Saturday, May 25, 2024

CHÍNH TRƯỜNG VIỆT NAM SẼ CÒN NHIỀU BIẾN ĐỘNG Ở "TRẬN CHUNG KẾT" (RFA)

 



Chính trường Việt Nam sẽ còn nhiều biến động ở “trận chung kết”

RFA
2024.05.24

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-political-scene-will-still-have-many-fluctuations-in-the-final-match-05242024114543.html

 

Sau khi Bộ chính trị Việt Nam bầu bổ sung bốn thành viên hôm 17/5/2014, ông Tô Lâm, người đã rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, hôm thứ Tư (22/5/2024), được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Quốc Tỏ nắm quyền điều hành Bộ công an (chưa chính thức được bầu thay thế đại tướng Tô Lâm để trở thành Bộ trưởng bộ này). Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng sắp tới, chính trường Việt Nam còn nhiều biến động gây cấn thú vị nữa. 

 

Trao đổi với RFA, GS. Nguyễn Văn Chữ (Đại học Houston at Downtown) cho rằng nếu so sánh cuộc đua lên vị trí thượng đỉnh của chính trị Việt Nam hiện nay như một “giải đấu” thì “giải đấu” đã qua "vòng bán kết," đi dần vào "trận chung kết." Theo ông, có bốn vấn đề cần quan sát ở trận chung kết này: ai sẽ là Bộ trưởng công an, các thành viên của Bộ chính trị, quan hệ với Mỹ - Trung Quốc, và cuối cùng là ảnh hưởng của “giải đấu” này tới nền kinh tế. GS. Nguyễn Văn Chữ dự đoán giải đấu sẽ kết thúc trong vòng một năm tới, và từ đây đến đó, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Dưới đây là cuộc phỏng vấn mà GS. Nguyễn Văn Chữ dành cho RFA.

 

 

RFA. Nếu so sánh cuộc đua lên thượng đỉnh chính trị Việt Nam như một “giải đấu” giữa các “cao thủ” thì theo ông, sau khi ông Tô Lâm lên chủ tịch nước, "giải đấu" này đã qua “trận bán kết” chưa? 

 

GS. Nguyễn Văn Chữ: Chung kết. 

 

*

RFA. Tại sao ông nhìn nhận là đã vô “chung kết”? Với tình thế của Bộ chính trị hiện nay thì “trận chung kết” sẽ như thế nào?

 

GS. Nguyễn Văn Chữ: Vấn đề chung kết thì mình chưa đoán bây giờ được vì có bốn vấn đề cần quan sát xoay quanh trận chung kết này. 

Vấn đề thứ nhất là ai sẽ là bộ trưởng Bộ công an. 

Nếu bộ trưởng Công an là “đàn em” của ông Tô Lâm thì sao? Mình biết là không có người cộng sản nào có thể trung thành với chủ. Vì cái cấu trúc thể chế khiến người ta phải như vậy. Ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó thì người đàn em vẫn phải trung thành với đàn anh nhưng điều đó không thể kéo dài lâu. Như hai ông Phạm Minh Chính và Tô Lâm thì ban đầu đều là “đàn em” của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng rồi cũng phải trở cờ. 

Dù người kế nhiệm Bộ công an là đàn em ông Tô Lâm thì đến một lúc nào đó cũng phải như vậy thôi, nếu tình thế bắt phải như vậy. Bây giờ thì mình không biết, nhưng nếu mà ông Tô Lâm nắm được Bộ công an và giữ chức vụ chủ tịch nước, ông sẽ dùng chính lời của ông Trọng về “trách nhiệm của người đứng đầu” để đẩy ông Trọng ra đi, trước cuối năm nay. Lý do là ông Tô Lâm không muốn “đêm dài lắm mộng.” Nếu ông Trọng còn ở đó thì ông Trọng sẽ không muốn giới thiệu ông Tô Lâm kế nhiệm ông ta. 

Ngoài ra, ông Tô Lâm đã không thành công khi đề cử hai người của mình vào Bộ chính trị. Bộ chính trị bây giờ không ít người không ưa Tô Lâm vì ông đã hạ bao nhiêu người rồi. 

Thành ra, nếu ông Tô Lâm còn kiểm soát được Bộ công an thì tiến độ của trận chung kết sẽ được đẩy mạnh và ông sẽ đẩy Nguyễn Phú Trọng ra, sẽ lên trước 2016, tức Đại hội 14. Còn nếu ngược lại thì ông Tô Lâm cũng sẽ bị gạt ra. Cái khổ của ông Tô Lâm là nếu không lên nữa thì ông không thể “sống sót” vì ông đã có quá nhiều kẻ thù. Chỉ riêng cái công ty Xuân Cầu của em ông Tô Lâm cũng đủ để những người khác đẩy ông ấy xuống rồi. 

Thứ hai là trong kỳ bầu cử bổ sung Bộ chính trị vừa rồi, lấy thêm bốn người (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Chiến, Bùi Thị Minh Hoài) thì hai người là của ông Trọng, hai người thì trung dung. Người bên quân đội được kéo vào thêm để cân bằng người của bên công an. Thành ra nếu đưa ra biểu quyết thì ông Tô Lâm có thể bị thua. Cho nên một trong hai “con hổ” này sẽ phải ra đi. 

 

*

RFA. Còn ông Phạm Minh Chính nữa chứ. Chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính đủ điều kiện kế nhiệm vị trí tổng bí thư, theo điều lệ hiện nay.

 

GS. Nguyễn Văn Chữ

Nếu ông Tô Lâm ra đi thì ông Phạm Minh Chính thừa hưởng hết. Ông Phạm Minh Chính là người rất là tâm cơ. Ông rất giỏi cái chuyện này. Ông Vương Đình Huệ hay “làm thinh,” nhưng rốt cục vẫn bị kẹt, nhưng mà ông Chính thì khác. Khi mọi người đang “đấm nhau” thì dường như ông Phạm Minh Chính đứng yên. Nếu mà phải lo thì ông Tô Lâm phải lo chứ không phải ông Chính. Nếu bây giờ ông Tô Lâm ra đi thì ông Chính lợi nhất. Chính ông Phạm Minh Chính là người ký quyết định cho ông Trần Quốc Tỏ nắm quyền điều hành Bộ công an.

 

*

RFA. Vấn đề thứ nhất là ai sẽ là bộ trưởng công an. Vấn đề thứ hai là Bộ chính trị sau cuộc bầu cử bổ sung hôm 17/5/2024. Vậy vấn đề thứ ba cần quan sát là gì?

 

GS. Nguyễn Văn Chữ

Vấn đề thứ ba là Trung Quốc và Mỹ. Họ có muốn can thiệp không? Theo tôi, Trung Quốc không quan tâm vì ở Việt Nam, ông nào thắng thì cũng không bỏ họ được. 

Cái vấn đề nữa là Mỹ. Tôi không biết Mỹ có can dự không. Mỹ đã chơi Trung Quốc một hai đòn rồi. Cách đây mấy năm, anh sếp tình báo của Mỹ đi thăm Trung Quốc, rồi sau ổng trở về thì Mỹ bất ngờ công bố hết vị trí của lực lượng tên lửa và nguyên tử của Trung Quốc. Sau đó thì Tập Cận Bình thanh trừng hết lãnh đạo tình báo và tên lửa của ĐCSTQ. Sau khi Tập Cận Bình làm vậy thì Mỹ tuyên bố là các chân rết tình báo của Mỹ tại Trung Quốc đã bị thiệt hại rất nhiều. 

Rồi cách đây hơn một năm, ông Burns (RFA chú thích: William Burns, Giám đốc CIA) đi thăm Trung Quốc, rồi trở về ổng cũng tuyên bố là Mỹ đã tái lập được mạng lưới tình báo của mình tại Trung Quốc như trước. Sau khi ông Burns tuyên bố như vậy thì Trung Quốc cũng trảm không biết bao nhiêu tướng. Kể cả “anh chàng” ngoại trưởng vốn thân cận với Tập cũng mất chức. Thành ra tôi không biết là Mỹ có dự tính gì không. Nhớ là khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ thì ông Tô Lâm cũng qua trước mấy tháng để lo về an ninh cho ông Trọng. 

 

*

RFA. Trung Quốc là đối thủ chính thì Mỹ phải quan tâm. Bàn cờ Mỹ đang chơi rất lớn, trải dài từ châu Âu qua Trung Đông đến Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam có quan trọng đến mức để họ quan tâm như vậy không? 

 

GS. Nguyễn Văn Chữ:

Đúng vậy. Mặt khác, ở Việt Nam ai thắng thì cũng không bỏ Mỹ được. 

Còn một chuyện nữa mà Mỹ thua Trung Quốc là ở chỗ này. Mỹ có chính sách ngoại giao mà người ta gọi là “ngoại giao trực thăng vận” (helicopter diplomacy policy), có nghĩa là ngoại giao theo cách trao đổi quyền lợi qua từng giai đoạn. 

Khi Mỹ cần cái gì, ở đâu, thì họ sẽ đến, giống như đánh trận thì cần đánh chỗ nào sẽ cho trực thăng đổ quân tới, đánh xong thì rút về. Ngoại giao trực thăng vận nghĩa là Mỹ cần chỗ nào thì đến đó, ve vuốt, thúc đẩy quan hệ, nhưng mà xong việc thì lại rút về, đi chỗ khác, chứ không có chiến lược trường kỳ, không nhất quán như Trung Quốc. 

Khác với Mỹ, Trung Quốc đeo bám Việt Nam trong dài hạn. Họ luôn phải cài người vào đó, họ rỉ tai, họ thắt chặt rất lâu. Hồ Chí Minh nói “vì lợi ích trăm năm trồng người” thì đó chính là điều học từ Trung Quốc. Còn Mỹ thì cần gì thì mua, trao đổi, trong một giai đoạn nhất định, xong rồi thì thôi.

Cách ngoại giao của Mỹ do đó không phù hợp với Á châu. Ở Á châu, muốn làm gì thì phải gặp người đó, xây dựng quan hệ trước, rồi mới nói chuyện cộng tác. Còn Mỹ thì mua. Họ mua năm đồng không được thì trả 10 đồng. Đó là cách ngoại giao “helicopter” (trực thăng vận) kiểu Mỹ, cần gì thì mua cái đó, mua xong thì thôi. Cái đó không phù hợp với Á châu. Mỹ bị thua nhiều lần ở nhiều địa bàn khác nhau là vì vậy. 

 

*

RFA. Vậy vấn đề thứ tư của “trận chung kết” mà các nhà quan sát nên chú ý là gì? 

 

GS. Nguyễn Văn Chữ

Vấn đề thứ tư là kinh tế. Trận chung kết này sẽ kéo dài trong khoảng dưới một năm và nó sẽ ảnh hưởng rất tệ hại đến nền kinh tế. 

Khi tôi dẫn các giáo sư và sinh viên Mỹ đi khảo cứu ở Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, chúng tôi đều gặp các công ty đa quốc gia lớn đang đầu tư ở Việt Nam. Đó là các công ty về công nghệ cao của Hàn Quốc, châu Âu, có cả các công ty về may mặc. Chúng tôi đều đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam?” Tại sao họ chọn Việt Nam để đầu tư. Câu trả lời nhất quán của họ là lý do quan trọng nhất chính là sự ổn định chính trị. Việt Nam có lợi thế so với các nước đang phát triển khác là chính trị thượng tầng rất ổn định. Thứ hai là Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, có nhiều cơ hội. Thứ ba là nhân công Việt Nam giỏi.  

Bây giờ cuộc đua trong trận chung kết sẽ kéo dài trong một năm tới. Khi nó xảy ra trong năm tới thì nhóm nào thắng thì Việt Nam vẫn vậy. Phía ông Tô Lâm thắng thì Việt Nam sẽ thành một nhà nước công an trị giống như Nga. Còn nhóm ông Phạm Minh Chính lên thì chúng ta còn nhớ “Chỉ thị 24” xiết chặt xã hội. 

Bill Hayton nói cuộc đấu chính trị này sẽ khiến Việt Nam xa dần phương Tây, lại gần Trung Quốc, dù nó không liên quan đến đối ngoại. Ông ấy quên một điều là chính sách đối ngoại luôn có hai chiều. Anh muốn chơi với họ, nhưng họ có muốn chơi với anh không. “Chỉ thị 24” xiết chặt xã hội được đưa ra như vậy thì họ còn muốn chơi với anh nữa hay không. 

Và nên nhớ là hiện nay có nhiều nước Đông Nam Á khác đã khởi sắc. Trong vòng năm năm, mười năm nữa họ còn khởi sắc hơn nữa, như Malaysia, Indonesia. 

Trung tâm Nghiên cứu Stratfor ở Austin, Texas, công bố một nghiên cứu, trong đó nêu rõ sẽ có 16 quốc gia sẽ khởi sắc, hưởng lợi từ cuộc xung đột Mỹ Trung. Những quốc gia này sẽ đóng vai trò tập thể, tạo thành chuỗi cung ứng thay thế cho Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ đồng lương đã quá cao, Tập Cận Bình lại tăng cường kiểm soát. Những quốc gia này do đó sẽ đóng vai trò là trung tâm sản xuất những sản phẩm rẻ tiền như Trung Quốc đã làm. 

Trong cuộc cạnh tranh Mỹ Trung đó, Việt Nam hiện nay vẫn còn đóng vai trò một phần nào trong chuỗi cung ứng của thế giới. Nhưng mỗi năm đi qua thì vai trò của Việt Nam lại càng giảm dần. 

Chuyện tham gia vào ngành bán dẫn của Việt Nam hiện nay thì thực ra Việt Nam đã nói từ 15 năm trước, nhưng chỉ nói mà không làm. Bây giờ thì quá trễ. Vẫn chỉ nói mà không làm thì thử hỏi năm mười năm nữa có gì khác không. Mặt khác, Việt Nam có chính sách kinh tế kiểu “dự án”, tức là chiến lược luôn bị xé nhỏ thành các dự án riêng lẻ để rút ruột, thành ra chính sách không nhất quán. Chúng ta thử xét xem liệu năm mười năm tới có gì khác được không? Nói chung, vị thế của Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều “phiền phức”. Vì vậy, mặc dù chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn không thay đổi nhưng phương Tây sẽ không còn chơi với Việt Nam nhiều như bây giờ.

 

*

RFA. Các vấn đề đối nội, như xung đột nội bộ và nhân quyền, có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại trên thực tế không?

 

GS. Nguyễn Văn Chữ

Hai cuốn sách mới nhất của tôi có khảo sát những hiệp ước thương mại quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Các hiệp thương này rất toàn diện, không chỉ nói về thương mại mà đòi hỏi cả các vấn đề về nhân quyền, tự do báo chí, nghiệp đoàn. Liên minh Châu Âu có cả một cơ quan để theo dõi việc triển khai các vấn đề này trong hiệp ước thương mại. Việt Nam cam kết là sẽ giải quyết Công ước 87 cho lập được công đoàn độc lập, và hứa hoàn tất năm 2023. Nhưng rồi Việt Nam có làm không? Cho lập nghiệp đoàn độc lập nhưng chỉ cho ở cấp cơ sở mà không có cấp cao hơn thì cái nghiệp đoàn độc lập đó chỉ là “quái thai”. Tôi nghĩ rồi thì Liên minh Châu Âu sẽ không đồng ý chuyện này đâu. 

Đó là vấn đề thứ tư trong cuộc trận chung kết. Trận chung kết này sẽ kéo dài. Và nó càng kéo dài thì càng gây ra nhiều phiền phức. Và dù bên nào thắng đi nữa thì vấn đề tham nhũng vẫn tiếp tục. Bên nào thắng thì Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền rất nhiều, từ đó nó ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế. 

 

*

RFA. Như vậy trận chung kết này sẽ kéo dài và gây hệ lụy về kinh tế và quan hệ đối ngoại?

 

GS. Nguyễn Văn Chữ:

Nó sẽ kết thúc trong vòng một năm. Tôi có viết một bài về “chu kỳ kinh doanh” (business circle) trong mối quan hệ với chính trị. Ở Mỹ, hoạt động kinh doanh cũng có chu kỳ liên quan đến các cuộc đua chính trị. Hai năm đầu nhiệm kỳ tổng thống thì giới kinh doanh yên tâm đầu tư, hai năm cuối nhiệm kỳ thì họ giới hạn đầu tư để nghe ngóng chính sách của các ứng viên tổng thống, phán đoán về bên thắng cuộc. Việt Nam bây giờ cũng bắt đầu có hiện tượng “chu kỳ kinh doanh”. Giới kinh doanh phải quan sát các biến động trên thượng tầng để quyết định đầu tư. 

Trong nghiên cứu, để đo lường ảnh hưởng của chính trị lên kinh tế thì đôi khi phải chờ năm năm hoặc 10 năm. Ví dụ đo lường ảnh hưởng của một chính sách lên tỷ lệ thất nghiệp thì phải đo liên tục trong khoảng mười năm mới thấy được chính xác. Nhưng nếu nhìn vào thị trường chứng khoán thì có thể thấy ngay chứ không cần chờ đợi. Vì phản ứng của thị trường chứng khoán là phản ứng trực tiếp và nhanh chóng trước các biến động chính trị. 

 

*

RFA. Vậy thị trường chứng khoán ở Việt Nam gần đây có biến động gì không?

 

GS. Nguyễn Văn Chữ

Nó xuống rất mạnh. Và các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán hơn hai tỷ đô la để rút khỏi thị trường Việt Nam. Đó là điều tôi muốn nói. Ảnh hưởng của chính trị tới kinh tế rất nặng. Thị trường chứng khoán là cái cửa sổ để nhìn vào tương lai.  

 

*

RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Văn Chữ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

 

 




No comments: