Saturday, July 16, 2016

ĐIẾU CÀY TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA ÂN XÁ QUỐC TẾ về TÙ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM (Người Việt)





Người Việt
July 15, 2016
.
Blogger Điếu Cày trong một lần trả lời phỏng vấn của độc giả tại báo Người Việt. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Lời tòa soạn: Blogger Điếu Cày Nguyễn Hoàng Hải vừa có cuộc trả lời phỏng vấn của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nhân sự kiện công bố bản báo cáo về Tù nhân chính trị Việt Nam tại Paris và London. Bài phỏng vấn được tác giả Huyền Nguyễn dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Báo Người Việt xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

***
Amnesty International: Cảm giác chung của việc bị cách ly các tù nhân lương tâm. Ông có thể miêu tả những biểu hiện của chiến lược cách ly các nhà bất đồng chính kiến đối với thế giới bên ngoài, với gia đình họ. Việc này đã xảy ra nặng nề như thế nào và nó làm cho ông cảm xúc ra sao?
Điếu Cày: Khi tôi bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, tôi không biết ngoài tôi ra còn bạn bè nào bị bắt? Gia đình tôi có bị đàn áp không? Gia đình các bạn tôi có bị đàn áp không? Họ sẽ sống ra sao khi bị hạn chế, tước đoạt nguồn sống.
Các con tôi có còn được học hành bình thường không, hay bị áp lực phải bỏ học. Liệu gia đình tôi, gia đình bạn bè có vượt qua được áp lực từ truyền thông của nhà cầm quyền bôi xấu?
Việc cách ly đã tạo áp lực không nhỏ với người tù và khiến cho họ luôn lo lắng, bất an. Có thể dẫn đến những hành động mất phương hướng, nản chí.
Không chỉ giam bị giam giữ cách ly với bên ngoài, người tù còn bị hạn chế không được gặp luật sư, không được nhận đồ thăm nuôi trong quá trình điều tra. Hầu hết tù nhân ở trại tạm giam đều bị như vậy.
Riêng trường hợp của tôi còn tệ hơn nữa, đó là trong suốt thời gian tôi bị giam tại trại tạm giam B34 thì gia đình tôi vẫn đi gửi đồ thăm nuôi tại trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu. Và trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu đã lừa dối gia đình tôi trong suốt thời gian tôi bị giam giữ ở B34 để nhận tiền và đồ thăm nuôi gia đình gửi cho tôi.
Bằng chứng là gia đình tôi chưa hề được trại giam B34 thông báo theo quy định pháp luật và chưa đi thăm nuôi tại đây lần nào.
Việc cách ly tôi với thế giới bên ngoài kéo dài gần hai năm (20/10/2010- 29/3/2012) tôi mới được gặp luật sư sau khi đã hết thời hiệu điều tra gần hai tháng.
Việc ngăn cản luật sư tham gia trong quá trình điều tra, không cho gia đình tù nhân thăm nuôi nhằm tước đoạt những sự bảo vệ của pháp luật, sự hỗ trợ của gia đình là nhằm triệt tiêu hết những hy vọng dù là nhỏ nhất với tù nhân. Khiến họ hoàn toàn đơn độc.
Bởi một món quà họ nhận được, có khi chỉ là một món ăn hàng ngày họ thích hoặc đã quen thuộc trên bàn ăn gia đình cũng gợi nhớ, cũng liên tưởng, cũng đem lại cho họ sự cân bằng cần thiết, một tín hiệu để biết rằng gia đình và bạn bè vẫn luôn bên họ.
Đó là cảm xúc mà hầu hết những người tù khi bị cách ly đều phải vượt qua. Nhưng trong những hoàn cảnh như vậy, mỗi người lại phải tìm ra cách riêng của mình để đối phó.
Và tôi đã chọn cách tuyệt thực để phản đối những vi phạm pháp luật của nhà tù.
Cuộc tuyệt thực của tôi ở trại tạm giam B34 kéo dài 28 ngày. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 05/3/2011 trại tạm giam B34 đã phải đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh viện 30/4 ở Sài Gòn.
Khi tôi còn ở bên ngoài, tôi đã phải lựa chọn giữa một cuộc sống đầy đủ hay quyết định tham gia đấu tranh, để rồi sẽ bị bắt, bị giam trong lao tù, và gia đình bị đàn áp. Tôi đã lựa chọn đấu tranh.
Khi ở trong tù, tôi đã mất gần như tất cả, tôi chỉ còn lại niềm tin để sống và tiếp tục đấu tranh trong các nhà tù. Và nếu tôi cúi đầu khuất phục, tôi sẽ mất hết. Tiếp tục đấu tranh, đó cũng là lựa chọn của tôi trong hoàn cảnh đó.


* Amnesty International: Về việc liên tục bị chuyển trại, ông giải thích ra sao? Hàm ý của việc chuyển trại đối với người tù như thế nào?
– Điếu Cày: Khi một tù nhân mới bị chuyển đến một trại giam, các quản giáo và giám thị trại giam muốn áp đặt ngay lập tức các quy định giam giữ của trại với tù nhân mới, trong đó có nhiều quy định trái pháp luật.
Họ muốn ngay lập tức phải áp đảo được tinh thần của tù nhân mới. Đầu tiên là quản giáo rồi đến cán bộ giáo dục vào làm việc với tù nhân.
Có những trường hợp cán bộ giáo dục và quản giáo không áp chế được tinh thần của tù nhân thì họ chuyển cho an ninh trại làm việc. Những nhân viên an ninh trại là những người vi phạm nhân quyền, đàn áp tù nhân ác nhất.
Một tù nhân đã trải qua tất cả những đợt làm việc như vậy mà nhà tù không khuất phục được họ lại có tác động tốt đến tâm lý các tù nhân khác. Các tù nhân khác sẽ noi gương tù nhân đó để đấu tranh, không còn sợ hãi nữa.
Khi một tù nhân bản lĩnh dùng các căn cứ pháp lý hiên ngang đấu tranh tự bảo vệ quyền con người của mình thì các tù nhân khác cũng nhận thức được các quyền ấy để tự bảo vệ. Các tù nhân còn liên kết với nhau để đấu tranh tập thể.
Nhưng việc không khuất phục nổi một tù nhân cứng đầu như vậy sẽ làm cho cái uy quyền của đám quản giáo giảm sút trong mắt những tù nhân khác. Vì vậy cách cuối cùng là các quản giáo sẽ chuyển tù nhân cứng đầu đó đi trại khác để họ dễ làm việc và cũng là gửi những tín hiệu đàn áp tới các tù nhân còn lại.
Thông điệp đó là : Nếu các anh không nhận tội, không chấp hành chúng tôi thì sẽ bị chuyển đi thật xa. Khi đó gia đình các anh sẽ rất vất vả, tốn kém tiền bạc và thời gian để đi thăm nuôi.
Tù nhân cứng đầu đó bị chuyển tới trại giam mới sẽ lại bắt đầu tiếp tục trải qua các trải nghiệm mới. Lại tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền của mình, lại liên kết bạn bè trong nhà tù mới cùng tranh đấu. Và sau khi đã vượt qua hết những thách thức của nhà tù đó, anh ta tiếp tục bị chuyển đi, đến những trại giam xa hơn, khắc nghiệt hơn.
Việc chuyển tù nhân ở miền Bắc vào miền Nam và chuyển tù nhân từ miền Nam ra bắc đã khiến gia đình họ vô cùng vất vả. Như gia đình tôi và anh Trần Huỳnh Duy Thức sống ở Sài Gòn, nhưng phải đi hàng ngàn cây số ra tận miền Tây Nghệ An để thăm nuôi. Với những gia đình khó khăn về kinh tế thì không thể thăm nuôi thường xuyên được.
Việc tù nhân không được thăm nuôi thường xuyên và bị giam giữ cách ly hoàn toàn với bên ngoài khiến mọi thông tin về các cuộc đấu tranh trong nhà tù không đưa ra ngoài được, không nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ từ bên ngoài, các cuộc đấu tranh trong tù sẽ rất đơn độc và bị đàn áp.
Đó chính là lý do mà tôi liên tục bị chuyển trại và anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng lần lượt đi qua những trại giam đã từng giam giữ tôi.


* Amnesty International: Cuộc sống hiện tại của ông tại Mỹ. Ông có tiếp tục theo đuổi các hoạt động đấu tranh không, và ông cảm thấy như thế nào?
– Điếu Cày: Như bao nhiêu người nhập cư khác, tôi gặp khó khăn từ các rào cản ngôn ngữ, từ sự hội nhập với xã hội mới, vì vậy mà tôi phải vừa đi học để vượt qua rào cản ngôn ngữ, vừa phải tiếp tục mưu sinh.
Tất cả những khó khăn của tôi cũng là khó khăn mà những người mới nhập cư gặp phải. Tuy vậy, là người đã trải qua nhiều năm trong tù, thì những khó khăn này không lớn và nó không cản trở được tôi tiếp tục đấu tranh cùng với phong trào ở trong nước.
Tôi vẫn tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình. Đó là một nạn nhân, một nhân chứng để đến tố cáo với cộng đồng hải ngoại và các tổ chức quốc tế về sự khó khăn gian khổ của tù nhân, việc đàn áp nhân quyền của chính quyền cộng sản đối với anh em tù nhân lương tâm ở trong nước. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh của mình chứ không dừng lại.


* Amnesty International: Nhìn về tương lai nhân quyền của Việt Nam như thế nào dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới?
– Điếu Cày: Chúng ta phải thấy rằng trong 2 nhiệm kỳ mà ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng và ông Nguyễn Xuân Phúc làm phó thủ tướng phụ trách lãnh vực liên quan đến ngành công an, ông Trần Đại Quang làm bộ trưởng bộ công an, thì thấy các anh chị em đấu tranh dân chủ, các blogger, các nhà báo bị bắt, bị đàn áp nhiều nhất và dữ dội nhất.
Nhất là trong mấy năm gần đây, tình trạng nhân viên an ninh giả dạng côn đồ, dưới sự bảo kê của công an đánh đập dã man những người bất đồng chính kiến mà trách nhiệm chính thuộc về bộ trưởng bộ công an.
Vậy mà giờ đây trong chính phủ mới chúng ta thấy rằng ông Nguyễn Xuân Phúc thì làm thủ tướng còn ông Trần Đại Quang ngồi ghế chủ tịch nước.
Một ông thì lãnh đạo hành pháp và một ông thì lãnh đạo tư pháp, rõ ràng là tuơng lai dân chủ của Việt Nam khi những người này lên thì chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự khó khăn cho phong trào trong nước.
Nhưng mà chúng ta cũng phải nhìn lại rằng trong suốt thời kỳ mà hai ông này nắm giữ ở những cái ngành liên quan đến nhân quyền mà đàn áp nhân quyền khốc liệt như vậy thì phong trào đấu tranh dân chủ trong nước vẫn ngày càng mạnh mẽ chứ không có giảm sút.
Vì vậy, rõ ràng là cái sự đàn áp của chính quyền đối với phong trào dân chủ ở trong nước không làm cho anh em dân chủ trong nước sợ hãi và lùi bước. Và càng ngày càng có nhiều người dám đứng ra để tiếp tục đấu tranh cho dân chủ.
Vì vậy tôi nghĩ rằng ở trong tương lai, việc đẩy mạnh các hỗ trợ từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như là tăng cường việc quyết tâm đấu tranh của anh em ở trong nước mạnh mẽ hơn, thì chúng ta sẽ thay đổi được những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta không chờ đợi họ tự thay đổi, mà phải buộc nhà cầm quyền CSVN tuân thủ, thực thi đầy đủ các luật pháp quốc tế và công ước quốc tế.
Chỉ mới ngày hôm qua thôi, cái phán quyết của toà CPA đã cho thấy rằng những cuộc đấu tranh đòi chủ quyền bảo vệ lãnh thổ quốc gia của người dân Việt Nam đối với chính quyền Trung Quốc là chính đáng, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Và như vậy là nhà cầm quyền không còn tính chính danh để mà đàn áp những người đấu tranh dân chủ bảo vệ chủ quyền quốc gia liên quan đến các vấn đề biển Đông hay là vấn đề môi trường vừa rồi ở Việt Nam.
Tương lai dân chủ ở phía trước mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế, chúng tôi nhất định sẽ thành công.





No comments: