Thursday, July 14, 2016

KIỆN CHỨ SAO KHÔNG KIỆN (FB Luân Lê)





FB Luân Lê  (LS Lê Luân) 

KIỆN

Việc PCA đưa ra phán quyết ngày 12.07.2016 kèm theo một loạt các tuyên bố pháp lý đối với các yêu cầu khởi kiện của Philippines về vấn đề chủ quyền biển đảo, trong đó hầu hết đã giải thích một cách cặn kẽ, khoa học và rõ ràng những thuật ngữ pháp lý của UNCLOS dành cho việc giải quyết vụ tranh chấp. Và theo phán quyết này thì đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đã vẽ ra trên biển đông mà chồng lấn lên phần lớn lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như các nước Philippines, Indonesia, Brunei và Malaysia.

Khi đường lưỡi bò bị tuyên là không có cơ sở và hoàn toàn không có giá trị pháp lý theo cách xác định của UNCLOS, thì đây chính là một phán quyết sẽ trở thành án lệ chuẩn mực đầu tiên cho các quốc gia khác kể từ nay về sau mà có thể sử dụng để viện dẫn, làm căn cứ về mặt thuật ngữ pháp lý, cách xác định đảo có lãnh hải hay không có lãnh hải, trong việc giải quyết các tranh chấp hoặc đưa ra yêu cầu đối với việc xác định chủ quyền biển, đảo của mình trên biển đông.

Khi bác bỏ giá trị pháp lý đường lưỡi bò, điều đầu tiên là xác lập nên một phán quyết có giá trị quốc tế mà chủ thể được thụ đắc trực tiếp cho các chủ quyền về vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc chính là Philippines. Thứ hai, khi lật bỏ được đường lưỡi bò, nó đồng thời gián tiếp phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những vùng biển bị bao phủ bởi dường lưỡi bò phi lý đó, từ đó Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ phán quyết này của PCA.

Tuy nhiên, phán quyết ấy mặc dù đã bác bỏ toàn bộ đường lưỡi bò của Bắc Kinh, nhưng không có nghĩa rằng Việt Nam được trực tiếp thừa hưởng chủ quyền đối với vùng biển nằm trong vùng bị tác động của nó, mà bắt buộc chúng ta phải tham gia một vụ kiện độc lập tương tự với Trung Quốc để có một phán quyết mà có thể dẫn đến sự khẳng định chủ quyền trực tiếp đối với các vùng biển bị chồng lấn bởi các đường 9 đoạn này, từ đó mới có căn cứ để thi hành về mặt pháp lý mang tính quốc tế và chính thức đối với Việt Nam tại vùng biển của mình.

Tôi không hiểu lý do gì mà Việt Nam lại không cùng tham gia làm nguyên đơn, hoặc trở thành người có yêu cầu độc lập cùng với vụ kiện mà Philippines đã khởi động và vừa kiện thành công, vì thời gian từ khi Phi khởi kiện đến khi có phán quyết là rất lâu (hơn 03 năm). Bởi khi tham gia cùng vào vụ kiện, chúng ta cũng được trực tiếp là một chủ thể của công pháp quốc tế mà được chính thức thụ hưởng các quyền năng pháp lý nếu được xác lập bởi phán quyết của PCA. Và chúng ta chỉ việc sử dụng nó làm cơ sở pháp lý mà thực hiện quyền cũng như yêu cầu bên có nghĩa vụ phải tuân theo. Nó là phán quyết có tính ràng buộc và có tính cưỡng chế, thi hành trên bình diện quốc tế.

Vì chúng ta đứng ngoài cuộc chơi, nên vùng biển của chúng ta vẫn bị Trung Quốc hiện diện và chúng sẽ không chịu nhượng bộ trên những vùng nằm trong đường 9 đoạn của chúng trên vùng biển của Việt Nam, mà chúng chỉ nhượng bộ Philippines với các phần đoạn mà xâm phạm vào vùng biển của Philippines mà vừa bị coi là vô hiệu thôi.

Về mặt pháp lý, đường 9 đoạn là không có cơ sở theo UNCLOS, nhưng hiện tại sự vô hiệu của nó chỉ mới đang áp dụng đối với những đoạn nằm trong yêu cầu vô hiệu hoá của Phi. Còn chúng ta muốn vô hiệu các đoạn nằm trên vùng biển của chúng ta thì buộc chúng ta phải khởi kiện và có một phán quyết dành riêng cho Việt Nam.

Và việc này thì có lẽ bây giờ không có gì là khó khăn hay phải lo lắng điều gì nữa, khi với quốc tế, phán quyết vừa rồi của PCA đã như một án lệ chuẩn mực mà làm căn cứ pháp lý chắc chắn cho Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào an tâm mà khởi kiện Bắc Kinh ra toà án quốc tế với phần có lợi chắc chắn thuộc về nguyên đơn.





No comments: