Friday, March 23, 2012

SÔNG TRANH 2 : NƯỚC TUÔN NHƯ SUỐI TRONG LÒNG ĐẬP (Tuổi Trẻ Online)



Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2:
Thứ Bảy, 24/03/2012, 07:32 (GMT+7)

TT - Hôm qua 23-3, nhà điều hành của Ban quản lý dự án thủy điện 3 (đơn vị quản lý thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam) được bảo vệ canh 24/24 giờ và không mở cửa cho báo chí.
Nhưng chúng tôi đã vào trong lòng đập chắn và chứng kiến các cột nước tuôn như suối trong thân đập này...

Một công nhân bên cột nước tuôn chảy ào ạt trong đường hầm của đập chắn thủy điện Sông Tranh 2 –
Ảnh: TẤN VŨ

Tại đập chính, công việc nối ống nước thu gom các mạch nước rò rỉ vẫn đang tiếp diễn. Những ống nhựa thu gom nước đã được nối dài hơn từ khe giãn nở số 16 kéo xuống tận chân đập dài khoảng 500m. Nước thay vì chảy trắng tràn nay dễ nhìn hơn khi được thu gom vào đường ống.

Sau nhiều lần liên lạc nhưng ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, không cho chúng tôi vào bên trong đường hầm vì cho rằng chúng tôi “chưa tập huấn về an toàn”.

Để tận mắt “mục sở thị”, chúng tôi đã tìm cách “bò” vào khu vực bí mật này. Đường hầm rộng khoảng 3m, cao hơn 2m, dài tít tắp theo chân đập được thắp điện sáng. Bên dưới đường hầm là hai rãnh thoát nước dành cho nước thấm kéo dài. Hàng đống can nhựa trắng đựng hóa chất kết dính nhanh nằm la liệt, ximăng, vôi vữa, dây điện, đục, búa để khắp nơi...

Nước ở đây xì ra tứ phía. Nước từ dưới bêtông chui lên như những mạch nước ngầm từ lòng đất, nước từ trong tường phun ra thành vòi, và đặc biệt là những cột nước trắng xóa đổ ầm ầm từ trần của căn hầm xuống nền bêtông. Hàng chục cột nước kéo dài theo bờ đập chính. Các công nhân cho biết họ đã đục bêtông dưới lối đi trong đường hầm này cho nước chảy qua.

Ngay sau chuyến khảo sát, chúng tôi đã gửi những hình ảnh này đến GS.TS Nguyễn Thế Hùng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Sau khi xem kỹ từng chi tiết trong đường hầm con đập.GS Hùng cho rằng có một số vị trí đập bị nứt và nước từ các khe nứt này phun ngược từ dưới lên trên bên trong hành lang thu nước, cho thấy đập hoạt động không bình thường.Vị trí nước chảy xối xả từ trên xuống hành lang trong ảnh các cây thép đã bị gỉ màu, chứng tỏ nó có ảnh hưởng nhất định đến tuổi thọ của đập.

GS Hùng cũng hoài nghi khi cho rằng không biết liệu các ron ngăn (tương tự các van omega) ngăn nước thấm từ thượng lưu về hạ lưu đập ở các khe nhiệt có hoạt động bình thường hay không? Nước có thấm theo các khe nứt của đập cùng chảy vào các ống thu nước này hay không? Điều đó cần phải xem xét cẩn trọng lần nữa chứ không thể kết luận vội.

TẤN VŨ

*
*
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kết luận: Có sai sót
Chiều 23-3, trao đổi với Tuổi Trẻ sau cuộc họp của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TS Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết hội đồng đã kết luận: “Để xảy ra hiện tượng rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 là có vấn đề sai sót, trong thiết kế không cho phép, nhưng hiện nay việc khai thác, sử dụng vẫn an toàn”. Ông Dung nói:
- Vấn đề thứ nhất được hội đồng kết luận là trận động đất kích thích xảy ra tháng 11-2011 có cường độ 3,4 độ Richter, tương đương cấp 5, tức thấp hơn cấp thiết kế. Thực tế kiểm tra và qua số liệu quan trắc cho thấy không ảnh hưởng đến hệ số an toàn của đập. Đương nhiên, sau động đất thì có các dư chấn nhưng ở cấp nhỏ hơn. Những dư chấn này người dân có thể nghe thấy nhưng đây là điều bình thường và sau một thời gian sẽ mất dần.
Thứ hai, việc để nước thấm và rò rỉ ra ngoài là điều thiết kế không cho phép, mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn của đập nhưng vẫn cần sớm có biện pháp khắc phục.
Thứ ba, nhắc nhở chủ đầu tư cần chủ động trong việc tổ chức khắc phục hiện tượng rò rỉ nước, đảm bảo an toàn lâu dài, không gây hoang mang cho nhân dân vùng hạ lưu.

* Như vậy có thể hiểu hiện tượng rò rỉ nước là sai sót trong thiết kế?
- Thực tế, thiết kế cho phép nước thấm trong đập ở mức độ quản lý được, mức thấm cho phép vào trong đập là 15 lít/giây và thấm ở đây là thấm qua vật liệu bêtông (thực tế khảo sát hiện nay đang thấm 30 lít/giây). Cũng theo thiết kế thì thủy điện Sông Tranh 2 có ba hầm ở các cao trình khác nhau để thu nước thấm, sau đó dẫn ra ngoài.
Việc thu nước này được thực hiện qua các đường ống, có những đường ống được đặt trong lúc đổ bêtông, còn có những đường ống được khoan đặt sau khi đổ bêtông và theo lý thuyết gọi đây là màng thu nước trong thân đập. Đập thủy điện Sông Tranh 2 có vấn đề ở màng thu nước làm việc không tốt, nên nước vượt qua màng thu tràn ra ngoài theo các khe co giãn.

* Vậy tại sao trong quá trình thẩm định, nghiệm thu không phát hiện sai sót này?
- Theo quy trình vận hành đập, chúng tôi được giao nhiệm vụ giám sát công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Trong giám sát ở mỗi lần cho tích nước đều có yêu cầu theo dõi, quan trắc về các vấn đề như lún, chuyển dịch và thấm nước, qua đó phải kiểm tra độ thấm của bêtông. Tuy nhiên, để kiểm tra được độ thấm nước phải mất hàng năm nên việc theo dõi thấm nước vẫn đang được thực hiện.

* Để xử lý vấn đề lỗi ở màng thu nước và khắc phục hiện tượng rò rỉ nước sẽ mất bao lâu?
- Cái này khó trả lời. Vấn đề hiện nay để khôi phục màng thu nước thì có biện pháp khoan thêm các lỗ thu nước về. Theo thiết kế đã có các lỗ khoan với cự ly 3m có một lỗ nên bây giờ phải thông tắc các lỗ khoan này. Đặc biệt, tại những chỗ có lượng nước đi qua lớn hơn thiết kế thì phải khoan các lỗ mới với mật độ dày hơn. Việc khoan này phải căn cứ vào bản vẽ đo về mức độ thấm, khi đó mới chỉ định khoan để thu nước về nên cũng mất nhiều thời gian và tiêu tốn kinh phí.
Hiện nay bộ trưởng Bộ Xây dựng đã yêu cầu EVN sớm có biện pháp khắc phục. Trước mắt yêu cầu phải có biện pháp chống thấm để giảm ngay lượng nước thấm vào thân đập và phải hoàn thành trước mùa lũ 2012 thì mới cho tích nước tiếp. EVN cũng đang cho phát điện tối đa để hạ mực nước xuống lấy diện tích bề mặt để dán vật liệu chống thấm, tăng cường khả năng chống thấm của lớp bêtông bên ngoài lên với mục tiêu phải rút nước ra ngoài thân đập. Đồng thời khôi phục, sửa chữa màng thu trong thân đập và đây là việc hoàn toàn làm được.

* Trường hợp tới mùa lũ chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục xong sẽ xử lý thế nào?
- Đây là yêu cầu phải thực hiện. Nếu làm chưa xong thì cương quyết không cho tích nước. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng không cho tích nước, mặc dù việc tích nước trong điều kiện hiện nay vẫn an toàn.

XUÂN LONG thực hiện

---------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :








.
.
.

No comments: