Tuesday, December 23, 2008

ĐẠT LAI LẠT MA NÓI GÌ TẠI BA LAN ?

Lãnh tụ Tây Tạng nói gì tại Ba Lan khi tới Âu Châu
Tôn Vân Anh
Đăng ngày 22-12-2008
http://danchimviet.com/articles/706/1/Lanh-t-Tay-Tng-noi-gi-ti-Ba-Lan-khi-ti-Au-Chau/TrangPage1.html

Lãnh tụ tinh thần

Tại Bruxelles Lãnh tụ Tây Tạng tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ với giới chức cao nhất của Liên Minh Châu Âu về vấn nạn bị Trung Quốc đô hộ nhưng khẳng định tư cách của mình chỉ là người quảng bá nhân quyền và thực hiện bổn phận của một nhà tu. Các quyết định chính trị, theo Đạt Lai Lạt Ma, nằm trong tay chính phủ của người Tây Tạng được thành lập theo thể thức dân chủ năm 2001 và cho tới nay, Đạt Lai Lạt Ma đã từ bỏ vai trò lãnh tụ chính trị, chỉ còn giữ vai trò lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng.
Từ năm 2001, người Tây Tạng di cư, trong cuộc bầu cử dân chủ, đã tạo dựng được tất thảy các cơ cấu và đơn vị dân chủ cho mình, chúng tôi đã có được chính phủ dân chủ, độc lập. Trong cuộc tiếp kiến tại Quốc Hội Châu Âu, tôi có bày tỏ rằng trong quyết định chính trị thì Chính phủ của người Tây Tạng di cư là lãnh đạo của tôi còn trong các vấn đề tâm linh thì tôi lại là bề trên tại Tây Tạng. Bằng cách đó lịch sử 400 năm tồn tại của cơ cấu Đạt Lai Lạt Ma với tư thế vừa là lãnh đạo chính trị kiêm lãnh đạo tinh thần đã kết thúc, là điều tôi vô cùng hãnh diện.

Đây là chuyến thăm Ba Lan của Đạt Lai Lạt Ma theo lời mời chính thức từ Chủ tịch Thượng Viện Cộng Hòa Ba Lan, Bogdan Borusewicz - Ảnh: Tôn Vân Anh
http://www.danchimviet.com/content_images/2/latma_pl1.jpg

Tây Tạng đặc thù

Thuyết phục Châu Âu cho một Tây Tạng tự trị trong lòng Trung Quốc, Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tính đặc thù khác biệt của nền văn hóa Tây Tạng:
Qua nhiều biến chuyển lịch sử, Tây Tạng vẫn luôn là nước không phát triển về vật chất. Chỉ có phát triển về tinh thần và tâm linh thì ở mức rất cao. Chính người Tây Tạng phải mong mỏi được ở trong vòng biên giới của Trung Quốc, chúng tôi không muốn tách rời mình khỏi Trung Quốc.
Người Tây Tạng có ngôn ngữ riêng, có văn hóa đặc thù nghìn năm của mình, vốn không có liên hệ gì với văn hóa Trung Quốc. Chúng tôi cũng có hệ tâm linh riêng biệt, cách thể hiện tình cảm khác biệt. Đã rất nhiều nhà khoa học Tây phương nhận xét Phật giáo của chúng tôi không chỉ là hệ tâm linh mà còn là cả một hệ khoa giảng tư duy. Bởi vậy mà việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng là việc trọng đại. Trong chuẩn mẫu nhà Phật đã hàm mang các giá trị giáo lý, văn hóa bất bạo động. Bảo tồn các giá trị đó không chỉ phục vụ cho 6 triệu dân Tây Tạng mà cho cả thế hệ trẻ Trung Quốc đang phải chịu đựng nhiều thử thách bắt nguồn từ việc thiếu thốn các chuẩn mực và giá trị đạo đức.

Đạo đức mộc mạc

Khi tiếp xúc với đại chúng hay báo giới ở hai nước Đông Âu là Tiệp và Ba Lan, thông điệp của Đạt Lai Lạt Ma lại trọng tâm vào các định nghĩa đạo đức, nhân bản và bác ái.
Chúng ta đều là người như nhau thôi, ai cũng sinh ra, cũng lớn lên từ sữa mẹ, đều mang những ước nguyện và cảm xúc giống nhau.
Trẻ thơ tận hưởng mọi điều tốt đẹp và các giá trị đạo đức, hưởng hạnh phúc ngay từ sữa người mẹ. Sau đó mới là đề tài tư duy và chí khôn mỗi người. Tình thương dẫn dắt cho chí khôn để đi tới. Có khi chí khôn và tư duy con người khơi nên bạo lực, khi đó, nếu chúng ta không trở lại tìm đạo đức và tinh thần nhân bản thì bạo hành sẽ trở nên vượt trội và ta không còn điều khiển nó được nữa. Hitler hay Stalin, khi còn tấm bé, hẳn cũng được uống sữa mẹ. Trong thời đại hiện nay, chúng ta thường quên đi các yếu tố cơ bản và lơ là việc giáo dục, vốn là công cụ biểu dương các giá trị nhân văn cơ bản.
Nhiều người cho rằng cái thiện, đạo đức là các khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo. Không phải vậy. Thiện là các giá trị tổng hợp, cái thiện trong tim cho ta nghị lực cũng như bình an tư duy, dẫn tới bình an nội tâm. Ai cũng muốn có được ngày an bình, và để tìm được an bình nội tâm, an bình ở trong ta và ta phải kì công tìm thấy nó trong mình. Quyền lực hay tiền tài không đem lại cho ta bình an, chúng ta cần giáo dục.

Đức Đạt Lai Lạt Ma còn nhắc tới dự án giáo dục tại Anh cho một môn học mới mang tên môn học “hạnh phúc”, và khuyên mọi người cùng suy ngẫm và khuếch trương sáng kiến đó.

"Để được người khác vị nể thì phải tôn trọng nhân bản, tôn trọng tự do tín ngưỡng và các nguyên tắc dân chủ” - Ảnh: Tôn Vân Anh
http://www.danchimviet.com/content_images/2/latma_pl2.jpg

Vấn đề Trung Quốc

“Hàm trọng của hòa bình và bao dung”, “Trách nhiệm phổ cập trong thời đại mới” hay “Cảm thông, tiền đề hạnh phúc” là nhan đề các buổi nói chuyện trước nhiều ngàn người tại Ba Lan và Tiệp.
Nhưng các câu hỏi từ công chúng đưa ra nhiều nhất vẫn là đề tài Trung Quốc, đặt hoài ghi về tính khả thi của việc Trung Quốc bề thế sẽ thay đổi diện mạo. Đạt Lai Lạt Ma phân tích:
Có người bạn là nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc nói với tôi rằng giấc mơ của Trung Quốc là được trở thành cường quốc. Để có thể là cường quốc cần phải có sức người, điều thứ 2 là sức mạnh quân sự, ví dụ như có vũ khí hạn nhân và thứ 3 là sức mạnh kinh tế. Trung Quốc đã có được 3 điều kiện đó. Điều mà Trung Quốc thiếu là thiếu chuẩn mực đạo đức cho các nước khác vị nể để được trở thành cường quốc thực thụ. Để được người khác vị nể thì phải tôn trọng nhân bản, tôn trọng tự do tín ngưỡng và các nguyên tắc dân chủ. Nhắc nhở Trung Quốc về nhân quyền không hề làm Trung Quốc bị tổn thất mà ngược lại. Các bạn xem, Trung Quốc nói là Trung Quốc mạnh, thế mà nhiều khi lại hành xử như một nước nhược tiểu, coi 1, 2 bài báo được đăng có thể gây ảnh hưởng quốc gia? Thật là nhầm lẫn. Hãy để cho người ta được viết, sẽ không hại gì tới Trung Quốc.

Phát biểu một cách lạc quan, Đạt Lai Lạt Ma nói, nếu nhìn vào tương lai Tây Tạng một cách bó hẹp, tình hình có vẻ như không gì sáng sủa, thế nhưng lòng nhiệt thành của người dân trên thế giới, trong đó có đông đảo trí thức Trung Quốc ủng hộ và đoàn kết với Tây Tạng là cơ sở để hi vọng.

Báo chí tại Ba Lan có đôi chút hóm hỉnh khi so sánh tổng thống Ba Lan với ông Sarkozy bởi cũng bị Trung Quốc chỉ trích nặng nề sau lần hội kiến riêng với Đạt Lai Lạt Ma. Riêng Đại sứ Ba Lan tại Bắc Kinh đã nhận được “lệnh triệu tập khẩn cấp” tới bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau khi có tin Đạt Lai Lạt Ma tới Ba Lan được tiếp kiến chính thức với vị tổng thống nước này.

© 2008 www.danchimviet.com

No comments: