Wednesday, June 3, 2009

20 NĂM BỨC MÀN IM LẶNG TRÊN THIÊN AN MÔN

Hai mươi năm bức màn im lặng trên Thiên An Môn
Bảo Thạch, Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 03/06/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 03/06/2009 12:39 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3724.asp
Hai mươi năm sau thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, vết thương vẫn không lành cho dù Bắc Kinh tìm đủ mọi cách kiểm duyệt ký ức. Phương Tây cũng nhanh chóng trở lại ve vãn những người mà họ từng lên án là '' những tên đồ tể Bắc Kinh "

Một thanh niên tay không chận đoàn xe tăng đến đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn. Một hình ảnh đã đi vào lịch sử.
http://www.rfi.fr/actuvi/images/114/thienanmon200.jpg

Ngày 35 tháng 5

Trên khắp các lục địa, từ Sydney đến Luân Đôn, từ Paris sang Washington hay Hồng Kông, các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn được tổ chức nhân ngày giỗ này. Nhưng tại Trung Quốc, chính quyền buộc mọi người phải mắc bệnh mất trí: mọi tin tức liên quan đến ngày " mồng bốn tháng sáu " bị thanh lọc và tẩy xóa trên mạng, đến mức hôm nay, những người sử dụng Internet tại Trung Quốc phải luồn lách, gọi " ngày 4 tháng 6 " là " ngày 35 tháng 5 ".

Điều chắc chắc là mạng Internet phải giữ im lặng tuyệt đối. Chính quyền Trung Quốc không muốn xảy ra một sự trao đổi nào về ngày " 35 tháng 5 ". Bức tường lữa thuộc hệ thống kiểm duyệt trên mạng đã biến thành " Vạn Lý Trường Thành " hay " Bức tường ô nhục ", theo bình luận của một số người trên Internet.

Bởi vậy mà ngày hôm nay, tại Trung Quốc, rất ít khả năng diễn ra một cuộc tập hợp nào để tưởng nhớ Thiên an Môn : các nhà ly khai bị đặt dưới vòng kiểm soát gắt gao của công an. Có thể ai đó ngày mai sẽ can đảm mặc áo trắng, màu tang chế, để thầm nói lên sự phản đối, theo lời kêu gọi của đối lập lưu vong.
Theo nhà phân tích Jean-Philippe Béja ( Pháp ) : " Trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, người ta rất lo ngại sẽ phải trả lời về việc đã thừa kế quyền lực từ những " tay đồ tể Thiên An Môn ".

Bị cấm kỵ nhắc nhở đến, điều mà chính quyền quy chụp với bản án " phiến loạn chống cách mạng " vẫn còn chờ đợi một ngày kia sẽ được xét lại. Con số nạn nhân cũng không rõ ràng. Một bản tổng kết đầy đủ của Tòa Đô chính Bắc Kinh đưa ra con số 241 nạn nhân thiệt mạng, trong khi các nhà bảo vệ nhân quyền cho rằng đã có ít nhất hàng ngàn trường hợp tử vong.

Trong lớp trẻ hiện nay, ít ai biết rằng, cách đây 20 năm, từ trung tuần tháng 4 đến ngày 4 tháng 6, những thanh niên, sinh viên như họ, mang lý tưởng Dân chủ, đã được sự ủng hộ của đông đảo công nhân, giáo viên, công chức và dân cư Bắc Kinh, để khởi xướng phong trào biểu tình sẽ nhanh chóng lan sang nhiều thành phố và khiến cho Đảng Cộng sản cầm quyền gần như bị tê liệt.

Vào thời điểm đó, tất cả các ông kính truyền hình truyền thông trên thế giới đều nhắm về hướng Thiên An Môn, đặc biệt nhân cơ hội Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov đến viếng thăm Bắc Kinh vào giữa tháng 5 năm 1989.

Theo nhiều nhà báo, phong trào mệnh danh là Mùa Xuân Bắc Kinh vào đỉnh điểm đã tập hợp được cả triệu người để yêu cầu dân chủ hóa. Các lãnh đạo sinh viên, vành khăn đỏ quấn đầu, tuyệt thực đòi đối thoại với chính quyền. Ngày 30 tháng 5, trước bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông, họ đã xây một bức tượng Nữ thần Tự do cũng vĩ đại không kém.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản bị chia rẽ. Triệu Tử Dương muốn bênh vực cho thanh niên biểu tình, nhưng Đặng Tiểu Bình quyết định sử dụng bạo lực. Ngày 3 tháng 6, chính quyền ra lệnh cho sinh viên rời quảng trường Thiên An Môn. Trong chốc lát, các xe thiết giáp đổ về đây. Đêm hôm đó, chẳng còn nghi vấn gì nữa, quân đội được gọi là quân đội nhân dân, đã xả súng bắn vào đám đông. Một số lãnh đạo sinh viên như Vương Đan, Ngô Nhĩ Khai Hy, Sài Linh, buộc phải lui vào vòng bí mật, rồi ra đi sống lưu vong, trong khi Trung Quốc bước vào thời kỳ bị cô lập.
Phương Tây cũng nhanh chóng xí xoá vụ Thiên An Môn

Tuy nhiên, 20 năm sau vụ Thiên An Môn, từ kẻ ''tội đồ'' của thế giới, Trung Quốc đã vươn lên thành nhân vật tối cần trên chính trường quốc tế.
Thật vậy, vào thời điểm hiện nay, từ Hoa Kỳ cho đến châu Âu, tất cả những ai từng hứa hẹn trừng phạt những kẻ bị họ mệnh danh là ''những tên đồ tể tại Bắc Kinh'', đều cố ve vãn chính quyền Trung Quốc, để giành được thị phần tại một nước có sức hấp dẫn đáng kể về mặt kinh tế.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đang làm các nước Phương Tây điêu đứng lại càng gia tăng uy thế của một quốc gia được cho là có khả năng cứu vãn đà tăng trưởng của thế giới, đồng thời là chủ nợ hàng đầu của siêu cường Hoa Kỳ. Sự kiện Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới Davos trải thảm đỏ đón thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tháng giêng 2009 là dấu hiệu rõ nhất về thực tế này.
Hai mươi năm sau vụ Thiên An Môn, Liên Hiệp Châu Âu đã trở thành bạn hàng số một của Trung Quốc, thậm chí còn ký kết với nước này một thỏa thuận đối tác chiến lược. Pháp và Đức, hai đầu tầu của Châu Âu, trong những năm gần đây, đã không ngừng vận động để Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh, được ban hành ngay sau vụ Thiên An Môn, viện lẽ biện pháp trừng phạt này đã ''lỗi thời''.

Thái độ của Hoa Kỳ cũng không khác. Cựu tổng thống Bill Clinton, người đã lên án những ''tên đồ tể tại Bắc Kinh'' trong cuộc vận động tranh cử năm 1992, đã chính thức đi thăm quảng trường Thiên An Môn 6 năm sau đó. Phu nhân cựu tổng thống, hiện là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cũng mau mắn công du Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức. Tại Bắc Kinh, bà Hillary Clinton đã cho biết rõ là nước Mỹ sẽ không để cho hồ sơ nhân quyền chi phối tiến trình hợp tác với Trung Quốc trên các hồ sơ thiết yếu như kinh tế hay khí hậu.
Thậm chí bà chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi, người vào năm 1991 đã từng trương biểu ngữ ngay trên quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm ''những người chết vì dân chủ tại Trung Quốc'', cũng đã đến Bắc Kinh cuối tháng 05/2009 và tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Quốc, chủ yếu bàn về vấn đề khí hậu.

Theo chuyên gia John Delury, thuộc Trung Tâm Quan hệ Mỹ Trung tại hội Asia Society, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu đã đẩy tất cả các vấn đề khác xuống hàng thứ yếu. Ông T. Kumar, thuộc tổ chức Amnesty International, chi nhánh tại Hoa Kỳ cũng ghi nhận : ''Hoa Kỳ có thể cứng rắn với Miến Điện trên hồ sơ nhân quyền, nhưng khi đụng đến Trung Quốc thì do các nguyên nhân chiến lược, vấn đề lại khác."


No comments: