Wednesday, December 31, 2008

TÌNH YÊU VAY MƯỢN

Tình yêu vay mượn
Hoàng Cúc
Đăng ngày 30/12/2008 lúc 16:22:48 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3409
Tối 28-12-2009, sau trận hoà với đội tuyển Thái Lan ở trận lượt về, đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vô địch trong một giải đấu dành cho các đội túc cầu Đông Nam Á, sau rất nhiều năm mỏi mòn chờ đợi. Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, từng đoàn người gầm rú trên các đường phố, phóng xe bạt mạng, gào thét như lên đồng. Kết quả là số vụ tai nạn giao thông tăng khoảng 20 %, cũng có nghĩa là có thêm mấy chục mạng Việt nhập đoàn rước mừng chiến thắng với Diêm Vương, cùng với vài trăm kẻ bỗng dưng thành phế nhân giữa một xã hội mà sự khốn cùng đã quá nhiều. Mặt sau tấm huân chương không chỉ là mầu đồng úa rỉ, mà là mầu máu Việt. Thiết tưởng đó là cái giá quá đắt đối với một trận túc cầu, một trò chơi, dù nó mang tầm vóc khu vực. Vậy nên chăng người Việt chúng ta dành vài phút quan sát và lí giải đôi chút hiện tượng kì quái này?

Máy lọc tình yêu


Những ngày đầu tiên, khi đứa trẻ Việt Nam vừa bập bẹ tập nói, nó tới trường mẫu giáo và được dạy hát rằng: “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh, ai yêu bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng? Ơ, có bác Hồ đời em được ấm no, chúng em kính dâng ngàn đoá hoa lên bác Hồ.”

Con trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng, những chữ đầu tiên những nhà giáo dục viết lên đó sẽ góp phần định hướng cho cuộc sống tương lai của con trẻ. Và những nhà đào tạo tại nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã không ngần ngại viết những dòng nồng nàn yêu thương như thế. Con trẻ sẽ sống mãi với tình yêu đó, một loại tình yêu rất mơ hồ và phù phiếm. Trong tương lai, nó sẽ còn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng loại á phiện này và hầu như vĩnh viễn không còn khả năng nghĩ khác đi, hoặc đặt lại vấn đề về bác Hồ của nó.

Cứ như thế, cái lẽ đơn giản trong đời sống của một con người là “Yêu ai thì bảo rằng yêu / Ghét ai thì bảo rằng ghét” đã trở thành chuyện hoang đường đối với rất đông người trẻ Việt Nam. Tình yêu của bao thế hệ học trò Việt Nam đã chỉ còn một lựa chọn duy nhất là “theo định hướng XHCN”, là chỉ còn biết vè vè “theo lề bên phải”. Thử hỏi một kẻ không yêu nổi ngay cả con mình sinh ra, hoặc cứ cho là kẻ đó có yêu con mình tha thiết lắm như ai đó đang gân cổ lên bảo vệ, nhưng với uy tín và quyền lực ở “đỉnh cao chói lọi”, ngàn lần hơn bao nhiêu người cha Việt Nam khác, lại chẳng làm được gì hay chẳng muốn làm gì cho con mình, kẻ đó liệu có thể yêu thương được con cái người khác hay không? Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng dường như có thứ người còn khủng khiếp hơn hổ dữ nhiều lần. Tôi luôn cho rằng đối với kẻ không biết cách yêu thương ngay cả con mình, đừng nên mất công phí sức nói đến những chuyện trừu tượng cao xa như “lòng yêu nước thương nòi”.

Nhưng ở đời cũng chẳng thiếu những người coi cuộc đời như một sân khấu để mình mặc sức diễn đủ trò hỉ nộ và lạ thay, rất nhiều kẻ lại thích để mình khóc cười buồn vui theo ánh nhìn thôi miên của gã diễn viên bậc thầy.

Yêu hộ

Thời bao cấp đã lùi xa vài chục năm. Bây giờ trong lúc trà dư tửu hậu, kẻ từng nếm mùi khủng khiếp của cuộc sống thời đó kể lại cho con cháu nghe, như chuyện cổ tích của một thời xa xưa lắm. Nghĩ ra thật cũng còn may cho người Việt lắm, chứ nếu đảng và nhà nước cứ “kiên trì trước sau như một” đường lỗi cũ, tức là từ chiếc kim sợi chỉ, từ bao diêm chai dầu, tất tần tật đều do nhà nước “lo” cho dân theo kiểu quản lí và phân phát qua chế độ tem phiếu, thì không biết sẽ còn bao nhiêu mạng Việt chết oan khi đất nước đã im tiếng súng!

Dù sao, bao cấp về hàng hoá tiêu dùng là điều người ta rất dễ thấy, tác hại kinh khủng nó gây ra cho đời sống người dân khá rõ ràng. Còn có những thứ bao cấp khác, tinh tế hơn, tác hại cũng không kém phần khủng khiếp, nhưng đảng và nhà nước nhất định không chịu nhả ra, cứ một mực quyết tâm “trước sau như một”, đó là bao cấp về suy nghĩ, bao cấp cả tình yêu.

Thử nghĩ mà xem, khi hệ thống giáo dục chỉ biết theo một lối dối trá, chỉ biết nhai đi nhai lại những thứ không còn chút sinh khí, không khuyến khích và vun trồng cách suy nghĩ, nhân cách và lối làm việc độc lập, trái lại, khi thầy hay trò làm điều gì khác với những bài tủ bài vẹt liền bị đấu tố, hạ độc thủ, triệt tiêu, nghĩa là mọi chuyện đều đã có cấp trên nghĩ thay, làm thay, cấp dưới chỉ còn là những chiếc máy vô hồn với những trái tim tham lam đến vô sỉ, hệ thống đó phải được gọi tên là gì, nếu không phải là trò bao cấp về mặt tư tưởng? Hậu quả là bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập, chỉ còn biết ra rả những điều đã được mớm sẵn, quanh quẩn với những trò tráo đổi của đám lưu manh và phồng mang trợn mắt gào thét vì những điều huyễn hoặc.

Hơn thế nữa, khi chỉ một nhóm thiểu số trong cộng đồng dân tộc có cái quyền yêu nước, ai không thuộc nhóm này hoặc không yêu nước giống như nhóm này, nhưng lại muốn làm chút gì đó cho quê hương đất nước mình, liền bị gán cho cái nhãn “thế lực thù địch”, hay “có âm mưu diễn biến hoà bình”, điều đó là gì nếu không phải là kiểu độc quyền yêu nước hoặc bao cấp về lòng yêu nước. Chỉ mình ta mới có quyền yêu nước, còn cả đám xấp xỉ tám chục triệu dân chỉ có cái quyền là yêu nước “theo định hướng XHCN”, dẫu kiểu yêu đó có phũ phàng đến mức biên giới và hải đảo máu thịt của cha ông có lần lượt rơi vào tay “bạn bè tốt đồng chí tốt”, cũng không ai được lên tiếng. Tại sao đất mẹ bị kẻ kia cắn xé, thanh niên sinh viên biểu tình phản đối lại bị công an quân đội của chính nước mình ngăn chặn bắt bớ? Tại sao trong một cuộc chơi gồm hai mươi mấy kẻ mặc quần đùi chạy nhong nhong trên sân cỏ, húc huých tranh giành để đưa được một trái bóng vào tấm lưới, xong rồi cả trăm ngàn người xuống đường phóng xe gào thét quên chuyện sống chết lại được mặc sức tung hoành, nếu có bị ngăn chặn đôi chút, thì phạm vi và cách thức rõ ràng hoàn toàn khác với kiểu ngăn chặn biểu tình chống xâm lược?

Các người sẽ trả lời là sợ “các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục”. Nhưng thế lực thù địch là ai, nếu không phải kẻ đang manh tâm đớp từng mảng biên giới và hải đảo của đất mẹ Việt Nam? Rõ ràng các người tự ban cho mình cái độc quyền yêu nước, các người muốn bao cấp lòng yêu nước. Các người đã tự ban cho mình cái quyền yêu hộ cả dân tộc. Gần tám chục triệu con dân Việt Nam đã bị tước mất cái quyền được thông tin về thực trạng biên giới và hải đảo của đất mẹ, được lên tiếng hay góp công góp máu bảo vệ đất mẹ. Hậu quả của món bao cấp này là bao thế hệ thanh niên rất ít, hoặc không còn quan tâm đến vận mệnh tổ quốc, chỉ còn biết hò hét và chạy theo những món hàng mã, những niềm vui của món vinh quang không khẳng định được gì nhiều. Bổn phận và quyền yêu nước của tám chục triệu dân đã được nhóm nhỏ của đảng “quang vinh” làm thay mất rồi, bất kể đó là chuyện bán đất bán biển hay cam tâm quỳ lạy ngoại bang!

Những van xả an toàn

Thật ra, người ưu thời mẫn thế không khó nhận ra một thực tế xót xa trong trò tráo đổi này. Độc giả hãy tìm kiếm thông tin trên báo đài của chính nhà nước, chỉ cần tìm những con số công khai về chi phí cho an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, người nghèo và đặc biệt là chi phí cho các giải thể thao quốc tế và khu vực. Sau đó, độc giả hãy đặt các con số đó bên cạnh nhau và hãy thử tìm cách trả lời câu hỏi rằng tại sao đảng và chính phủ lại bận tâm đến chuyện thắng thua trong các cuộc chơi thể thao đến thế.

Ngẫm ra mới hay đó vẫn là chủ trương tuyên truyền, chủ trương “định hướng” nhằm giải toả những uất ức, bất công hiện quá nhiều trong xã hội. Với những kẻ ngay từ nhỏ đã được một hệ thống mớm cho một mớ tư tưởng hỗn tạp, đã phó mặc cho người khác suy nghĩ hộ, việc tự suy nghĩ nhìn nhận các sự kiện thời sự là rất khó. Đó là những kẻ “cạn nghĩ”, theo cách nói dân dã. Những kẻ này rất dễ nổi sung, đôi khi thành hung dữ, khi ai đó đụng chạm tới mình, rất dễ sung sướng xúc động đến trào nước mắt khi được cấp trên vuốt ve mơn trớn chút xíu, cũng rất dễ gào thét rầm trời trong những cơn phấn khích. Họ sẽ tự hài lòng với vài niềm vui nhỏ nhoi, được tra thêm chút gia vị kích động “theo định hướng”. Đó có lẽ là lí do thời gian gần đây ta thấy xuất hiện nhan nhản đủ loại trò chơi trên các đài truyền hình địa phương và quốc gia, các cuộc vung vít tiền thuế vô tội vạ cho các trò chơi thể thao đủ loại. Bởi vì với ai đó, những trò đó chỉ là trò chơi, nhưng với đảng và nhà nước, đó thực sự là những chiếc van xả, khi cần họ sẽ cho mở hết mức.

Những ai đang gắng sức làm việc cho một quê hương Việt Nam tốt đẹp hơn nên nghĩ đến điều này: với những thế hệ thanh niên đã quen để người khác nghĩ hộ và yêu hộ, việc giúp họ có thể tự yêu, tự sống bằng cái đầu và trái tim của chính mình, tự đứng trên đôi chân của chính mình là hết sức khó khăn, đòi hỏi một quá trình đào tạo và giáo dục lâu dài. Đừng đòi hỏi những người đó phải vươn vai thành những chàng trai Phù Đổng trong một thời gian ngắn ngủi.

Nếu độc giả có ai nghe bà Bảy Vân, vợ ông Lê Duẩn,
trả lời phỏng vấn phóng viên đài BBC, hẳn quý vị cũng hiểu thế nào là lối suy nghĩ lộn xộn, tự mâu thuẫn của những người đã quen sống với lòng yêu nước và lối suy nghĩ vay mượn của món tình yêu và suy nghĩ bao cấp. Vậy nên, nói về chuyện biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa, bà ta khuyên là chỉ nên theo ý chính quyền, không theo là không tốt đâu, trong khi chính miệng bà cũng nhắc đến việc ông Phạm Văn Đồng đã kí văn bản gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này!

Than ôi, với rất đông người Việt Nam hiện tại, yêu nước nghĩa là gào thét điên loạn vì một quả bóng, nhưng lại câm nín trơ mắt nhìn đảng quang vinh cắt đất dâng biển cho lũ xâm lược tham lam. Từng trăm ngàn người say sưa sung sướng đến lú lẫn mụ mị vì một chút vinh quang cũng chẳng thật hơn những vương miện áo mão bày ở phố Hàng Mã, đồng thời không màng quan tâm đến những sự thật khủng khiếp là bao tấc đất tổ tiên đã giữ gìn bằng máu, bao dặm biển tổ tiên để lại giờ đây đã lọt vào tay kẻ khác.

Nếu lòng yêu nước là có thật ở trên đời, tôi sẽ phải khóc thương đưa tiễn nó, vì ở Việt Nam, lòng yêu nước thật sự đã bị tráo đổi, thay vào đó là thứ bong bóng xà phòng phù phiếm, rất đẹp dưới ánh mặt trời, nhưng sẽ tan tành trong vài giây ngắn ngủi.

Hiện tượng cuồng nhiệt sau một trận túc cầu không chỉ xảy ra vào ngày 28-12 vừa rồi. Thói quen cuồng loạn này đã có từ cả hơn chục năm, khoảng thời gian cần thiết để nhận diện thực sự nó là một loại van xả có lợi cho đảng và nhà nước, nhưng đồng thời nó cũng lại có thể là thứ bùa mê thuốc lú chôn vùi vận mệnh tổ quốc.
Hoàng Cúc
© Thông Luận 2008