Wednesday, July 20, 2016

SAI SÓT NGHIÊM TRỌNG TRONG "TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM" (Hoàng Tuấn Công)





Hoàng Tuấn Công
18/07/2016, 13:31 (GMT+7)
.
Bìa sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam”

Có thể nói toàn bộ 575 trang, khổ 10x18, rất hiếm những trang "Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam (dùng cho học sinh, sinh viên)" của Thanh Long - Tường Ngọc (NXB Đồng Nai - 2014) không sai sót.

Sau đây, chúng tôi xin liệt kê sơ lược một số lỗi:

1. Giải thích sai (phần trong ngoặc kép là nguyên văn từ điển; phần chữ nghiêng trong ngoặc [...] là cách hiểu đúng do chúng tôi đính chính).

- "Biết ngứa đâu mà gãi. Không biết việc sẽ tới ra sao để ngừa trước cho khỏi hư việc, lời nói để tránh trách nhiệm của người không biết phòng xa" [Hiểu đúng: Không biết ý muốn, nhu cầu cụ thể của người khác thế nào, nên rất khó đáp ứng].

- "Cà cuống chết đến đít còn cay: Chết rồi mà tiếng còn để đời" [Ngoan cố, bảo thủ; cay cú, chống đối đến cùng, ngay cả khi đã thất bại].

- "Chó chê cứt nát: Dễ chê hôn (sic), (nó mà chê thì không khác gì chó chê cứt nát)//(B) Không ăn khi bụng đã no, không nhận khi đã có thừa." [Kênh kiệu, đài các không phải kiểu; Không biết thân phận mình. Đồng nghĩa: "Kẻ cắp còn chê vải hẹp khổ; Vịt chê thóc lép không ăn"...].

- "Đĩ khóc, tù van, hàng xáo kêu lỗ, thế gian sự thường: Lâu lâu, phải có một năm mất mùa, lúa cao gạo kém, thiên hạ đói khổ, đó là lẽ thông thường xưa nay//Lúc kinh tế khủng hoảng, làm ăn không được, phần nhiều ai cũng khổ sở cả" [Nên cảnh giác với lời kêu ca phàn nàn cửa miệng của một số thành phần trong xã hội, như đĩ điếm, tù tội, kẻ buôn bán...]

- "Lợn lành chữa lợn toi: Nhà có heo bệnh phải bán heo lành mạnh chạy thuốc cho con bệnh, hoặc làm thịt để cúng vái" [Vụng về, vật dụng đang tốt đem chữa thành hỏng; Thầy thuốc chữa bệnh nhẹ thành bệnh nặng. Đồng nghĩa "Bò lành chữa thành bò què"; Chẳng chữa thì sống, chữa thì kèn trống ra đồng."]

- "Mài mực ru con, mài son đánh giặc: Cảnh tao nhã của người hay chữ, một xã hội VẰN (sic) vật" [Kinh nghiệm mài mực và mài son: mực Tàu phải mài nhẹ nhàng như "ru con" mới cho mực tốt; son (bằng đá tự nhiên) phải mài và được phép mài mạnh tay như "đánh giặc"].

- "Miệng khôn, trôn dại: Nói nhiều câu phạm thượng đến phải bị đòn bụng đau đớn". [Ăn nói thì có vẻ khôn ngoan, nhưng thực tình lại nhẹ dạ cả tin, dễ sa ngã (nói về đàn bà, con gái)].

- "Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi: Trong nhà, có đánh vợ rầy con (mưa gió) thì cũng trong giây lát rồi thôi, để trên thuận dưới hoà mà lấy lại nếp sống bình thường, chớ không nên kéo dài suốt ngày, đến bỏ bữa ăn trưa (khoảng giờ ngọ) và giấc nghỉ trưa (khoảng giờ mùi) không vậy, sự bất hoà sẽ khó bề hàn gắn." [Đây là kinh nghiệm đoán biết thời tiết: mưa buổi sáng thường không kéo dài sang quá buổi trưa; gió (bắc) thường lặng vào buổi chiều (Bấc lặng hôm, nồm lặng mai) Giờ Mùi từ 13 giờ đến 15 giờ, ai còn "nghỉ trưa" nữa?].

2. Dùng từ ngữ địa phương rất khó hiểu: "Bắt chuột không hay, hay ỉa bếp: Người kém hoạt động, không LAU LÁCH, chỉ LÚC THÚC trong nhà"; "Bồ dục chấm nước cáy: XẲNG LÈ, cách nói năng cộc cằn thô lỗ"; "Liên HƯỜN kế"; "Bạt sơn cử ĐẢNH"; "Chuyện DĨ lỡ rồi", "chó RƯỢN cái"; v.v...

3. Không phải thành ngữ, tục ngữ: Ví dụ: "Phát triển cộng đồng"; "Cảm giác nhận thức"; "Cảm giác tác dụng"; Cảm giác thần kinh"; "Cảm giác tri thức"; "Lãnh sự tài phán"; "Lễ cầu thân"; "Lễ đại liệm"; "Lễ đại tường"; "Lễ động quan"; "Lễ hạ rộng"; "Lễ yết tổ"; "Lễ khao vọng". Nhiều từ vốn xuất phát từ điển cố, điển tích của Tàu: "bắn sẻ"; "bích hoàn"; "bích huyết"; "dạy con".v.v... Sách có tên "Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam", nhưng chúng tôi không thấy một bài ca dao nào, ngoài một vài câu kiểu như: "Tiếc thay hạt gạo trắng ngần/ Đã vo nước đục lại vần than rơm". Tuy nhiên, đây là tục ngữ mang hình thức ca dao, chứ không phải ca dao. Vả lại, người ta chỉ làm "tuyển tập ca dao" chứ không ai làm "từ điển ca dao" cả.    

4. Sai chính tả: Dấu "ngã", thành dấu "hỏi", ngoặc ngược lại: "Cày sâu cuốc BẪM" thành "cuốc BẨM"; "MÃNH hổ nan địch quần hồ" thành "MẢNH hổ... "; Mâm cao CỖ đầy" thành "CỔ đầy"; "VIỄN chinh" thành "VIỂN chinh"; "MỠ để miệng mèo" thành "MỞ để...",v.v...

5. Lỗi văn bản trầm trọng: (Phần in nghiêng trong ngoặc kép là nguyên văn từ điển. Chữ viết hoa trong ngoặc [...] do chúng tôi đính chính).

"Ăn chực đòi ĐÁNH chưng" [BÁNH]; "BẠCH bể nương dâu" [BÃI]; "BÓC ra ma" [BÓI]; "BÓC nơi khố bện, đãi nơi quần hồng" [BÒN]; "BÚT không ăn mày ma" [BỤT]; "BỤC chỉ cổ tay" [BUỘC]; "BỮA mắt bắt chim" [BƯNG]; "Biển thánh, rừng NHU" [NHO]; "Cha mẹ cú ĐỂ con tiên" [ĐẺ]; "Cha mẹ NGÀNH đi con dại" ["NGOẢNH]. "Chẳng được ăn cũng LAY lấy vốn"[LĂN]; "DƯỚI chất hổ bì" [DƯƠNG]; "Đĩ GIÁC lấy chồng quận công" [RẠC]; "Rồng RÔNG theo NỌ" [Rồng RỒNG theo NẠ]; "Già sanh tật, đất SẢNH cỏ" [SANH]; "KÉN cày trả nợ" [KÉO]; "Khẩu TUNG tâm SUY" [Khẩu TỤNG tâm DUY]; "KHỔ son bòn khố nâu" [KHỐ]; "Làm CÁCH sạch ruột" [KHÁCH]; "Làm CỎ không lo mất phần" [CỖ]; "Làm CỎ sẵn cho người ăn" [CỖ]; "Làm giàu có số, ăn CỎ có phần" [CỖ]; "Kiếp trâu ăn CÓ" [CỎ]; "Cao BIỂN dậy non" [BIỀN]; "RẰM mồng năm" [RẮN]; "RÁO quan viên" [RÉO]; "Mình ốc không rửa, còn mang cục KÊU" [RÊU]. "Thần vong CHỈ hàn" [XỈ]; "Phú quý như BÙN vân" [PHÙ]; "BẮC bất ba đào dị nịch nhân" [SẮC]; "MƯA thẳng mất lòng cây gỗ cong" [MỰC];...

Có những thành ngữ, tục ngữ bị viết sai, nhưng vẫn có nghĩa, khiến học sinh, sinh viên rất khó phát hiện: "Bệnh QUÝ có thuốc tiên" [QUỶ]; "Được voi đòi TIỀN" [TIÊN]; "Mất cả chì lẫn CHÀY" [CHÀI]; "Gông ĐỒNG tróng mang" [ĐÓNG]; "Nắng chóng MƯA, mưa chóng tối" [TRƯA]; "Toạ thực sơn BẰNG" [BĂNG]; "Làm hàng săng chết BỎ PHIẾU" [BÓ CHIẾU]; "Mài SẮC nên kim" [SẮT]; "Huynh đệ như thủ TỤC" [TÚC]; "Cà cuống LỘN ngược" [LỘI]; "Ma ăn CỎ: Việc âm thầm sai quấy: Ai biết đâu chỗ ma ăn CỎ ấy" [CỖ]; "Sứa nhảy HOA đăng" [QUA]; "Khẩu THỊT tâm phi" [THỊ]; "Nói như VẠT miếng thịt" [VẠC]: "Thanh cậy thế, Nghệ cậy THẦY" [THẦN]...

Phần diễn đạt cũng sai rất nhiều. Ví dụ: "KẺ dại" thành "KỂ dại" (tr173); "cứ đi" thành "CÚ đi"; (tr329): "RƯỢT bắt" thành "RƯỢU bắt" (tr111); "MẠ già" thành "MẸ già" (tr135); "CHẬM rãi" thành "CHẪM rãi" (tr195); "GIÁC cây GỤ" thành "GIĂM cây GÕ" (209); "ngạo MẠN" thành "ngạo MẠNG"; "HUƠ đao" thành "HUƠI đao" (tr.203); "lỗ TRÔN" thành "lỗ TRỐN"; "NGƯ phủ" thành "NGU phủ" (tr.211).

Ngoài ra, toàn bộ các ký hiệu, chữ viết tắt trong từ điển không hề có phần hướng dẫn sử dụng. Những lỗi trên, chúng tôi chỉ mới sơ lược liệt kê đến trang 279/tổng số 575 trang. (Ví như các trang 164-165 phạm tới 12 lỗi, nhưng chúng tôi chỉ mới nêu ra 2 lỗi). Theo chúng tôi, chỉ riêng sai sót về khâu chế bản, cuốn từ điển này đã đáng bị thu hồi. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên NXB Đồng Nai cho xuất bản, lưu hành sách và từ điển kém chất lượng....

HOÀNG TUẤN CÔNG...  







No comments: