Tuesday, July 12, 2016

Ý KIẾN CHUYÊN GIA VIỆT NAM SAU PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ (Gia Minh - RFA)





Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-07-12
.
Người dân Philippines biểu tình phản đối trước Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Manila hôm 12/7/2016. AFP

Một thắng lợi của công lý quốc tế

Tòa Trọng tài Thường Trực-PCA tại La Haye chính thức công bố phán quyết về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn vẽ ra tại Biển Đông nhằm tuyên bố chủ quyền ở đó. Ngay sau khi có phán quyết, Gia Minh phỏng vấn luật sư - tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao,viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển của Việt Nam tại Hà Nội.

Trước hết ông cho rằng phán quyết của PCA là một thắng lợi của công lý quốc tế:

TS Hoàng Ngọc Giao: Phán quyết này khẳng định công lý, pháp lý quốc tế đã được thực thi một cách rõ ràng; một thắng lợi chung cho các quốc gia chứ không phải một mình Philippines bởi lẽ tác động tiếp theo của phán quyết này là sẽ có lợi cho việc duy trì trật tự pháp luật quốc tế đã định hình.
Nó cũng vạch ra mưu toan dùng các hành vi quân sự, chính trị một cách vô trách nhiệm cũng không thể nào làm thay đổi được trật tự pháp lý quốc tế hiện nay cũng như xóa bỏ trật tự pháp lý quốc tế hiện nay theo ý chỉ chủ quan của một quốc gia. Bởi lẽ luật pháp quốc tế được kiến thiết, kiến tạo trên cơ sở đồng thuận của tất cả các quốc gia; cho nên không một quốc gia nào có quyền vẽ lại luật này cả.
Dưới góc độ như vậy tôi đánh giá đây là một chiến thắng của công lý quốc tế. Và có lợi cho tất cả các quốc gia về mặt nhận thức về trật tự pháp luật quốc tế, có lợi cho những quốc gia đặc biệt là những quốc gia nạn nhân trong khu vực Biển Đông.
Đó là căn cứ để chúng ta cần phải giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982.
(Phán quyết) cũng là một bài học cho Trung Quốc, một lời cảnh báo đối với Trung Quốc cần phải ứng xử, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế chứ không thể cậy sức mạnh quân sự của mình để phá rối trật tự pháp luật quốc tế.


Gia Minh: Thưa ông chính dù Trung Quốc nói không tôn trọng phán quyết của PCA và mọi người có phán đoán sắp đến Trung Quốc tiếp tục sự hiện diện của họ tại Biển Đông, theo ông sự hiện diện đósắp đến sẽ bị tác động ra sao?

TS Hoàng Ngọc Giao: Ngay từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra PCA, Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của tòa, tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA. Điều đó rõ ràng và bằng hành động họ cũng bác bỏ mọi chuyện liên quan đến câu chuyện này.
Thế nhưng chúng ta nên nhìn theo góc độ: Trung Quốc không phải sống trên một hành tinh mà chung quanh không có quốc gia khác. Trung Quốc tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với cộng đồng các quốc gia. Đó là yếu tố chúng ta cần phải thấy. Do đó Trung Quốc không thể một mình một sân, một mình một luật chơi được.
Bởi từ những hành động liên quan đến biển này, thì hành vi không chấp nhận trật tự luật pháp quốc tế của Trung Quốc - đặc biệt lần này không chấp nhận phán quyết của PCA, sẽ thể hiện rõ Trung Quốc là một chủ thể hay một quốc gia không có sự tin cậy trong quan hệ quốc tế. Chắc chắn các quốc gia phải xem xét lại đường lối đối ngoại của mình đối với Trung Quốc về các vấn đề chính trị, ngoại giao và kể cả kinh tế.
Còn nếu Trung Quốc lại làm tới, leo thang bằng những hành vi quân sự tiếp theo để tỏ rõ không chấp nhận PCA thì theo tôi Trung Quốc cũng sẽ nhận phải những hậu quả bị cô lập trong quan hệ kinh tế, sẽ bị những chế tài về kinh tế mà các quốc gia khác sẽ xử lý giống như trong trường hợp của nước Nga/ Putin liên quan đến câu chuyện Ukraine. (Nga) đã và đang phải chịu những chế tài kinh tế từ các nước EU cũng như Hoa Kỳ.
Về điều này, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Trung Quốc có nhiều bê bối, nội bộ Trung Quốc có nhiều vấn đề; Trung Quốc có tiếp tục hành vi quấy rối hay tiếp tục thực hiện tham vọng ở Biển Đông và đổi lấy sẽ phải nhận lấy sự cô lập trong cộng đồng quốc tế, nhận lấy sự tẩy chay cũng như những chế tài về kinh tế, thậm chí phản ứng bằng hành vi quân sự của những nước khác trước những hành vi quân sự của Trung Quốc hay không?
Chắc các nhà làm chính sách Trung Quốc phải tính đến điều đó. Nếu họ không tính đến, tôi tin kịch bản diễn ra sẽ rất phức tạp.
Nhưng có thêm ý nghĩa nữa: nếu Trung Quốc hành xử như một quốc gia bất chấp tất cả mọi luật lệ, bất chấp tiếng nói của tất cả các quốc gia khác, trước những hành vị phá rối của Trung Quốc thì dường như phán quyết của PCA là căn cứ, là điểm hội tụ tất cả những quốc gia chống lại Trung Quốc. Đó là một sức mạnh, đoàn kết các quốc gia trong cũng như ngoài khu vực trước hành động leo thang vũ lực của Trung Quốc tại Biển Đông.

Việt Nam cần phải kiên quyết hơn

Gia Minh: Ông nói đó là một thắng lợi về mặt pháp luật quốc tế. Và những quốc gia tranh chấp (tại Biển Đông) có cơ sở có lợi, vậy những nước như Việt Nam sắp tới nên như thế nào để có thể bảo vệ được quyền lợi tại Biển Đông?

TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi có thể nói Việt Nam là một nạn nhân rất nặng nề trong những hành vi bành trướng, thôn tính hoặc sử dụng vũ lực của Trung Quốc.
Do đó việc đấu tranh ngoại giao, đặc biệt đấu tranh pháp lý đây là thời cơ rất thuận lợi cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần phải kiên quyết hơn nữa trước những hành vi của Trung Quốc.
Đặc biệt ngay ngày hôm nay, Trung Quốc tiếp tục có hành vi sử dụng vũ lực trên Biển Đông: dùng tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Trước bối cảnh như thế chính phủ Việt Nam không thể nào chỉ dừng lại ở việc tuyên bố phản đối thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Chính phủ Việt Nam cần phải có quyết đoán chính trị trong thời điểm này. Cần phải tính đến việc khởi kiện và cần phải có những biện pháp đấu tranh ngoại giao khác để gây áp lực lên Trung Quốc buộc phải chấp hành trật tự pháp luật quốc tế cũng như Công ước Luật biển năm 1982.


Gia Minh: Ông nói rằng phán quyết của PCA là yếu tố giúp cho các nước đoàn kết lại; nhưng trong ASEAN vừa rồi Campuchia vẫn ủng hộ cho Trung Quốc?

TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi muốn nói đó là tâm điểm để đoàn kết sức mạnh của các quốc gia trước hành vi bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là tôi muốn nói đến các quốc gia có chính sách đối ngoại có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, có thái độ nghiêm túc đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là những quốc gia sẽ đoàn kết lại với nhau; chứ tôi không nói đến những quốc gia vì động cơ kinh tế, vì những động cơ cá nhân mà vô trách nhiệm, không có thái độ gọi là có trách nhiệm đối với trật ự pháp luật quốc tế, cũng như đối với vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Không nói đến những quốc gia đó; và số đó không có nhiều. Số những quốc gia đó thể hiện thái độ, chính sách không nhất quán, có tính chất gọi là cơ hội.
Những quốc gia đó không đáng kể về mặt qui mô, không đáng kể về tiếng nói chính trị, không đáng kể về vị thế trong quan hệ các quốc gia
Những quốc gia có trách nhiệm là những quốc gia lớn, những quốc gia có tiềm lực, những quốc gia luôn thể hiện trách nhiệm đối với trật tự pháp lý quốc tế. Chúng ta thấy rõ: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Châu Âu và một loạt những nước khác- những nước phát triển. Đó là những quốc gia mà trong đường lối đối ngoại luôn lấy tiêu chí luật pháp quốc tế làm căn cứ cho các mối quan hệ quốc tế; chứ họ không thể nào chấp nhận hành vi phá bĩnh, bác bỏ luật pháp quốc tế cả.

Gia Minh: Cám ơn ông.





No comments: