Friday, March 16, 2012

THAM LUẬN tại HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH GENEVA về NHÂN QUYỀN & DÂN CHỦ (Michel Trần Đức)



Michel Trần Đức
Cập nhật: 14/03/2012


Hội Nghị Thượng Đỉnh Geneva Lần Thứ Tư  về Nhân Quyền và Dân Chủ - 13/03/2011
Tham luận của ông Michel Trần Đức

Việt Nam - Lạm dụng luật pháp để vi phạm Nhân Quyền

Kính thưa quý vị,

Kính thưa quý bạn tranh đấu cho tự do và nhân quyền,

Thật là một sự hãnh diện to lớn cho tôi hôm nay, được trình bày đến quý vị tình hình của nước tôi — Việt Nam.


Đối với một số người, thì Việt Nam là một nơi thiên đường với khí hậu nhiệt đới, với các món ăn ngon miệng, với những bãi biển cát nóng, với những cung điện huy hoàng, hay với cảnh vịnh Hạ Long tuyệt đẹp.

Nhưng Việt Nam cũng là địa ngục đối với nhiều người khác. Nhiều người chỉ mong được rời khỏi địa ngục đó như nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy đã tâm tình vào tháng 6/2011.

Sao lại có một sự tương phản lớn đến như thế?

Tiềm ẩn trong bộ dạng của một con cọp Á châu, Việt Nam đưa ra hình ảnh một nước ôn hòa, thống nhất, và phát triển từ hơn hai mươi năm nay. Thật ra nhìn từ bên ngoài, du khách và các quan sát viên ít cảnh giác sẽ không thấy được tại sao các tổ chức bảo vệ nhân quyền lại liên tục điều tra về những lời tố cáo các vi phạm nhân quyền ở đây.

Chỉ cần cạo đi lớp sơn mỏng phủ trên bề mặt là có thể thấy được tình hình tại đất nước này không mấy tươi sáng như người ta tưởng.

Khuôn mẫu tăng trưởng kinh tế hiện nay của cả nước dựa trên đầu tư ngoại quốc là chính và trên nhân công rẻ mạt, dễ bảo, được bảo vệ bởi một trong những hệ thống luật pháp lỏng lẻo nhất. Cái mà chế độ ở Việt Nam gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không có gì khác hơn một thứ kinh tế tư bản hoang dã áp đặt lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam.


Trầm trọng hơn nữa, sự tăng trưởng kinh tế đã tạo ra những bất công kỷ lục ngày càng đào sâu vì những người làm giầu luôn là những kẻ có quan hệ xa gần với chính quyền hiện tại. Hiện tượng này được khuếch đại lên vì nạn dịch tham nhũng đang len lỏi mọi nơi trong guồng máy hành chánh nhờ hệ thống chính trị bị khóa chặt.

Việc mở cửa kinh tế ồ ạt này đã không đi kèm với việc mở cửa hệ thống chính trị ở Việt Nam, vốn vẫn là một trong những nước cộng sản cuối cùng trên thê giới — cùng với Cuba, Trung Quốc, Lào và Bắc Triều Tiên. Trong một nước mà chỉ có đảng cộng sản là có quyền hiện hữu. Và sự đàn áp những người đối lập chính trị và những người tranh đấu cho dân chủ diễn ra liên tục.

Sau khi bị cô lập trong một thời gian dài trên chính trường quốc tế, từ khoảng mười năm nay, Việt Nam có vẻ như đang tìm một vị trí đáng kính trọng nào đó và liên tục ứng cử vào nhiều chức vụ như gia nhập WTO năm 2007, trúng tuyển làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ (2008-2009), chủ tịch ASEAN năm 2010. Và thật là mỉa mai khi Việt Nam, một nước với không biết bao nhiêu tố cáo vi phạm nhân quyền, lại xin làm ứng viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, nhiệm kỳ 2014-2016.

Vào được những vị thế danh dự này, chế độ cộng sản Việt Nam muốn đưa ra bộ mặt của một quốc gia văn minh, một quốc gia pháp trị, và không có ai bị bắt vì chính kiến của mình mà chỉ vì họ vi phạm luật pháp. Tại điểm này cũng vậy, sự thật hoàn toàn khác biệt với hình ảnh đó. Nhà cầm quyền Hà Nội trắng trợn lợi dụng luật pháp để bịt miệng giới đối lập chính trị. Sau đây là một vài dẫn chứng.

Ổ khóa Hiến Pháp

Trên nguyên tắc, trong một nước pháp trị, khi một quốc gia ký kết một văn bản quốc tế, quốc gia đó phải chắc chắn rằng Hiến Pháp của họ phù hợp với văn bản quốc tế đó. Tiếp theo, các điều luật của quốc gia phải phù hợp với Hiến Pháp. Và sau cùng, các nghị định áp dụng luật phải phù hợp với luật pháp và Hiến Pháp.


Việt Nam là một nước đã ký kết vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị . Lý thuyết mà nói thì Việt Nam có bổn phận phải tôn trọng và chỉ đạo việc tôn trọng các quyền con người ở mọi tầng cấp của Nhà Nước. Nhưng Điều 4 của bản Hiến Pháp năm 1992 của Việt Nam đã vi phạm nhiều điều khoản của cả hai văn bản quốc tế nêu trên. Điều 4 Hiến Pháp quy định : “ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội “. Điều này biểu hiện tình trạng độc quyền của đảng CSVN và từ chối quyền hiện hữu của những đảng phái chính trị khác không hơn không kém. Và, vì các chính đảng khác không có quyền cai trị đất nước, không có lý do gì các đảng này có quyền hiện hữu. Đây là phương cách triệt tiêu mọi hình thức đối lập chính trị hợp pháp.

Công lý phải tuân theo lệnh của chế độ

Bộ Luật Hình Sự năm 1999 của Việt Nam, được tu sửa năm 2009, và điều 1 của nó khẳng định “ Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ”, nghĩa là trước cả nhu cầu duy trì sự tôn trọng nền luật pháp. Với Điều 1 này thì khỏi cần phải nói đến những ý niệm về độc lập và công bằng của nền pháp lý với các thẩm phán và chánh án ở Việt Nam. Tòa án, luật sư biện hộ, các thẩm phán đều hành xử theo lệnh của Bộ Tư Pháp, và chính Bộ này cũng phải nghe lệnh của Đảng Cộng Sản. Hơn nữa, các công tố viên, các thẩm phán, các lục sự, các luật sư trưởng đều là đảng viên Đảng Cộng Sản, và cái vòng lẩn quẩn đã thành hình.

Những điều tạp nham trong Bộ Luật Hình Sự

Cũng trong bản Hiến Pháp năm 1992, các Điều 50, 53 và 69 bảo đảm cho công dân được những quyền căn bản, và cho phép họ tham gia đời sống chính trị, lập hội và tự do ngôn luận nhưng phải “trong khuôn khổ luật pháp”.


Cách nói “ trong khuôn khổ luật pháp ” tạo điều kiện cho chế độ Hà Nội vừa làm dáng như tôn trọng nhân quyền vừa có thể biện minh chỉ bắt giữ những người vi phạm luật pháp mà thôi. Vì một khi diễn giải ra theo bộ luật hình sự, thì đây là một thuật ngữ gói trọn rất nhiều hạn chế đối với các quyền tự do. Tôi chỉ xin kể ra ba dẫn chứng:

Điều 79 (về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) đã được mang ra áp dụng với tất cả những thành viên của mọi phong trào chính trị được cơ cấu hóa như một tổ chức, một chính đảng. Chỉ tại các nước độc tài mới có loại “ tội phạm ” kiểu này. Trong bất cứ một quốc gia dân chủ nào, chính phủ có thể bị “ lật đổ ” sau mỗi cuộc bầu cử. Hơn nữa, người ta không nói đến lật đổ mà nói đến luân phiên chính trị.
Điều 88 (về tội tuyên truyền chống Nhà Nước CHXHCN Việt Nam) được mang ra áp dụng với tất cả những người phê bình công khai chính sách của chính phủ. Tại Việt Nam, tự do ngôn luận đã bị hạn chế tối đa bởi điều khoản này trong bộ luật hình sự. Mỗi người có thể phát biểu, nhưng không được phê phán Nhà Nước hay đảng cộng sản, nếu không sẽ bị đi tù nhiều năm. Chỉ từ năm 2007, hàng mấy chục người đã bị bỏ tù vì vi phạm điều khoản này.
Điều 258 (về tội lạm dụng các quyền tự do dân chủ) là một điều kỳ quái mà chỉ có các chế độ độc tài mới có thể viết ra. Theo điều này, bất cứ ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, lập hội hay bất kỳ quyền tự do nào khác đều có thể bị lãnh án từ cảnh cáo đến 3 năm “ cải tạo ”, kể cả tù giam khi trường hợp nghiêm trọng.
Chỉ với ba điều khoản tạp nham này đã đủ thấy sự mơ hồ của bộ luật hình sự , và nhà cầm quyền cố ý duy trì sự mù mờ này và quên luôn việc đưa ra những nghị định áp dụng rõ ràng đối với những tội phạm. Sự mù mờ này tạo điều kiện cho công an, thẩm phán và chánh án bắt giữ và kết án bất cứ ai, bất cứ lúc nào.

Quyền biện hộ bị chà đạp

Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đầy dẫy những ý tốt như: mọi người được coi là vô tội trước khi có án, tất cả công dân bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm toàn vẹn thân thể và tinh thần của những người bị sưu tra, sự vô tư của điều tra viên, sự tôn trọng quyền biện hộ, v.v. Nhưng thực tế thì thế nào?

Thí dụ, điều 48 của luật tố tụng hình sự nói rằng những người bị tạm giam phải được thông báo lý do bị giam giữ. Những người viết điều khoản này đã quên không xác định thời hạn vì như trường hợp của giảng viên toán học Phạm Minh Hoàng, ông ta chỉ được cho biết lý do sau nhiều tuần lễ bị tạm giam. Tệ hơn nữa, tất cả những trao đổi giữa ông Phạm Minh Hoàng với luật sư của ông đều bị công an quay phim và giám sát chặt chẽ.


Tại Việt Nam, luật sự bào chữa chỉ có thể gặp thân chủ của mình sau khi giai đoạn điều tra chấm dứt. Giai đoạn này có thể kéo dài đến một năm. Đây là một thời gian rất dài mà người bị cáo nằm trong tình trạng cô đơn và phải chịu đựng tất cả các đòn áp lực và hành hạ của Công An để “ khai tội ”, từ việc bị bỏ đói đến cấm ngủ, đánh đập, v.v.

Nhưng còn tệ bại hơn nữa. Vào tháng 5/2011, 7 nhà tranh đấu về đất đai ở Bến Tre, trong đó có một số đảng viên Việt Tân, đã chỉ có thể gặp mặt luật sư của họ một tuần trước phiên tòa, trong khi họ bị bắt giữ chiếu theo điều 79. Làm sao mà một luật sư, dù ông ta giỏi đến đâu, có thể chuẩn bị đầy đủ hồ sơ biện hộ cho thân chủ của mình chỉ trong một tuần trong lúc họ có thể bị kết án tử hình?

Những phiên tòa tống tháo

Các vụ xử án liên quan đến chính trị không kéo dài quá một ngày. Thường có khi chỉ khoảng vài ba giờ đồng hồ. Phiên tòa thực ra chỉ là nơi để chính quyền tuyên bố bản án đã được định sẵn. Trước khi xét xử, Công An, Tòa Án và thẩm phán họp lại và quyết định trước bản án cũng như hình phạt. Phiên tòa chỉ là để chính thức tuyên bố quyết dịnh đã có trước đó, có thể nhẹ hơn một chút nếu bị cáo nhận tội và xin khoan hồng. Vì vậy, các luật sư biện hộ đã bị đóng khung trong vai trò làm cho phiên tòa thêm phần trịnh trọng. Các luận cứ và biện hộ của họ không có ảnh hưởng gì lên quyết định của chánh án. Trong những điều kiện như thế, người ta không ngạc nhiên khi thấy chưa hề có một nhà đối kháng nào được tha bổng tại một tòa án Việt Nam.


Các quan sát viên ngoại quốc ít khi được cho phép tham dự các phiên tòa. Trong vài trường hợp rất được truyền thông chú ý, các nhà ngoại giao mới thỉnh thoảng được phép theo dõi xét xử qua mản ảnh truyền hình được đặt ngoài phòng xét xử. Và dù rằng chính phủ tuyên bố các phiên xử đều công khai, rất nhiều khi bạn bè và cả thân nhân người bị xét xử cũng bị cấm vào phòng xét xử. Đó là trường hợp bà mẹ của ông Phạm Minh Hoàng hôm tháng 8 năm 2011, đã không được được dự phiên tòa xét xử con mình vì người ta nói phòng “chật rồi”.

Những nhà đối kháng chính trị bị xét xử có được phép kháng án; nhưng thường thường, tòa phúc thẩm cũng y theo bản án ở tòa dưới, hay nhiều lắm là ân giảm một vài tháng tù nếu có sức ép quốc tế. Trái lại, quyền phá án là đặc quyền của tòa án và trường hợp này chưa bao giờ xảy ra với các vụ xử chính trị, bởi vì các thẩm phán và tòa trên không hề bất đồng ý kiến với nhau.

Các luật sư bảo vệ cho những người tranh đấu cũng bị rơi vào tầm nhắm

Khi người luật sư muốn bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền và muốn chu toàn trách nhiệm nghề nghiệp của mình đến cùng, chính quyền sẽ dùng một luận cứ cực kỳ thuyết phục, đó là xóa tên vị này ra khỏi danh sách luật sư đoàn. Việc này có nghĩa là vị này bị tước bằng và giấy phép hành nghề luật sư.

Nếu nền tư pháp ở Việt Nam không có tính độc lập thì luật sư đoàn Việt Nam cũng vậy. Một trong những sứ mạng cao quý nhất của luật sư đoàn là bảo vệ những đồng nghiệp của mình chống những lạm dụng của chính quyền. Nhưng ở Việt Nam, luật sư đoàn tuân thủ mệnh lệnh của Bộ Tư Pháp và chính vì vậy mà từ năm 2007, hơn một chục luật sư đã bị mất việc như các LS Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, v.v.

Nạn nhân mới đây nhất là luật sư Huỳnh Văn Đông. Ông đã bị xóa tên khỏi danh sách luật sư đoàn vào tháng 8/2011 sau phiên tòa xử các nhà tranh đấu ở Bến Tre. Tại đây, người ta đã không cho ông được biện hộ chu đáo cho các thân chủ của mình. Luật sư Đông đã bị trục xuất ra khỏi phòng xử ngay giữa phiên tòa.

Người ta dễ dàng thấy rõ nghề luật sư ở Việt Nam không phải là một nghề dễ làm. Tuy vậy, con số khá cao các luật sư bị xóa tên ra khỏi danh sách luật sư đoàn chứng tỏ đã thật sự có một tinh thần ý thức trách nhiệm trong nghề luật sư tại đây. Càng ngày càng nhiều luật sư Việt Nam thực sự muốn biện hộ cho các thân chủ của mình chống lại bất công. Họ làm điều đó bất chấp sự kiện chính họ cũng có thể trở thành mục tiêu của chế độ.

* * *


Việt Nam dù có cố gắng bao nhiêu để trình diễn một khuôn mặt văn minh ra với thế giới, nhưng chỉ cần nhìn kỹ vào thực trạng quốc gia này, người ta có thể thấy được chế độ đương quyền vẫn là một trong những chế độ chậm tiến nhất thế giới trên bình diện công lý, với những phương thức tương đương với những năm tệ bại nhất dưới thời Stalin hay Mao Trạch Đông. Tại các nước Tây Phương, một bản án có thể bị hủy bỏ vì nhà nước không tuân theo đúng tất cả các điều trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự. Rất tiếc rằng điều này không có tại Việt Nam. Vì nếu có thì các trại tù ở Việt Nam đã không đến nỗi đầy các tù nhân chính trị đến như thế.

Việt Nam có thể sẽ tu chính Hiến Pháp và một số điều luật của Bộ Luật Hình Sự. Nếu sự việc này diễn ra thật sự, chúng ta cần tạo nhiều áp lực lên nhà cầm quyền CSVN để sự tu chính này mang đến nhiều điều tích cực cho bộ máy luật pháp, và đặc biệt là hủy bỏ các điều 79, 88 và 258.

Xin cảm tạ quý vị đã lắng nghe.

(WebVT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp — 14/3/2012)


Bài liên hệ :


.
.
.

No comments: