Thursday, July 14, 2016

BIỂN ĐÔNG : TRUNG QUỐC ĐE DỌA "ĐÁP TRẢ KIÊN QUYẾT" NẾU BỊ KHIÊU KHÍCH (Thụy My - RFI)





Thứ Năm, ngày 14 tháng 7 năm 2016
.
Một nhà giàn của Việt Nam tại Trường Sa.

Bắc Kinh hôm nay 14/07/2016 đe dọa sẽ « kiên quyết đáp trả » trong trường hợp bị khiêu khích, sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết kết luận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp. Cũng trong hôm nay Hà Nội đã phản đối các hành động gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc vô cùng giận dữ trước phán quyết của tòa quốc tế, nhấn mạnh sẽ không tôn trọng bản án của định chế mà Bắc Kinh cho rằng không có thẩm quyền. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố : « Nếu ai đó muốn tiến hành một hành động khiêu khích chống lại các lợi ích an ninh của Trung Quốc trên cơ sở phán quyết này, thì Trung Quốc sẽ đáp trả một cách kiên quyết ».

Báo chí Bắc Kinh mới đây loan tin hai máy bay dân sự Trung Quốc hôm qua đã hạ cánh thành công xuống hai phi đạo mới được xây dựng trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef). Trung Quốc cũng tuyên bố đã hoàn tất bốn hải đăng và động thổ ngọn hải đăng thứ năm trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa.

Các động thái này diễn ra vào thời điểm Tòa Trọng tài ở La Haye hôm thứ Ba 12/7 ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Từ Hà Nội, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình hôm nay yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Lê Hải Bình tuyên bố : « Bất chấp phản đối của Việt Nam và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế, những hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam là phi pháp, và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ».Ông tái khẳng định Việt Nam « có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử » tại hai quần đảo trên.

AP ghi nhận, mặc dù cùng đòi hỏi chủ quyền trên một số thực thể tại Biển Đông với Philippines, Việt Nam hoan nghênh phán quyết của PCA và là quốc gia thành viên ASEAN có quan điểm mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu phán quyết của tòa quốc tế trước khi đưa ra lời bình luận.

Hãng tin Reuters trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết thêm, cũng trong hôm nay thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong cuộc gặp người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bên lề hội nghị thượng đỉnh Âu-Á ở Mông Cổ, đã nói rằng ông hy vọng Việt Nam sẽ cùng với Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

---------------------

14.07.2016
.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam 'phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông'. (Ảnh tư liệu)

Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau hôm nay, 14/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, hai ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.

Đây được coi là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa quan chức đôi bên sau phán quyết lịch sử, trao phần thắng cho Philippines hôm 12/7.

Theo bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam “phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.

Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói tại cuộc họp rằng, đôi bên nên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình”, và “thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.

Thủ tướng Việt Nam được trích lời nói thêm rằng Hà Nội “kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế”, đồng thời “coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.

Qua quan sát các thông tin đăng tải trên truyền thông hai nước, chưa rõ hai bên có trao đổi về phán quyết của Tòa Trọng tài hay không.

Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu kéo dài hai ngày ở Mông Cổ, với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia châu Á và châu Âu, sẽ khai mạc vào ngày mai, 15/7. Theo tin từ Philippines, tân tổng thống nước này sẽ không tới tham dự.

Đầu tuần này, ông Khổng Huyễn Hữu, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, đầu tuần này tuyên bố rằng ASEM “không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề biển Đông,” và vấn đề tranh chấp này không nên được đưa ra thảo luận.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm 12/7 đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Thủ tướng Việt Nam bắt đầu chuyến thăm tới Mông Cổ để dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu hôm 13/7.







No comments: