Friday, March 23, 2012

SAU THỈNH NGUYỆN THƯ LÀ GÌ ? (Mộc Lan, DCVOnline)



22-3-2012

Tôi không biết “Thỉnh Nguyện Thư Cho Nhân Quyền Việt Nam” với gần 150 ngàn chữ ký vừa rồi có tác dụng tới những người Việt khác như thế nào nhưng đối với tôi đó là một điều hết sức đặc biệt: lần đầu tiên tôi chú ý tới tầm quan trọng của lá phiếu.

Tôi vốn rất lơ là với chuyện bầu cử. Vẫn biết lá phiếu là quan trọng nhưng tôi vẫn làm biếng đi bầu. Có nhiều lý do; trước tiên vì Maryland không bao giờ là tiểu bang quyết định cho việc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ - tức là “swing state” (tiểu bang cán cân), mình bỏ phiếu mà biết trước lá phiếu của mình không có “cửa” thì cũng hơi nản chứ. Sau đó, là vì cái không khí xuội lơ của những người chung quanh, “Ôi, ai lên làm Tổng thống cũng thế thôi, có gì khác đâu!”

Nghĩ mà thấy buồn vì chỉ mới mấy chục năm trước thôi, nếu không nhờ có những phụ nữ Mỹ dũng cảm đứng lên đòi quyền bỏ phiếu thì ngày hôm nay tôi đã chẳng có cái quyền công dân cao quý ấy (1).

Đúng ra 4 năm trước tôi cũng có đi bầu Tổng thống đó chứ. Nhưng khi tới phòng phiếu, thấy hàng người xếp rồng rắn mà lúc đó đã gần 8 giờ tối (giờ đóng cửa), bên ngoài trời lại mưa dầm rả rích lạnh lẽo, tôi tự nhủ “Thế là Obama thắng rồi, có thêm lá phiếu của mình thì ổng cũng thua chắc” – “Ổng” đây là McCain. Và tôi bỏ về.

Trở lại câu chuyện “Thỉnh Nguyện Thư Cho Nhân Quyền Việt Nam”, tuy rất vui vì lần đầu tiên một đoàn trên 150 người Việt được chính thức mời vào Nhà Trắng, nhưng rất nhiều người trong đó có tôi đều biết rằng đó chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình tham gia vào đời sống chính trị Hoa Kỳ của toàn cộng đồng người Việt, nên có câu hỏi được đặt ra, “Tiếp theo Thỉnh Nguyện Thư sẽ là gì?”

Tôi rất vui mừng và hy vọng vào dự tính của nhạc sĩ Trúc Hồ khi ông nói đài SBTN sẽ đến từng tiểu bang, vận động đồng hương lập ra những nhóm cử tri để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 sắp tới. Tôi nghĩ tới cái không khí nhộn nhịp náo nức đó khi mọi người cùng họp lại với nhau không phải để ăn uống, để vui chơi mà để bắt tay cùng làm một công việc chung mà kết quả tin chắc là tốt đẹp. Mà làm sao không tốt đẹp khi biết rằng kết quả bầu cử là trung thực chứ không bị gian lận như ở các nước độc tài.

Nhưng dù mong đợi làn gió mới đó, tôi vẫn thấy mình cần tự làm tròn phần việc của mình trước, đó là phải tham gia Primary Election (bầu cử sơ bộ) tại tiểu bang mình. Bạn đọc có thể vào trang 2012 Primary Elections by State để biết “Lịch bầu cử sơ bộ 2012” cho từng tiểu bang trên toàn nước Mỹ (2).

Khi ghi danh tôi chọn không Cộng Hòa cũng không Dân Chủ (unaffliated), nên mấy năm trước tôi bỏ qua lần bầu sơ bộ. Nhưng lần này tôi nghĩ khác, dù không được bỏ phiếu để chọn ứng viên tranh cử chức vụ Tổng thống (lần này là đảng Cộng Hòa) tôi vẫn có thể bỏ phiếu chọn các chánh án cho tòa án tối cao. Như thế, tên tôi sẽ nằm trong danh sách những người “thích” đi bầu và được coi là rồi cũng sẽ đi bầu vào ngày General Election (bầu cử toàn quốc, ngày 6 tháng 11).

Hãy thử tưởng tượng một ứng viên Dân biểu, Thượng nghị sĩ, Thống đốc, và cả Tổng thống, khi nhìn vào danh sách dài sọc những tên cử tri người Mỹ gốc Việt thường xuyên tham gia các cuộc tranh cử thì họ sẽ nghĩ gì ?

Chắc chắn họ phải tìm cách lấy lòng nhóm cử tri ấy.
Đơn giản là thế mà sao người Việt chúng ta chưa làm được?

Bởi vì có rất nhiều người cũng giống như tôi, phần vì làm biếng, phần vì thấy lá phiếu mình chẳng quyết định được gì nên không chịu theo dõi các cuộc bầu cử tại địa phương và tiểu bang mình đang sống. Kết quả là các ứng viên không thấy họ cần phải lắng nghe nhóm người Việt vì họ không thu được lá phiếu từ đó.

Thật sự, tôi không thích mất thì giờ đến phòng phiếu, nên lần này tôi điền đơn xin bỏ phiếu khiếm diện (absentee ballot). Tôi chỉ cần vào Net, lấy mẫu đơn, in ra, ghi vài chi tiết cá nhân đơn giản (tên, địa chỉ, năm sinh…), rồi gởi đi. Thế là tôi sẽ có phiếu bầu gởi đến tận nhà và sẽ bỏ phiếu mà không phải đi đâu hết.

Tò mò, tôi kiếm thử những trang web bầu cử của các tiểu bang đông người Việt khác mới biết không phải tiểu bang nào cũng cho bầu vắng mặt. Như Texas, muốn xin absentee ballot, người xin phải trên 65 hay phải ghi thêm địa chỉ mình sẽ đến ở khi đi vắng. Trong khi đó, California không những cho phép được bầu vắng mặt mà còn có phần tiếng Việt hướng dẫn mọi điều hết sức rõ ràng nữa.

Việc điền mẫu đơn xin phiếu khiếm diện đơn giản hơn nhiều so với việc ghi chữ ký vào trang web We The People vừa rồi. Một người có thể in ra mẫu đơn giùm nhiều người khác, bạn bè, anh em, in cho nhau; con cháu in cho ông bà chú bác. Điền đơn, gởi đi. Và như thế, chúng ta sẽ sẵn sàng cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Để tìm đơn xin phiếu bầu khiếm diện tại tiểu bang mình cư ngụ, bạn đọc có thể vào trang “Get Your Absentee Ballot Now!” (xin bấm vào đây). Chỉ cần nhắp chuột vào tên tiểu bang của mình, bạn sẽ được hướng dẫn tới trang riêng của ủy ban bầu cử của từng tiểu bang.

Trong “Lịch bầu cử sơ bộ 2012” ta thấy Virginia đã bầu sơ bộ để chọn ứng viên Tổng thống (Presidential Primary) vào ngày March 06 (Super Tuesday). Còn ngày June 12 sắp tới đây là bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang (State Primary). Đây vẫn là một cuộc bầu cử quan trọng vì các Thượng nghị sĩ và Dân biểu là những người trực tiếp đệ đạt nguyện vọng của cử tri lên Quốc Hội và biểu quyết cho các dự luật thành luật.

Hiện nay, đang có những dự luật vận động Nhân Quyền cho Việt Nam, đó là:
- H.R. 156: Vietnam Human Rights Sanctions Act
(Edward Royce [R-CA40] January 05, 2011)
- H.Res. 29: Calling for Internet freedom in Vietnam (Loretta Sanchez [D-CA47] January 07, 2011)
- H.R. 1410: Vietnam Human Rights Act of 2011 (Christopher Smith [R-NJ4] April 7, 2011).
- H. Res. 484: Calling on the Government of the Socialist Republic of Vietnam to respect basic human rights (Loretta Sanchez [D-CA47] December 6, 2011)

Trong quá khứ, những dự luật về Nhân Quyền cho Việt Nam thường được Hạ Viện thông qua khá dễ dàng nhưng thường bị ngăn chặn ở Thượng Viện. Vì thế chúng ta không nên bỏ qua những cuộc bầu các vị dân cử nơi ta đang ở. (3)

Tôi cám ơn nhạc sĩ Việt Khang đã dũng cảm sáng tác hai bài hát “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai”. Tôi cũng cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ đã quyết định lên tiếng cho Việt Khang. Tôi cám ơn những người Việt đã lặn lội ngàn dặm xa xôi để đưa Thỉnh Nguyện Thư tới Quốc Hội Hoa Kỳ. Những người ấy đã làm phần của họ. Còn tôi, tôi phải làm cái phần bé nhỏ của mình.

Tôi cũng mong sao các tờ báo và đài phát thanh nên chú ý thêm về việc hướng dẫn và thông báo cho mọi người về các cuộc bầu cử tại địa phương mình. Thực tế cho thấy nhờ có sự vào cuộc của các đài phát thanh trên toàn nước Mỹ như SBTN, Saigon Radio Dallas 890, Việt Nam Hải Ngoại - Hoa Thịnh Đốn, v.v. đã thường xuyên phát hai bài hát của Việt Khang và cuộc vận động chữ ký nên mới có kết quả tuyệt diệu đến bất ngờ .

Những bước kế tiếp Thỉnh Nguyện Thư sẽ không chỉ là việc đi bầu, bỏ phiếu, mà còn là “bỏ cho ai”, điều này hứa hẹn một không khí hào hứng trong thời gian tới. Và cũng có thể sẽ tạo ra một vận hội mới cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.



© DCVOnline



(1). Vào năm 1851, tại hội nghị lần thứ hai của National Women's Rights Convention tại Worcester (Massachusetts), vấn đề phụ nữ phải có quyền được bầu cử đã trở thành trọng tâm của cuộc vận động các quyền cho phụ nữ. Cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử của phụ nữ Hoa Kỳ đã đạt được thắng lợi từng bước một tại từng tiểu bang và các địa phương suốt từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Cuối cùng đạt thành quả quyết định là Tu Chính Án Thứ 19 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ (1920), có câu: “Quyền bầu cử của công dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ không bị từ chối hay giảm bớt bởi Liên Bang hay bởi bất kỳ tiểu bang nào vì lý do giới tính.”
(Trích Women's suffrage in the United States)

(2). Cần phân biệt 2 từ ngữ trong bầu cử sơ bộ là “caucus” và “primary”. Chỉ có Washington D.C. và 19 tiểu bang dùng phương thức “caucus”. Ở những tiểu bang còn lại thì cả hai đảng cùng chọn phương thức “primary”. Maryland áp dụng “closed primary” nghĩa là chỉ có những cử tri đã ghi danh với 1 trong 2 đảng mới được đi bầu để chọn ứng viên tranh cử tổng thống. Nhưng Virginia thì áp dụng “open primary”, chỉ cần có thẻ cử tri là ai cũng được đi bầu.
(Xem thêm Caucus Vs. Primary Election)

(3a). Để theo dõi sự tiến triển của các dự luật về nhân quyền, bấm vào trang Human Rights của govtrack.us

(3b) . Để gởi email cho các Dân biểu Hoa Kỳ, bấm vào trang US House of Representatives.

(3c). Để gởi email cho các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bấm vào trang US Senate.

(5). Trong lập pháp Hoa Kỳ, có 4 loại dự luật: bills, joint resolutions, concurrent resolutions, simple resolutions. Các dự luật ban đầu được đệ trình lên hoặc Hạ Viện hoặc Thượng Viện, dó đó, mang các ký hiệu khác nhau, được phân định như sau:

S. 123 - Bill originating in the Senate
S.R. 123 - Simple Resolution of the Senate
S.J.Res. 123 - Joint Resolution originating in the Senate
S. Con. Res. 123 - Concurrent Resolution originating in the Senate
H.R. 123 - Bill originating in the House
H.Res. 123 - Simple Resolution of the House
H.J.Res. 123 - Joint Resolution originating in the House
H.Con.Res. 123 - Concurrent Resolution originating in the House
.
.
.

No comments: