Monday, December 22, 2008

CHIAẾN LƯỢC GIÁO DỤC 2008-2020

Dự thảo Chiến lược giáo dục 2008 - 2020: “Loay hoay” giáo dục phổ thông
Thứ bảy, 20/12/2008, 03:55 (GMT+7)
http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2008/12/175748/
Hôm qua, 19-12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đã tiếp tục có buổi báo cáo về hiện trạng giáo dục (GD) Việt Nam và dự thảo chiến lược GD 2008 - 2020 với đại diện UBMTTQ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam…

Nêu chỉ tiêu mà thiếu cơ sở khoa học

Tại buổi góp ý, nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu đại diện cho các tổ chức xã hội đều nhấn mạnh, vấn đề GD hiện nay là trăn trở của nhiều tầng lớp nhân dân. Đồng thời, GD phải đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh, thời điểm nhất định. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên chiến lược GD phải tìm ra một vài điểm quyết định, đột phá.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà khoa học băn khoăn đối với bản chiến lược GD này là thiếu những giải trình, những căn cứ khoa học để xây dựng chỉ tiêu cũng như những đánh giá sát thực về tình hình GD hiện nay.

GS Nguyễn Hữu Tăng (Liên hiệp các KHKT Việt Nam) cho rằng: Mong muốn thì nhiều nhưng phải được xây dựng trên cơ sở khoa học thì tính thực tiễn mới cao. GS Tăng nêu ví dụ về việc đặt mục tiêu 2 trường ĐH đẳng cấp quốc tế, cần phải trình bày cơ sở nào để đặt mục tiêu như vậy.

Tán thành quan điểm này, GS Vũ Dương Ninh (Hội Sử học VN) cũng nhấn mạnh: Dự thảo chuẩn bị công phu, đưa ra nhiều vấn đề nhưng lại dàn trải từ bậc mầm non đến đại học. Trong khi chiến lược phải tìm ra một vài mục tiêu lớn rồi đề xuất giải pháp. Từ nay tới năm 2020 không còn xa nhưng cũng đủ thời gian xoay chuyển cục diện GD nếu xác định được mục tiêu đúng.
GS Ninh đề nghị Bộ GD-ĐT cần xác định từng bước đi tương ứng với các mốc thời gian như 3 năm đầu thực hiện chấn chỉnh hiện trạng rồi sau đó mới đặt mục tiêu phát triển… Đại diện cho tiếng nói của Hội Cựu giáo chức, GS Nguyễn Mậu Bành thẳng thắn: Trong 3 đỉnh của tam giác phát triển GD, bộ mới nêu 2 đỉnh, còn bỏ trống một đỉnh, đó là đội ngũ giáo viên.
“Một số chỉ tiêu nêu trong dự thảo rất đáng phấn khởi như: 450 sinh viên/vạn dân; dạy ngoại ngữ đại trà trong trường phổ thông… nhưng việc chuẩn bị lực lượng giáo viên để đáp ứng mục tiêu này thì không thấy nói đến, điều kiện là tài chính thì không nêu ra mà chỉ nói chi cho GD là 21% ngân sách, bằng đó cũng chỉ thêm được 12 USD/người đi học” - GS Nguyễn Mậu Bành nêu ý kiến.

Chiến lược hay cải cách?


GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học VN) tỏ ra khá lạc quan trước sự phát triển của GD trong giai đoạn vừa qua. Số trường ĐH phát triển nhanh, nếu chia đều cho các tỉnh thì hiện nay, mỗi tỉnh có đến 6 trường ĐH, CĐ, 20 trường trung cấp nghề và TCCN. “20 năm trước, không thể mơ được điều này” – GS Dong nói. Nhưng ông cũng bày tỏ sự lo ngại trước đề nghị dừng làm chiến lược, làm cải cách GD trước của MTTQ. “Theo tôi, hai cái này không loại trừ nhau. Muốn có cải cách thì phải chuẩn bị. Phải có chiến lược để điều chỉnh GD vào guồng. Bộ GD-ĐT và Liên hiệp các hội KHKT và MTTQ phải bàn kỹ vấn đề này” – GS Phạm Tất Dong đề nghị.

Tháng 11 vừa qua, nhóm chuyên gia của Hội đồng tư vấn KH–GD (UBMTTQ Việt Nam) đã tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết đề xuất với Ban Bí thư thực hiện một cuộc cải cách, chấn hưng GD. Tuy nhiên, ông Hoàng Hưng, đại diện UBMTTQ Việt Nam, khẳng định, UBMTTQ tập hợp ý kiến các nhà khoa học với quan điểm không phải bỏ chiến lược mà mong muốn chuẩn bị kỹ để làm được cả cái lớn hơn, như là một cuộc cải cách GD.

Nhưng, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, chiến lược GD mới vẫn “loay hoay” ở GD phổ thông, trong khi GD ĐH, dạy nghề đang rất cần đột phá. Nhìn nhận ở khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước, ông Dương Văn Sao (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, phần lớn chiến lược mới chỉ tập trung nâng chất lượng GD bậc phổ thông, chưa bàn sâu đến đào tạo nghề và đại học cũng như dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực. Trong khi đó, đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sử dụng nên ngành thiếu lao động, ngành lại thừa. Trong khi đó, đào tạo ĐH đang phát triển “nóng” so với khả năng, thực trạng dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên, giảng viên chạy “sô”, không có thời gian nghiên cứu khoa học.
------------------------

Sau khi nghe góp ý, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sẽ tiếp tục chỉnh sửa dự thảo, mỗi giải pháp đưa ra sẽ có chính sách đi kèm. Đồng thời, bổ sung thêm bản tóm tắt quá trình chuẩn bị cũng như các minh họa (mỗi nhận định có số liệu đi kèm). Đồng thời, sẽ làm rõ hơn nhu cầu tài chính. Đặc điểm của GD là từ trước đến nay là không tính toán tài chính đi kèm. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với một số tổ chức để có báo cáo sâu hơn về các vấn đề trong chiến lược. Bản dự thảo cũng sẽ được nêu rõ hơn với 3 chặng phát triển, trong đó giai đoạn 2008 – 2010 được xem là giai đoạn quá độ.
Đinh Lan


No comments: