Tổ chức lễ trao giải Sakharov cho ông Hồ Giai, mặc dù nhà ly khai này đang bị cầm tù tại Trung Quốc
Bảo Thạch, Mai Vân
Bài đăng ngày 17/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 17/12/2008 16:09 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1926.asp
Hồ Giai, nhà bảo vệ môi trường cũng được biết đến qua cuộc đấu tranh cho những bệnh nhân Aids. Ông cũng muốn làm sáng tỏ vụ đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989. Ông bị bắt sau khi lên tiếng về việc tổ chức Thế Vận Hội tác động xấu lên nhân quyền tại Trung Quốc
Ảnh chụp truớc khi Hồ Giai bị kết án tù (AFP)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/106/HuJjia200copie200.jpg
Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền ra đời, giải thưởng Sakharov hôm nay được Nghị viện châu Âu long trọng trao tặng cho Hồ Giai, nhà ly khai Trung Quốc.
Thế nhưng, nghịch lý ở đây là ông Hồ Giai, đang ngồi tù và người vợ của ông, Tăng Kim Yên bị công an cô lập hoàn toàn và không thể đến Strasbourg, nước Pháp để thay mặt cho chồng, nhận giải thưỏng này.
Hồ Giai thọ án ba năm rưỡi tù giam.
Thông tín viên Marc Lebeaupin tường thuật từ Bắc kinh.
"Buổi lễ hôm nay tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg diễn ra trong lúc nhân vật chính yếu vắng mặt. Không ai nghĩ là Trung Quốc sẽ cho phép ông Hồ Giai đến nhận giải Sakharov. Hồ Giai đang thọ án ba năm rưỡi tù giam vì tội danh : khuynh đảo chế độ.
Người ta có thể nghĩ là ít ra sẽ có một người thân của Hồ Giai hiện diện hôm nay. Nhưng vợ của ông, trong thực tế bị quản thúc tại gia.
Một nghị sĩ Châu Âu trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua đã không được phép đến nhà của bà Hồ Giai ở ngoại ô Bắc kinh. Chúng tôi đã liên lạc với bà sáng nay, nhưng bà tỏ ra rất lo sợ, và không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Luật sư của ông Hồ Giai cũng không muốn trả lời.
Chỉ trong vòng vài tháng, ông Hồ Giai đã trở thành nhà ly khai gây phiền hà nhiều nhất cho Trung Quốc : nhà bảo vệ môi trường này, cũng được biết đến qua cuộc đấu tranh cho những người bị bệnh Aids. Ông cũng muốn làm sáng tỏ vụ đàn áp ở Thiên an Môn năm 1989. Hồ Giai bị bắt sau khi lên tiếng về việc tổ chức Thế vận hội tác động xấu lên nhân quyền tại Trung Quốc.
Châu Âu và Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ nhà ly khai này. Nghị viện Châu Âu trao tặng giải Sakharov cho Hồ Giai vì cuộc đấu tranh hằng ngày của ông cho quyền tự do của tất cả các nhà đối lập ở Trung Quốc, và yêu cầu chính quyền Bắc kinh trả tự do cho ông.
Trước những thông điệp này, Trung Quốc đã đáp lại bằng thái độ không hài lòng và tố cáo sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc".
Xin nhắc lại Hồ Giai, mới 35 tuổi, nhưng đã từ lâu, ông xuất hiện như một trong những nhà hoạt động kiên trì nhất tại Trung Quốc để bênh vực Nhân quyền, bảo vệ môi sinh và cứu trợ những bệnh nhân AIDS.
Ông sinh ngày 25 tháng 7 năm 1973.
"Luật gia đi chân đất" chống bất công xã hội.
Tại Trung Quốc, ông được quen biết dưới bí danh Freeborn. Ông cũng là một trong những người điều phối của phong trào "Những luật gia đi chân đất", một hiệp hội chủ trương đấu tranh chống lại bất công xã hội, trong khuôn khổ luật pháp hiện hành.
Vợ của ông, bà Tăng Kim Yên, đã được tạp chí Mỹ, Time Magazine, bầu làm một trong 100 nhân vật nổi bật năm 2007. Cùng hoạt động bảo vệ nhân quyền, bà Tăng Kim Yên đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, năm 2006 tại Ấn Độ.
Về phần mình, Hồ Giai đã theo Phật giáo Tây Tạng từ năm 1989, nhân Mùa Xuân Bắc Kinh, khi sinh viên biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn. Từ năm 2000, bắt đầu công cuộc trường chinh của Hồ Giai để cứu trợ nạn nhân AIDS.
Trong nhiều năm liên tiếp, từ 2000 đến 2005, Hồ Giai sinh hoạt nhiều tháng trời mỗi năm với nông dân tại các ngôi làng hẻo lánh tỉnh Hà Nam, bị đặt tên là các ngôi làng AIDS, vì nạn nhân thuộc thành phần nghèo khó, bán máu và đã bị lây căn bệnh oan nghiệt này qua đường truyền máu. Hồ Giai lúc đó tuyên bố : "là một người theo đạo Phật, bổn phận của tôi là có mặt bên cạnh các nạn nhân này để chia sẻ khổ đau".
Không ai biết ông Hồ Giai bị giam ở đâu.
Từ 2006 trở đi, Hồ Giai bị thường xuyên giam giữ, bị quản thúc tại gia, và có lần bị công an đánh đập. Ngày 26 tháng 11 năm 2007, Hồ Giai đã tham gia cuộc điều trần về Nhân quyền tại Trung Quốc, do Nghị viện Châu Âu tổ chức. Lần đó, qua webcam, Hồ Giai đã cảnh báo công luận về việc chính quyền Bắc Kinh sẽ không tôn trọng lời hứa cải thiện Nhân quyền, trong dịp Thế Vận Hội.
Ngày 27 tháng 12 năm ngoái, ông bị công an đến nhà bắt giữ với tội danh "xúi dục khuynh đảo quyền lực Nhà nước". Trong vòng nhiều tháng trời, không ai biết rõ ông bị giam giữ ở đâu. Đầu năm 2008, vợ và luật sư của ông mới được phép tiếp xúc với Hồ Giai.
Ngày 23 tháng 10 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã quyết định tôn vinh Hồ Giai với giải thưỏng Sakharov, mặc dù trước đó, Bắc kinh đã giận dữ, đe doạ quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Châu Âu sẽ bị tổn hại.
No comments:
Post a Comment