Sunday, March 11, 2012

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG : BẮC KINH SẼ DÙNG CẢ KINH TẾ, QUÂN SỰ (Người Việt)



Người Việt

BẮC KINH (NV) - Trung Quốc sẽ dùng cả áp lực kinh tế và quân sự để đối phó khi có các diễn biến về tranh chấp Biển Ðông không đi theo chiều hướng Bắc Kinh muốn.

Tướng La Nguyên (Luo Yuan), một tướng lãnh được coi là thuộc phe diều hâu trong quân đội Trung Quốc đưa ra ý kiến như vậy trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin China News Services (CNS) và được đăng tải trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phó bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân nhật báo.

Nhân khi được hỏi về lý do tại sao ông ta lại đề nghị Trung Quốc thành lập một bộ phận tuần biển thống nhất (national coast guard) thay vì thuộc trách nhiệm nhiều cơ quan khác nhau như hiện nay, La Nguyên nói: “Giải quyết tranh chấp Biển Ðông (theo cách gọi của Việt Nam hay Nam hHải theo cách gọi Trung Quốc và Biển Tây theo cách gọi của Philippines) không thể tùy thuộc hoàn toàn vào các phương tiện quân sự mà Trung Quốc còn có thể các phương cách khác. Tuy Trung Quốc cam kết phát triển hòa bình không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ sử dụng võ lực.”

Khi được hỏi về quan điểm của ông ta đối với việc Philippines loan tin cương quyết cho đấu thầu dò tìm và khai thác dầu khí cả khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dù chỉ cách đảo Palawan của Phi chỉ từ 72 hải lý đến 80 hải lý, La Nguyên nói: “Trung Quốc phải nói rõ với Philippines rằng các vấn đề kinh tế sẽ không hoàn toàn tách biệt khỏi các vấn đề quân sự. Nước họ không thể kiếm lợi bằng cách giao thương với Trung Quốc và lôi cuốn đầu tư từ Trung Quốc trong khi vi phạm các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ lập một danh sách đen để đánh dấu ai là người gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia Trung Quốc, kể cả các công ty ngoại quốc hợp tác với Philippines để khai thác Biển Ðông. Nếu họ vẫn có khiêu khích Trung Quốc, họ đáng bị trừng phạt kinh tế.”

Câu trả lời này cũng có thể hiểu gián tiếp cho cả Việt Nam. Việt Nam cũng như Philippines lệ thuộc rất lớn vào mậu dịch hàng năm với Trung Quốc. Việt Nam phần lớn cung cấp nông sản, quặng mỏ, nguyên liệu thô cho Trung Quốc và đổi lại mua nguyên liệu biến chế, máy móc, hóa chất, hàng điện tử và cả thực phẩm, nói chung đủ loại hàng hóa.

Năm 2007, thâm thủng mậu dịch từ Trung Quốc của Việt Nam là $9.145 tỷ USD, bằng 64% tổng mức nhập siêu cả năm, năm 2008, đó là con số $11.16 tỷ USD và tỷ lệ là 61%. Năm 2009, con số này đã tăng tiếp lên $11.532 tỷ USD, bằng 90% tổng nhập siêu cả năm, được cho là mức báo động.

Nhưng năm 2010, thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc được báo chí tại Việt Nam mô tả cao “ngất ngưởng” và đã nâng lên mức báo động đỏ: $12 tỷ USD, bằng 105% mức nhập siêu cả năm của Việt Nam. Không dừng ở đây, Tổng Cục Thống Kê Hà Nội cho hay 11 tháng đầu của năm 2011, nhập khẩu từ Trung Quốc gần $22.048 tỷ USD (tăng gần 30% so với cùng kỳ) còn xuất khẩu chỉ thu về gần $9.681 tỷ USD (tăng 53% so với cùng kỳ). Càng ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc nền kinh tế của Trung Quốc dù các lãnh tụ Hà Nội nhiều lần kêu gọi giải quyết cán cân mậu dịch quá chênh lệch, có hại cho nền kinh tế của Việt Nam.

Nếu Trung Quốc trở mặt, đánh đòn kinh tế, Việt Nam sẽ xoay trở vô cùng khó khăn.

Trong cuộc phỏng vấn của CNS, Tướng La Nguyên khi được hỏi về sự cáo buộc của Việt Nam gần đây khi tàu đánh cá (của tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, cướp đoạt tài sản và đánh đập ngư dân khi người ta chạy tới đảo Phú Lâm tránh gió, ông ta biện hộ rằng: “Không có gì sai khi Trung Quốc bảo vệ chủ quyền trên Biển Ðông. Biện pháp nào sẽ được áp dụng, còn tùy các hoàn cảnh.”

Dịp này, ông ta giải thích lý do Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa rằng, “Năm 1974, Trung Quốc đụng độ hải quân với VNCH ở Hoàng Sa. Bắc Việt Nam hậu thuẫn Trung Quốc, công nhận Trung Quốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Bây giờ, do lợi ích kinh tế, nhu cầu cần tài nguyên và các tình cảm quốc gia, quần đảo Hoàng Sa trở thành vấn đề phức tạp.” (TN)
.
.
.

No comments: