CẦN BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 11/6/2009
http://trannhuong.com/news_detail/1789/C%E1%BA%A6N-B%E1%BB%8E-PHI%E1%BA%BEU-T%C3%8DN-NHI%E1%BB%86M-B%E1%BB%98-TR%C6%AF%E1%BB%9ENG-C%C3%94NG-TH%C6%AF%C6%A0NG
Theo đánh giá của một số người, từ ngày ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiều hoạt động của Bộ này hết sức kém hiệu quả. Với vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước, đáng lẽ Bộ phải đề xuất với Chính phủ những chiến lược hợp lý để giúp cho việc thông thương cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp nước nhà trong sự nghiệp CNH - HDDH. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã không là tốt được việc đó. Thậm chí, không ít lần lãnh đạo Bộ còn tìm cách trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm mà điển hình là vụ xuất khẩu gạo. Trong khi Bộ trưởng NN&PTNT dũng cảm nhận sai sót trước hàng triệu nông dân thì Bộ Công thương chỉ nhận... một phần trách nhiệm và đổ lỗi cho các bộ ngành khác.
Đặc biệt là trong những phát ngôn của Bộ khiến dư luận kinh ngạc và bất bình vì cách nói năng hồ đồ, quy chụp và nói thẳng là ít văn hóa. Xin được chứng minh bằng hai ví dụ. Thứ nhất, được biết trong một cuộc họp với báo chí, một vị lãnh đạo Bộ Công thương đã yêu cầu… thu thẻ nhà báo của một một PV . Xin không bàn đến đúng sai của sự việc mà chỉ nói riêng hành động này đã thấy lãnh đạo Bộ hết sức hồ đồ vì thu hay không thu thẻ nhà báo là quyền của Bộ Thông tin & Truyền thông (thẻ đó do Bộ TT&TT cấp). Ngay cả Ban Tuyên giáo TW cũng không có chức năng làm việc này. Đó là “làm sai chức năng” mà dân gian gọi là “lấn sân”.
Dẫn chứng thứ hai, Về thông báo báo chí xung quanh vụ bauxit. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, có lẽ do nói trên nghị trường nên ĐB Thuyết đã “giảm tông”: “Thông cáo báo chí ngày 28/4/2009 của Bộ Công Thương sử dụng nhiều từ ngữ nặng nề, không thích hợp để nói về bản kiến nghị của 135 trí thức trong, ngoài nước liên quan đến dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Bộ trưởng có cho rằng sự đánh giá của bản thông cáo báo chí đó là thỏa đáng không? Nhân dịp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng có thấy cần cải chính và xin lỗi những người bị xúc phạm danh dự không?”. Còn trên thực tế, thông báo không chỉ “sử dụng từ ngữ nặng nề, không thích hợp” mà là sự vu khống trắng trợn nhiều văn nghệ sĩ trí thức yêu nước. Ở đây cũng không bàn đến đúng sai của dự án này mà chỉ nói ở hành vi cư xử.thiếu văn hóa, quy chụp vô căn cứ khi cho rằng các kiến nghi đó là “xuyên tạc, bóp méo sự thật”…”gây mất đoàn kết giữa Đảng và nhân dân hai nước…”. Vì nếu điều đó là đúng, các trí thức ký vào bản kiến nghị đã phạm tội hình sự. Thực ra, tội “xuyên tạc sự thật” đó thuộc về.. lãnh đạo Bộ Công thương và người đứng đầu, vị “tư lệnh chiến trường” là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phải chịu trách nhiệm.
Thứ trưởng Lê Dương Quang còn nói úp mở rằng có một số W, Blog nhận tiền từ các tổ chức phản động ở nước ngoài. Không bàn đến sự đúng sai của thông tin thì phát ngôn này đã mắc không ít sai phạm nghiêm trọng. Thứ nhất, nếu có việc nhận tiền thì và cần được thông tin thì việc đó thuộc trách nhiệm của Bộ Công an hoặc Bộ TT&TT với tư cách phổ biến nội bộ. Bộ Công thương không có chức năng làm việc này. Thứ hai, nếu có điều đó thì vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Việc thông báo trước hàng trăm người tại một cuộc họp công khai là làm lộ bí mật vụ án. Điều thứ ba, khi tòa chưa kết luận thì với tư cách một cơ quan Nhà nước, Bộ không được phép có những phát ngôn hàm hồ như vậy. Điều thứ tư, hết sức quan trọng là nếu không có việc đó, tức là chẳng có một W hay blog nào nhận tiền của phản động nước ngoài thì hành động úp mở đó là gì? Cũng nhắc lại với Lãnh đạo bộ Công thương rằng ở ta, cái sự “mập mờ, úp úp, mở mở” đã từng làm hại không ít người lương thiện.
Một sự làm tắc trách đến không thể hiểu nổi là việc quản lý trang Thông tin kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Sự vô trách nhiệm đến kinh ngạc khi những người quản lý để phía Trung Quốc đăng tải những thông tin sai trái với đường lối ngoại giao cũng như sự vẹn toàn biên cương, lãnh thổ của ta. Và chỉ đến khi bạn đọc chỉ ra những thông tin đó, những người trực tiếp quản lý mới biết.
Chính những việc làm không đúng, không nên và không được phép của lãnh đạo Bộ Công thương đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và đông đảo nhân dân không đồng tình, thậm chí phẫn nộ. Trong dân gian, đã xuất hiện những bài “vè” như kiểu:
Thảm thương thay Bộ Công thương
Để cho một đám lê dương hoành hành
Nói thì quy chụp, lưu manh
Trốn tránh trách nhiệm, điều hành lơ mơ…
Đó là nỗi đau, là mất mát lớn của toàn ngành bởi những hành vi sai trái trên chỉ do một nhóm rất ít những người có vị thế gây ra khiến hàng vạn những người tốt khác trong ngành bị ảnh hưởng.
Để củng cố bộ máy lãnh đạo Bộ xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ của mình trong xu thế CNH - HĐH, đã đến lúc Quốc hội cần thể hiện trách nhiệm và quyền lực của mình bằng Điều 12 Luật tổ chức Quốc hội.. Đó là bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng có thể được coi là cơ hội để điều luật này lần đầu tiên đi vào cuộc sống sau nhiều năm nằm trên bàn giấy.
BỘ TRƯỞNG CÓ THẤY CẦN CẢI CHÍNH VÀ XIN LỖI KHÔNG ?
No comments:
Post a Comment