Tuesday, December 30, 2008

VĂN KHỐ THUYỀN THÂN GHI GIỮ HÌNH ẢNH TRẠI TỊ NẠN

Văn Khố Thuyền Nhân VN ghi lại hình ảnh các trại tỵ nạn
Thanh Quang, phóng viên RFA-Bangkok
2008-12-29
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trip-by-archive-of-vietnamese-boat-people-to-philippines-and-indonesia-12292008125913.html
Một nhóm thuộc tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân VN trụ sở tại Úc vừa thực hiện chuyến đi Philippines và Indonesia. Nội dung chuyến đi này như thế nào ? Qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện từ Bangkok, ông Trần Đông, Giám Đốc Văn Khố Thuyền Nhân VN đang có mặt trong chuyến đi ấy, trước hết cho biết về chuyến đi Philippines như sau:

Ngôi làng VN ở Palawan-Philippines

Ô. Trần Đông: Mục tiêu của chúng tôi trong chuyến trở về Philippines lần này, thứ nhất, là thăm khu di tích trại tỵ nạn Bataan ngày trước ở gần thủ đô Manila. Ở đó chúng tôi có ghi lại một số hình ảnh cùng di tích của người Việt tỵ nạn chúng ta. Sau đó chúng tôi đi về Palawan, nơi có một ngôi làng VN. Palawan hồi xưa có 2 di tích tại đây:
Một là di tích trại tỵ nạn cũ ở gần phi trường Palawan, nơi chúng tôi đã chụp hình, quay phim để lưu lại những hình ảnh kỷ niệm này. Hai là, trong những ngày còn lại, chúng tôi đã lưu lại tại làng VN trong 10 ngày. Tại đó chúng tôi cũng ghi lại hình ảnh của ngôi làng VN, nơi từ năm 1996, dưới sự đóng góp của cơ quan CADP của Philippines và của cộng đồng người Việt, ban tổ chức đã quyên góp khoản tiền 1 triệu 700 ngàn đô la để xây dựng làng VN làm nơi tạm cư cho khoảng 1.600 người Việt tại Palawan.

Vắng lặng ngôi làng chỉ còn đôi ba người


Thanh Quang: Nhân đây xin anh cho biết một số chi tiết về người Việt này.
Ô. Trần Đông: Những người Việt tại ngôi làng VN này, đầu năm 2008, đã được các quốc gia như Canada, Bắc Âu nhận đi định cư gần hết. Hiện giờ còn lại khoảng 4-5 người tại ngôi làng VN, trong đó có một nhà hàng với vài người Việt. Và một gia đình người Việt tại đảo Palawan.
Điều cảm động nhất là ở ngôi làng VN, chúng tôi gặp anh Phong từng ở trại tỵ nạn Palwan cũ. Anh đã bị bệnh mất trí vì anh từng lênh đênh trên biển trong 30 ngày. Trên tàu của anh lúc đó có hàng chục người chết, và anh phải ăn thịt người để sống còn. Sau khi tới trại nạn một tháng, anh bị bệnh mất trí.

Thanh Quang: Tình trạng sức khỏe của anh Phong hiện giờ ra sao ?
Ô. Trần Đông: Hiện anh Phong cũng đi lại. Mỗi sáng anh làm vệ sinh dọn dẹp cỏ rác, đi lại bên ngoài, mặc quần áo, hút thuốc. Nói chung tình trạng tâm thần của anh đã đỡ hơn nhiều so với trước đây.
Và trong khoảng thời gian 10 ngày, chúng tôi cũng có tìm hiểu, scan hồ sơ và ghi nhận được khá nhiều hình ảnh về ngôi làng VN, cùng một số hình ảnh về người Việt tỵ nạn tại Palwan.

Thanh Quang: Thưa anh, chúng tôi được biết là trong số những người từng ở ngôi làng VN này, có nhiều người đã đi tứ tán ở khắp Philippines, tới nhiều đảo ở xứ này. Anh có tin tức gì về những người này không?
Ô. Trần Đông: Được sự trợ giúp của tổ chức thiện nguyện của anh Trịnh Hội thì khoảng từ năm 2000 trở về sau nầy, cơ quan của Trịnh Hội đã có những nỗ lực đáng kể trong việc giúp đỡ số người Việt tỵ nạn còn lại ở Phi đi định cư. Những người cư trú ở ngôi làng VN, về sau họ dần dần đi tứ tán tới những nơi khác - về Manila và những đảo ở Phi để sinh sống. Qua chương trình của anh Trịnh Hội thì những người này cũng đã được đi định cư. Hiện giờ, theo chỗ chúng tôi được biết, cũng còn khoảng 10 gia đình ở tại Phi thôi, trong số này, cũng có một vài người vì lý lịch không được tốt cho nên không được nhận. Lý do thứ hai là vì họ không muốn đi định cư, do họ đã có được tài sản, có gia đình…
Chúng tôi được biết số người Việt nhiều nhất sinh sống tại Phi hiện giờ là những gia đình đã được chính phủ Phi đưa qua xứ này cư trú dưới dạng đoàn tụ gia đình, vì họ có con, hoặc vợ của lính Phi từng công tác ở VN hồi trước năm 1975. Số người Việt này cũng mấy trăm người, và họ có được đời sống ổn định ở Phi, phần lớn không trở về VN nữa.

Những trại tỵ nạn tại Indonesia

Thanh Quang: Thưa anh, chúng tôi được biết sau chuyến đi Phi, anh có tới Indonesia. Xin anh cho biết tới đó để làm gì ?
Ô. Trần Đông: Thưa qúy thính giả, sau khi hoàn tất chuyến công tác ở Philippines thì chúng tôi có trở lại Singapore trước khi tới Indonesia, nơi chúng tôi thăm viếng trại tỵ nạn cũ là Galang, chụp hình, quay phim về trại tỵ nạn này. Đồng thời chúng tôi cũng liên lạc với chính quyền và một số tổ chức địa phương về kế họach năm 2009 của chúng tôi tới đảo Kuku.
Quý đồng hương nào đã đến Galang, đến Indonesia thì phần lớn có những ngày ở tại đảo Kuku. Theo chỗ chúng tôi biết, ở tại Kuku và một số đảo chung quanh, hiện có khoảng 200 ngôi mộ thuyền nhân VN - còn nhận dạng được. Cho nên chúng tôi cấp tốc tới đó xem tình trạng mồ mả thuyền nhân mình như thế nào.
Sau chuyến đi Kuku vào năm tới, thì chúng tôi sẽ loan tin này để cộng đồng người Việt hải ngọai được biết. Và những thân nhân nào muốn trở về Kuku thăm viếng, thắp lại nén hương cho người thân của mình nằm lại Kuku và các đảo chung quanh, thì chúng tôi sẽ có chương trình giúp đỡ. Đồng thời, chúng tôi cũng nghĩ đến một kế họach bảo tồn những ngôi mộ đã trên 30 năm rồi chưa được tthăm viếng. Chuyến đi Kuku sắp tới coi như là chuyến đi chính thức đầu tiên ở hải ngọai này.

Thanh Quang: Chúng tôi cũng được tin là có một nhóm người Việt từ VN tới Indonesia khoảng một năm nay. Anh có tin gì về nhóm người này không ?
Ô. Trần Đông: Khi qua Indonesia thì chúng tôi có gặp nhóm người Việt đó, gồm 25 người, từ VN vượg biên tới Indonesia hồi năm rồi. 2 trong nhóm này được Cao Ủy tỵ nạn phỏng vấn và đã cho đi định cư. Hiện giờ còn lại 23 người đang trong trại tạm giam ở Batam thuộc bộ Di trú Indonesia.
Theo lời những người này thì họ bị giữ ở đó, chờ các thủ tục còn lại của Cao Ủy để được phỏng vấn tiếp tục. Nhưng triển vọng định cư của họ có vẻ khá mù mờ.
Trong nhóm này, có một anh trước đây trải qua 4 lần vượt biên: Lần thứ nhất anh này tới Tây Úc; lần thứ nhì đến tiểu bang Darwin của Úc; lần 3 đến một nơi ở Indonesia và lần sau nhất đến một nơi khác nữa ở Indonesia, và sau cùng được đưa về đảo Batam như hiện giờ.

Thanh Quang: Thưa anh, anh nhận xét như thế nào về chuyến đi Philippines và Indonesia này ?
Ô. Trần Đông: Điều gây nhiều ấn tượng nhất, cảm xúc nhất đối với chúng tôi là khi trở về thăm ngôi làng VN, đi trên các con đường, nhìn các ngôi nhà của làng VN khiến chúng tôi nhớ lại vào khoảng 1996, khi Đức Tổng Giám Mục Raymond của Phi đến hải ngọai để vận động cho một chương trình gíup đỡ người Việt tỵ nạn ở làng này, thì các di tích ở đó đang trên đà hư hại rất nhiều.
Chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là thời kỳ hậu-ngôi làng VN, không còn người Việt ở tại đó nữa, thì tài sản của ngôi làng VN, mảnh đất của ngôi làng này sẽ ra sao ? Ai là người quản lý ? Về lâu về dài, tài sản này thuộc về ai ? Chúng tôi cũng nghĩ là nếu chúng ta có kế họach giữ gìn di sản ấy để làm thành di tích người Việt tỵ nạn, thì đó là điều rất nên làm, rất có ý nghĩa lịch sử - một nét mốc quan trọng trong dòng lịch sử của người Việt hải ngọai.

No comments: