Wednesday, December 31, 2008

MỘT ĐÊM Ở BẾN XE HÀ ĐÔNG

Một đêm ở bến xe Hà Đông
Hoa Mộc Miên
Đăng ngày 31/12/2008 lúc 02:00:41 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3410
Tôi và Vũ Phong có lẽ chẳng bao giờ biết nhau nếu không có cuộc chiến tranh ở Biên giới phía Bắc năm 1979. Khi những người lính sơn cước ở phía bên kia biên giới ào ạt tràn qua thì Vũ Phong lúc đó đang là học sinh giỏi văn của trường PTTH thị xã với bao mơ mộng về một đời cầm bút. Tôi vì hoàn cảnh gia đình nên đã chấm dứt đèn sách ngay từ ngày tốt nghiệp PTCS trường làng. Cái khốc liệt của cuộc chiến tranh giữa những con người mà hôm trước vẫn còn là “răng với môi”, hôm trước vẫn còn “hảo hảo!” mà hôm sau đã là “tả tả!”… đã xô đẩy chúng tôi đến với nhau, nằm cùng nhau dưới hầm hào ở Thán Phún, Pò Hèm, Đồng Đăng… cùng trồi lên thụt xuống trong những ngày bão lửa. Thực ra những ngày tôi cùng ở với Vũ Phong không nhiều. Một thời gian sau tôi và Vũ Phong mỗi người đi một mặt trận và cũng từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Không biết lúc này ở nơi đâu đó Vũ Phong có còn nhớ đến tôi, một thằng bạn nhà quê năm nào! Còn tôi làm sao tôi quên được hình ảnh một Vũ Phong hào hoa, lịch lãm đã từng làm bao sơn nữ thổn thức khi Vũ Phong vừa ôm đàn vừa hát:
“Mộc Miên hoa ơi!
Mỗi khi qua cầu biên giới quê ta,
thấy hoa Mộc Miên nở lòng bỗng bồi hồi …”
Sau này để ghi nhớ mãi hình ảnh đó tôi tự nhận bút danh là Mộc Miên.

Hôm qua con gái lớn của tôi nay đã là một cô giáo dạy trường thị xã về thăm bố mẹ với một tin mừng làm tôi bất ngờ. Con tôi bảo: Con đọc báo mạng thấy bài viết ký tên Vũ Phong - Cựu chiến binh đoàn Chi Lăng, người mà bố vẫn kể chuyện với chúng con từ ngày chúng con còn nhỏ. Tôi giật mình hỏi vội: thế bài viết nào? Con tôi xuống giọng bí mật: Bố phải bình tĩnh đã, bài đó còn nhắc tới cả ông thủ trưởng cũ của bố nữa đấy. Đây này, bố xem đi, có đúng là đồng đội năm xưa của bố không?

Tôi giở tập giấy đọc liền một hơi rồi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tâm trạng bồi hồi như ngộp thở. Đúng rồi, đúng giọng Vũ Phong đoàn Chi Lăng năm nào rồi! Đúng thủ trưởng Lộc Hà Đông năm xưa đây rồi! Vũ Phong ơi, giờ đây mày ở đâu? Thủ trưởng Hà Đông ơi, làm sao mà thủ trưởng lại đến nông nỗi như thế? Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam về hưu mà bị đối xử như thế thì thằng binh nhì như tôi về đất đó mà sinh sống, có lẽ chết mất ngáp từ lâu rồi.

Suốt mấy ngày sau tôi cứ đi ra đi vào như thằng mất hồn. Vợ tôi bảo: Rõ khổ, ông bạn Vũ Phong của ông ở đâu thì chưa rõ, còn ông thủ trưởng của ông có đầy đủ địa chỉ đấy. Dạo này rỗi rãi rồi ông tranh thủ về thăm ông ấy chứ còn cứ thẫn thờ thế này tôi rối cả ruột. Tôi bảo vợ tôi: Phải đấy, tôi nghe bà ngày mai tôi đi thăm thủ trưởng cũ và cũng hỏi han về Vũ Phong, bà chuẩn bị cho tôi ít quần áo vật dụng để tôi lên đường.

***

Chuyến ô tô Cao Bằng – Hà Đông vào bến thì đã 22 giờ. Bến xe Hà Đông đập vào mắt tôi là một sự hỗn độn thật khó chịu nổi. Vừa bước xuống xe là hàng chục xe ôm đã nhào ra vây chặt số khách vừa đến. Chẳng mấy chốc người thì về Thanh Xuân, người thì ngược lên Chương Mỹ, người thì xuôi phía Vân Đình… Còn lại mỗi mình tôi bơ vơ, lạc lõng giữa một chốn náo nhiệt. Tôi không biết nên đi đâu vào giờ này, tay giữ chặt miệng chiếc ba lô lộn cũ mèm trong đó là mấy bộ quần áo và bài viết của Vũ Phong có ghi đầy đủ địa chỉ của thủ trưởng Lộc ở La Khê – Hà Đông.

Tôi bước vào quán nước bên đường gọi một chén nước và ngẫm nghĩ: mấy chục năm ròng bặt tin tức giờ bộ dạng mình thế này đến nhà thủ trưởng lúc đêm hôm thật là bất tiện. Tôi quyết định đành vạ vật nơi bến bãi này vậy. Sáng mai tìm đường vào thăm thủ trưởng sau. Không biết tướng tá tôi nó bặm trợn thế nào mà bà hàng nước cứ ngó tôi lom lom như phải cảnh giác với một thằng bất hảo. May quá một lúc sau có một ông xe ôm có lẽ mới kết thúc chuyến vét, dựng xe bước vào ngồi bên tôi hút thuốc lào vặt. Tôi buột miệng hỏi anh ta: “Đường vào La Khê xa mấy nỗi ông bạn?”. Ông xe quay sang tôi chép miệng: “Bác ở xa đến à? Đường vào La Khê cũng gần thôi. Đêm hôm tối tăm thế này Bác vào nhà ai ở đấy?”. Tôi thành thật khẩn khoản: “Tôi là dân Cao Bằng lần đầu về đây chẳng biết mô tê đường xá ngược xuôi thế nào, tôi tìm đến cái địa chỉ của thủ trưởng cũ của tôi trong bài báo này, ông làm ơn chỉ bảo giúp tôi.”

Ông xe đang kéo dở một chầu thuốc vừa ho sặc sụa vừa giương mục kỉnh lên đọc nghiến ngấu bài
“Thanh tra thành phố Hà Nội có đi vào vết xe đổ của thanh tra thành phố Hà Đông – Hà Tây cũ!” của tác giả Vũ Phong - Cựu chiến binh đoàn Chi Lăng. Đọc xong, ông xe bảo tôi: “Tôi biết bác là người đàng hoàng, đêm hôm thế này vật vã thế này không ổn đâu. Bác theo tôi về nhà tôi ở ngay gần đây thôi. Nhà tôi tuy chật chội nhưng tấm lòng luôn rộng mở với những người đồng đội.”

Tôi mừng quá liền líu ríu theo anh ta vào một ngõ nhỏ sâu hút sau bến xe, bước vào một gian nhà trọ tồi tàn. Vừa sửa soạn chỗ ngủ, ông xe vừa buồn buồn kể lể:

***

Quê tôi ở phía Ngã Tư Vác – Thanh Oai. Tôi vốn là thầy giáo. Càng dạy học lâu tôi càng buồn vì nghề thầy bây giờ không còn thanh cao như thời bố tôi và ông tôi đã từng trải. Năm ngoái vì đấu tranh chống gian dối trong thi cử, chống những việc làm sai trái của lãnh đạo giáo dục mà tôi bị người ta trù dập hành hạ tôi đến tàn tệ. Cuối cùng người ta đi đến cuộc bỏ phiếu kỷ luật tôi ở mức cảnh cáo ghi lý lịch và bắt đi đánh trống trường như một lao công. Tôi uất quá mang tất cả sách vở, giấy khen… đến trả và tuyên bố: Rửa tay! trả phấn! để bảo toàn khí tiết ông đồ. Tôi dắt xe ra đường và hành nghề xe ôm chạy dọc tuyến Ngã Tư Vác bến xe Hà Đông. Đây là “tư dinh” của tôi lúc này. Càng hành nghề này tôi càng thấy khoẻ ra ông ạ. Tuy người đời nhìn mình như nhìn một kẻ thất bại mà trong lòng tôi lại thấy thanh thản vì tôi không phải nói dối nữa. Dạy học thời này nhất là dạy các bộ môn xã hội như văn, sử, địa, giáo dục công dân… nhiều lúc tôi ngượng lắm vì học sinh nó thừa biết là nói dối. Bản thân mình cũng biết là mình nói dối, thế mà vẫn cứ phải nói dối. Nói dối leo lẻo. Mình nói dối là để lĩnh lương, trò ghi vào sách vào vở cái dối trá đó là để được điểm cao, để được đỗ đạt… Thế là cả một cộng đồng nói dối. Người ta nói dối mãi thành quen, nghe lời dối trá mãi cũng thành quen. Ông có biết không, người ta đang rầm rộ mở ra cuộc vận động “học tập đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhưng thực ra họ có học tập gì đâu! Họ đoạ đày cụ Hồ đấy chứ. Tôi nhờ hành nghề xe ôm này mà tôi biết được quá nhiều những gì dối trá vô luân đang tràn ngập xã hội chúng ta. Đấy thôi, ông: ở Văn Phú, Phú La, nhà lưu niệm cụ Hồ toạ lạc trên diện tích 1600 m2 đã bị Bí thư chi bộ ở đó đấu thầu 10 năm trong khi luật đấu thầu Hợp tác xã chỉ được phép 5 năm. Cậy chức cậy quyền ông này lại bán thầu cho người khác để hưởng chênh lệch ngon ơ. Khu Đồng La cũng bị ông Bí thư cùng một đảng viên khác nhận khoán, hơn một năm sau diện tích nhận khoán đã mòn đi hơn 1000 m2 vì chiếm đoạt. Nhận khoán 8 sào nay đo đạc trên thực địa và cả trên bản đồ chỉ còn 4 sào! Còn quá nhiều các quan tham ở Văn Phú, Văn La, La Khê, Vạn Phúc…tay các quan đã nhúng chàm nhưng nhờ giỏi luồn lách lại ra là người “Trong sạch”!

Tôi rất cảm động trước tình cảm của Bác với thủ trưởng cũ, chỉ mới đọc báo biết tin thủ trưởng cũ bị quan chức Hà Đông cậy thế cậy quyền toan cưỡng chiếm hơn 17 m2 ngõ đi mà bác đã vội về chia sẻ! Bác có biết không, cả cộng đồng dân Văn Phú bị “Dự án mở rộng đường 6”, đoạn đi qua thị xã Hà Đông “làm thịt” hơn 25.000 m2 đất nông nghiệp của tổ tiên mà chẳng được một xu bồi thường đấy bác ạ. Có ông cựu chiến binh ở đó nhiều năm dám đối đầu, đối diện để đòi quyền lợi cho dân, tất cả chứng lý đều đúng cả. Công an điều tra xét hỏi, thanh tra các kiểu từ Trung ương đến địa phương đều công nhận phát hiện của ông cựu binh già là đúng, vụ này còn nghiêm trọng hơn cả vụ Đồ Sơn, vậy mà cuối cùng cũng là chìm xuồng bác ạ. Trong khi hàng nghìn hàng vạn người dân Văn Phú, La Khê, Văn La, Vạn Phúc … bị ăn chặn đất đai, bị bắt chẹt đất 5%... Bác có biết bị bắt chẹt là gì không? Bắt chẹt là áp giá đền bù một cách cưỡng bức. Tất tật đất nông nghiệp, đất đã vào hợp tác, đất không vào hợp tác… đều ép vào cái khung 250.000 đồng cộng với 20.000 đồng tiền chuyển đổi nghề thành 270.000 đồng/m2. Đến nay sau khi đổ cát, làm đường phân lô… lòi chuôi ra là dự án treo. Bản chất là mua của nông dân rẻ như cướp rồi phân lô rao bán với giá trên trời 20 đến 22 triệu đồng một mét lúc sốt đất. Người dân Văn Khê kêu trời, trời xa quá, trời cao quá, trời còn bận việc của “Chợ nhà trời” nên bà con Văn Khê đành chịu thua, thua cay, thua đắng.

Quan tham phó chủ tịch phường La Khê – Hà Đông hôm nay, ngày các bác ra trận thì ông ta lúc đó mới tròn 10 tuổi, tuổi đánh đinh đánh đáo. Vậy mà hôm nay nghênh ngang toạ lạc trên dưới 400 m2 đất ở, trong khi diện tích được phép sở hữu chỉ là 180 m2! Các quan tham bây giờ kinh lắm bác ơi! Nhố nhăng rửng mỡ lắm bác ơi!

Vẫn nói về quan tham phó chủ tịch đó bác nhé. Quan xuất thân trong một gia đình phải nói là tứ đại bần cố thế mà hôm nay nhà cách dinh phường (UBND phường) cỡ 300 m mà ô tô đời mới nghênh ngang như vua con, như đại gia. Tiền ở đâu ra mà gớm thế? Tiền của nhân dân, tiền của đất đai của công chứ còn tiền ở đâu!

Hôm vừa rồi tôi có cuốc xe chở một bà đầm vào Vạn Phúc mua lụa, thấy dân HTX thủ công ở đó đang kêu trời. Họ bị phân biệt đối xử, bị thiệt thòi, bị bỏ rơi, thậm chí đang bị lừa đảo một cách độc ác quá ông ạ. Tình hình chuyển nhượng, thu hồi đất ở đó bất công cũng chẳng khác gì ở Phú La, La Khê. Khi vào HTX người ở HTX thủ công chẳng khác gì người ở HTX nông nghiệp thế mà đến lúc này người bên thủ công thiệt thòi quá. Năm 1962, Vạn Phúc phân làm hai HTX, người ở HTX nông nghiệp được hai thước đất 5% thì người ở thủ công chỉ được một thước đất 5%! Nay các quan đang thu hồi đất 5% vẫn áp cái giá cưỡng bức 270.000 đồng và cả hai HTX cùng phải chịu cái tỷ lệ giành cho đất dịch vụ đồng loạt là 10% diện tích thu hồi. Ông hai thước hưởng 10% thì ông một thước cũng chỉ 10% ông ạ.

Chưa hết đâu bác ạ, đất chưa thu tiền chưa đến, chẳng cần họp hành thảo luận gì hết, chẳng cần biết ý nguyện của dân là thế nào người ta đang bắt dân Vạn Phúc kê khai vào giấy in sẵn rằng: “Gia đình tôi tự nguyện giao đất theo tỷ lệ % đất bị thu hồi”. Đây là cái ngón nguy hiểm để vô hiệu hoá khả năng thắc mắc, khiếu nại của người nông dân Vạn Phúc sau này. Chỉ có ngồi hàng nước chờ chở bà đầm mua lụa xong, tôi đã thấy tình hình đất cát ở Vạn Phúc cũng đang rối như canh hẹ.

Một lần khác tôi chở khách vào HTX nông nghiệp Văn La lại thấy người dân ở đây bị đối xử tồi tệ theo kiểu khác. Ai đời đất bờ ao của 17 hộ gia đình người ta là đất chưa vào HTX, là đất của tổ tiên người ta để lại, hàng năm người ta đóng thuế nhà đất rành rành thế mà dự án định cướp nốt của người ta với lý do lừa bịp là đất nông nghiệp xen kẽ với khu dân cư. Nếu cướp được chắc chắn cũng chỉ 270.000 đồng một mét thôi à. Nếu dự án nuốt trôi cả phần đất đó thì 17 hộ gia đình này chắc chắn thiệt thòi tiền tỉ mỗi hộ vào lúc sốt đất ông ạ. Nghe đâu có một ông nhà giáo về hưu ở đó đã giám giúp 17 hộ này giữ được phần đất bờ ao thì đã bị những kẻ xấu nhiều lần khủng bố bằng truyền đơn, bằng những cách đánh đê hèn mang phân người, trứng gà ung tới ném trước cửa. Thật rõ khổ cho nhà ông giáo ở Văn La ấy ông ạ.

***

Tôi như mê đi trước những gì mà ông xe ôm ào ào như bắn liên thanh. Lựa lúc ông xe còn đang mải kéo thuốc, tôi bộc bạch:
Tôi người miền núi sống xa cách chốn đô hội nên ít thực tế lắm. Nghe những gì ông vừa kể tôi thấy nản quá. Thật là buồn cho nơi chốn gọi là cửa ngõ thủ đô, là “Địa linh nhân kiệt”.

Ông xe ôm vừa ôm điếu cày vừa ho khùng khục vì phải nói vội:
Cửa ngõ cái gì đâu khi Hà Nội người ta tiến bộ ầm ầm, còn bước vào đến Hà Đông một bước là một bước buồn. “Địa linh nhân kiệt” gì đâu ngoài sự chụp giật, tham ô, tham nhũng, tranh cướp và đội sổ trong các thang bậc xếp loại đối với các tỉnh khác ở trong nước. Ông nào ông ấy hết thời hạn tại nhiệm đều vinh thân phì gia về tiền bạc, về đất đai nhà cửa cũng “vinh thân” vì tiếng xấu này tiếng xấu nọ rồi được đá lên!. Còn dân chúng ngày càng chán nản, ngày càng thất vọng, ngày càng thua thiệt mọi bề. Người tốt bị bức hại, kẻ xấu như gặp thời. Ông thấy đấy đến vụ ông giáo Đỗ Việt Khoa, anh hùng chống tiêu cực trong GD & ĐT Hà Tây cũ nay đang bị cả một dây kẻ xấu từ Sở đến trường, từ tỉnh đến xã hãm hại là một dẫn chứng quá đắt giá ông ạ.

Sau một tuần trà đặc sánh, ông xe ôm như vẫn chưa ra khỏi những bức bối mà ông đã thu nhận được trong những ngày ông hành nghề khắp chốn cùng quê. Ông xe bất ngờ:
Biết ông là người miền núi mới về tôi tin lắm, cảm động lắm khi phải sống giữa cảnh đời đen bạc thế này mà ông cất bước đi tìm người thủ trưởng cũ thì thật quý hoá quá ông ạ. Nhưng tôi nói thật với ông nhé, ngay lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố nơi đây họ cũng đã “Ăn cháo đá bát” từ lâu rồi. Cái ngõ của ông thủ trưởng cũ của bác có là cái gì so với những người đã hy sinh, đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vinh quang và đau khổ vừa qua. Mấy tháng trước tôi chở một chuyến từ thiện một bà cụ 96 tuổi từ Mỹ Đức ra Hà Đông. Cụ có tên gọi là cụ Rối, là vợ liệt sĩ chống Pháp chết trận năm 1952, là mẹ một liệt sĩ chống Mỹ con giai duy nhất chết trận 1974. Thế mà sau bao nhiêu năm xoen xoét nói “uống nước nhớ nguồn”, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã, lãnh đạo thành phố Hà Đông vẫn để bà cụ sống vất vưởng vạ vật bên quán nước trước cửa nhà người con gái có tên là bà Giáo ở đường Tô Hiệu. Bà Giáo nay cũng là một bà già 65 tuổi sống cô đơn không con cái, cửa nhà là một gian cấp bốn tuềnh toàng mà cơ quan cũ (Hội nông dân tập thể Hà Tây) phân cho, lại đang bị các ông lớn đe doạ cưỡng chế chỉ vì gian nhà đó nằm trên một vị trí thật đắc địa. Người ta đang tìm cách đuổi khéo mẹ con mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ ra mảnh đất ngoài đồng Văn Phú ông ạ. Bà cụ không chịu, đầu đơn đi khắp nơi, báo chí bênh vực ầm ầm thế mà sau nhiều năm rồi sự việc vẫn cứ thế cứ thế. Không biết từ ngày xoá sổ tỉnh Hà Tây, các quan tham của Hà Tây về Hà Nội có còn nghĩ đến mẹ con họ nữa không!
Tôi nghĩ với hoàn cảnh này lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố phải thực tâm phân đất nơi nào để họ có thể sống được, phải xây nhà tình nghĩa cho người ta mới phải! Sao lại có thể đối xử với gia đình chính sách như thế?

***

Trong trạng thái mệt mỏi sau một ngày vật vã trên ô tô lại phải thu nạp những bức xúc của ông xe ôm, tôi như rơi vào trạng thái quá tải vì dồn nén. Thế mới biết cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với cỏ cây ở nơi tôi thật đáng quý biết bao. Thế mới biết khi đã ngấp ngó lục thập rồi mà tôi vẫn chưa hề “Tri thiên mệnh!”. Bên tôi ông xe ôm đã thở đều đều, ông ta đang đi vào giấc ngủ sau một ngày vất vả để ngày mai, ngày mai ông sẽ lại đi lại đến lại gặp, lại biết, lại nghe, lại thấy những cảnh đời, những thân phận đang tả tơi vì thời cuộc, những bi kịch đang đón chờ bất cứ ai!

Ngày mai mình sẽ ra sao giữa đất này có trời mà biết được! Vì sao cộng đồng dân cư Hà Tây cũ phải sống trong những bất trắc, bất công và thiệt thòi đến thế! Ngày mai tôi cũng sẽ chia tay ông xe. Tôi sẽ hỏi đường và tự lang thang trên những con đường của cửa ngõ Thủ đô để cũng được nghe, được biết, được thấy, được nhìn, được suy ngẫm tất cả mọi điều. Có thể người thủ trưởng cũ của tôi không còn nhận ra tôi được nữa, điều đó lúc này không còn là quan trọng vì thủ trưởng cũ của tôi đâu là một trường hợp đặc biệt đối với cộng đồng dân cư nơi này.

Thời gian năm tháng có thể làm vụn nát bao bảng vàng bia đá, làm mờ nhạt đi bao giá trị… riêng thái độ “Biết đau nỗi đau người khác”, thái độ “Nỗi đau này không của riêng ai” mãi mãi là trơ gan cùng tuế nguyệt và đời nào cũng có. Đó chính là những gì mà cha Lạc Long và mẹ Âu Cơ để lại, đó là những gì đảm bảo để dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn. Ngày mai! Ngày mai! Ngày mai nữa sẽ đến với ông xe, đến với tôi, đến với thủ trưởng cũ của tôi, đến với mọi người đồng bào của tôi thật giản dị và vô hại như vậy. Điều đó, hỡi các quan tham đang ở Hà Tây hay ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Việt Nam còn nhiều đau khổ này! Các quý vị làm sao mà hiểu được.

Hoa Mộc Miên
Cựu chiến binh đoàn Chi Lăng - Tháng 12/2008


No comments: