Monday, March 5, 2012

PHẨM GIÁ & SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA CÁC QUỐC GIA (Chrystia Freeland)



Chrystia Freeland
The New York Times   01-03-2012

Nguyễn Tâm chuyển ngữ
Posted by basamnews on 05/03/2012

Để hiểu tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống tuần này tại Nga, hãy đọc cuốn sách do hai giáo sư ở Mỹ viết, đang được phát hành trong tháng này. Cuốn Why Nations Fail( Vì sao có những quốc gia thất bại)” của hai tác giả: Daron Acemoglu, thuộc Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) và James Robinson, thuộc Đại học Harvard, là một tác phẩm cực kỳ tham vọng, trải qua các giai đoạn lịch sử cũng như đi vòng quanh thế giới để trả lời một câu hỏi rất lớn: Vì sao có một số nước trở nên giàu có, trong khi các nước khác lại không.

Câu trả lời của họ chỉ bằng một từ, như Acemoglu đã từng tóm tắt cho tôi, đó là “thể chế chính trị”. Hai ông Acemoglu và Robinson chia thế giới thành nhóm quốc gia được quản trị bởi những định chế “bao dung”, và nhóm quốc gia còn lại bị cai trị bởi những định chế “tước đoạt”. Xã hội bao dung, tiên phong là nước Anh cùng với cuộc Cách mạnh Vẻ Vang năm 1688, đã đem lại sự phát triển bền vững và những phát minh công nghệ. Những xã hội tước đoạt có thể đạt được sự thịnh vượng trong giai đoạn nhất thời, nhưng do bị cai trị bởi một nhóm nhỏ cầm quyền chỉ biết tư lợi, sức mạnh của nền kinh tế sau cùng cũng đến hồi lụn bại.

Ông Acemoglu nhận định: “Những xã hội [bao dung] thật sự có sự phân chia quyền lực chính trị hợp lý hơn, trong khi những xã hội khác lại không có. Đó là xã hội nơi giới tinh hoa, tầng lớp giàu có thể làm những gì họ muốn, trong khi ở những xã hội khác thì họ không thể”.

Đối với nhiều người trong chúng ta, đây là một kết luận đáng hoan nghênh. Có lẽ đó cũng là điều hiển nhiên. Nhưng Acemoglu chỉ ra rằng giới giáo sư, các nhà làm chính sách và giới lãnh đạo doanh nghiệp thường đưa ra những quan điểm hết sức khác biệt. Một bên cho rằng mọi vấn đề nằm ở chỗ cần phải có được hỗn hợp các chính sách tăng trưởng kinh tế và cơ chế kỹ trị đúng đắn. Theo lối tiếp cận này, ngầm ẩn trong các “toa thuốc” của rất nhiều phái đoàn IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), rằng nếu đất nước giàu lên, những vấn đề khác sẽ được giải quyết đâu vào đấy.

Một phiên bản của quan điểm này, đặc biệt trở nên thịnh hành kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, cho rằng vấn đề mấu chốt là quyền tư hữu. Các nhà cải cách ở Warsaw, Moscow và Bắc Kinh tin rằng, thiết lập được các quyền sở hữu, thành công về kinh tế, xã hội tất yếu sẽ đến.

Thế nhưng Acemoglu và Robinson lập luận rằng, nếu một chế độ tước đoạt lên nắm quyền, thì không có sự thịnh vượng hay quyền tư hữu nào có thể cứu đất nước đó khỏi kết cục suy tàn. Các học giả này tin rằng, nước Nga ngày nay chính là một chế độ tước đoạt xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa, đó là những gì tạo nên cuộc bầu cử vào tuần này, và những cuộc biểu tình phản đối đầy bất ngờ trước đó, có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Acemoglu nhận xét: “Nước Nga được cai trị bởi một nhúm người hẹp hòi. Điều duy nhất khiến thể chế này tiếp tục tồn tại là sự tăng vọt trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và kiểm soát truyền thông một cách tinh vi”.
Theo luận điểm của Acemoglu, tự bản chất của thịnh vượng không dẫn đến tăng trưởng bền vững: “Ả Rập Saudi có thể đạt tăng trưởng rất nhiều, nhưng đó không phải là sự tăng trưởng hợp lý. Nếu vét sạch dầu mỏ, Ả Rập Saudi sẽ như một nước Châu Phi nghèo nàn mà thôi”.

Một lập luận mang tính quyết định mà Acemoglu và Robinson nêu ra – và là điều các nhà cung cấp viện trợ nước ngoài cũng như các nhà tư vấn chính sách thường hay bỏ qua – giới lãnh đạo của những chế độ tước đoạt rất khôn ngoan khi không công khai thi hành các chính sách kìm hãm tăng trưởng bền vững. Họ không phải là đồ ngốc; họ chỉ đơn thuần dốc tâm vào việc mưu cầu lợi ích cho riêng bản thân. Sự thiếu hiểu biết chính là những người ngoài cuộc không nhận thức rằng trong một chế độ tước đoạt, lợi ích của kẻ cai trị và người bị trị không bao giờ đồng nhất.

Acemoglu tham chiếu trường hợp Tổng thống Hugo Chávez: “Khi bạn nghĩ về nhân vật nào đó như Chávez, bạn sẽ nhận thấy mục tiêu của ông ấy không phải là giúp Venezuela giàu có lên. Ông ta không để các thị trường vận hành bình thường, vì mục đích của ông ấy là thứ khác”.

Khuôn khổ phân tích của Acemoglu và Robinson giúp làm sáng tỏ một trong những điều dường như nghịch lý trong 12 tháng qua – những người thuộc tầng lớp trung lưu sung túc lại xuống đường tại thế giới Ả Rập, Ấn Độ và Nga để phản đối chủ nghĩa tư bản thân hữu. Nếu bạn tin rằng tăng trưởng kinh tế ngày nay là điều kiện đủ cho sự thịnh vượng lâu dài, thì những người biểu tình giàu có này đúng là những kẻ gây rối. Điều đó dẫn dắt giới quan sát nhận diện những nỗi bức xúc nhẹ nhàng hơn, như tìm hiểu vấn đề tôn trọng phẩm giá con người.

Nhưng Acemoglu và Robinson tin rằng sự tôn trọng phẩm giá con người và thịnh vượng lâu dài có quan hệ mật thiết với nhau. Những người phản kháng, vốn đặt yêu cầu về những quyền chính trị lên trước mọi vấn đề khác, hoàn toàn đúng; sự đồng thuận trong giới học thuật cho rằng, thật sai lầm nếu người ta chỉ tập trung vào những chính sách kinh tế đúng đắn.

Trong thời gian đầu của kỷ nguyên Putin, phương pháp của Acemoglu và Robinson từng là quan điểm rất thiểu số. Gần đây, vào năm 2008, trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, hai học giả phương Tây có ảnh hưởng lớn này đã đưa ra “sự giải thích theo lẽ thông thường về hiện tượng dân chúng hâm mộ Vladimir Putin” như sau: “Từ năm 2000, dưới thời Putin, trật tự đã được tái lập, kinh tế phát triển mạnh, tính theo mức bình quân, người dân Nga có mức sống tốt hơn trước đây. Tuy tự do chính trị sụt giảm, nhưng phát triển kinh tế lại đi lên. Putin có thể đã kéo lùi những thành quả dân chủ, nhưng người ta nói đây là những lễ vật hy sinh cần thiết trên bàn thờ ổn định và tăng trưởng”.

Hai tác giả này đã phản bác mạnh mẽ: “Lối nói thông thường này hoàn toàn sai khi gần như hoàn toàn dựa trên mối tương quan giả tạo giữa tăng trưởng và chế độ chuyên quyền. Sự nổi lên của nền dân chủ Nga vào thập niên 1990 quả thực xảy ra đồng thời với sự tan vỡ của nhà nước và kinh tế xuống dốc, nhưng nó không phải là nguyên nhân gây ra hai hiện tượng nói trên. Ngược lại, sự tái xuất hiện chế độ chuyên quyền tại Nga dưới trào Putin đã đồng hành với tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không phải là nguyên nhân tạo nên tăng trưởng (giá dầu tăng cao, sự phục hồi từ giai đoạn chuyển tiếp ra khỏi chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra tăng trưởng, nói vậy mới đáng tin)”.
Hai tác giả cuốn sách đã kết luận bằng sự dự báo về tương lai nước Nga hoàn toàn phù hợp trong khuôn khổ nghiên cứu của họ, liên quan đến các định chế tước đoạt đối lập với bao dung, và gán nhãn cho nước Nga trước đây của Putin: “Điện Kremlin nói về việc tạo nên một Trung Quốc kế tiếp, nhưng con đường của Nga có gì đó giống với Angola nhiều hơn – một nhà nước lệ thuộc vào dầu mỏ hiện đang phát triển nhờ giá dầu tăng cao, nhưng trong quá khứ sự tăng trưởng đã gặp trục trặc khi giá dầu xuống thấp, giới lãnh đạo có vẻ mải mê bám chặt lấy quyền lực nhằm kiểm soát nguồn lợi từ dầu mỏ và tài nguyên khác thay, vì cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng cho người dân.

Acemoglu và Robinson tỏ ra quyết liệt với giới chuyên gia, quan chức và doanh nhân phương Tây, những người mà theo họ, dễ dàng bị giới lãnh đạo của các chế độ tước đoạt cám dỗ, đặc biệt là những người được thụ hưởng sự thịnh vượng nhất thời.

Nhưng bài viết trên tạp chí Foreign Affairs năm 2008 đã đánh dấu một trường hợp ngoại lệ rất quan trọng. Một trong những tác giả của bài chỉ trích cực sốc đối với chủ nghĩa Putin là Michael A. McFaul, tân đại sứ Mỹ tại Moscow. Sự bổ nhiệm này được nhiều người trong và ngoài nước Nga ca ngợi vì đã tận dụng kỹ năng của một chuyên gia nổi tiếng về Nga, có thể là một lý do để hy vọng về nước Nga hôm nay.

Chrystia Freeland là biên tập viên toàn cầu của hãng tin Reuters.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm

------------------------------------





.
.
.

No comments: