinh Hùng đã ngụy biện khi “vượt mặt” Quốc hội trong cách trả lời ông chẳng bà chuộc này. Có cần nhắc nhở rằng “tư duy của Chính phủ” thực sự theo phong cách một nhà nước pháp quyền là không dựa trên lời hứa, mà dựa trên việc làm đúng luật? Nếu chỉ dựa trên lời hứa thì Sở Khanh hứa hay nhất và cô Kiều với tấm lòng trong sáng như Sao Băng là cử tri ngon lành nhất trong lịch sử nước ta!

5) Những vấn đề về tính sinh lợi của dự án cũng được đem ra mổ xẻ sau khi cả cộng đồng được đọc bản báo cáo của Chính phủ. Tiếc rằng trong lời giải đáp của ông Nguyễn Sinh Hùng vẫn chưa thấy vấn đề này được nêu lại. Song giả sử là có tính sinh lợi cao, cứ giả thiết một điều không có trong thực tế như vậy đi, thì liệu có bù lại những nỗi lo an ninh luôn cánh cánh đối với toàn xã hội hay không? Ông Nguyễn Sinh Hùng dùng một con số có vẻ như rất “thực chứng” trả lời rằng đến ngày 1/6/2009, có 667 người lao động nước ngoài (gồm 4 công dân Úc và 663 công dân Trung Quốc) làm việc tại đây được quản lý theo pháp luật. Lý ra sẽ là tốt hơn nhiều nếu ông giải đáp thêm những thắc mắc về hàng vạn lao động “không kiểm soát được” đã được chính bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ tại diễn đàn Quốc hội. Rất tiếc, ông Hùng không làm điều đó, mặc dù con số ông đưa ra có thể làm cho những người nhẹ dạ tin tưởng liền.
6) Cuối cùng, làm sao nói tới quy hoạch Bauxite Tây Nguyên mà lại không nói tới những hiểm nguy rình rập đất nước ta? Đâu có phải chuyện tình cờ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh) đều nói tới an ninh ở “nóc nhà Đông Dương” trong dự án bauxite này. Tiếc rằng, ông Nguyễn Sinh Hùng không có một câu nào nói tới những lá thư của ba vị tướng lĩnh đó. Chưa kể rằng, ít ra ông cũng cần thay mặt thủ trưởng của mình giải thích chuyện giữ lời hứa tới đâu khi ông Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Đại tướng và hứa hẹn Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến của Đại tướng.

Bauxite Việt Nam thực ra không kỳ vọng nhiều vào chỉ riêng một kỳ họp Quốc hội này mà theo chúng tôi, vẫn tiến hành trong khuôn khổ của cái Quốc hội còn rất nhiều điều đáng bàn. Ta hãy nghe các báo tường thuật: Trong 2 ngày rưỡi chất vấn, đã có 255 câu chất vấn bằng văn bản của 125 đại biểu và 106 lượt ý kiến chất vấn tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa.

Mối nguy chính là nằm trong cái thị hiếu thích số lượng lớn ấy. Lẽ ra, thay vì có những 255 câu chất vấn, thì chỉ nên có MỘT và DUY NHẤT MỘT câu chất vấn về CHỈ MỘT VẤN ĐỀ, và nền pháp trị sẽ hưởng lợi rất nhiều. Tấm áo nghị trường Quốc hội Việt Nam đương thời dường như vẫn trùng nhau về màu giữa cầu thủ và trọng tài. Ông Chủ tịch Quốc hội đâu có được phép đứng lên như ông giáo để nhận xét, “chấm điểm” các đại biểu của hàng chục triệu cử tri? Nghị trường Quốc hội đâu có là nơi để có những kết luận dễ dãi kiểu “chúng ta ngày càng đồng thuận”? Lấy cái gì đảm bảo rằng các thành viên Chính phủ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa?

Tục ngữ phương Tây nói “không phải cứ mặc áo thầy tu thì thành thầy tu” (L'habit ne fait pas le moine). Tấm áo Quốc hội Việt Nam còn cần sửa chữa để thể hiện là một nơi cho những quyền lợi khác nhau tìm ra tiếng nói khả dĩ chấp nhận chung về luật pháp, thay vì một nơi không có thông tin về những quyền lợi và những công cụ luật pháp. Và đó cũng là nơi cần được thay đổi ngay cả những người mặc tấm áo nghị trường: người lớn tuổi cảm thấy phiền lòng khi nhìn tấm ảnh một ông Bộ trưởng hí hửng với Ban thư ký sau khi “trả bài” trót lọt, bỗng thấy thèm khát có những cuộc tranh biện lành mạnh đủ sức phanh phui những sự thật. Sự thật, và chỉ cần sự thật! Luật pháp và chỉ cần luật pháp! Nên nhớ câu chuyện mới xảy ra vài bữa thôi: bà Bộ trưởng nước Anh chỉ “khai nhầm” tiền thuê mấy cuốn băng giải trí mà phải rời nội các ra đi và nội các chao đảo. Vì sao? Vì họ không có lối nói xuế xóa dối trá “con sâu bỏ rầu nồi canh”, mà họ tư duy cách khác, thấy con sâu nào vứt con sâu đó.

Ngày 15-6-2009
GS Nguyễn Huệ Chi

Nhà văn Phạm Toàn
GSTS Nguyễn Thế Hùng

No comments: