Lê Anh Hùng
22-03-2012
“…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không,
dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai
với các cường quốc năm châu được hay không, chính là
nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”
Hồ Chí Minh
Nhờ thấm nhuần tinh thần nhân văn cao cả “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và quán triệt tầm nhìn xa trông rộng “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” nên hiếm có nơi nào trên thế giới mà ở đó trẻ em được chăm sóc tận tình, chu đáo như ở Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Này nhé, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Ngay ở lứa tuổi mầm non, các cháu đã được chăm lo cho đến từng giấc ngủ, nhờ đó mà hình ảnh của người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam” (1), đã sớm đi vào giấc mơ của các cháu:
Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ
Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ…
Mới 9 tuổi,các cháu đã trở thành những đội viên “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, đã biết hô vang những câu khẩu hiệu sặc mùi chính trị như “Vì Tổ quốc XHCN, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!” Những cháu nào đạt một số tiêu chí nhất định thì được tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, một danh hiệu mà các nhà lãnh đạo Đảng rất quan tâm hầu qua đó giáo dục ý thức chính trị và lòng trung thành với lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, thiên đường trên mặt đất của nhân loại.
Đặc biệt, chương trình phổ thông của các cháu còn được chính trị hoá một cách triệt để, nhất là là môn văn và môn lịch sử. Xin đơn cử, gần như tất cả các đề thi tốt nghiệp và đề thi vào đại học của môn sử gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Namtừ sau năm 1930, năm ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chưa hết, lên đến bậc đại học, một trong những môn chủ yếu mà sinh viên được học là Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam(bên cạnh những môn bắt buộc mang tính siêu tưởng như Chủ nghĩa Xã hội Khoa học). Điều này thì khỏi cần phải thắc mắc làm gì, vì “Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”; nhờ có Đảng mà các cháu mới có được ngày hôm nay, chứ nếu không thì chắc chắn Việt Nam còn thua cả Lào và Campuchia nữa kia. Thế nên chỉ những ai thiếu hiểu biết mới dám phát biểu hàm hồ như thế này: “Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó… chỉ là tiền sử, là thời man dã, con người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người!” (2)
Nhờ nền giáo dục tiên tiến và đậm đà bản sắc nô dịch như thế mà ở tuổi còn đái dầm, các cháu đã nắm được những kiến thức vô cùng sâu sắc và thiết thực như ai là “lãnh tụ của giai cấp công nhân thế giới”, còn ai là “lãnh tụ của giai cấp vô sản”, điều mà chắc chắn là chẳng có học sinh nào trên thế giới có thể biết được.
Hàng năm, cứ đến mùa khai trường, lãnh đạo các cấp lại thường dành thời gian vàng ngọc của mình để tham dự lễ khai giảng với các cháu và, tất nhiên, không quên để lại những lời huấn thị cho lớp lớp mầm non của đất nước, trong đó phần lớn là những “danh ngôn” để đời như câu hỏi mà nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đặt ra cho các học sinh trường PTTH Chu Văn An tại lễ khai giảng năm học 2010-2011 ngày 4/9/2010 trước sự ngẩn ngơ của các cháu: “Làm người có khó không các cháu? Có khó không? Thế tóm lại là có làm được không?”
Với một nền giáo dục ưu việt như thế, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng như thế, rõ ràng là chỉ những kẻ thiển cận mới một hai kêu gào đòi “cải cách giáo dục”; họ không chịu hiểu rằng một khi vẫn nhất quyết đội hai ông tổ sư kia trên đầu thì quyết tâm cải cách giáo dục cũng giống như quyết tâm “thay đổi 360độ” vậy thôi; họ không chịu hiểu rằng hơn 60 năm qua, Việt Nam đã trải qua những 3 lần “cải cách giáo dục” lớn (1950, 1956, 1979), chưa kể vô số “cải cách” lẻ tẻ khác, mà nhờ đó nền giáo dục nước nhà mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Trong khi đó, nền giáo dục Việt Nam lại còn thể hiện tính “nhân dân” và bản chất “tiến bộ” ở chỗ nó được dành cho mọi “chủ nhân” tương lai của đất nước, còn đám con cháu của những kẻ “đầy tớ” vốn thấp kém đến mức phải luôn “tự phê bình và phê bình” kia thì phần lớn phải chịu “thiệt thòi” là chỉ được học tập tại các trường quốc tế trong nước hay tại các nước thuộc xứ tư bản “đang giãy chết” để rồi một ngày nào đó chúng lại tiếp tục thân phận “đầy tớ” của bố mẹ chúng thôi.
Giáo dục là chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai. Tương lai nào cho ViệtNamluôn ôm mộng hoá rồng đây?
L. A. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(1) Điều 4, Hiến pháp 1980.
(2) Nhà thơ Tố Hữu ca ngợi Cách mạng tháng Mười Nga: Thuở Anh chưa ra đời / Trái đất còn nức nở / Nhân loại chửa thành người / Đêm ngàn năm man rợ. (Bài ca Tháng Mười)
.
.
.
No comments:
Post a Comment